Chuyện anh Trương Chi

Jolie

Member
Chuyện anh Trương Chi hẳn ai trong chúng ta đều ít là một lần được đọc, được nghe kể, được biết cả rồi. Đại để thì bao giờ câu chuyện cũng được mở đầu bằng câu “ngày xưa có anh Trương chi; người thì thật xấu, hát thì thật hay “. Anh thường chèo thuyền trên sông nước, đêm trăng thanh cất tiếng hát vượt ngàn trùng. Lời ca của anh làm cho mỹ nhân trên lâu đài tương tư muốn được nghe mãi. Rồi nàng sai người đi mời bằng được anh vào. Gặp mặt rồi, tiểu thư đâm vỡ mộng, còn anh Trương Chi quay về với lòng dạ ủ ê. Từ đó người ta nghe giọng ca của anh như nhuốm màu ai oán. Đêm khuya thường nghe tiếng anh cất lên từ khúc sông vắng cô đơn “ngồi đây ta gõ ván thuyền, ta ca trái đất còn riêng ta” (Văn Cao). Nỗi buồn dai dẳng ấy khiến anh buồn mất sớm, trái tim hóa đá được người đời làm nên chén ngọc uống trà. Cảm thương cho số phận người trai, mỹ nhân cho người dò la tìm mua được chén ngọc. Đêm đêm nàng “rót nước vào chợt thấy bóng ngư lang; quanh chén trà thuyền trôi theo tiếng đàn” (Phạm Duy) để rồi một lần lệ vô tình rơi vào chén làm vỡ tan chất ngọc quí giá kia. Khối tình của anh Trương Chi ngậm câm “mang xuống tuyền đài chưa tan” (Phạm Duy), chấm dứt cuộc tình đầy lãng mạn. Người đời sau nhắc lại tích cũ, cảm thương cho số kiếp long đong đã tiếc cho anh mà đặt lên lời nhạc chia xẻ cuộc tình “ngoài kia mưa rơi trên bao cung đàn, còn nghe như ai nức nở và than, hòa với tiếng suối róc rách, ai có buồn chăng?” (Văn Cao) để rồi cùng ngẩn ngơ “đêm năm xưa trên con thuyền lẻ loi, khi trót yêu người rồi, xa cách nhau vì đời, cuộc tình còn đó chưa hề tan; ôi duyên xưa, ai đã trả cho ai, cho mắt rơi lệ rồi, cho suối tan thành lời, để thành bài hát ru lòng tôi” (Phạm Duy).
Thế nhưng có một lần tôi lại được nghe chuyện anh Trương Chi gần như hoàn toàn khác hẳn. Không biết hư thực và độ xác tín đến mức nào, tôi cũng xin kể lại ra đây cùng xem chung câu chuyện. Tôi nghĩ rằng dù đúng, dù sai thì cũng nêu lên được thêm một cái nhìn về con người tài hoa yểu mệnh đó. Và tôi xin vào chuyện.
Trương Chi lớn lên từ một làng quan họ. Nhà không giàu, song cũng có được cái áo đoạn the đen, cái khăn xếp nhiễu xanh và đôi dép bố hạ. Tay lại phe phẩy cái quạt nan, không phải mong có cơn gió mát mà là vật làm dáng đẩy đưa cho tiếng hát thêm ngọt ngào. Bảo rằng anh Trương Chi xấu là không đúng vì người xấu thì làm sao dám chường mặt dự các lần quan họ. Nhưng bảo rằng anh Trương Chi đẹp thì lại cũng hơi quá lời. Tóm lại anh có một khuôn mặt thanh nhẹ, mới chợt nhìn đã thấy đam mê. Làn da anh trắng vừa phải làm cho sống mũi thẳng càng dựng cao thêm. Đôi mắt như hai sợi tơ mảnh, không ra đăm chiêu mà cũng chẳng ra mời chào. Ấy vậy mà khi nhìn vào đâu cũng thấy như gieo hạt sương vãi xuống, nó thiết tha làm rung động trái tim. Chân anh đi như thuyền đang lướt sóng, không tạo nên âm thanh mà nhanh nhẹn vô cùng. Lời của anh một khi cất lên nghe như tiếng suối đổ, rót vào lòng người những vang vọng âm ba. Còn khi anh hát lên, chao ôi! giá chim trời đang bay cũng phải ngập ngừng chậm lại, giá dòng suối cạnh bên đang tuôn cũng phải ngơ ngẩn bồn chồn. Huống chi là con người có trái tim đa cảm, nghe tiếng anh giữa đêm hát chung, làm sao khuông luống khỏi bàng hoàng.
