Dạy lái xe ở Little Saigon: Dạy người ta 'thi đậu, dám lái'

Jolie

Member
WESTMINSTER (NV) - Có người nói khởi đầu cuộc đời của một di dân đặt chân đến đất Hoa Kỳ là từ những cuộc thi.

attachment.php
Thầy Vũ Lê, “Nếu mình tỏ ra bực tức, la rầy hay càu nhàu thì người học càng thêm bối rối và càng khó mà lái được. Sự bình tĩnh và vui vẻ của mình sẽ làm cho người học cảm thấy tự tin hơn.” Trong hình: Thầy dạy lái xe Vũ Lê đang tập lái xe cho học trò Hương Nguyễn. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)

Trong đó, kỳ thi đầu tiên luôn là thi lấy bằng lái xe.

Người ta có thể không cần thầy dạy vẫn có thể thi lấy bằng quốc tịch. Người ta có thể tự học để thi lấy bằng làm người khai thuế (CPA). Người ta có thể không cần thầy vẫn có thể thi lấy licence đi làm nhà hàng.

Nhưng

Thi lấy bằng lái xe, kỳ thi ai cũng phải ít nhất một lần trải qua khi sống trên đất Mỹ, bắt buộc phải có thầy hướng dẫn, dù là thầy xuất thân bài bản từ trường lớp hay là thầy “bất đắc dĩ.”

Và như thế, cũng có những câu chuyện buồn vui với những người chọn việc dạy lái xe làm nghề mưu sinh cho cuộc sống.

Lý do trở thành thầy dạy lái xe

“Tôi chưa bao giờ nghĩ có lúc mình lại trở thành thầy dạy lái xe. Ðó là nghề chưa từng có trong kế hoạch cuộc đời tôi.” Anh Vũ Lê, người gắn bó với nghề dạy lái xe ở Little Saigon được 7 năm, bắt đầu câu chuyện.

Sau mười mấy năm làm việc trong hãng bảo hiểm, anh Vũ bị thất nghiệp.

Ở thời điểm khó tìm việc làm, theo lời khuyên của ông chú và bạn bè, Vũ “cứ ra thử đi dạy lái xe.”

Bắt đầu công việc bằng chính chiếc xe hơi bình thường của mình, Vũ đã cảm thấy “rất sợ” vì “đâu biết người ta lái làm sao, sợ có khi họ nhấn ga tới luôn thì cũng mệt vì mình chỉ có mỗi cái thắng tay.”

Nhưng những vất vả, khó khăn ban đầu cũng qua. Sau ít tháng thấy việc dạy lái xe có được thời gian linh động, uyển chuyển, vừa có thể sắp xếp được công việc nhà, vừa có thể đưa con đi học, Vũ quyết định theo hẳn nghề này.

Trong khi đó, cô Hoa Ðặng, đến với công việc dạy lái xe ở Little Saigon vì “muốn giúp cho người Việt Nam mình.” Tuy nhiên, nguyên nhân sâu xa hơn là vì cô Hoa “từng là người không học lái xe được.”

128010-DP_Daylaixe_2-400.gif
Cô Hoa Ðặng (trái) đang hướng dẫn học trò Rachael Romero cách sử dụng những thiết bị trong xe, như cách mở cần gạt nước, mở đèn, nhấn còi, bật xi-nhan,... (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)

Cô Hoa kể: “Hồi xưa lên xe học lái, ông anh tôi la tôi nhiều quá, tôi không học được. Tôi bỏ học. Sau đó, có thời gian tôi tự nghiên cứu học cách sử dụng xe cắt cỏ, rồi leo lên chạy. Chạy được xe cắt cỏ, tôi lại mày mò học lái xe hơi.”

Cô Hoa Ðặng cũng trải qua những công việc khác nhau ở Mỹ, “cho đến một ngày tôi có ý muốn giúp cho cộng đồng Việt Nam, thế là tôi tìm đến một trường dạy lái xe của Mỹ để xin học với họ. Học xong, lấy bằng ra dạy cho người Mỹ, nhưng chưa có kinh nghiệm nhiều. Ðến khi chuyển hẳn sang dạy cho người Việt thì mới có kinh nghiệm nhiều hơn.”

