Chùi Sảng

tuyet_loan08

Junior Member
Liếc sơ sơ mấy cái tít lớn, tựa nhỏ của trang báo, Sam chán nản thở hắt ra. Mẹ kiếp, toàn một ruộc tin tức lựu đạn, ó rượt!

Hết bão te tua ở Thái, lụt le lưỡi bên Tàu, tới lỗ mũi ăn trầu cái đầu xỉa thuốc tùm lum vì chiến cuộc Trung đông, chưa kể thêm một loạt vụ sát nhân … thủ công nghệ lền khên đây đó khác.

Mạng người như vậy phải nói rẻ bèo, song đâu thuần chỉ là bởi số nạn nhân nằm xếp lớp trên nhật trình trông… nhân mãn thái quá khiến những độc giả như Sam nhìn riết muốn oải đành nhún vai cho qua? Tệ hơn đó vô số bực, còn là gì ngoài cái trò mõi tin, xào nấu, và kinh niên thổi tin giật gân của giới truyên thông thượng quốc đã “tôi luyện” trái tim con người thành ra chai lì, dửng dưng trước thảm cảnh của đồng loại?

Rút cục, chỉ mỗi cái xác gã đàn ông nằm chèo queo ở góc báo bên mặt là bắt mắt Sam, xét vì tấm hình coi giống đổ khuôn với lão chủ của Sam mới kỳ cục. Tất nhiên chỉ trông giống, chớ cách gì là lão cho được? Một thằng già dịch, giàu sụm, đi đâu cũng cận vệ kè kè, đời nào xụm bà chè lãng òm kiểu đó?

Biết vậy rồi mà tấm hình vẫn khiến Sam tíếc ngẩn. Nó tíếc nạn nhân không là lão chủ hà bá, và oán ông Trời rõ thiệt bất công. Thì đó! Trong khi thiên hạ thay nhau du địa phủ loạn châu chấu, hà cớ gì lão gian phu và con vợ trắc nết của Sam vẫn sống hùng sống nhăn để giờ này, trong căn phòng tiện nghi nào đó, ôm eo ếch nhau xà nẹo tới bến ?

Nhưng bá láp chưa, chuyện cũ rích chứ có mới mẻ gì, mà sao vừa ôn cố tri tân sương sương, tai đã nghe lùng bùng, và đầu thì in hình bốc khói sảng vậy? Điệu này phải vồ lẹ cái list xoá sổ để bổ sung chi tiết hình phạt hai đứa khốn kiếp gấp, chứ không để lâu chịu đời sao cho thấu?

List đó do Sam tự lập, còn ai khác vô đấy? Danh sách “tội nhân” bị Sam tròng án tử hình hàm thụ trong list dài lê thê nhưng nói nào ngay, thằng con cũng đâu phải t‎ýp hiếu sát vô l‎ý, cứ hễ thấy ai nom không vừa mắt là hùng hục nổi máu giết người trong mộng lên?

Mấy chục năm trước, Sam là ông lớn Samphray, trưởng công an tỉnh của chế độ Khờ me đỏ. Người Miên nào hồi đó vô phúc gặp Sam mà chỉ bị túm gáy quẳng vô nông trường lao cải mệt mửa mật, thay vì phải trùm mền đi ngủ chung với trùn, đã mừng thấy mẹ. Vậy mà bây giờ xem bọn Mỹ gốc Miên đang diễu hành qua mặt Sam ở trên đường phố nước Mỹ kìa! Mặt chúng nó vác lên, nhơn nhơn ra. Rõ cái điệu cóc biết, cũng cóc ke Sam là ai, động vật cũng thế mà thực vật cũng khỏi chết thằng tây nào. Chả trách mỗi bận đụng đầu bọn đồng hương láo xược, máu Sam lại sủi lên sùng sục và cái list tử hình hàm thụ do Sam lập cứ vậy mà kéo dài đều đều.

