Chai Dầu Cho Bà Ngoại

tuyet_loan08

Junior Member
Ngoại ngồi vá áo trên giường. Ngoại đã già nhưng không đeo kính bao giờ. Đôi mắt ngoại rất “tỏ”. Mị leo lên giường, ngồi bên cạnh ngoại. Giống như những lần Mị muốn nghe kể chuyện, Mị đều mở đầu bằng câu:
- Ngoại kể chuyện đi ngoại!
Ngoại hỏi, câu hỏi quen thuộc:
- Kể cái gì?
- Kể chuyện đời xưa.
- Chuyện gì mới được?
- Chuyện “Tấm Cám”, chuyện “Thằng bé Sọ dừa”, chuyện “Chú Cuội”, chuyện “Trầu Cau”, chuyện “Ăn khế trả vàng”, chuyện “Mài dao dạy vợ”…
- Để ngoại xem, chuyện gì cũng nhão như cháo rồi. Muốn nghe chuyện gì?
- Dạ chuyện gì ngoại kể con cũng thích hết. Ngoại là một kho chuyện đời xưa.
- Khéo nịnh lắm nghen! Chuyện nghe đi nghe lại nhàm lắm.
- Vậy … ngoại kể chuyện “Ông già Nô-en” đi!
- Hả???
Ngoại ngừng tay kim chỉ. Ngoại trố mắt nhìn Mị. Rồi ngoại lắc đầu nhè nhẹ. Mị hỏi:
- Sao, ngoại? Ngoại kể đi! Ngoại biết Ông già Nô-en mà!
- Ngoại biết chứ! Nhưng… ngoại đâu có biết kể cái gì về ổng.
Mị bật cười:
- Hi hi, ngoại không biết kể chuyện Ông già Nô-en.
Ngoại ngơ ngác:
- Ừ, ngoại không biết. Chuyện đời xưa của Việt Nam thì ngoại biết, chuyện của …tây thì ngoại thua.
- Vậy để con kể ngoại nghe.
- Ừ con kể đi!
Mị đằng hắng ra vẻ người lớn, rồi trịnh trọng kể:
- Ngày xưa, xưa lắm, có một ông già thật đẹp, tóc trắng, râu trắng, nét mặt vui vẻ hiền lành, thân hình to lớn, mặc bộ đồ màu đỏ, đội chiếc mũ cũng màu đỏ nhưng có viền màu trắng. Ông là người ở bên tây, nhưng ông yêu quý tất cả trẻ em trên thế giới, không phân biệt đen, trắng, giàu, nghèo. Mỗi năm, đến lễ Giáng Sinh là ông vác một cái túi thật lớn trên vai, leo lên chiếc xe do những con tuần lộc kéo đi trên tuyết, trong đêm lạnh, để đến nhà từng đứa trẻ. Ông vào nhà chúng bằng cách trèo vào ống khói lò sưởi. Trẻ em ngoan sẽ được ông cho quà. Trẻ em hư thì không được cho quà. Rồi… rồi….
Mị ngập ngừng, hết biết kể gì nữa. Nhưng ngoại thì có vẻ chú ý lắng nghe lắm. Mị tự nhiên thấy mình quan trọng hẳn lên. Mị kể tiếp:
- Rồi… rồi… à, ai có viết thư cho ông thì ông sẽ nhớ tên và hàng năm ông sẽ đến cho quà nữa… Ngoại ơi, ngoại thấy chuyện có hay không?
- Hay lắm!
- Ngoại có thích không?
- Ngoại thích lắm. Ngoại không có biết mấy chuyện bên tây.
- Vậy con sẽ kể chuyện cổ tích bên tây cho ngoại nghe há!
- Được.
- Con sẽ kể chuyện “Cô bé Lọ Lem”, chuyện “Bạch Tuyết và bảy chú lùn”, chuyện “Nàng công chúa ngủ trong rừng”, chuyện “Giai nhân và quái vật”,… nhiều lắm.
- Ừ.
- Nhưng bây giờ con phải đi làm chút việc của con nha ngoại!
Ngoại “ừ” rồi tiếp tục may vá.

