Chuyện Ma Ngày Tết

Jolie

Member
Chiều 30 tết Mậu Thân 1968, Hà bày mâm đồ cúng ra trước sân nhà. Ngoài bánh, mứt, muối, gạo, Hà còn để thêm mấy xấp giấy hoa dùng làm quần áo và mấy xấp giấy vàng bạc cho linh hồn người đã chết. Hà sẽ đốt mấy thứ giấy này để cho những người ở thế giới bên kia nhận được cùng hưởng tết với người trần thế. Hà đốt mấy cây nhang lên rồi lâm râm khấn vái, xong Hà cắm nhang vào chiếc lon sữa bò đã đựng đầy gạo trong đó.


Cậu má Hà đã đi Sài Gòn hồi trưa này để ăn tết cùng anh chị và chú bác của Hà từ các tỉnh Tây Ninh, Châu Đốc, Phước Long cũng về Sài Gòn. Hiện tại ngôi nhà ở Bến Cát chỉ có Hà và anh Mười, người anh kế Hà, ở lại giữ nhà. Năm nay Hà học Đệ Thất ở Sài Gòn nên muốn về quê ăn tết. Quê Hà ở Bến Cát cách Sài Gòn 52 cây số, chiến trận liên miên. Mỗi đợt Việt Cộng pháo kích là có hàng chục người dân Hà quen biết đã chết đi. Thỉnh thoảng ngay ngã tư chợ Bến Cát, lính sư đoàn 5 cũng kéo một số xác Việt Cộng chết đem để giữa bùng binh. Lúc đó mọi người rần rần chạy đi coi, Hà cũng tò mò coi một lần rồi thấy buồn quá, từ đó Hà không muốn coi xác Việt Cộng chết nữa. Thường thì chỉ trong một hai ngày là có người đến nhận xác thân nhân đem về chôn cất. Thỉnh thoảng có xác vô thừa nhận, chính quyền cho đem chôn ở gò mả dưới Hàng vú sữa. Hàng vú sữa là một xóm nhỏ kế bên phố chợ, xóm này có trồng nhiều vú sữa nên được gọi tên là Hàng vú sữa.


Hà ngồi nơi thềm nhà, nhìn ra trời chiều 30 Tết. Phố chợ của Hà, nhà nào cũng có bậc thềm tam cấp trước sân. Gió thổi lành lạnh, Hà chờ mấy cây nhang tắt hết, Hà quăng muối, gạo, đốt mấy tấm giấy quần áo, vàng bạc rồi mới dọn bàn đồ cúng vào nhà được. Thật sự Hà không sợ ma. Có lần má kể chuyện ma cho các anh chị em Hà nghe, ai cũng sợ sệt, nép sát vào nhau, Hà nói với má:


- Con hổng tin có ma đâu. Cho nên con hổng sợ ma. Ma có ngon hiện ra cho con thấy, con mới tin.


Má Hà hết hồn:


- Vái ông đi qua, bà đi lại tha lỗi cho con tui dại mồm dại miệng, tui xin cúng ông bà nải chuối.


Má Hà đem bày ra sân cúng nải chuối và muối gạo, rồi má nạt Hà:


- Con phải xin lỗi người khuất mày khuất mặt đi nghe hông con. Đừng có ăn nói phạm thần phạm thánh vậy nữa.


Mặc má Hà cúng vái, Hà không bao giờ tin có ma. Làm gì mà có ma cỏ, người lớn chỉ hù dọa cho con nít sợ. Ai sợ thì sợ chứ Hà nhất định không thèm sợ ma.


Trời tối dần, Hà bỗng thấy rùng mình, một làn gió lạnh thổi qua, ngọn đèn đường bên kia vàng vọt mờ mờ ảo ảo. Mấy cây nhang vẫn chưa cháy hết, Hà bỗng nghe tiếng nói bên cạnh:


- Bồ nhớ má bồ hả?


Hà quay lại, một cô bé gái trạc tuổi Hà ngồi cạnh bên, nhìn Hà vừa cười vừa nói. Hà ngạc nhiên:


- Bồ tới hồi nào vậy?


- Tui tới nảy giờ, thấy bồ ngồi một mình, nên tui ghé nói chuyện chơi.


- Bồ hổng về nhà lo tết đi. Coi chừng má bồ kiếm đó.


- Chút nữa tui về. Ba má tui cũng quen tui vắng nhà rồi.


- Tui tên Hà, bồ tên gì.


- Tui biết tên bồ rồi. Còn tui tên Sen.