Sau một hồi gạch đi xoá lại, cuối cùng rồi Sam cũng sửa xong hai cái cột tên tuổi, tội trạng của lão chủ và con vợ. Nhưng cột thứ ba, cột nói về cách thức trừng phạt chúng nó thì chưa đâu. Cột chủ lực của người ta đấy, điền bôi bác thế chó nào được? Phải điều nghiên thật kỹ trên cơ sở hợp l‎‎ý hợp tình, nghiã là “bố trí” cách nghỉ thở của từng đứa ăn rơ như để với lối sống của chúng nó cho đúng câu sống sao chết vậy thì quân khốn kiếp mới khẩu phục tâm phục.

Nếu là vậy thằng chủ dâm đãng sau khi tay bị trói, cần nuốt trọng - nuốt cái ót mới được - trái dưa leo king size. Còn con vợ lang chạ, dối láo, hay bị đau bao tử tất phải nhai nhừ chiếc lưỡi của chính nó để giúp dạ dày dễ tiêu hoá.

Nhưng mà hình phạt cứ tuyên trên giấy mãi, án tử hình cứ thi hành… hàm thụ hoài hủy kiểu đó, cũng coi sao vô? Lạng quạng chúng biết được, chúng cười cho rách tai, xù vẩy chứ nào phải chuyện đùa.
Ra tay vuốt đẹp quân hà bá, đã đành dễ ợt rồi, nhưng xuống tay cách nào cho không bị tó sảng mới là vấn đề.

Mớ… kinh nghiệm nghề nghiệp hồi làm trùm cớm xứ Miên, cộng với những kiểu hạ thủ dễ như ăn cơm sườn trong các bộ truyên trinh thám đã đọc, có giúp cho Sam được cái cóc khô gì? Nuớc Mỹ pháp trị vốn khác xa với xứ Khờ me đỏ mã tấu trị, và cuộc đời thì phức tạp khó nhá chứ đâu có đơn giản hoặc ngon ăn như trong tiểu thuyết của bọn tiểu thuyết gia chuyên môn ăn no điá bậy ?

Nếu có dịch vụ “tư vấn sát nhân” ở Mỹ thì thiệt đỡ cho Sam biết mấy! Nhưng không có cũng đâu đồng nghiã với khỏi bao giờ có? Nó chưa có, đúng thế, nhưng ai cấm Sam - với cái sở học tâm l‎‎ý một bụng kể từ ngày nhảy vô đại học Mỹ - làm cho nó có?

Miễn bảo đảm được yếu tố an toàn, Sam biết, bọn sát thủ rồi sẽ ua uá lên tiếng. Kinh nghiệm “xương máu” dạy Sam điều này. Năm 18 tuổi, lần đầu tiên nhúng tay vô máu nhưng nhờ ăn may lọt lưới điều tra, Sam cũng giống mọi kẻ sát nhân không để lại dấu tích khác bị dằng xéo bởi hai đối lực. Thứ nhất, lực dày vò do mặc cảm tội lỗi. Thứ hai, lực khoái đã vì đã bóp còi qua mặt cả cớm chìm lẫn cớm nổi. Cho nên nếu không tìm ra cơ hội thú tội hay gián tiếp kể lể … thành tích thì cũng thế, bọn giết người bây giờ cũng giống như Sam hồi xưa, chém chết cũng phát điên.

Nếu đã là vậy, Sam còn đợi gì chưa tạo cơ hội cho bọn đâm cha chém chú …kể lể thành tích của chúng nó, và tiện thể tặng miễn phí Sam cái cơ hội học tập tốt, gạn lọc kỹ, tiếp thu tốt mớ kinh nghiệm sát nhân?
*
Nghĩ là làm, sáng hôm sau, Sam thắng veston cà vạt bảnh chọe ghé lại văn phòng tờ báo địa phương. Gã nhân viên áo quần bảnh bao mặt mũi vác lên nom rất xấc khiến lúc ngó nó, Sam chỉ muốn lên list cho bõ ghét.