Từ đó đến nay cũng đã 11 năm người phụ nữ này tận tụy với nghề dạy lái xe cho những người Việt Nam mới sang nơi đây.

Với ông P.N thì việc trở thành thầy dạy lái xe lại đến rất tình cờ.

Khởi đầu từ việc tập lái xe cho hai gia đình của hai người em từ Việt Nam mới sang, ông P. được người nhà nhận xét là “có năng khiếu dạy lái xe” bởi sự “kiên nhẫn và điềm tĩnh” của ông.

Sau khi tuần tự dạy cho hết 6, 7 người trong gia đình thi lấy được bằng lái xe, ông P bỗng nhiên nhận được thêm những lời đề nghị “tập lái xe” cho người này người kia là bạn bè của những người em ông, quen biết từ những lớp học nail, học ESL.

Dù không chọn đó làm một công việc chính thức, nhưng việc cứ lai rai có người này người kia giới thiệu người từ Việt Nam mới sang tìm đến nhờ ông P dạy lái xe cũng khiến ông cảm thấy vui vui.

Licence, bảo hiểm - không phải thầy nào cũng có

Quyết định “phát triển nghề dạy lái xe,” anh Vũ Lê để dành tiền mua lại chiếc xe có “2 ga 2 thắng” chuyên dành cho người dạy lái xe.

Tiếp đến, Vũ ghi danh đi học và nộp đơn xin thi lấy licence làm người hướng dẫn lái xe, rồi phải mua bảo hiểm “commercial insurance” để dạy lái xe một cách bài bản.

128010-DP_Daylaixe_3-400.gif
Licence của người dạy lái xe. Cô Hoa Ðặng: “Thông thường những người có bằng thường hay đưa ra cho học viên biết trước khi tập cho họ lái xe. Ngược lại, học viên cũng nên hỏi xem người dạy mình có licence hay không để bảo đảm cho việc học của mình.” (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)

Theo lời Vũ Lê, trước khi thi lấy bằng dạy lái xe, người dự thi phải trải qua nhiều yêu cầu như làm “LIVE SCAN” để kiểm tra lịch sử bản thân, rồi kiểm tra tình trạng sức khỏe xem có dính đến ma túy, hay bị cao máu, cao huyết áp không. Thêm vào đó, người muốn dự thi cũng được yêu cầu phải tối thiểu có bằng trung học, và có giấy chứng nhận đã học qua lớp hướng dẫn dạy lái xe tại một trường chuyên nghiệp nào đó.

Sau khi qua hết những thủ tục giấy tờ đó, Vũ Lê cũng đã phải “thi đến lần thứ 3 mới lấy được licence dạy lái xe.”

Thầy dạy lái xe Vũ Lê kể: “Thi lấy licence nói khó cũng không khó mà dễ cũng không dễ bởi vì mình không có bài để học thi, cũng không có nhiều người hướng dẫn. Qua lần thi đầu, tôi học một chút kinh nghiệm. Ðến lần thi thứ hai, tôi lại học thêm một chút, và đến lần thứ ba thì tôi đậu.”

“Chính vì nhiều yêu cầu và thi cử khó khăn như vậy nên thực tế không có nhiều người có licence dạy lái xe ở quanh đây,” Vũ Lê nhận xét.

Cô Hoa Ðặng cũng cùng suy nghĩ như vậy. Cô nói: “Theo luật thì tất cả người dạy phải có bằng huấn luyện viên. Tuy nhiên nhiều người không có bằng vẫn dạy. Có điều khi họ đưa nhiều người đi thi thì sẽ bị DMV để ý và đặt câu hỏi.”

Cô Hoa cho rằng: “Thông thường những người có bằng thường hay đưa ra cho học viên biết trước khi tập cho họ lái xe. Ngược lại, học viên cũng nên hỏi xem người dạy mình có licence hay không để bảo đảm cho việc học của mình.”

