Chiếc cầu Gẫy Và Lá Xanh

tuyet_loan08

Junior Member
Xuân im lặng ngồi trên mỏm chiếc cầu gỗ vụn của con đường đất đỏ này chạy ra một thị tứ nhỏ, nhưng đông đúc nhất vùng, còn phía kia đi ra bờ sông rồi nghẽn mất.
Cứ mỗi buổi chiều mang súng đạn đến lô cốt nhỏ đầu xóm. Công việc đơn thuần đi theo ngày tháng. Chiều nào như nấy, khi ánh mặt trời dần xuống, khi loài người vội vã để sẵn sàng đưa nếp sống vào đêm tối, những cánh chim bay xa xa ngoài sông thật mau, và ánh sáng của mặt trời trở nên vàng vọt trên con sông thênh thang thì chiếc xe bò cọc cạch băng qua cây cầu gẫy đã được chắp vá tạm thời bằng vài mảnh gỗ. Tiếng roi quất trên mình con vật, tiếng đục khàn khàn của ông già vang lên liên tục cho đến khi chiếc xe vượt qua khỏi khu cầu. Xuân cũng thuần đi cả tiếng xe, tiếng giục bò như một âm thanh ngấm dần vào tập quán.
Xuân nhớ mang máng những hình ảnh chạy loạn với cha mẹ trong những năm tháng sống trên miền Bắc, vất vưởng lạc lõng trong dòng đời luân lưu với sự bần hàn, gia tài vỏn vẹn trong đôi quang gánh, cả cha lẫn mẹ thay phiên nhau gánh gồng lưu lạc.
Cho đến bây giờ Xuân chấp nhận trên tay cây súng nói để bảo vệ xóm làng sau khi được cha mẹ nâng niu trong đoạn sống bương chải. Xuân nhiều lúc tự hỏi lòng về công việc giết để tạo một sự an bình cuộc sống. Đổi chác ấy làm Xuân không trắng bạch tư tưởng và Xuân cũng mặc kệ sự lu mờ của trí tưởng.
Dầu sao Xuân cũng biết mình sắp đến tuổi phải đi lính, vì vậy tự đâu bắt buộc Xuân phải suy nghĩ lung lắm. Xuân không rõ được khúc quanh của thế hệ này đã đưa đến học đường, tuổi trẻ những sa đoạ, những tin đọc được trên báo trò đánh thầy, học sinh làm áp lực đuổi thầy khỏi nơi dạy, cho Xuân thấy không còn một chút trật tự, nếp nang xa xưa đáng tôn quý, cho trí óc Xuân một dấu hỏi những điều thu lượm được ở nhà trường. Xuân nhìn đâu đâu cũng đầy dẫy những hình ảnh không mấy đẹp, những đứa con Tây mẹ Việt Nam, những trận hiếp dâm hằng bọn hằng lũ, những đứa mắt láu liên vồ xe. … Còn hàng ngàn hàng vạn hình ảnh khác. Xuân chỉ nghĩ được rằng: vì chiến tranh kéo dài quá nhiều trên mảnh đất này, nhưng đó là điều suy luận bạc nhược không lối thoát.
Tiếng kêu quen thuộc của chiếc xe bò từ xa. Xuân nhìn vào ngõ hẻm cụt, biết nhà ông già ở đó, nhưng chưa một lần biết được gia cảnh. Nhìn xa thấy chiếc nón lá, Xuân đã hình dung ra được ông mỉm cười nhìn, ông ngồi trên chiếc xe an nhàn thụ hưởng thong thả sau một ngày mệt nhọc. Chưa kịp chào Xuân thì ông phải chú ý đến con cầu gẫy. Chiếc xe lăn dần xuống chỗ thấp của cầu, hai con bò cố sức để vượt qua. Lên khỏi cầu ông già dừng lại ngay bên vệ đường lấy nón phe phẩy hỏi Xuân:
- Tình hình đánh nhau ngoài đẳng sao chú, ngoài Trị Thiên hay Bình Long nó đánh mạnh dữ lắm mà?