-Hôm nay ngừng chiến nên hổng nghe tiếng súng. Tui cầu trời cho đừng có đánh nhau. Nghe tiếng súng sợ quá Sen à.


- Đánh nhau hoài rồi tụi Việt Cộng pháo kích trúng đâu hổng trúng cứ nhè vô nhà dân làm chết người già với con nít không. Làm ba má tui cũng khóc quá mạng.


- Ủa nhà bồ cũng có người bị pháo kích chết à.


- Ừa, vậy mới buồn.


- Coi bồ cũng trạc tuổi tui đó Sen, mà sao hồi tui học tiểu học ở trường quận, tui hổng có biết bồ nghen.


- Lúc đó tui hổng có đi học. Hôm nay tui đi ngang đây thấy bồ ngồi một mình, tui mới ghé vô chơi.


- Cậu má tui nói hai bên ngưng chiến dịp Tết chắc là hổng sao cho nên cả nhà tui đi Sài Gòn ăn tết rồi, chỉ có tui với lại ông anh tui ở nhà thôi hà.


- Tui biết rồi. Mà Cậu má bồ thiệt tình gan quá, dám để bồ ở nhà. Coi chừng có đánh nhau mà đánh lớn nữa đó.


- Sao bồ biết?


- Tui nghe nói.


- Chết cha, vậy làm sao? Cậu má tui hổng biết có về kịp hông.


- Hổng có sao, bồ nghe lời tui, tối bồ xuống hầm chìm ngủ nghen. Nghe có tiếng người hay súng đạn gì đó, bồ đừng có ló đầu ra.


Đa số nhà ở Bến Cát thời đó đều có hai căn hầm trong nhà, một căn hầm nổi và một căn hầm chìm. Căn hầm chìm được đào sâu dưới nền nhà, căn hầm nổi được xây dựng bằng bao cát trên nền nhà. Thường ban đêm cả nhà kéo nhau ngủ trong hầm để tránh Việt Cộng pháo kích. Tết này ngưng chiến nên chắc mọi người không ngủ ở hầm làm chi.


Sen nói tiếp:


- Mà tối nay ở đây chưa sao đâu. Bồ yên tâm ngủ ngon đi.


Nói xong Sen đứng dậy, đưa tay phủi cái quần bà ba:


- Tui đi đây, tui về chuẩn bị ăn Tết với ba má tui.


- Chừng nào bồ rảnh ghé tui chơi nghen.


- Ừa, mai tui ghé bồ nữa.


Hà vừa đừng lên định tiễn Sen thì Sen đã mất dạng từ hồi nào. Hà nghĩ thầm: "Cái con nhỏ Sen này, đi hồi nào mà lẹ như là gió vậy". Hà lo dọn mâm đồ cúng vô nhà, nói một mình, "Hổng biết ngày mai có tới thăm tui hông đây."


Buổi sáng mồng một, Hà còn nằm trên giường đã nghe tiếng pháo nổ đì đùng đón chào xuân mới. Từ căn hầm ở nhà giữa, Hà chạy xuống bộ ván gõ nơi anh Mười nằm, kéo chân anh Mười dậy:


- Anh Mười, dậy lẹ lên, em dọn đồ cúng ông bà, còn anh đem pháo ra sân đốt đi nghen.


Anh Mười đã nối mấy phong pháo từ chiều hôm qua thành một dây pháo dài cả thước. Anh Mười lấy cây tre ra, cột pháo vào một đầu tre, cột chặt cây tre vào một cột nhà ở ngoài trước cửa. Anh đốt một cây nhang để chuẩn bị đốt vào tim của phong pháo. Lúc đó, mấy đứa trẻ nhỏ hàng xóm kéo tới đứng chờ để lượm pháo rớt. Hà bịt hai lỗ tai lại, nhưng vẫn thích đứng coi pháo nổ. Pháo nổ đùng đùng tạch tạch, thình thoảng lại nhá lửa. Mấy đứa con trai gan lì, chờ pháo mới vừa rớt xuống chưa kịp nổ, chúng đã lấy chân đạp viên pháo cho tắt lửa để chúng lấy để dành đốt chơi. Hà nhìn quanh coi trong đám trẻ con ngoài kia có Sen không, nhưng không thấy Sen đâu.