Ôm chiếc phôn đấu láo một hồi, thằng con quay qua hất đầu hỏi Sam, giọng đầu cha thiên hạ :
- Cần chi đó, ông ?
Sam móc túi lấy một tờ giấy viết tay và viết thật nắn nón thẩy lên mặt bàn:
- Tôi muốn đăng cái quảng cáo này…
Líếc sơ qua nội dung, nhìn mặt gã đần ra, Sam bồi tiếp:
- …để làm công tác nghiên cứu viết sách.

Mới nghe thoảng hai chữ nghiên cứu, gã nhân viên gật đầu lẹ nhưng đâu phải cái kiểu gật đại hoặc gật bậy? Kiếm sống bằng nghề sản xuất nhật trình, thằng con sua là biết để duy trì và củng cố cái thế ăn trên ngồi trước của dân cờ hoa , nhà nước Mỹ luôn luôn khuyến khích, thậm chí mua bằng được mọi công trình nghiên cứu cho đúng với sách lược ăn cỗ đi trước, hoặc ngay cho dù chưa có sắn cỗ đớp thì vẫn cứ xung phong research trước để đánh hơi ra chỗ nào sắp sửa dọn cỗ là a lê hấp xông vô chụp bạo, hốt lẹ.

Cái quảng cáo của Sam nhờ vậy xuất hiện ngay trên số báo phát hành sáng hôm sau. Sam đọc , gật gù hài lòng với lối hành vắn úp mở nhưng nói đủ những điều cần nói:
Bạn từng thổi ngọt con mồi mà không hé lộ hình tướng? Bạn luôn ngứa ngáy vì thiếu chốn thổ lộ nỗi lòng? Bạn mơ chia xẻ cho niềm tự hào thầm kín thăng hoa? Nếu vậy, chỉ một cú phôn công cộng cho Hội Khâm Phục ở số… là mọi việc ô-kê-đô cái một.
Bảo đảm kín đáo . Tuyệt đối an tòan .

Khỏi cần chờ lâu, chỉ trong vòng nửa tiếng, chuông điện thọai phòng Sam reo từng tràng. Đặt mỏ lên ống nói, Sam thổi ra cái giọng điệu-đàng mà gã từng tốn nhiều công sức khổ công rèn luyện:
- Xin kính chào. Tôi đang hân hạnh chờ để được phép giúp bạn đây.
Trong ống nghe, có tiếng đàn ông khục khặc :
-Hello,…à… ừ…

