Con lấm

Jolie

Member
Đang đi, con Lấm vượt lên lao vào bụi rậm sủa. Trường chạy tới, con rắn đang ngóc đầu mổ con Lấm đang chồm chồm xung quanh. Trường vung tay ra rồi rụt lại, đã nắm chặt đầu rắn.


img161.jpg


Minh họa: Lê Trí Dũng

Trường chép miệng: “Lại rắn ráo nhỏ! Tiếc quá, con này chưa được nửa cân. Mùa này rắn ráo rẻ, chỉ được mươi đồng thôi-rồi quay sang nói với con Lấm-cố lên. Nếu bắt được con hổ chúa hai cân là có tiền triệu lo việc lớn đấy. Như vậy mày cũng gặp may”.

Nhưng vận may dạo này không đến với chủ tớ nhà họ. Cả buổi, Trường và con Lấm chỉ bắt được thêm hai con trăn sọc bắt chuột nhỏ.

Tối nay chẳng biết vì sao, bữa cơm chỉ đôi ly rượu đã ngà ngà, Trường xoa hai bàn chân ngồi lên bộ ván, hút thuốc lào sòng sọc, uống ly nước chè xanh rồi thở dài vẻ mệt, muốn ngả lưng sớm.

Lấm nằm phủ phục dưới đất. Nó được chủ thưởng miếng dồi lợn to, cả chỗ cơm cháy, thức ăn thừa với nước canh ngọt nên thỏa mãn, mắt lim dim nằm hai chân sau co, đặt hàm dưới giữa hai chân trước xoãi thẳng, trong tư thế sẵn sàng vọt tới.

Có tiếng người lạ từ xa, nó dỏng tai, đứng dậy hực một tiếng lại nằm xuống. Đấy là người quen đang mong, Trưòng phắt dậy.

Quận, người quen đến chơi, hai người trò chuyện, miệng thì thào như làm bạc giả: “Hồ sơ cơ bản xong rồi, địa chính xã đã gửi cán bộ địa chính huyện. Mình mà biết ơn, chỉ tháng sau có sổ đỏ. Sáng mai, họ đến thẩm định thực địa-Quận vê tay-tốn đấy, nhớ đến quán…!”.

Trường vui hẳn, cười phấn chấn, mời Quận mấy ly rượu. Sáng sau, vợ Trường ngạc nhiên thấy chồng hát, vẫy con Lấm đi theo, đầu lắc la lắc lư như người trúng số.

Như hẹn từ kiếp trước, Quận và Trường đến quán bà Tám, cán bộ địa chính huyện và địa chính xã đã có mặt từ lúc nào. Cán bộ địa chính ngồi trong góc ngoảnh ra.

Quân, Trường quay mặt vào trong, con Lấm nằm đầu nghiêng cheo chéo ghế chủ. “Dạ bao nhiêu ạ! – Trường hỏi”. Cán bộ địa chính xã huơ huơ bàn tay.

“Bao nhiêu ạ! – Trường mở to mắt, như nghễnh ngãng”. “Thế thì thôi, tự đi mà cấp sổ đỏ cho mình!” – cán bộ địa chính cau mày, đứng dậy.

“Khoan, xin lỗi sếp – Quận nài nỉ – sếp thương chúng em, nhà Trường nghèo lắm, sếp hạ bớt chút hỏa cho nhiều người được hưởng may”. Cán bộ địa chính huyện huơ huơ tay, vẩy năm ngón xuống đất rồi ngồi xuống.

“Dạ, chúng em xin vâng. Các anh thông cảm, nhà Trường đang nợ ngân hàng sáu triệu hàng tháng trả lãi méo mặt, giờ lại vay người bà con. Nó may còn có chỗ vay. Phải nghe lời sếp mới đúng – Quận chỉ sang Trường”.

Trường rút bọc giấy nhỏ trong túi, đặt lên bàn, phía cán bộ địa chính huyện: “Đây, ạ!”. Bọc giấy khá dầy, nhưng nó được bàn tay đeo nhẫn vàng nạm hồng ngọc xịn gạt sang trước mặt cán bộ địa chính xã, mặt quay đi không thèm quan tâm.

Tiền nhỏ nên đếm hơi lâu. Mọi người trong quán nhìn hai bàn tay đếm thoăn thoắt công khai, vẻ thơ ơ. “Năm triệu, đủ” – cán bộ địa chính xã gật đầu nói.

Họ ăn uống, nói chuyện vui vẻ. Trường gọi: “Lấm!” rồi tung miếng xương sườn gặm dở. Con Lấm tuy thờ ơ, nhưng chỉ chờ có thế, miếng xương vừa rơi ngang tầm, nó chồm lên táp gọn, nhai rau ráu.

