Chia rẽ giữa các nước giầu nghèo gây khó khăn cho hội nghị G20

T

T$

Guest
Sự khác biệt giữa tăng trưởng nhanh tại các nước đang phát triển đối với sự phục hồi chậm chạp và tỉ lệ thất nghiệp cao tại nhiều quốc gia phát triển sẽ đóng vai trò chính trong các cuộc thảo luận khi bộ trưởng kinh tế các nước trong nhóm G20 họp tại Paris.

Kinh tế gia Chris Williamson nói rằng hai khó khăn chính chắc sẽ bao trùm hội nghị:

“Khó khăn thứ nhất là câu chuyện cũ về tình trạng mất quân bình toàn cầu mà đặc biệt là thặng dư mậu dịch của Trung Quốc và thâm thủng mậu dịch của Hoa Kỳ. Khó khăn thứ nhì, như đã được cảnh báo, là cuộc tranh luận về nông sản và có nên ngăn chặn việc đầu cơ tích trữ nông sản hay không.”

Một cuộc tranh luận đã bắt đầu giữa các nhà quốc gia sản xuất nông sản và các quốc gia tiêu thụ liên quan tới những luật lệ được đề nghị nhằm ngăn chặn giá thực phẩm tăng cao.

Và cũng như trong các hội nghị thượng đỉnh trước, những căng thẳng trong vấn đề hối suất chỉ tệ giữa Washington và Bắc Kinh vẫn còn cao.

Các giới chức Hoa Kỳ nói rằng, Trung Quốc cố ý định giá thấp chỉ tệ của họ để hưởng lợi trong xuất khẩu. Nhưng các nước khác, trong đó có Brazil, tố cáo Hoa Kỳ cũng làm như vậy, khi sử dụng chính sách tiền tệ về nới lỏng định lượng để làm giảm giá trị đồng đô la.

Kinh tế gia về các vấn đề quốc tế Stefan Schneider tại Deutsch Bank nói rằng những tranh chấp đang tiếp diễn sẽ khiến rất khó đạt được một hiệp định khung mới toàn cầu.

Ông nói: “Tôi nghĩ rằng hội nghị này sẽ không thành công lắm. Chúng ta phải thấy rằng khi hội nghị G20 được thiết lập trong cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu vừa qua, mọi người đều chia sẻ với nhau cùng một ý nghĩ, mọi người đều muốn ngăn chặn suy thoái. Nhưng kể từ đó tới nay sự quan tâm đã nhạt đi đáng kể.”

Mặc dầu nhiều nước thành viên đồng ý rằng các tiêu chuẩn ngân hàng nhất quán và những quy luật chặt chẽ hơn có thể ngăn ngừa một cuộc khủng hoảng nữa, nhưng có những bất đồng về vấn đề phải theo dõi từng nước như thế nào.

Nhưng Bộ trưởng Kinh tế Pháp Christine Lagarde nói rằng, sự chú trọng về phục hồi và tăng trưởng bền vững trên khắp thế giới là điều tất cả các nước có thể đồng ý với nhau.

Ông cho biết: “Đó sẽ là về vấn đề cải thiện hệ thống tiền tệ quốc tế. Đó sẽ là về vấn đề đem lại một chút minh bạch, thông tin chính xác, và luật lệ thích hợp trong lãnh vực nông sản và bắt nguồn từ nông sản. Đó sẽ là về vấn đề bảo đảm rằng những luật lệ tài chánh phải được thi hành rộng khắp, đúng mức theo cách điều hợp và nhất quán.”

Điều hợp và nhất quán như thế nào vẫn còn là chuyện chưa có gì chắc chắn.

Mặc dầu mục đích của khối G20 là đưa ra các chỉ dẫn mới để lập lại quân bình cho nền kinh tế toàn cầu và ngăn ngừa một cuộc khủng hoảng nữa, các chuyên gia nói rằng một hiệp định như vậy chắc sẽ chưa thể đạt được trong tương lai gần.
 
Back
Top