Ậm à ậm ừ cho đã rồi khơi khơi ngừng ngang, nhưng Sam biết tỏng, đâu phải tự nhiên tiếng nói trong ống nghe lại xì tốp đột xuất? Con thú nào lần đầu lìa rời cánh rừng quen thuộc cũng đều phập phồng và bấn tứ túc kiểu đó cả. Vậy thì chớ có dại dột gặng hỏi hoặc thúc hối làm cho nó sợ thêm. Việc cần làm là và chỉ là nín đợi.
Đầu dây bên kia, quả nhiên, tái hoạt động trở lại vài giây sau :
- Có phải Hội Khâm Phục đó chớ?
Sam lấy giọng thản nhiên nhất:
- Đúng vậy. Tôi có thể giúp ông điều gì đây?
- Ờ… thì…là vì - gã đàn ông chắc bối rối nên cà lăm ngang xương - tôi đã nghe, ủa quên tôi đã đọc.. cái quảng cáo. Nó có nghĩa gì vậy ?
Sam nhẹ nhàng :
- Thì nó chỉ viết sao nghĩ vậy, thưa ông.
- Nhưng …
Biết thời gian hâm nóng đã đủ, Sam hỏi thẳng:
- Ông có ý trở thành hội viên Hội Khâm Phục đấy chứ?
Giọng gã đàn ông ló mòi xấc xấc :
- À, cái đó còn tùy…
- Đúng vậy - Sam ngắt lời, giọng xấc hơn - Đúng là cái đó còn tùy xem bạn có hội đủ điều kiện gia nhập Hội Khâm Phục hay không. Hy vọng rằng chúng ta không lãng phí thời gian của nhau, và bạn cũng chẳng phôn tới chỉ là vì tò mò.
- Làm gì có chuyện đó! – Gã nói, giọng phẫn nộ.
Sam gật gù:
- Tốt lắm. Vậy thì xin bạn kể sơ sơ cho vài chi tiết nghe thử. Dĩ nhiên khỏi cần lý lịch. Chỉ tóm lược quá trình họat động sương sương là được rồi.
- Ờ… thì là chuyện… liên quan tới nhỏ vợ cũ của tôi đó mà
Tim nhói khẽ, Sam nhắc khẽ :
- Tôi đang chờ nghe bạn.
Gã đàn ông bằng cái giọng nhẹ bâng và lạ hoắc đột ngột, nói như chạy :
- Nàng té xuống vực. Mọi người nghĩ tai nạn. Thiệt tình do tôi đẩy.
- Vây sao? - Sam hỏi ngắn vì sợ thằng con gác máy - Nhưng hồi nào, ở đâu?
Trong ống nghe tiếng thở mỗi lúc một mạnh:
- Thì một ngày cuối tuần năm trước ở New…
Thấy sát thủ ngập ngừng, Sam đỡ lời :
- Ông khỏi cần nói thêm. Nhưng câu chuyện bộ chỉ đơn giản có vậy ?
- Đúng thế. Mà sao? Bộ nghe không ổn hả?
- Ổn chứ. – Sam đáp - Nhưng đâu đã hòan hảo, thưa ông.
Thằng giết vợ cười lớn:
- Chắc ông đang cà rỡn ? Vợ cũ của tôi đai nè. Tôi lấy được người tôi yêu nè. Chưa kể còn lượm đẹp cả trăm ngàn tiền bảo hiểm dắt túi. Như vậy nếu nó không hòan hảo, còn cái mốc xì gì hoàn hảo ?
Sam vẫn nhẹ nhàng:
- Tôi mừng ông ô kê. Nhưng ai bảo đảm vợ ông tắt thở trăm phần dầu khi té xuống đáy vực?
Thằng giết người hăm hở:
- Ơ, thì rớt từ độ cao mấy chục mét như bịch muối trên đá tảng, còn cái gì chịu nổi ?
Sam cướp lời:
- Ông quên có một tên ở Boston nhảy dù từ độ cao mấy trăm mét, dù không mở, hắn vẫn sống nhăn. Bà nhà, bởi thế, chỉ có thể, chứ đâu bắt buộc phải nghỉ thở?
Ngừng một giây, Sam hỏi tiếp:
- Mà tôi đoán câu chuyện xảy ra ban ngày khi thời tiết tốt, có đúng không ông?
- Dĩ nhiên rồi. - sát thủ buông thõng - Con đường đèo đó đi ban đêm hoặc khi Trời mưa, trơn nhớt trẹo bản họng, ai mà buớc cho nổi?
- Nếu vậy, - Sam lý luận – ông bạn không thể bỏ qua yếu tố tình cờ. Tình cờ có một du khách , một thợ săn, hay một nông dân nào đó vô tình chứng kiến câu chuyện.
Giọng thằng giết vợ thì thào:
- Nhưng rút cục nào có ai thấy đâu ?
- Đã đành là vậy - Sam đáp - nhưng điều quan trọng thưa ông, xin lỗi ông gì nhỉ?
- Jimmy Ford…
Biết mình nói hớ, gã càm ràm:
- DM. Thiệt tình… Ngu gì đâu.
Không muốn con thú lìa rừng bị động, Sam trấn an đối tượng:
- Xin ông cứ yên tâm. Tôi chỉ buột miệng hỏi. Cũng giống như ông buột miệng trả lời. Hòan tòan không có ý gì hết. Bây giờ để tóm tắt thì theo ‎ý‎‎ tôi, “tác phẩm” do ông sang tác chưa phải thuộc loại hết chê đâu. Ông chỉ là người may mắn, cực may mắn…