Có được “Driver Instructor Licence” rồi, người dạy lái xe phải mua thêm bảo hiểm loại “Commercial Insurance” để phòng ngừa mọi bất trắc có thể xảy ra cho người học.

“Khi mua bảo hiểm này, hãng bảo hiểm sẽ xuống để kiểm tra xe, chụp hình xe phải có đủ 2 ga, 2 thắng thì họ mới đồng ý bán,” Vũ Lê cho biết.

Kiên nhẫn và bình tĩnh - tố chất của người dạy lái xe

Không biết có nên xếp những người dạy lái xe ở Little Saigon vào danh sách những người có khả năng bình tĩnh và kiên nhẫn vào loại bậc nhất hay không?

Bởi trong khi người bản xứ đã quen thuộc với chiếc xe hơi từ lúc chào đời, và đến tuổi 18 thì hầu hết đều đã thi lấy bằng lái xe. Thì với người Việt mới đến định cư, lái xe hơi là điều hoàn toàn mới lạ.

Vừa xa lạ, vừa lớn tuổi, đồng nghĩa với việc học lái xe khó hơn gấp nhiều lần những người trẻ.

Và tất cả sự khó khăn đó, người dạy lái xe phải biết tìm cách hóa giải.

“Dạy lái xe cho một người Việt Nam mới sang khó gấp 3 gấp 5 lần so với dạy cho một người ngoại quốc vì có lẽ do thói quen cầm tay lái xe gắn máy rất chặt nên họ cứ ôm cái vô lăng và gồng cứng ngắc à. Lại thêm khi mới qua họ chưa rành tiếng Anh nên họ cảm thấy bối rối trước các bảng hướng dẫn giao thông. Họ mang tâm trạng sợ sệt đủ thứ hết.” Cô Hoa Ðặng, chủ nhân trường dạy lái xe HP Driving School trên đường Hazard thuộc thành phố Westminster, nhận xét.

Hầu hết những người dạy lái xe đều cho rằng với những người học lái xe trên 50 tuổi thì phản ứng của họ có phần chậm chạp hơn, thời gian gian để dạy sẽ phải lâu hơn, và họ cũng thường hay thi rớt hơn những người mười tám đôi mươi. Cũng chính vì như vậy nên tiền dạy cho người lớn tuổi luôn được tính cao hơn.

Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của anh Vũ Lê thì “nếu họ chậm, họ nhát, họ sợ thì đó là chuyện bình thường, mình cứ từ từ giải thích họ sẽ hiểu và làm theo.” Ðiều Vũ cho là “thách thức lớn nhất” với người dạy lái xe là thái độ “cãi lại hay chống đối” của người học.

“Những điều mình hướng dẫn cho họ không chỉ là để đi thi mà còn là sự an toàn khi lái xe trên đường như khi sang lane thì cần phải nhìn kiếng như thế nào, phải quay đầu ngó xe để đo lường sự an toàn ra sao thì nhiều người cứ làm một cách lấy lệ, khi mình nhắc thì họ lại cãi 'tôi làm rồi.' Hay khi mình chỉ họ cách thắng như thế nào cho êm để đừng bị nhồi, họ làm xong lại hỏi mình bằng thái độ khinh khỉnh 'thắng vậy êm chưa?'” Vũ phàn nàn.

Ðể thoát khỏi những sự bực bội đó, có khi thầy Vũ phải yêu cầu học trò dừng xe để bước ra ngoài cho cơn giận qua đi.

Sau 7 năm dạy lái xe, Vũ Lê cho rằng càng lúc thấy mình càng dạy tốt hơn, nhẫn nại hơn, và tính tình cũng thay đổi đi.

“Nếu mình tỏ ra bực tức, la rầy hay càu nhàu thì người học càng thêm bối rối và càng khó mà lái được. Sự bình tĩnh và vui vẻ của mình sẽ làm cho người học cảm thấy tự tin hơn.” Vũ rút kinh nghiệm.

