Dữ dội, bạo liệt với Những người thợ xẻ

Jolie

Member
Phải khẳng định đây là một bộ phim với mảng đề tài lạ, lại được dựa trên một cái sườn văn học rất mạnh nên khá hấp dẫn.
n2.jpg


Văn chương của Nguyễn Huy Thiệp giàu kịch tính với ngôn ngữ đa tầng, đa nghĩa và đầy tính triết luận. Ông được coi là một “hiện tượng” của văn học Việt Nam đương đại. Những truyện ngắn của nhà văn họ Nguyễn như Vàng lửa, Kiếm sắc, Phẩm tiết, giọt máu, Những bài học nông thôn… đã một thời tạo nên cuộc tranh luận khá sôi nổi trên văn đàn. Những người thợ xẻ là truyện ngắn thứ ba của ông bước lên màn ảnh lớn sau Tướng về hưu (đạo diễn Khắc Lợi) và Thương nhớ đồng quê (đạo diễn Đăng Nhật Minh). Theo thiển ý của riêng tôi, văn Nguyễn Huy Thiệp mạnh về chiều sâu của ngôn từ, lời thoại và sức biểu đạt của chi tiết. Dĩ nhiên một bộ phim là một tác phẩm của cả một tập thể trong đó nổi lên vai trò của người đạo diễn, nhưng để chuyển tải được chất văn học mạnh mẽ cũng như “hơi hướng” của riêng ông lên phim không phải là chuyện dễ dàng, đơn giản.

Phỏng theo truyện ngắn cùng tên cộng thêm một chút Mẹ Cả - Gianna Đoàn Thị Phượng, một nhân vật hư hư thực thực trong truyện ngắn Con gái thủy thần, nội dung Những người thợ xẻ có thể tóm tắt trong mấy dòng ngắn ngủi: Ngọc (do diễn viên múa Lê Vũ Long thể hiện) là con trai lớn trong một gia đình thuần nông. Tốt nghiệp trung cấp nhưng chưa có việc làm, Ngọc được Bường – ông anh họ chuyên nghề đánh bả và bán thịt chó rủ lên rừng làm thợ xẻ gỗ. Cùng đi với hai anh em còn có Biên và Biền – hai đứa cháu gọi Ngọc bằng ông trẻ và cu Dĩnh – thằng con trai lớn của Bường – chuyên phục vụ cơm nước. Đến lâm trường Bình Minh họ may mắn được gặp hai vợ chồng Chính – Thục. Nhờ sự giới thiệu của họ, tóan thợ xẻ nhận xẻ cho ông Thuyết (Vũ Đình Thân đóng) một cây chò chỉ lớn. Trong suốt thời gian “kéo cưa, lừa xẻ”, kíp thợ đã gặp nhiều chuyện khá rắc rối: mâu thuẫn luôn tiềm ẩn giữa Ngọc và Bường, Ngọc bị lưỡi cưa “xén” vào ngón chân. Dĩnh bị cây to đổ vào người đè chết, Bường bị thương rất nặng sau trận quyết chiến với con gấu ngựa khổng lồ. Bộ phim khép lại với cảnh toán thợ (giờ chỉ còn bốn người) lầm lũ kéo nhau về quê.

n1.jpg


Ý định kể lại cho thật hấp dẫn nội dung bộ phim dường như là một điều không tưởng. Bởi vì sự hấp dẫn của nó không nằm trong nội dung mà ở chính hình thức thể hiện công phu, khai thác được thế mạnh của ngôn ngữ hình ảnh. Tiết tấu nhanh, dồn dập, quá khứ và hiện tại đan xen rất ngọt qua phần dựng phim chứa đựng nhiều ý tưởng, nhiều chủ đề lớn nhỏ đan cài: Thiện và ác, luật nhân quả (gieo nhân nào được quả nấy, đời cha ăn mặn đời con khát nước ), tình yêu và những rung cảm đầu đời trong sáng… Một hiện thực vô cùng nghiệt ngã trong cuộc vất vả mưu sinh, trong những mánh lới lừa lọc, ma mãnh… của cánh thợ xẻ. Cả bộ phim dài chín cuốn mang nặng không khí đầy ám ảnh, ngột ngạt, bức bối làm người xem có cảm giác nhấp nhổm, không yên tâm. Cuộc sống của những người được coi thuộc tầng lớp dưới đáy của xã hội đã được thể hiện khá đạt từ lời ăn tiếng nói cục cằn thô tục, từ cung cách cư xử đầy chất giang hồ bặm trợn, từ hành động đến lời thoại (Bường bóp cổ Thuyết rao giảng về luật rừng, Bường rút dao mời Thuyết xơi món tiết canh, Thuyết rút súng bắn dọa Bường…)