- Thưa bác cháu cũng không được rõ lắm, chắc cũng có đánh.
Xuân nói như thế để có chuyện nói. Ông già ngưng quạt nhìn Xuân kể lể:
- Tôi có thằng con ở miệt ngỏai, nhưng chắc hổng sao đâu, con nhà thẳng thắng, trên cũng phò trợ. Cứ mỗi lần qua đây, nhìn thấy chú tôi không cầm nhớ được nó.
Xuân vâng nhẹ rồi nở nụ cười khi ông già lên xe với nét vui tươi tin tưởng.
Lòng con người luôn cưu mang điều tha thiết chân tình, nhưng cũng lòng con người gây lên những điều tương khốc cắn răng. Xuân cũng luôn mang một niềm tin như ông già, từ ngày ký ức bắt lớn lên trong niềm cơ cực của gia đình, trong những ngày chạy lọan vào miền Nam nắng cháy, nhưng niềm tin đó đã rã rời mất khắp nơi trên đất nước ngay cả trong căn bản mẫu giáo, ngay cả trong nếp sống thường nhật của tuổi, của sự tận tụy người cha đi làm công trong cơ sở người ngọai quốc, niềm tin đã đánh mất ngay khi Xuân sắp bước vào ngưỡng cửa đời sống, tương lai của Xuân là một vùng xa mù và dĩ nhiên Xuân cũng như mọi người lặng thinh chờ đời điều tuần tự phải đến sẽ đến.
Cũng như mọi ngày ánh nắng lặn mất trên sông Xuân cũng sửa sọan xong những công việc thường lệ để tìm một sự yên tĩnh trong giấc ngủ. Chiếc xe nhà binh không qua được cầu, nên phải ngưng lại đưa chiếc quan tài xuống trên vai những người lính để đi qua. Lá cờ phủ trên màu sọc đỏ trùng hợp với hàng nến gắn không đều nhau trên nắp.
Tôi cúi đầu tỏ dấu lần cuối khi chiếc quan tài đi qua. Có lẽ tôi thấy mình cũng tệ bạc như bao người, mặc dù lâu rồi chưa một chuyến đưa người tử trận về khu nầy, nhưng tôi đã bị tiêm nhiễm những dửng dưng từ những lần chạy giặc và bao thây phơi máu đỏ ối đầy người đầy miệng trên đồng ruộng, trên bờ đê, trong bụi tre, khóm mía…
Tôi cũng đã thấm nhuần sự dửng dưng trong gang tấc của thần chết. Tôi nhìn theo chiếc quan tài đi theo người hướng dẫn đến ngõ cụt.
Sáu người lính bồng súng đi theo sau như người chết có thể ngồi dậy ra khỏi quan tài, ý nghĩ ngộ nghĩnh, chua chát.
Họ đưa chiếc quan tài đến một căn nhà trống không cửa, không một người nào chạy ra để khóc, căn nhà vắng người, họ phải quàng quan tài lại, chờ đợi người nhà về để nhận xác.
Sự trống vắng vô tư của cuộc sống giữa những số phận để thấy sự oan uổng chăng nào đó của cái chết, nên thiếu thần giao cách cảm.
Tôi thấy những cái chết bất chợt ùn ùn đưa về những nơi thành thị, những phố đông người của cội rễ, của nguồn, và từ đó để nhìn thật tha thiết, chua xót, tiếc thương.
Trong cuộc chiến đang tràn đấy trên đất, con người không còn điềm nhiên chấp nhận một cuộc sống đơn thuần, phải lao mình vào sự tự vệ chung và thế thì nhìn thấy nhan nhản những sự chết không còn là điều bất thường.
Một vài người lính bồng súng đứng cạnh quan tài, còn lại, họ tản mát ra chung quanh trong xóm với những lũ trẻ và người lớn hiếu kỳ, quấn vào màu lá cây xanh của bờ dậu, của ánh nước sông khi trời ngã tối. Họ chưa hiểu làm sao cho đến giờ phút này không thấy một bóng người để nhận xác.