Pháo còn đang nổ, Hà đã thấy đội múa lân đến ngay trước nhà. Quận lỵ Bến Cát chỉ có đội múa lân của nhóm Hoa kiều tổ chức. Đội lân này cũng có múa võ, đánh trống. Hà rất thích múa lân. Năm nào Hà cũng theo đoàn múa lân đi nhà này nhà kia để coi lân trèo lên mấy cây tre lấy tiền, coi ông Địa giỡn với pháo, coi múa võ. Mọi năm có Cậu má ở nhà, chuyện lân đến nhà, má lo. Năm nay, trước khi đi Sài gòn, má có đưa Hà một sợi dây dài, trên đó có treo khoàng một chục bao lì xì, dĩ nhiên là trong bao có tiền lì xì dành cho lân, má để sẵn trong đó.


Hà thấy tiếc mấy bao lì xì cho lân, nhưng nhớ lời má dặn, lân đến nhà là đem điều may mắn đến, cho nên Hà đem toàn bộ số bao lì xì má đưa đem ra treo trên cây để thưởng cho lân.


Ngày thường, trước nhà Hà là chợ chồm hổm. Ngay trước cửa là bà Bắc bán đậu hủ, bên cạnh là bà bán bánh đa nướng. Lúc nào bên chỗ bà bán bánh đa cũng có lò than đỏ hồng để bà nướng bánh. Khi xế trưa chợ tan, bà cứ hất đại đống tro than ngay trên mặt đất. Biết bao lần Hà chạy chơi, vô ý đạp lên đống tro còn nóng đó bị phỏng chân. Má phải mua dầu cứu cấp và lấy miếng vải trắng băng chân lại cho Hà mất một tuần lễ mới khỏi. Nhưng rồi bà bán bánh đa vẫn đổ tro và Hà vẫn cứ phỏng chân.


Hôm nay mồng một Tết, chợ không có nhóm, con đường trước nhà Hà vắng tanh. Hàng vú sữa lại tập họp đông nghẹt những sòng bài tứ sắc, tài xỉu, bài cào, cá ngựa và bên cạnh là những sạp bán hột vịt lộn, khô mực nướng, và xi rô đá bào.


Buổi chiều, Hà ra ngồi ở bậc thềm nhà, mở radio nghe nhạc xuân, tay cầm báo xuân đọc, miệng cắn hạt dưa. Anh Mười đã lỉnh đi chơi từ hồi sáng sau khi đốt pháo tới giờ vẫn chưa về nhà. Cậu má và anh chị chắc đến mùng 2 hay mùng 3 tết mới về. Vậy là đã hết ngày mồng một tết rồi. Hà nghe trong lòng có chút gì tiếc nuối.


Đang chăm chú đọc một truyện ngắn trong tờ Phụ Nữ Diễn Đàn số xuân, Hà bỗng nghe tiếng của Sen:


- Hù, bồ đọc gì đó?


- Sen làm tui hết hồn. Sen tới hồi nào mà tui hổng hay.


-Tại bồ mê đọc truyện quá mà.


Hà nhìn thấy Sen vẫn mặc bộ đồ ngày hôm qua:


- Sao Sen không mặc đồ mới?


- Má tui nghèo lắm, hổng có tiền mua quần áo mới cho tui đâu.


Hà nghe lòng thương xót:


- Tui có mấy bộ lận, để tui đưa Sen một bộ mặc tết với người ta.


Sen từ chối:


- Hông, tui hông có mặc được đâu.


- Sao hổng được chớ. Sen cỡ tui thôi hà. Sen sợ má tui la hả, má tui hổng có la tui đâu. Giúp đỡ bạn bè là chuyện má kêu tui nên làm đó chứ. Sen mặc đi mà. Để ăn tết.


Gương mặt Sen buồn hiu:


- Tui hổng có mặc được.


-Tui cho Sen mượn mặc tới mùng 6 tết rồi trả lại tui. Mùng 7 tết tui quay lại Sài Gòn đi học rồi.


-Chắc cầu cả tháng nữa bồ mới đi học được.


-Hổng có lâu vậy đâu Sen ơi, tui nghỉ tết tới chừng đó là quá cỡ rồi.


-Mà bồ có đi học sớm hay trễ gì thì tui cũng tới chơi với bồ có mấy bữa thôi.


Hà dợm đứng dậy, định bước vào nhà lấy bộ đồ mới may cho Sen mượn thì nghe Sen nói:


-Thôi tui đi dìa bây giờ đây.


Hà quay mặt lại thì Sen đã đi mất tiêu.