Rời phòng ngoại, Mị chạy đến bên bàn học, giở nắp hộc bàn lên và len lén soạn lại những món quà mà Mị đã gói bằng những tờ giấy hoa thật rực rỡ. Đó là quà của “Ông già Nô-en” dành cho mọi người trong nhà. Ông già Nô-en chẳng ai khác hơn là Mị. Năm nào Mị cũng làm Ông già Nô-en cho quà từng người trong nhà. Từ bà ngoại, ba, má, các anh chị em…. Ai cũng biết Mị là “Ông già Nô-en”. Thế nhưng, như một quy ước từ lâu nay, đêm Giáng Sinh mọi người đi ngủ với lòng hồi hộp để sáng mai thức dậy đi tìm quà do “Ông già Nô-en” tặng cho mình. Và cô bé Mị rất hân hoan với cái thông lệ đó mỗi năm.


Đây này, quà cho ba: một cái bình pha trà; quà cho má: một bộ kim đan, quà cho anh Minh: một bộ dây đàn, quà cho chị Thúy: một quyển tập chép thơ, quà cho bé Tí: một con búp bê nhỏ nhắn. Rồi Mị cũng có một món quà tự tặng cho mình nữa chứ! Đó là một hộp bút chì màu thật xinh để Mị vẽ. Mị cầm đến gói quà cho ngoại: Mị đã gói những trái xí muội bằng giấy bóng kính đủ màu, Mị nghĩ ngoại thích ăn xí muội, ngoại sẽ hài lòng. Ngoại sẽ nhâm nhi xí muội sau mỗi bữa ăn, chị em Mị cũng sẽ có cơ hội được “ăn ké”.

Mùa đông ở Sài Gòn không có tuyết, cũng không lạnh. “Ông già Nô-en” không có quần áo đỏ, mũ đỏ, không có xe tuyết được kéo bằng những chú tuần lộc, không có ống khói lò sưởi để trèo. Khi mọi người trong nhà đã ngủ say, “Ông già Nô-en” rón rén đi bỏ quà ở chân giường từng người, rồi với vẻ mặt sung sướng, “Ông Già Nô-en” lại rón rén đi về chỗ của mình.

Sáng hôm sau, vẫn như thông lệ, mọi người tìm thấy quà của mình, vui vẻ tháo giấy hoa, trầm trồ khen ngợi, rồi cám ơn “Ông già Nô-en”. Mị vào phòng của ngoại, thấy món quà cũng đã được tháo giấy. Ngoại mỉm cười với Mị. Mị hỏi:
- Ngoại, ngoại có thích món quà này không?
- Ngoại thích lắm. Cám ơn “Bé Già Nô-en”.
Mị ré lên cười:
- Không chịu đâu! Sao ngoại ghẹo con là “bé già”?
- Vậy thì cám ơn “Ông già Nô-en” Mị nghen!
Hai bà cháu trêu đùa với nhau một hồi. Rồi ngoại nói:
- Mị cho ngoại xin tờ giấy để ngoại viết thư.
- Ngoại viết thư cho ai?
- Đừng có hỏi.
Mị chạy đi lấy tờ giấy, và đem đến cho ngoại cùng với một cây bút.
- Ngoại viết thư cho bà dì hả ngoại? Hay cho ông cậu?
Ngoại tần ngần:
- Đừng có hỏi mà! Rồi từ từ con cũng sẽ biết thôi!
- Vậy hả ngoại? Ngoại viết xong, đưa cho con, con đi học sẽ bỏ thư giùm cho ngoại.
- Con ngoan lắm!
Rồi ngoại kéo Mị vào lòng, ôm chặt lấy Mị và hôn lên má Mị. Mị kêu lên:
- Á! Ngoại…. hôi mùi dầu quá đi!
- Không chịu mùi dầu hả?
- Không chịu. Con sợ mùi dầu lắm ngoại ơi!
- Ngoại biết, ngoại biết... Xin lỗi, xin lỗi…Thôi không ôm nữa.
Hai bà cháu lại cười đùa. Mị trêu ngoại, lấy tay bịt chặt mũi, trợn mắt, la lớn:
- Hôi mùi dầu quá! Hôi mùi dầu quá đi!!!
Rồi Mị bỏ chạy.