Chưa nói dứt , Sam đã nghe tiếng cúp máy cái kịch nhưng Sam không trách sát thủ bất lịch sự.Trách một đứa đâm cha chém chú như nó cư xử vô giáo dục, chẳng thà trách cái đầu gối. Vả lại đầu đuôi cũng là lỗi tại Sam, hay đúng hơn lỗi tại cái thói quen khoái nắm l‎ý lịch trích ngang tầm bậy tầm bạ có từ hồi còn ngồi trên chiếc ghế trùm cớm xứ Miên khiến cho tên giết vợ, bởi nhột giò và lạnh cẳng, bèn bỏ phôn vắt giò lên cổ chẩu lẹ.

Nửa tiếng sau, phôn lại reng. Hai thằng gọi đầu, rõ điệu … mát dây đứt đuôi. Một đứa trơ tráo nhận đã vung tay hạ thủ cô đào Marylin Monroe dù năm cô đào mất, nó chưa ra đời. Thằng kia cam đoan đứng ở Nữu Ước chõ súng bắn sẻ sang Dallas thanh toán Tống thống Kennedy. Bọn còn lại hoặc thuộc diện… nhi đồng không yêu nước chuyên môn ăn no quậy bậy, hoặc là mấy anh đực kinh niên bị ghệ xù muốn thả trí tưởng tượng bay bổng cho cuộc đời đỡ tủi, bèn mượn phôn mà “phóng uế “ trí hoang tưởng vung tàn tán của mình.

Thêm một mụ nạ dòng nữa càng chán. Đúng điệu việc nhà nhác việc chú bác siêng năng, mụ ngoác miệng ra duã Sam te tua, tơi tả. Mụ bảo cái quảng cáo của Sam sa đọa, vô luân, bú-sịt. Cũng mụ bảo Sam là con trâu, con ngưạ gì đó chứ cóc phải giống người. Chửi đã đâm mệt, mụ cho địa chỉ và rủ Sam lại nhà cùng cầu nguyện để cứu rỗi phần tâm linh. Nỡ nào Sam có thể từ chối tấm lòng qúy hoá ấy của con người đạo đức cùng mình ? Nhưng vì còn mải bận trực điện thoại , Sam đành “nhờ” mấy ông anh thuộc nhóm khổ dâm – vốn lầm tưởng mẫu quảng cáo với tín hiệu nhắn hội họp của đồng bọn - nên rủ nhau phôn lại Sam, đi giùm.

Cả cớm cũng nhập cuộc. Dĩ nhiên đời nào cớm nhận là dân ăn cơm nhà nước. Nhưng cái giọng lính kín, nghe qua ống nghe, rành rành ra đó lầm làm sao được? Sau khi hỏi dò Sam một chặp, gã dùi cui câu độ:
- Tôi vừa phang đẹp một thằng, không, phải nói là phang đẹp không chê cái khổ nào được thì mới đúng, nhưng bắn câu chuyện đó qua phôn coi bộ không mấy tiện.
Sam cười mỉa:
- Vậy hả? Sao ông bạn không ghé lại đây kể nghe cái chơi?
Nó đẩy thêm phát ân huệ:
- Xếp thưa phương tiện dò ra địa chỉ của thằng này mà.