Cùng dự đêm hát đối với anh là một cô gái cũng từng theo đuổi cầm ca. Trai tài, gái sắc gặp nhau, quyến luyến vì câu ca giọng hát, làm sao không phải lòng nhau cho được. Hai tiếng hát vờn đuổi nhau như đôi bướm trong hoa, Mượn câu ca để tỏ nỗi lòng nhau khăng khít. Cho nên cuộc lễ nào hai người cũng hẹn hò mời mọc về dự. Bạn cùng nhóm biết được lòng hai người nên vẫn tạo dịp để hai người gần cận đối đáp nhau. Lời anh phóng lên, lời chị đeo theo ríu rít, như đôi chim lúc lên bổng xuống trầm, nghe như sênh phách cũng rã rời không đuổi kịp. Họ đem hết tâm sự ra gửi gấm cho nhau, móc hết lòng nhau ra cho đời nhìn mặt trái. Mắt họ quấn quít nhau như tơ sợi trên trời, mong manh mà khó đứt. Phải lòng nhau rồi thì càng lúc càng đậm sâu thêm.
Lần cùng hát dưới bóng đêm, hội ca có một lúc đèn tắt hết cả để chỉ còn riêng tiếng hát đưa đẩy trong khuya. Không rõ những người dự lễ đã có tình ý gì với nhau, mà khi đèn thắp lại, hai người nhìn nhau tẽn tò, ngượng ngập. Chiếc yếm đọt chuối non cô gái mặc như phập phồng trong hơi thở mạnh lên. Người bảo là tại “gió đưa mảnh yếm chập chờn, con tim khát vọng dập dờn bên nhau”. Kẻ lại nói “yêu nhau cởi áo cho nhau, về nhà mẹ hỏi qua cầu gió bay” (ca dao). Chả ai biết thế nào là chân lý cả.
Cho đến lúc hội hát tàn, thuyền đưa liền anh, liền chị ra về thì bỗng dưng chẳng ai bảo ai, cả anh Trương Chi, cả chị đều mắt đầy ngấn lệ. Câu ca “người ơi người ở đừng về” (ca dao), cất lên sao nghe não nuột, bi thương. Đành lại gạt lệ hẹn nhau mùa hội sau sẽ tới. Đêm thênh thang chỉ còn nghe dư âm của tiếng ca thỉnh thoảng theo gió vọng trôi về. Tục lệ cấm liền anh, liền chị không được lấy nhau để giữ cho câu quan họ sáng trong như ngọc bích làm cho anh lẫn chị đều cảm thấy đau lòng.
Cùng đi xem hội năm đó còn có tiểu thư một nhà vọng tộc. Núp dưới hoa, cô nghe tiếng hát của hai người. Có lúc cô nghĩ lời anh Trương Chi như đang gửi gấm cho cô. Cô yên trí là anh đang ngỏ với cô lời tỏ tình sâu kín nhất. Đã từng được nghe cha anh trong nhà cho biết về tục lệ của bạn hát, cô gái mừng thầm hi vọng sẽ kết duyên được với anh Trương Chi. Từ đó cô ôm trong lòng lời thiết tha mong đợi. Những đêm trăng cô tựa gối mà chờ. Cô chờ tiếng hát của anh như người vọng phu chờ lang quân đi chinh chiến. Hội tan rồi, anh Trương Chi về lại quê quan họ của anh. Có thể vì bận lo làm lo ăn, có thể vì chung tình với người bạn cùng hát, nên anh dấu tăm ẩn tích của mình. Cô gái bỏ bao nhiêu tiền, cho người cất công đi lùng tìm mà chẳng thấy tăm hơi anh đâu. Hễ nghe phong phanh nơi nào có người giống dáng dấp của anh là cô lại cử người ào tới. Nhưng bóng chim tăm cá, chợt hiện chợt biến, như trêu ngươi thách thức lòng tiểu thư. Cô gái buồn sầu, tương tư, rầu rĩ, lâu ngày thành bệnh. Cô nằm một nơi chỉ mong được nghe tiếng hát của anh. Bố cô thương con hỏi han, cô thực tình kể hết. Phú ông cũng cất công để ý dò tìm, mà không vẫn hoàn không.