Cán bộ địa chính huyện ngạc nhiên nhìn Lấm. Ông huýt sáo, ném miếng sườn nướng cho Lấm. Miếng xương rơi trước mặt nhưng Lấm nằm im, mặc mấy con chó khác tranh nhau.

“Lấm! ăn đi” – Cán bộ địa chính huyện quát, ném miếng khác to hơn, rơi mạnh vào cổ Lấm. Con Lấm bỗng quay ngoắt, nhe nanh trắng nhởn gừ gừ, gườm mắt nhìn vào mặt người ném, khiến cán bộ địa chính huyện giật mình tái mặt, như bị cắn cổ đến nơi.

Mấy con chó khác cũng đứng nhìn, khẽ ve vẩy đuôi không dám đến gần. Trường mắng: “May đấy Lấm. Ăn đi”. Lúc ấy, Lấm mới từ từ nhai, chả thèm nhìn người xa lạ.

Cán bộ địa chính hỏi nhiều chuyện, nào làm sổ đỏ để bán cho ai, người mua thế nào, ở đâu, có dự án kinh doanh gì không… Trường và Quận lắc đầu: “Họ nói mua để ở, còn làm gì chúng em chẳng quan tâm. Ôi dào, mấy sào đất đồi dốc cằn cỗi ấy mà”.

Trường đáp tiếp: “Em được sổ đỏ, bán lấy tiền làm đám cưới cho con gái, xây nhà mới là vừa đủ, đỡ phải bán con Lấm”. Họ ăn uống khá lâu. Thanh toán tiền xong,Trường chếnh choáng bước ra, cười, chào chủ quán mà miệng như mếu.

Quận khuyên: “Như thế là may rồi, tớ là cò đất nhưng chẳng chấm mút gì của cậu. Việc này, cậu cứ coi như đi giặt trên sông, tấm áo bị sóng cuốn trôi xuôi. Có gì đâu!”. Trường: “Ừ nhỉ” lại cười tươi.

Trước khi dọn dẹp mâm mang đi rửa, Hường gắp miếng thịt xé nhỏ, trộn cơm bỏ vào cái bát mẻ, nựng, mắng giọng con trẻ hồn nhiên: “Cún Em! Nào ra đây với chị. Cún Em ăn đi cho chóng lớn. Chị lấy chồng, đem mày về để trông nhà, đuổi chuột nhé? – giọng Hường chợt nhỏ lại thì thầm – ở đây dễ bị..l.à.m…l.ắm – Hường gõ gõ tay vào cái đĩa trống trong mâm”.

“Chị Hường ơi! Anh Hoàng đến chơi nhà mình” – thằng Thi, đứa em kế Hường gọi. “Ừ, chị nghe rồi, nhưng chị đang bận” – Hường đáp. Mãi không thấy Hường ra, Hoàng réo: “Hường ơi! Anh đây, Hoàng đây, mau chúng mình đi kẻo muộn”. “Vâng, em đây” – Hường tăng tả vừa chạy ra vừa ghim tóc”.

Lát sau về lại nhà Hường, Hoàng lễ phép chào bố mẹ Hường: “Con chào bố mẹ ạ!”. Hường khoe: “Mẹ xem, dây chuyền này đẹp không?”.

Trường nhìn dây chuyền con gái yêu đeo, ngạc nhiên: “Sao con không mua cái bữa nọ. Kiểu này đẹp nhưng đắt, tiền đâu ra mà cố”. “Không đâu ạ! – Hường đáp, tay chỉ sang Hoàng – anh Hoàng mới lĩnh lương, cho thêm trăm ngàn con mới mua được đấy chứ”. “Bố ạ! – Hoàng thanh minh – con tặng vợ con, chứ là cho đâu!”.

Bữa chiều cả nhà vui vẻ. Trường mua ba con cá mè to, rán vàng lên rồi om mẻ,có nước nghệ, thêm món bầu luộc mát bụng người uống rượu. Trường và con rể tương lai cứ cụng qua cụng lại chén đầy chén vơi.

Mấy con chó nhỏ và mẹ chúng cũng được bữa, phởn phơ đùa. Đàn chó con tập sủa nhặng xị. Cún Em chành choẹ với con anh, nhe răng đầu thập thò qua lỗ hổng tường nhà vách đố đã tơi tả doạ, bị con anh cho nhát cắn tai, đau kêu ăng ẳng lủi đi chỗ khác.Chúng thật dễ thương.

Tiền bôi trơn, rượu nhậu đã đời qua đến hơn tháng mà chả thấy sổ đỏ đâu, Trường sốt ruột đi hỏi. Cán bộ địa chính xã ừ ào đưa dẫn: “Dạo này chúng tôi bận, mọi người trên phòng phải chia nhau đi các xã xác minh giữa hồ sơ và thực địa, lấy ai đánh máy in ra cho.