Tưởng tượng mặt anh mã tà đần ra khi biết đã bị giải mã, Sam nghe khoan khoái gì đâu. Mẹc, cớm Mỹ mà cứ làm như công an Khờ me đó có toàn quyền sinh sát thiên hạ không bằng. Người ta đăng báo kiếm sát thủ phỏng vấn lấy tư liệu viết sách - dĩ nhiên sách khảo cứu nghiêm túc - về công nghệ tội ác, vậy việc quái gì tới cớm chìm cớm nổi mà cớm bầy đặt xía mũi vô? Vừa vừa thôi chớ các bạn! Lạng quạng thằng Sam bê nguyên con câu chuyện ra Ủy ban bảo vệ quyền làm người khiếu nại tới nơi tới chốn để coi ai bể mặt cho biết.

Nhưng chuyện đó để sau này tính, bây giờ điện thoại reng, nhấc cái đã, kẻo vuột là uổng. Tiếng nhỏ đầm ở đầu dây nghe nhão nhẹt tới độ Sam tưởng đâu đường phôn bị nhiễu tiếng . Mãi tới chừng em đầm khụt khịt tưng bừng, ậm oẹ lia chia nhưng vẫn nhất định không thèm phát ngôn điều gì , Sam mới đoán già đoán non con nhỏ đang hãi hùng , nhưng mà kỳ cục, sao Sam không lên tiếng nhắc nhở nó một tiếng mà lại cứ bỏ mặc cho đường điện thoại im như thóc thế kia? Đây có phải lần thứ nhất xẩy ra “sự cố kỹ thuật” như vậy đâu? Bọn gọi cho Sam trước đó, thiếu gì đứa lạnh cẳng thấy mẹ vì ngán cái cán búa lạy ộng tôi ở bụi này nên cũng lắp ba lắp bắp khi “tự khai quá trình hoạt động”, thế nhưng cái màn ngọng sảng của chúng nó chỉ khiến Sam gục đầu vô cổ ngáp thiếu điều hôn mê. Vậy mà bây giờ, cóc hiểu sao nỗi hốt hoảng do nhỏ đầm “phổ biến”, tự dưng lại ve vuốt đôi tai Sam bằng một lực quyến dụ bất khả cưỡng lại khiến thằng con cứ muốn nghe nữa, nghe mãi mới kỳ.

Suốt vài phút sau đó, câu chuyện nhỏ đầm kể đã chẳng đầu không đuôi, mà cũng không đâu vào đâu, vậy mà Sam vẫn nhất định ngồi ì , “cương quyết” không ngắt lời hoặc cúp máy.

Rõ ràng có cơn đồng thiếp ngắn, âm trầm mà mãnh liệt, vô ảnh nhưng hiện hữu, lan bò qua ống nghe bấu níu lấy hệ thần kinh Sam buộc nó quẩn quanh trong cái vòng phấn ảo hình để ngửa cổ chờ đợi khoảnh khắc bị hút cạn tinh lưc. Mãi một hồi lâu và phải cố gắng lắm, Sam mới rên lên được như đưá hết hơi:
- Như vậy… tóm lại… tôi có thể làm gì… để giúp bà?
Tiếng cô đầm - hay tiếng của con chim trúng tên? -, lúc ấy mới chịu âm vang rành rọt và bi thống :
- Thưa ông, tôi là người đàn bà yếu đuối cô độc bị một nỗi kinh hoàng không ngừng săn đuổi.
Đã bình tĩnh trở lại, Sam dịu dàng :
- Xin bà nói tiếp.
- Tôi rất mong - nhỏ đầm hổn hển đáp - được gặp ông tại một nơi an toàn nào đó để giãi bầy.
Người Sam bừng nóng. Bản năng che chở của con đực trong gã cựa mình. Bằng nhịp tim thương cảm, Sam an ủi :
- Nơi tôi sống rất kín đáo, bà không sợ thiếu mái che cho những vết thương đời đâu.
Giọng cô đầm nhẹ như tiếng gió chiều mơn man quanh vườn cây ít lá:
- Tôi rất mong có người hiểu l‎‎ý do và biết những điều tôi buộc phải làm là đúng.