Thời gian đó, cô gái bạn ca của anh Trương Chi cũng lâm bệnh. Đang lánh mặt, ẩn thân mà được tin anh cũng vội đến thăm. Lòng anh như lửa đốt trăm bề. Nhìn cô bạn nằm thiêm thiếp không hay không biết, anh đứng trông mà hồn đứt đoạn từng cơn. Mấy lần anh định đưa tay nắm lấy bàn tay bạn mình, song lại rụt về nhanh chóng. Lời nghiêm cấm liền anh, liền chị vang lên trong anh. Trương Chi khổ sở cất lên lời ai oán “mình về mình nhớ anh sao, khiến cho trăng rụng bên rào, khổ chưa”. Nước mắt anh ứa ra, anh khóc nghẹn ngào. Chợt cô bạn như cảm thấy sự hiện diện của anh, trong mơ cô đưa tay ra như hứng lấy những giọt sương rơi nhẹ vào người. Và lạ chưa, môi cô cũng mấp máy, anh ghé tai lại gần cố lắng nghe. Lời cô hát rất nhẹ, như lời thở than nho nhỏ “mình ơi, em rất thương mình, câu ca muối đậm ân tình của nhau”. Anh như người chết đuối. Anh không còn muốn giữ kẽ nữa. Anh ghé vào định ôm lấy tình nhân, nhưng cô gái lại hát lên rất rõ “xin anh để sợi tóc mai, thảnh thơi đùa giỡn bên tai đủ rồi”. Anh khựng lại, tưởng cô gái thức tỉnh, song thực ra là cô bạn vẫn đang mơ. Anh cứ đứng như thế nhìn vào bạn khổ đau. Ý tưởng của anh trở về với đêm quan họ, âm thầm nhớ lúc đèn tắt hôm nao, lòng anh chao nghiêng chao ngửa. Mảnh yếm đọt chuối non đã đánh đắm tim anh. Đêm đồng lõa giúp nhau vào say đắm. Anh đánh bạo hay là hai bạn tình cứ quyết định lấy nhau. Cho dù tiếng ca có vì thế mà tắt thì tình yêu vẫn rực rỡ thăng hoa. Lòng thành thực yêu nhau có gì đâu tội lỗi. Như ngập ngừng của người đứng phân vân trước ngưỡng cửa tình yêu, chỉ cần bạo một chút bước lên là vào được hạnh phúc hoặc bước lui là xa cách biệt ly. Vậy mà sao khó chọn quá. Hình ảnh những con thuyền dập dìu nhau về trẩy hội, tiếng hát vút cao như mời gọi tham gia làm anh càng chùn bước. Bất lực trước định mệnh, anh gạt nhanh giọt lệ và chạy vút đi bỏ trốn người yêu.