Này – anh ta nhỏ giọng – thằng cha mua đất của ông nó giàu lắm, chẳng thấy đến đây gặp tôi gì sất. Sắp tới nhà nước tăng giá đất, tăng thuế chuyển nhượng quyền sử dụng đất mà không chịu nhanh nhẹn. Không chịu giao lưu biết bao giờ mới xong việc”.

Xã thông cảm đưa Trường vào diện nghèo nhất, được ưu tiên nhận ngay bảy triệu tiền nhà nước trợ giúp hộ nghèo xây nhà kiên cố, nhưng chờ mãi tiền chưa về.

Trường tính được bảy triệu đó, sẽ dành tổ chức đám cưới cho cái Hường trước. Có sổ đỏ sẽ bán đi xây nhà…Nước này đành chịu. Tối đó Trường buồn đời chẳng thiết ăn cơm.

Dạo này trông con Lấm buồn buồn, nhưng ăn khỏe. Đàn chó con đã cai sữa vẫn thèm bú, bám mẹ như nhặng. Lấm nhe nanh gừ, khiến lũ con sợ mới được yên. Tự nhiên mấy hôm nay Lấm cho con bú, cho bú xong, nó liếm lông đàn con, liếm liếm kỹ mặt như bảo: “Các con ngoan nhé, khỏe nhé”.

Thì ra, biết ngày nào phải chết, nó cố ăn tận hưởng lộc nhà chủ. Con chó được ăn ngon, vỗ béo hơn tháng nhưng chắc thịt, không núc mỡ khiến tay thợ hài lòng: “Con này thịt ngon đây, cân được hơn mười bẩy cân rưỡi, chúng tôi tính tròn mười tám”.

Bị trói giật cánh khuỷu, cột chặt mõm khó thở, nước bọt phì phì hai bên mép, Lấm chỉ còn biết mở mắt, họng rên ư ử ai oán. Trường chớp chớp mắt nhìn chẳng rõ, cúi đầu lê bước quay vào.

Hình như con Lấm khóc. Đàn chó con sủa mỏi họng, chỉ còn con Cún Em chạy theo xe máy chở mẹ đi, sủa: “Au au, au!”. Xe chở con Lấm, mẹ nó đi khuất con cún con chẳng biết làm gì, ngồi yên một lúc, giơ chân sau gãi tai rồi chạy về đùa với mấy con anh chị.

Không có sổ đỏ để bán, Trường hỏi mãi mới vay người bà con thêm được mấy triệu làm đám cưới nhà nghèo cho con gái đầu. Tiền bán Lấm phụ vào mới đủ vui.

Con Cún Em khôn, Trường giữ lại nuôi, cho vợ chồng Hường con đực lớn. Hàng ngày thằng Thi dẫn Cún Em ra sân, cầm gậy đánh khăng bằng gỗ ổi ném ra xa, miệng xùy xùy huýt sáo dạy săn bắt.

Vài tháng sau, Cún Em biết theo Trường hoặc Thi đi bắt chuột ngoài đồng, biết sủa gọi chủ lúc thấy rắn. Trường hay vuốt ve Cún Em: “Mày làm tao nhớ con Lấm mẹ mày. Giá như mấy ông địa chính thương phận tao nghèo, làm sổ đỏ đúng như đã hẹn, tao đã chẳng phải bán mẹ mày lấy mấy trăm”.

Thằng Thi dẫn Cún Em đi săn ở thôn bên. Cún Em khá đáo để, giúp Thi bắt được bốn con rắn ráo, một con hổ trâu. Đang lúi húi, ngẩng đầu lên Thi thấy Cún Em sủa gâu gâu, phóng lên phía trước, tưởng chó mách rắn to nhưng không phải, nó lao tới phía ngôi biệt thự to đẹp.

Thi lạ, nghe tiếng chó sủa quen quen. Cún Em biến nhanh đến chỗ tiếng chó rít mừng rỡ. Đến nơi, Thi thấy nó nhẩy chồm chồm sủa nhặng xị, đuôi vẫy tíu tít.

“Ôi con Lấm, mày còn sống hả – Thi ngạc nhiên – Nhưng sao lạ thế? Làm sao mà mày còn sống được. Bố tao nhắc tiếc mày nhiều lắm đấy. Tao cũng thế”.

Kẹt, cánh cửa mở hé, Lấm lách mạnh lao ra quấn lấy Cún Em. “Ai đấy? Mày làm gì mà om xòm thế Mích-người đàn ông lớn tuổi thò đầu ra cổng, rồi cũng ngạc nhiên-ơ! Gì thế này?”.