2

Ngoại đưa bức thư gấp làm tư cho Mị. Mị nheo mắt cười:
- Ngoại viết xong rồi hả? Con lấy bì thư bỏ vô cho ngoại nhé! Mà ngoại gửi cho ai, để con ghi địa chỉ?
Ngoại nói:
- Con không cần bỏ bì thư đâu!
- Sao vậy ngoại?
- Vì thư này… ngoại gửi cho… Ông già Nô-en.
Mị reo lên ngạc nhiên:
- Thật vậy sao? Ngoại gửi Ông già Nô-en hở ngoại?
- Thật.
- Vậy con đưa cho Ông già Nô-en luôn, khỏi tốn bì thư, khỏi ghi địa chỉ.
- Nhưng con nói “ổng” đọc một mình “ổng” thôi, đừng cho ai khác biết.
- Dạ, ngoại yên chí đi.
Mị nhìn thấy ánh mắt của ngoại hơi là lạ. Nhưng sự thú vị làm Mị chạy ra sân. Mị ngồi trên chiếc ghế thấp bên cạnh cây hoa hồng, mở bức thư ra đọc.


“Mến gửi Ông Già Nô-en,
Ngoại biết Ông là ai, nhưng ngoại muốn viết thư này cho đúng thủ tục. Đây là bức thư ngoại viết để xin quà Ông. Ông đọc, nhưng đến năm tới Ông hãy làm nhé! Ngoại cám ơn Ông năm nay đã tặng cho ngoại gói xí muội ngon và đẹp quá chừng. Nhưng năm sau, Ông chỉ cần cho ngoại một chai dầu thôi, ngoại rất mong đó! Ngoại cám ơn Ông già Nô-en trước nhé, và hôn Ông.”


Mị bật cười. Ngoại của mình ngộ quá đi! Ngoại thích xức dầu. Má biết tính ngoại nên thường mua dầu cho ngoại. Ngoại đâu có thiếu thốn chi! Nhưng thôi, chắc ngoại cũng có lý do của ngoại. Mị cất bức thư vào hộc bàn, tự nghĩ: “Để đấy, năm tới mình sẽ làm theo ý ngoại”.

Ngoại rất thích xức dầu. Một điều thật đơn giản. Giống như những cụ già khác, lúc nào ngoại cũng ăn mặc kín đáo – ngoại bảo “để cho ấm, khỏi ốm đau”. Thế nhưng mùa nóng ngoại cũng “mặc ấm”, và cũng xức dầu. Trái lại, hầu như cả nhà không ai thích mùi dầu. Đặc biệt Mị lại rất sợ bất cứ mùi dầu nào. Mị biết về dược tính của các loại dầu. Mị hiểu các công đoạn để làm ra dầu. Nhưng nếu phải xức vào người, cho dù để hết bệnh, Mị cũng không muốn. Mị có cảm giác sợ một ai đó ngồi xuống bên cạnh mình với mùi dầu gió phảng phất. Mị cũng sợ những người ướp đậm mùi dầu thơm quá nồng. Là con gái, Mị chỉ thích mùi nước hoa thoang thoảng nhè nhẹ. Còn xức dầu ư? Từ bé, Mị đã bỏ chạy khi thấy má định xoa cho mình một chút dầu gió mỗi khi thấy Mị bị cảm. Mị sợ làm sao cái mùi nồng nồng cay cay đó. Mà đâu phải chỉ có một loại dầu. Mị thấy nào là dầu bạc hà, dầu tràm, dầu khuynh diệp, dầu Nhị Thiên Đường, dầu cù là – loại này gọi là dầu nhưng thật ra là dạng cao sệt – Riêng dầu khuynh diệp thì Mị hơi có cảm tình một chút vì nó đi đôi với tên của một vị bác sĩ, người đầu tiên đã bào chế ra loại dầu này: bác sĩ Tín.