Sau đó, anh nhận lời khẩn khoản của ông bố tiểu thư mà vào thăm người đẹp với cái xác thiếu hồn. Anh đứng bên giường mỹ nhân. Cô gái choàng tỉnh dậy, thấy mặt anh, bệnh chốc tiêu tan. Cô đưa tay ấp lên trái tim, cố chặn những con sóng lao xao ào ào tràn tới. Cô ngước mặt đắm đuối nhìn anh. Mắt anh Trương Chi vẫn trôi dạt về một phương trời khác. Cô yếu ớt nài xin anh “chàng đã về vì em, xin chàng cho em được nghe một đôi câu hát cũ. Để lòng em được mở hội với đất trời. Chàng ơi! công em chờ em đợi, thân em mỏi em mong. Nếu chàng tiếc tiếng hát, chắc em sẽ xuôi tay vì thất vọng”. Trương Chi xoay vần ý nghĩ bao lần. Mỹ nhân đã dồn anh vào việc khó. Không hát lên là ác độc mà cất lời ca chả hóa ra bị mua chuộc hay sao. Xưa nay câu ca phải từ tự do và thành thực tự ý đến. Ép uổng nhau, nghệ thuật chỉ còn là cái khung rỗng của đời. Phương chi lời giao duyên là của muôn họ đổi trao nhau khi đối ẩm tự nhiên. Nay đóng khung tiếng hát chỉ vì cho một người, lại ở một nơi lầu son gác tía, dù vô tư đến đâu, tránh sao khỏi bị người đời mỉa mai, trách móc. Anh bỗng thấy tối tăm mày mặt, băm môi cố nén bi thương. Anh ngầm chọn trong đầu một lời từ chối: cảm ơn nàng đã cất công mời gọi. Tôi đến đây để đền đáp ơn mời. Nay nàng đã tỉnh lại, bệnh đã hết, xin tha cho chuyện ép đặt vừa nêu. Nàng hãy đợi mùa quan họ sang năm, mời nàng đến dự để cổ võ anh chị em. Câu ca lúc ấy mới thực được rút ra từ tâm, từ ý. Hãy tha cho tôi sự khó khăn này.
Tiểu thư gục xuống khóc như mưa, như bão. Bao nhiêu công lao đổ ra chỉ nhận lại những ngọn roi xẻ thịt da mình. Nhưng chàng nói có lý quá, câu ca mà bị ép uổng có khác nào như bỏ ngục người ta. Mỹ nhân đành ngậm ngùi chấp nhận ý anh và Trương Chi từ giã ra về.
Nhưng kể từ mùa quan họ năm kế tiếp, chẳng ai còn thấy anh Trương Chi đến tham dự như xưa. Sông nước vẫn lững lờ trôi, thuyền liền anh liền chị vẫn lênh đênh theo giọng hát. Lời vẫn là những lời ca cũ mà sao nghe bâng khuâng, lạc lõng, vô duyên. Tiểu thư đã đến, nhưng không ở lại lâu khi thấy người xưa không hiện diện.
Có một lần người từ đâu xa về đem tặng tiểu thư một chén ngọc. Dặn dò cô: đây là nghĩa, là tình. Khi rót nước vào sẽ gặp lại cố nhân, nhưng chớ để lệ rơi vào chén. Cô gái mừng ấp chén vào tim, nghe nhịp đập như ba đào chớm dậy. Từ đó đêm đêm cô rót nước vào. Chỉ thấy lờ mờ sóng gợn và văng vẳng tiếng ca đâu đây “nhớ nhau làm khổ cho nhau, người ơi cố gạt âu sầu mà vui”. Nhưng tiểu thư làm sao vui được. Đêm năm canh vò võ đèn mờ, thoảng đâu đây tiếng trống sang đêm. Cô ngủ vùi trong tay còn cầm chén ngọc.
*
Chuyện anh Trương Chi chỉ kể lửng lơ đến đó. Tôi chờ hoài đoạn kết xem sao. Nhưng người kể đã đứng dậy vươn vai vì trời sắp sáng. Tôi cảm thấy bàng hoàng vì vừa thức trắng qua đêm. Tôi băn khoăn không biết nên đi hay nên ở. Người kể chuyện với tay ra lấy cây đàn. Tay ông run run nắn phim. Cái gù trên đầu đàn bần bật tựa đồng lên. Con dơi trên chót phím cũng chập choạng như bứt khỏi cần đàn bay mất. Rồi ông cất tiếng hát nho nhỏ: đêm năm xưa chưa nguôi lòng yêu ai, chôn đáy sông hồn cầm, ai chết đêm nguyệt rằm, nợ tình còn đó chưa đền xong” (Phạm Duy). Và ông thôi, không hát tiếp. Tôi nghe như thời gian chảy mềm dần.

Đỗ Thành

(Những câu thơ không ghi chú thích là của tác giả)



 
Back
Top