Thi vui vẻ uống nước ông chủ biệt thự mời, kể chuyện con Lấm, chuyện nhà mình. Ông chủ này xây xong biệt thự, về hưu ở muốn mua chó giữ nhà. Người bạn khuyên, đến mấy lò thịt chó mà mua. Con chó khôn sẽ biết, xin người cứu nó.

Ông ta đi mấy ngày chẳng được con nào ưng ý. Đến một lò thịt chó, nhiều con sủa ăng ẳng, kêu rít lên: “Đâu đâu! Cứu, cứu”. Nhưng ở mấy lồng phía xa có tiếng sủa gầm lên, rồi tru y tiếng chó sói hú trong những bộ phim về thú hoang dã, như gọi ông tới, kéo ông tới.

Chỗ đó, mấy con chó khác tranh nhau thò mõm qua nan lồng sắt sủa ăng ẳng. Con Lấm nằm phục xuống đáy lồng chật hẹp, đầu ngỏng lên cất tiếng tru hoang dã. Thấy ông, nó rít lên, vẫy đuôi tíu tít. Nó may mắn, được ông mua về. Lấm ngoan, giữ nhà giỏi, luôn biết ý chủ.

Nghe con trai kể, Trường dắt Cún Em theo, đi cám ơn người chủ biệt thự đã cho con Lấm vận may. Ông chủ biệt thự hỏi về chuyện đất cát, sổ đỏ.

Trường buồn: “Tôi đã được cấp sổ đỏ đâu, tiền trợ giúp xây nhà cũng chưa đến tay mà nợ đìa ra, lãi mẹ đẻ lãi con”. “Sao anh không kiện chúng nó?” – chủ biệt thự tức, mặt đỏ bừng.

“Bác kiện thì được, chứ với em thì họ thiếu gì lý do. Em chẳng dại. Em khổ, đi bộ đội bốn năm trong chiến trường tây nam thì được phục viên, nhà nghèo em khó lấy vợ. Cũng may, sau có vợ em bây giờ xinh tươi, trẻ hơn mình nhiều tuổi cũng đồng ý lấy.

Mới lại, thằng Thảnh cán bộ địa chính xã cũng tốt cơ, muốn giúp em đành chịu. Việc gì cũng đã có giá của nó. Cuối năm ngoái, thằng cán bộ địa chính huyện bị cán bộ xã bên kiện ăn tiền dự án, vào tù rồi. Ơ! Bác là cán bộ nhà nước ở giữa Hà Nội, chỉ mới về hưu, có biệt thự to thế này mà không biết chuyện cấp sổ đỏ cho dân à? – Trường ngạc nhiên”.

Ông chủ biệt thự cười xuê xoa: “Biết sơ sơ, nhưng chuyện cụ thể thế này thì chịu”, rồi mời Trường dùng bữa, còn trò chuyện mãi. Lúc Trường về, con Lấm liếm tay, dụi dụi đầu vào ống quần chủ cũ, sủa chào: “Gâu, gâu”.

Bẵng hơn tháng sau, có chiếc xe ô tô con mới, đen bóng loáng đi vào thôn của Trường. Hỏi thăm vài câu, xe đi tới rồi đậu cạnh con ngõ sâu. Cánh cửa xe mở, người đàn ông chủ ngôi biệt thự thôn bên bước xuống, con Lấm xuống theo.

Chủ xe nói: “Mích! Dẫn tao về nhà mày”. Con Lấm chạy vút tới một quãng dài mách đường, xong quay lại đi thong thả bên chủ. Mấy con chó già quanh đó chạy ra sủa inh ỏi, làm râm ran cả xóm.

Ông chủ biệt thự đến chơi nhà Trường. Hàn huyên hồi lâu, ông chủ biệt thự nói muốn con Lấm trở về với chủ cũ. Trường mừng húm, chạy vào buồng lấy tiền, xin chuộc. “Không – ông chủ biệt thự – Tôi không bán, không cho chuộc mà đổi lấy con Cún Em. Được không?”.

Trường muốn chuộc Lấm và biếu ông con Cún Em. Giằng co một hồi, ông chủ biệt thự rút hai trăm ngàn từ số tiền trong tay Trường, rồi móc ví mình lấy ra thêm hai trăm: “Con Lấm về chủ cũ để anh chị lấy lại được vận may. Tôi bắt Cún Em”.

Con Lấm về với Trường được mươi ngày, nhà Trường gặp may liên tiếp. Chuyện nhà Trường gặp may thế nào, lúc khác tôi xin kể. Còn hôm đó, số tiền bốn trăm cộng lại, người nhà Trường đi chợ mua đồ nhậu. Họ mời cả hàng xóm đến đánh chén, vui như tết.

Nguyễn Chí Thiện
Theo Tienphong​
 
Back
Top