Mị cất bức thư của ngoại trong hộc bàn của Mị, bên cạnh tập thơ và tập vẽ xinh xắn. Mị không nói cho ai trong nhà nghe về chuyện đó. “Ông già Nô-en” có nguyên tắc riêng của mình.

3
Mặc dù biết thỉnh thoảng má vẫn mua dầu cho ngoại, nhưng đến Giáng sinh năm sau Mị cũng gói ghém tặng cho ngoại một chai dầu khuynh diệp. Ái ngại vì món quà bé nhỏ quá, Mị tặng kèm thêm một hộp bánh thơm phức. Ngoại mở quà và vui vẻ ra mặt. Ngoại đưa cho má hộp bánh bảo má chia cho các con ăn, còn chai dầu, ngoại nâng niu và đem vào phòng. Mị để ý xem ngoại có dùng không. Nhưng không, ngoại chỉ xức dầu Nhị Thiên Đường của má.

Rồi, cứ như một thông lệ, mỗi năm đến lễ Giáng Sinh, những món quà “Ông già Nô-en” tặng mọi người có thay đổi, nhưng với ngoại, món quà chính vẫn là một chai dầu. Mọi người trong nhà vui vẻ với hình ảnh ngoại cười tươi khi cầm chai dầu trong tay. Anh Minh trêu:
- Khi nào ngoại xức dầu, ngoại nhớ báo cho con biết trước… để con chạy.
Chị Thúy vừa nói vừa le lưỡi:
- Ngoại đừng để dính dầu vô áo dài của con, bạn… ư… bạn con … mà ngửi thấy mùi dầu… sẽ không chơi với con.
Anh Minh hóm hỉnh:
- Bạn gì? Bạn trai hả Thúy?
Chị Thúy lườm, còn ba má nhìn nhau cười. Ba nói:
- Đừng làm “Ông già Nô-en” buồn. Ông ấy hiểu ý từng người, chiều từng người. Ba ưng ý lắm. Ba khen “Ông già Nô-en” đó nghen!
Má cũng cười:
- Vậy từ nay má giao cho Mị công việc mua dầu cho ngoại nhé!
Ngoại nói ngay:
- Không, chỉ đến Nô-en, “Ông già Nô-en” mới phải tặng dầu cho ngoại thôi!
- A vậy sao?

Cả nhà cười vui vẻ và không ai thắc mắc gì cả. Anh chị em Mị theo năm tháng lớn dần lên, ngoại và ba má già thêm. Ngoại bước vào tuổi tám mươi. Da ngoại nhăn nheo nhiều nhưng đôi mắt của ngoại vẫn cứ “tỏ”. Mị thắc mắc vì sao ngoại không phải mang kính như ba má thì ngoại bảo nhờ ngoại từ hồi còn nhỏ thích ăn mắt cá nên mắt ngoại sáng lắm. Đến già thì mắt ngoại đã “quá làng” nên cũng không cần mang kính nữa. Nhìn ngoại ngồi may, ngoại xỏ kim dễ dàng, Mị rất thích. Nhưng càng thích hơn nữa là nhìn ngoại sớt dầu từ chai này sang chai khác. Ngoại dùng một cây tăm – hay có khi là một cọng chân nhang ngắn - ngoại tựa dầu dưới của cây tăm vào bên trong miệng của cái chai không, ngoại kê miệng của chai dầu đầy sát vào đầu trên của cây tăm. Ngoại đổ từ từ cho dầu chảy trên thành cây tăm. Cứ như vậy, ngoại sớt dầu không đổ hay dính ra ngoài một chút nào. Anh Minh cười, khen ngoại là “khoa học gia”, ngoại đang làm động tác mà anh gọi là “couper”, như một nhà bào chế.