Chiếc điện thoại chao khẽ trong tay Sam. Gã có nguyên cớ hẳn hoi để xúc động, chứ đâu phải động tâm sảng? Thì ngay bóc cái tổ con chuồn chuồn ra đấy chứ còn gì! Thú nhận và tán thưởng! Nghĩa là nói lòng vòng cho đã , rút cục cô đầm, giống mọi kẻ sát nhân khác, vẫn phải cần đến hai cái mặt phao bất khả thiếu vừa nói của chiếc phao cứu chuộc để ngoi lên khỏi bãi lầy mặc cảm tội lỗi.

Khấp khởi nhìn chân con ruồi sắp chạm vào chậu mật, Sam đổi giọng mẹ mìn :
- Yêu cầu vừa nói của bà cũng chính là tôn chỉ của hội chúng tôi. Cho nên nếu có thể , xin bà phác thảo sơ qua câu chuyện, thì thiệt là tốt quá.
Câu nói êm như hát sua là có “dược tánh” an thần hơi mạnh. Nếu không sao em đầm đang khụt khà khụt khịt, khi không lại “sang số” nói thật chậm, in hình một người ngọng đang vất vả tìm kiếm con chữ. Em đầm bảo:
- Có người muốn và thừa sức hại tôi, thưa ông.
- Ô kià. - Sam đưa đẩy - Sao lại nhẫn tâm như thế được?
- Nhưng quân ác ôn đó… - giọng cô đầm mạnh lên và rõ ràng hơn - đâu có chịu ra tay liền. Y muốn kéo dài thời gian hành hạ nạn nhân.
Sam đế vô:
- Khốn nạn thiệt.
Cô đầm nức nở:
- Tôi chịu hết nổi rồi, ông nghe chứ, tôi chịu hết nổi. Nên đành buộc lòng phải thủ tiêu y mà không mảy may để lại vết tích.
Sam túm vội cơ hội:
- Nhưng cách nào? Thuốc độc hay tai nạn, xin bà làm ơn nói rõ hơn.
Tiếng ở đầu dây thảng thốt:
- Không, không , xin lỗi, đã nói quá nhiều rồi.

Câu trả lời quả có làm cho Sam thất vọng chút đỉnh thật, nhưng cùng lúc mầm hy vọng và kỳ vọng trong gã nhoay nhoáy bung bật y hệt nấm hạn gặp mưa rào. Nếu con nhỏ chẳng phải đúng t‎ý‎p sát thủ Sam vẫn mong đợi, vậy còn ai trồng khoai đất này vô đấy ?

Xét vì mở miệng xì hơi “nồi súp de” ẩn ức như nó đã làm, coi bộ khó vậy đó chớ mà vẫn dễ! Nhưng muốn giữ được cái đầu tỉnh rụi để chỉ xì hơi cho vừa đủ liều lượng, và nhất lại biết nắm bắt lúc nào cần xì-tốp là đóng-mỏ cái một, thì không phải ai cũng làm đuợc và làm đẹp như nhỏ đầm vừa làm. Nó đã ngon lành cỡ đó, “tác phẩm” nó làm ra đâu thể tầm thường?

Sam vội vàng kéo gân cổ lên ca bài ca con cá vào ống nói:
- Tôi hiểu chớ, thưa bà. Một gã đàn ông khi đốn gục kẻ cường bạo sẽ vô cùng hể hả bởi nó xứng hợp với bản năng bạo động của giống đực. Nhưng một phụ nữ bị buộc phải tự giải thoát khỏi ách khổ nạn quá sức chịu đựng, niềm vui sẽ mờ đi bên thương tích, nỗi buồn. Bà không nhắc chuyện cũ vì không muốn đổ dấm lên vết thương còn tươi. Nhưng liệu một con thỏ thoát móng vuốt diều sói có thể ngồi trong lùm cây liếm mãi thương tích? Hay nó cần sự chia xẻ và lòng lân mẫn của đồng loại để quên cũng như tiếp tục sống? Đó là l‎‎ý do tại sao Hội chúng ta được thành lập. Và hội đang rất mong đuợc bà chia xẻ câu chuyện.
- Tôi muốn - nhỏ đầm ấp úng - tôi muốn gặp ông trước để xem có thể tin được không, cái đã.
Sam cho, cho gấp để mà mong nhận lẹ:
- Tên tôi là Sam. Sống ở phòng 90 cao ốc Blue Sea, cạnh phố Tàu. Tôi ở nhà nguyên chiều và tối nay.
Cô đầm hỏi gặng:
- Chỉ mình ông ở đó đấy chứ?
- Dĩ nhiên. Bà có thể ghé kiểm soát bất cứ khi nào.
Em đầm tưng tửng:
- Vâng, nếu như… tôi tới.