Ông P. kể lại một kỷ niệm, “Lần đó dạy một cô. Mình đã hướng dẫn đến stop sign thì phải dừng hẳn rồi đếm đến 5 thì chạy tiếp nếu đường an toàn. Thế nhưng khi đến bản stop sign, cổ quên hay sao mà cứ nhấn ga chạy, tôi hỏi 'sao cô không dừng?' Tự dưng cô buông lái, hai tay ôm mặt la lên, 'ôi, em quên rồi' trong khi chân vẫn nhấn ga!”

Ông P. cho rằng trong những trường hợp như vậy nếu người dạy không bình tĩnh và khéo léo thì xảy ra tai nạn như chơi.

Dạy để đậu hay dạy bằng lương tâm

Mất bao lâu thì một người có thể lái được xe?

Cô Hoa Ðặng thì cho rằng “một em nhanh nhẹn có thể chỉ trong 10 tiếng, còn người lớn tuổi thì thời gian học rất lâu.”

Kinh nghiệm của anh Vũ Lê thì “trung bình sau khi học khoảng 15 tiếng thì có thể đi thi, nhưng cũng có người học mau hơn, và cũng có người mình dạy đến 30, 40 tiếng mới dám để họ đi thi.”

Tuy nhiên, người học trò thi rớt nhiều nhất của Vũ Lê là một người đã lái xe rành ở Việt Nam. “Chính vì đã rành, đã 'lái cứng' nên có nhiều thói quen mà ông này không sửa được cho đúng cách thức lái xe ở Mỹ. Mình cứ nhắc, cứ giải thích, nhưng đến khi lên xe gặp giám khảo ổng lại quên hết và chỉ làm theo thói quen. Phải đến lần thứ 9 ông này mới thi đậu bằng lái,” Vũ Lê kể.

Bên cạnh đó, có nhiều người đã cảm thấy buồn cười khi đọc mẫu quảng cáo “thi đậu dám lái xe.” Tuy nhiên, điều buồn cười ấy là điều đáng quan tâm, bởi thực tế không phải ai thi đậu rồi cũng dám chạy xe ra đường.

Cô Hoa Ðặng chia sẻ: “Người Việt Nam mình thông minh mà, nên ‘dạy bài tủ, dạy đường thi’ dễ lắm. Nhưng thi đậu về mà không lái được trên đường thực tế thì đó là điều đau lòng.”

Theo cô Hoa, điều này nằm ở lương tâm của người thầy dạy lái xe. “Tiền bạc ai cũng cần nhưng đừng coi đồng tiền quá lớn. Mong là tất cả anh chị em dạy lái xe hãy thương cho người học và giúp họ lái được xe trên đường.”

Những ai đã từng học lái xe, từng thi lái xe đều đã nghe những lời truyền miệng rằng: “DMV ở Westminster và Santa Ana là một trong những nơi thi khó nhất.” Chính vì thế mà nhiều người dạy lái xe “bao đậu” đã đưa học sinh của mình đi rất xa để thi cho dễ.

Giải thích điều này, anh Vũ Lê cho rằng: “Những nơi xa có thể thi dễ vì đường vắng, lưu thông ít nên dễ chạy và giám khảo cũng dễ dãi hơn. Còn ở Westminster và Santa Ana là những nơi lưu thông đông đúc nên bắt buộc người chấm phải khắt khe hơn để tránh những điều đáng tiếc.”

Vũ Lê nói anh chưa bao giờ mang học trò lên tận Riverside hay Palm Springs để thi vì “mỗi lần đi về như vậy mất cả 4 tiếng, thì thôi mình lấy thời gian đó để tập cho người ta lái thì người ta sẽ cảm kích mình hơn, rồi lại giới thiệu học trò thêm cho mình.”

Cô Hoa thì khẳng khái: “Sống ở đâu đánh ở đó. Mình là dân Westminster thì thi ở Westminster, lái xe ở Westminster.”

Niềm vui của người lái xe, như anh Vũ Lê nói đó là khi chứng kiến học trò mình thi đậu. “Nét đẹp của sự vui mừng vì thi đậu của người học khiến mình vui lây và cảm thấy mình đã thành công trong công việc.”

Ngọc Lan/Người Việt​

<!--@vbbanners:0@-->
 
Back
Top