Mị lên đại học, rồi Mị ra trường, nếp cũ vẫn nguyên vẹn. Mị nhận nhiệm sở đi xa, không ở với gia đình nữa. Trước ngày ra đi, Mị đã ngồi bên ngoại để bắt ngoại kể chuyện đời xưa. Chuyện của ngoại, hầu như Mị đã thuộc nằm lòng. Ngoại nói đến đâu, Mị “vuốt đuôi” đến đó. Hai bà cháu lại trêu chọc nhau rồi cười khoan khoái. Chợt ngoại im bặt, Mị cũng im bặt. Không biết ngoại nghĩ gì, nhưng Mị thì nhìn kỹ ngoại, bỗng nhận ra rằng mình chưa một lần tìm hiểu tâm tư của ngoại. Có lẽ cuộc sống bình lặng và có nhiều nụ cười đã không làm Mị thắc mắc. Giờ đây, khi sắp xa mái nhà thân yêu, Mị mới thấy tiếc rẻ là đã không hàn huyên nhiều với ngoại. Mị đã chỉ nhìn ngoại với khái niệm một “bà ngoại” hiền hòa như bao nhiêu “bà ngoại” khác. Ký ức của Mị còn ghi rõ hình ảnh ngôi nhà của ngoại ở Nha Trang, với một vườn xoài xum xuê. Khi anh chị em Mị học tiểu học, năm nào ba má cũng đưa cả nhà về đó thăm ngoại và hưởng không khí trong lành của biển. Ông ngoại mất sớm, má có gia đình, ngoại sống với dì Lam của Mị, một cô gái xinh xắn có làn da trắng như tuyết. Ngoại cưng dì Lam lắm. Dì Lam tuổi ngoài đôi mươi, có nhiều chàng trai theo đuổi, làm quen. Nhưng dì không muốn lấy chồng sớm, dì chỉ muốn ở với ngoại. Một chuyện không may xảy đến cho dì Lam, khi dì cùng các bạn đi Đà Lạt chơi vào dịp Nô-en. Dì qua đời đột ngột. Tin báo về Nha Trang cho ngoại, báo về Sài Gòn cho ba má Mị. Mọi người tức tốc chạy lên Đà Lạt. Bác sĩ khám nghiệm cho biết dì bị “trúng gió”. “Trúng gió”, một từ ngữ không mấy chính xác, và cũng khó hiểu cho trường hợp một thiếu nữ đang tràn đầy sức sống. Cú “sốc” tàn bạo này đã làm cho ngoại bị bệnh liệt giường, và ngoại đã phải nghe lời ba má Mị, giao ngôi nhà và mảnh vườn nhờ ông cậu chăm nom, ngoại vào Sài Gòn ở với ba má và anh chị em Mị. Mấy mươi năm sống quây quần cùng con cháu, cuộc sống của ngoại trở lại bình lặng. Ngoại cũng chỉ có má là người con còn lại, nên tình thương ngoại dành cho gia đình Mị rất trọn vẹn.

Mị đi xa nhà. Mị làm việc ở Đà Lạt. Nếp cũ vẫn y nguyên. Mỗi năm, đến lễ Giáng Sinh Mị vẫn gói những gói quà xinh xinh gửi về nhà cho từng người. Và cho ngoại, vẫn một chai dầu. Ngoại vẫn viết thư cho “Ông già Nô-en” đều đặn hàng năm, vẫn một nguyện vọng: xin một chai dầu. Nét chữ của ngoại mỗi năm một yếu đi.