Buổi tối mồng một Hà nhớ lời Sen kêu ngủ ở hầm chìm nhưng Hà lười quá nên ngủ ở trên giường phía trước nhà, gần phòng khách. Nửa đêm Hà nghe những tiếng nổ thật to như là tiếng pháo đại, Hà đang mơ màng thì có tiếng Sen bên cạnh:


-Hà, dậy, chạy xuống hầm chìm lẹ lên.


Hà đang mơ màng nửa thức nửa ngủ, nghe tiếng Sen kêu, hoảng hốt chạy xuống hầm chìm. Chợt nhớ tới anh Mười, Hà kêu lên:


-Anh Mười, anh Mười đâu rồi?


-Anh đây nè.


Thì ra anh Mười đã nhảy xuống hầm chìm từ lúc nào. Hai anh em ngồi ở trong hầm, lòng lo lắng không yên.


Hà cất tiếng:


-Hổng biết tiếng súng hay tiếng pháo anh Mười há?


-Pháo kích chứ pháo cái gì. Mầy hổng nghe nổ lớn quá chừng à?


Hà bỗng nghe tiếng nổ ầm thật lớn trước cửa nhà.


-Nổ trước cửa nhà mình đó anh Mười.


-Hổng biết nhà mình hay là nhà anh chị Tư bên cạnh?


Lẫn trong tiếng súng có tiếng người la hét và tiếng hô xung phong. Hà lo sợ:


-Việt Cộng, anh Mười. Em nghe tiếng hô xung phong giọng người miền Bắc đó. Cái giọng lạ lắm.


-Mày biết gì mà nói. Biết đâu lính Sư Đoàn 5.


-Lính Sư Đoàn 5 đâu có hô xung phong ngay trong quận đâu anh. Nhà mình ngay trước thành của Sư Đoàn 5 mà. Điệu này chắc Việt Cộng tấn công đó anh Mười. Sao em lo quá.


-Lo lo cái gì. Chắc Việt Cộng cũng hổng thèm vô nhà mình làm gì đâu. Mà mày nhớ lời má dặn nghe hông. Lỡ bị Việt Cộng bắt, họ có hỏi, nhớ không được nói là con cậu má. Phải nói là người ở đợ nghen.


-Sao má lại dặn nói mình là người ở đợ vậy anh Mười?


-Thì Việt Cộng ghét cậu làm thông dịch viên cho Mỹ, tụi mình là người ở đợ nên họ sẽ không giết mình.


-Sao nói ký kết ngừng bắn ăn Tết gì đó mà bây giờ lại đánh rồi. Em mong sao cho mau sáng, cho cậu má mau về. Em sợ quá anh Mười.


-Mày im đi, nói nói hoài, lỡ tụi Việt Cộng nghe được, họ vô tới nhà bắt tao với mày đó.


Hà im lặng, chấp hai tay cầu nguyện Trời Phật cho gia đình và mọi người bình an. Nửa năm nay, từ lúc xuống Sài gòn đi học Đệ Thất, Hà đã quên tiếng súng nổ, quên cái cảm giác bất an, sợ sệt. Bây giờ, ngồi trong hầm, tiếng súng đạn ầm ầm bên ngoài làm cảm giác ngày xưa trở về. Hà không ngủ lại được và thao thức tới sáng.


Trời sáng tỏ, tiếng súng cũng đã im bặt, Hà và anh Mười lui cui chui ra khỏi hầm. Hà la lên:


-Anh Mười, coi cái cửa sắt của nhà mình kìa!


Cái áo của cửa sắt đã bị bung ra từ lúc nào. Ngay góc cửa sắt có một khoảng trống to tướng, các thanh sắt đâm xiên xéo trong khoảng trống đó. Có lẽ vì thế mà tụi Việt Cộng tối qua không chui vào nhà Hà qua cái khoảng trống này được. Cùng lúc đó, hàng xóm chung quanh cũng túa ra đường. Đại úy Lộc và Trung sĩ Cúc của Chi Khu Bến Cát và một số lính Địa Phương quân kéo đến trấn an đồng bào:


-Bà con yên tâm, Việt Cộng đã bị đẩy lui tối hôm qua rồi. Nhưng kể từ hôm nay, lệnh giới nghiêm ban hành từ 6 giờ chiều tới 6 giờ sáng. Bà con không nên ra đường vào giờ này. Nếu có việc khẩn cấp, bà con nên đi hai ba người và nhớ cầm đèn.


Đại úy Lộc nhìn khoảng trống của cửa sắt ở nhà Hà và nhìn những vỏ đạn còn rơi vãi quanh đó:


-Mấy thằng Việt Cộng thụt B40 ở đây mà nhà không bị sập may thiệt. Thiệt là may đó nghe. Có ai bị thương hông? Không ai bị thương hết quả thiệt là may vô cùng.