Phần cảnh quay được dàn dựng khá công phu cũng là một điểm mạnh của bộ phim này. Cảnh đánh nhau với gấu, cảnh lao gỗ từ trên đỉnh dốc cao, cảnh chặt ngón chân… hồi hộp, rùng rợn được nhấn nhá hợp lý đã tạo được những ấn tượng rất mạnh cho khán giả. Chỉ có điều, trong phim có hai lần quay cảnh “bà hỏa” đến hỏi thăm thì cả hai lần đều tạo cảm giác không thực. Lần thứ nhất quán thịt chó của Bường bị làm mồi cho thần lửa. Quán nhỏ tòan thanh tre, nứa lá cháy đùng đùng đến nỗi người xem thấy chẳng còn gì để cứu. Vậy thì rõ rằng, lời kêu cứu khẩn thiết của Bường: “Cứu quán tôi với, bà con ơi” và hành động nhất định kéo con về không cho tham gia dập lửa của ông bố trở nên thừa thãi, chẳng để làm gì. Cảnh cháy rừng nhìn cũng đã thấy ngay là được đốt lên một cách vụng về với những đống lửa nhỏ và dễ dàng dập tắt chỉ với mấy xô nước.

n3.jpg

Đạo diễn Vương Đức


Nhưng có lẽ điều đáng tiếc nhất đối với tôi trong khi xem bộ phim này là đạo diễn đã bỏ quên hẳn một nhân vật mà lẽ ra cần khai thác kỹ hơn: đó là cu Dĩnh, con trai của Bường. Suốt những ngày theo cha lên rừng xẻ gỗ hẳn một cậu bé giàu tình cảm và biết chăm lo cho người khác như thế phải có rất nhiều tâm trạng phức tạp. Cậu có thái độ gì trước những việc làm của cha mình, cậu nghĩ gì khi nhớ về người mẹ và cả một lũ em nheo nhóc ở quê. Nếu đạo diễn hé mở một chút cho chúng ta thấy cái thế giới bên trong của nhân vật đáng yêu này thì cái chết của em về sau sẽ gây xúc động xiết bao. Hơn nữa, diễn xuất rất tự nhiên, sinh động của cậu bé Quang Trung, thành viên Đội kịch Cung văn hóa thiếu nhi Hà Nội càng làm cho tôi cảm thấy tiếc hơn.
Chính người viết trong một bài báo nhỏ giới thiệu Những người thợ xẻ cũng đã tỏ ý nghi ngờ sự lựa chọn diễn viên của đạo diễn Vương Đức, nhất là Quốc Trị và Lê Vũ Long, hai nhân vật chính của phim và Vũ Đình Thân, ông cố vấn chuyên vào vai những người tốt bụng, hiền lành. Xem phim mới thấy dàn diễn viên này vào vai có sự đồng đều, chắc tay trong diễn xuất. Riêng Quốc Trị, nếu tiết chế bớt đi phần nào căng cứng, lên gân thì có lẽ Bường là nhân vật được anh thể hiện thành công và ấn tượng nhất từ trước đến nay. Dù rằng, trong cảm nhận của riêng tôi, nếu nhân vật Bường chỉ dựng lại ở một con người đa diện trong tính cách với cả thói gia trưởng, cả chất giang hồ, vô học cũng như sự khôn ngoan biết cương, biết nhu đúng lúc, đúng đối tượng thì sẽ hấp dẫn hơn rất nhiều một nhân vật được quy định đại diện cho cái ác, cái xấu như cách xử lý của các tác giả làm phim. Chỉ có duy nhất vai diễn của ngôi sao điện ảnh một thời Thu Hà trong vai Đoàn Thị Phượng là khá mờ nhạt, nhẹ bỗng và không để lại được ấn tượng gì sâu sắc trong lòng khán giả, đây cũng là một điều tiếc cho chị bởi Phượng là vai diễn đầu tiên chị tái xuất với màn bạc sau mấy năm trời vắng bóng.

Sau Hà Nội, mùa đông năm 1946, bộ phim này là một lần nữa khẳng định sự chắc tay trong tạo hình, trong cách bố cục khuôn hình cũng như các góc máy quay của nhà quay phim trẻ Vũ Quốc Tuấn. Những ấn tượng dữ dội, bạo liệt cũng như không khí lãng mạn, làm dịu mát bộ phim được tạo nên có phần đóng góp không nhỏ của anh.

Phải khẳng định đây là một bộ phim với mảng đề tài lạ, lại được dựa trên một cái sườn văn học rất mạnh nên khá hấp dẫn. “Có bột mới gột nên hồ”, hiện nay, nền điện ảnh của ta luôn rơi vào tình trạng “đói” những kịch bản điện ảnh hay. Một đạo diễn dù giỏi đến mấy cũng khó có thể vực một kịch bản dở thành một bộ phim hay. Vậy thì qua Những người thợ xẻ, vai trò của kịch bản một lần nữa được khẳng định. Chỉ có điều với tình trạng hiện nay thì tìm được một kịch bản ưng ý nhiêu khi khó như tìm kim đáy bể vậy!

Cinema Man
 
Back
Top