4
Ngày mùa đông. Trời Đà Lạt lạnh giá. Gió khô làm môi se, làm da tay muốn nứt nẻ. Mị co ro trong áo choàng, đội mũ len, quấn khăn len, đi lên khu nghĩa trang của thành phố. Mị lãnh “sứ mạng” đi thăm mộ dì Lam giùm má trong dịp cuối năm, trước khi nghỉ phép về Sài Gòn thăm nhà. Ô, năm nay Mị sẽ được ăn Nô-en ở nhà! Mị mừng lắm. Mị cầm trong tay một bó hoa nhỏ, những cánh hoa Anh Thảo đỏ sậm trông đẹp nhưng rất buồn. Ngôi mộ của dì Lam nằm trên một khu đất cao. Bao nhiêu năm đã trôi qua, nhưng tấm ảnh của dì trên tấm bia bằng đá hoa cương sáng bóng vẫn như mới chụp. Gương mặt thanh tú, làn da trắng như tuyết, ôi dì Lam của Mị, đẹp như thiên thần. Mị nghe tim thắt lại khi hình dung ra nỗi đau khổ của ngoại lúc mất người con gái yêu dấu. Khi dì Lam mất, Mị còn quá nhỏ nên chưa cảm nhận được hết những tình cảm sâu xa. Bây giờ, đi xa nhà, Mị càng thấm thía tình thương của gia đình. Mị ngồi xuống bên mộ dì Lam. Mị rút bỏ những bông hoa cũ ai đã cắm từ lần trước trong bình giờ đã khô đét lại, chuẩn bị thay bằng bó hoa mới. Do vướng víu, tay Mị đụng mạnh vào chiếc bình không, làm chiếc bình ngã xuống. Một cái chai nhỏ xíu từ trong bình rơi ra. Mị cầm lên. Đó là một chai dầu gió. Nút chai được vặn chặt nên chất lỏng bên trong hầu như không cạn. Mắt của Mị chợt nghe cay xé. Mị bàng hoàng. Chai dầu gió, chắc chắn là của ngoại – ngoại đã bỏ vào bình hoa cho dì Lam, trong ngày đưa tiễn dì lên đây.

Những món quà của “Ông già Nô-en”, vẫn như thông lệ, được Mị gói rất đẹp. Năm nay “Ông già Nô-en” được ăn lễ ở nhà. Nhưng năm nay, chai dầu không đến tay ngoại. Ngoại mất vào đúng ngày trước lễ Giáng Sinh. Ngoại ra đi rất bình yên sau một tuần bỏ ăn, với căn bệnh được gọi là “bệnh già”. “Ông già Nô-en” đã đặt lên bàn thờ của ngoại một gói quà xinh xinh: vẫn là một chai dầu.

Sau ngày an táng ngoại, một hôm má gọi cả nhà vào phòng của ngoại. Má mở chiếc hộc nhỏ trong tủ áo của ngoại. Một hộc tủ chứa rất nhiều chai dầu. Chính là những chai dầu do má mua, và cả những chai dầu do “Ông già Nô-en” tặng cho ngoại mỗi năm. Những cái chai xinh xắn, đủ các nhãn hiệu. Thời gian sau này có thêm loại dầu gió xanh của Singapore, ngoại cũng có nữa. Mùi dầu xanh Singapore, mỗi lần đi xe đò Mị đã rất mệt khi phải nín thở để bớt bị dị ứng bởi nó. Và, cũng ở trong hộc tủ này, một tấm ảnh nhỏ xíu của dì Lam, không giống tấm ảnh màu dì chụp lúc là cô thiếu nữ tuổi đôi mươi mà ngoại rửa to đóng khung để chưng trên bàn. Một tấm ảnh đen trắng. Tấm ảnh dì Lam nhỏ bé, ngây thơ. Một cô bé nhí nhảnh tóc tết hai con bím, đang cười với người đối diện. Ba đứng lặng. Má khóc sụt sùi. Anh chị em Mị thổn thức. Thương ngoại quá, ngoại ơi!..

Giáng Sinh 2008

Cam Li Nguyễn Thị Mỹ Thanh
Sưu tầm: Thanh Vân
Nguồn: Motgocpho
Được bạn: Thanh Vân đưa lên
vào ngày: 13 tháng 1 năm 2010
 
Back
Top