Họ nóng lòng, đôn đáo đi kiếm tìm, và rồi vẫn phải chờ đợi.
Thật xa, chiếc xe bò chậm chạp lờ mờ trong một khúc quanh co như con đường vô ảnh. Ông già vẫn như hàng ngàn ngày với chiếc nón nắng mưa, ngủ gà vịt.
Có tiếng xôn xao trong xóm. Chỉ cho một người lính về hướng ông già. Bộ mặt người lính bừng lên như sắp sửa thóat một món nợ.
Tôi nhìn thấy sự an nhàn vô tư như thường lệ của ông già khi chiếc xe đến gần cây cầu xập xệ. Tiếng vẫn khua vang như vô tình một thay đổi. Ông vẫn nhìn tôi nhướng mắt một cách bình thản với nụ cười cố hữu.
Ông ngước nhìn phớt qua về phía ngõ cụt nhà ông và một thoáng ngơ ngác về sự hiện diện của đám người. Tròn trong mắt ông một màu xanh long lanh ngời ngợi như hai bờ bên dòng sông đang luân lưu, những dừa, những bụi sói cao thấp nằm trong hàng ngũ sinh vật bỗng dưng vô tình chịu gió bão.
Đôi mắt dịu hiền này không mang một chút ảnh hình của chiến tranh. Tôi bỗng thấy dâng lên trong lòng một chút phiền muộn. Tôi thương xót ông, ngần này tuổi đời chịu uất nghẹn nhìn lá xanh rụng xuống.
Ông mang niềm tin mãnh liệt, với chiếc xe bò như không hề xảy ra chuyện gì.
Có người đã lanh lẹ chạy ra báo tin sớm cho ông dưới nhiều con mắt.
Hai hàng nước mắt người đàn bà không cầm được khi nói với ông điều gì ai cũng biết.
Thấy ông cúi xuống nhìn người đàn bà rồi lại ngẩng lên nhìn về phía quan tài. Có lẽ ông đã bắt đầu đánh rơi mất niềm tin ngày nào và bây giờ là một sự hiển nhiên nhãn tiền. Tay ông bỗng dưng quất liên tiếp vào đôi bò. Chiếc xe đi mạnh xuống chiếc cầu sập, vì vội vã quá nên chiếc xe bò không vượt lên được. Bỗng nhiên tiếng ông già khóc rống gọi con. Bỏ chiếc xe bò, nhảy xuống chạy bay vào nhà, nơi chiếc quan tài nằm đó. Tiếng gọi “Thằng Năm con tôi” còn văng vẳng vang lên trong lòng buổi chiều.
Hai con bò ngúc ngoắc một mình với chiếc xe nhìn theo bóng dáng chủ.
Sáng sớm, khi ngọn đèn thành phố vừa tắt được một chập. Chiếc xe đò mới ra khỏi rừng xe của đô thị. Chiếc xe lao đi, trong đó có Xuân chễm chệ ngồi trên chiếc ghế đẩu. Xuân đáo nhậm đơn vị, Xuân đã suy nghĩ nhiều rồi nên sự ngạc nhiên phải đến không làm hoang mang, dù là số phận nhược tiểu dĩ nhiên trên bản đồ thế giới.
Những vui buồn nào điềm nhiên khép lại trong sự chấp nhận hữu lý của miền mình. Xuân biết rõ những gì về sinh vật trên trái đất này, một cây và hàng ngàn ức lá xanh rụng xuống nhòa đi trong niềm căm phẫn, những xác chết và chết thật nhiều mang về phần cội những mầu mỡ tươi tốt, trên mặt đất có những nguyên sinh động vật hiện hữu.

Đánh Máy: Thái san
Nguồn: Thái San
Được bạn: Ct.Ly đưa lên
vào ngày: 27 tháng 3 năm 2005
 
Back
Top