Hà bỗng chợt nhớ tối qua lúc súng đạn ì đùng, Hà nghe rõ ràng tiếng Sen kêu Hà chạy xuống hầm chìm. Mà sao sau đó không thấy Sen đâu hết vậy cà. Hà chạy vội vào nhà, khi ngang chiếc giường Hà nằm ngủ tối qua, nhiều mảnh đạn B40 cắm mạnh xuống giường. Tối hôm qua, nếu Hà không chạy xuống hầm chìm kịp, chắc là bây giờ Hà không chết cũng bị thương rồi.


Hà nghĩ chắc là lời dặn của Sen làm Hà nhập tâm nên có ảo giác, chứ thật ra tối qua Sen không có vào gọi Hà dậy đâu.


Hà và anh Mười chiên mấy khoanh bánh tét ăn với thịt kho vừa nghe radio. Hà rất thích nghe nhạc xuân và chương trình thiếu nhi của Ban Việt Nhi, Ban Tuổi Xanh, hay của Ban Tùng Lâm đón xuân. Nhưng Hà chỉ nghe tin tức Việt Cộng tổng tấn công trên toàn miền Nam. Sài Gòn trong tình trạng giới nghiêm. Vậy là cậu má không về kịp ngày mồng 2 Tết rồi.


Suốt cả ngày Hà đi ra đi vào, cứ ngóng ngoài cửa coi Sen có tới không. Hà có nhiều thắc mắc muốn hỏi Sen sao Sen biết được là có đánh lớn và lại kêu Hà xuống hầm chìm ngủ nữa. Chắc Sen có bà con là du kích Việt Cộng hay sao quá. Đa số những người dân các vùng quê lân cận Bến Cát đều có dây mơ rễ má với Việt Cộng. Có những người ban ngày là người dân làm ăn hiền lành nhưng ban đêm lại là du kích Việt Cộng. Nếu Sen là Việt Cộng, Hà cũng không sợ Sen. Hà nghe nói là Việt Cộng bắt những thanh thiếu niên cỡ tuổi Sen ra trận. Sen rất tốt với Hà vậy thì chắc Sen không làm hại Hà đâu.


Buổi chiều Hà đem mâm đồ cúng ra trước cửa để cúng lần nữa. Má dặn Hà cúng đủ mấy ngày tết từ tối ba mươi tết đến mồng 3 cho cô hồn các đản cũng được ăn tết như mình.


Hà ngồi nơi bậc thềm chờ mấy cây nhang tàn, nhìn ra đường, đường sá vắng tanh, mọi người sợ giới nghiêm nên đã vào nhà hết cả rồi. Giờ này chỉ có mình Hà ở ngoài sân. Bỗng có tiếng Sen bên cạnh:


-Tối hôm qua bồ sợ hông?


-Sợ chứ, nghe tiếng súng đạn ghê thấy mồ.


-Số bồ hổng có sao đâu. Sống chết cũng có số nữa Hà à.


-Hổng biết cậu má tui chừng nào mới về. Má tui nói hôm nay về mà tới giờ chưa thấy về làm tui nhớ má tui quá.


-Bồ yên tâm, má bồ bình yên mà. Chắc cả tuần lễ nữa mới về.


Hà chợt nhớ điều định hỏi Sen:


-Sen à, nhà bồ có người theo Việt Cộng phải hông?


-Ở đó mà theo Việt Cộng, tui thù Việt Cộng muốn chết tui đây nè.


-Sao bồ biết trước một số chuyện mà bồ cho tui biết vậy.


-Tui cũng đâu có biết gì nhiều đâu. Tui biết nhiêu nói bồ biết nhiêu. Tại tui thấy bồ tốt với tui, tốt với mọi người.


-Tui cám ơn Sen, hổng có Sen chắc tui tiêu đời rồi..


-Tui tới thăm bồ lần này chắc không biết bao giờ tui mới gặp lại bồ nữa.


-Sen đừng lo, tui tới thăm Sen nghe. Sen chỉ chỗ Sen ở, ngày mai tui thăm Sen.


Sáng mồng 3 Tết, Hà thức dậy, chưa kịp ăn sáng, nhớ đến lời hứa đi thăm Sen, Hà vội vã thay quần áo, đi kiếm nhà Sen.


Theo lời chỉ dẫn của Sen, Hà đi xuống Hàng vú sữa, qua cái giếng nước, quẹo tay phải, rồi đi riết tới cây sung bên cạnh cái ao. Ngó bên tay mặt, coi cái nhà tranh có cái lu nước phía trước có treo cái gáo dừa, đó là nhà của Sen.


Hà đến trước cửa nhà, nhìn vô trong căn nhà có vẻ âm u, tối tăm. Hà cất tiếng gọi:


-Sen ơi, Sen có nhà hông?


Có tiếng một người phụ nữ vọng ra:


-Ai kiếm Sen nhà tui đó?


-Dạ thưa Bác, con là Hà bạn của Sen.


-Con bạn Sen hồi nào mà bác hổng biết?


-Dạ con mới quen Sen mấy hổm rày.


-Trời đất, con nói thiệt hả?


-Da đúng rồi đó bác.


-Trời đất, con Sen nhà tui chết nay nửa năm rồi con ơi. Làm sao mà con mới quen Sen được. Con vô đây, bác chỉ con bàn thờ của con Sen nè. Con coi phải hình nó hông?


Hà bỗng thấy nổi gai ốc khắp người. Có một làn gió lạnh như mới thoảng qua. Hà nhìn sửng vào tấm ảnh, đúng là hình của Sen. Người trong ảnh có vẻ như gật đầu chào Hà, như mỉm cười với Hà. Cũng cái áo này lúc Sen gặp Hà.


-Sen chết sao vậy bác?


- Nửa năm trước tụi Việt Cộng pháo kích sao rớt gần nhà bác, con Sen bị trúng miểng vô ngay trái tim nó, đưa vô nhà thương mấy tiếng đồng hồ thì nó chết. Bác buồn quá con à.


-Trước khi chết, Sen có trăn trối gì hông bác?


-Không có con ơi, nó đâu có nghĩ là nó chết đâu. Nhà nghèo quá, bác hổng có cho nó đi học, nó ở nhà phụ bác chuyện này chuyện nọ. Ngày hôm đó nếu nó đi học, không ở nhà thì nó đâu có chết. Cũng tại mấy ông Việt Cộng pháo kích ở đâu hổng pháo nhè vô nhà dân mà pháo không hà. Bây giờ con bác chết rồi bác đau lòng lắm con.


Hà muốn nói vài câu an ủi má của Sen nhưng không biết nói gì.


-Bác ơi, bác chôn Sen ở đâu, bác cho con ra thăm mộ Sen được hông bác?


Má của Sen đưa Hà đi đến gò mả ở Hàng vú sữa. Ngôi mộ nhỏ mới đắp, còn mới so với những ngôi mộ chung quanh. Trên mộ vài ngọn cỏ mọc lưa thưa. Tấm hình Sen ở trước mộ tươi cười trong gió. Hà thấy lạnh quá. Vậy là mấy ngày trước Hà đã gặp ma. Hà không có đem theo nhang để đốt cho Sen, Hà chắp hai tay lại van vái cầu xin cho Sen được siêu thoát. Những dòng chữ ở tấm bia còn ghi rõ:


Nguyễn Thị Sen
Sinh ngày....
Chết ngày....
Ba má lập mộ.


Rõ ràng là Sen đã chết cách đây nửa năm rồi.


Bây giờ Hà tin là con người có linh hồn. Hà tin là cõi đời này ngoài cuộc sống của con người còn có cõi ma. Sau lần gặp Sen, Hà cũng thấy hơi sợ sợ ma nhưng cũng ước ao gặp Sen lần nữa. Hà có rất nhiều điều muốn hỏi Sen.


Từ đó Sen biệt tăm, cho dù Hà có van vái, Hà cũng không gặp Sen lần nào nữa hết.


Thanh Huyền


Chú thích của tác giả: Đây là câu chuyện do chính tác giả đã trải qua. Tác giả rất tin ở số mệnh, ở linh hồn và ở kiếp luân hồi. Có lẽ cô Sen đã đi đầu thai rồi cho nên tác giả đã không có dịp gặp hồn ma của Sen lần nào nữa hết. Thật sự trong thế giới chúng ta đang sống có rất nhiều hồn ma nhưng ta chưa gặp chắc là do ta chưa có duyên để gặp ma thôi. Biết đâu có khi ta đã gặp và nói chuyện với ma nhưng ta cứ tưởng đó là người thật, không hề biết là ta đã gặp ma. Phải rồi, biết đâu....








Tác giả: Thanh Huyền​
 
Back
Top