Với cái giọng thờ ơ đi kèm theo câu trả lời huề vốn, con nhỏ rõ ràng đang chơi Sam đứt đuôi! Chỉ vì mấy chữ vỏn vẹn “nếu như tôi tới” của nó, mà nửa tiếng Sam chờ đợi bữa đó tự dưng dài hơn nửa ngày. Không trách khi tiếng chuông cửa reo lên, trái tim khốn khổ của Sam không lồng lên như con ngựa vía vào mùa động đực sao đuợc? Gã không đi mà bắn người đến bên cánh cửa. Trong đầu vang vọng đoạn điệp khúc khích động và hoan hỉ, hồi hộp xen lẫn chờ mong. Con nhỏ tới! Trời ơi, ắt phải là con nhỏ!

Cửa mở. Cóc có con nhỏ nào cả. Một thằng hộ pháp tóc cắt ngắn, cằm bạnh, mặt lạ hoắc đứng bơ bơ ngó Sam chăm bẳm. Nhưng nó vừa mở miệng, Sam biết tỏng gã là ai liền tức thì:
- Chào ông Sam. Ông nói đúng phóc đó nghe. Kiếm điạ chỉ của ông, thiệt tình, đâu khó mấy?
Đúng cái giọng xỏ lá của tên cớm phôn tới hồi chiều. Vậy mới dễ nực. Muốn tới, sao nó không xách mông tới sớm? Lại nhè đúng cái lúc ngưòi ta đang chờ khách qúi, bèn đột xuất từ cái hang nào đó lù lù chui ra?
Ngưòi nhà nước cười mỉm, móc túi lấy tấm thẻ hành sự, và hỏi cho có lệ:
- Tôi vô trong được chớ?

Câu hỏi chưa dứt, gã cớm đã sải tới thiệt lẹ. Tấm thân trâu nước đẩy giạt Sam sang một bên, rõ cái điệu phô diễn cơ bắp tục tĩu nhưng hiệu quả. Người nhà nước nhập đề thẳng :
- Tôi tới vì cái quảng cáo đăng báo của ông. Sở hình sự nghĩ nó có dụng ‎ý‎‎‎ xấu đó.
Sam làm mặt tỉnh:
- Tôi cần kiếm tài liệu viết sách nghiên cứu. Chỉ có vậy. Hơn nữa bộ xếp nghĩ đăng quảng cáo trên báo là vi luật hả?
- Dĩ nhiên không - gã lính kín nghiêm nghị phát biểu - Nhưng nó có thể tạo cơ hội vi luật.
- Xin lỗi xếp nói sao?
Thay vì trả lời, người nhà nước bèn đọc thuộc lòng bài công dân giáo dục:
- Nếu sát thủ thú tội giết người, mà ông không thông báo phú lít, điều đó có thể đồng loã với tội ác. Còn viết sách kể chuyện hình sự có thiệt mà chưa được Sở hình sự cho phép, cũng coi như truyền bá tội ác. Ngoài ra …
Sam ngắt lời :
- Khi qua Mỹ lấy bằng tâm l‎ý học, tôi có học một cua luật nên biết chuyện vi luật đâu đơn giản như xếp nói? Ngoài ra ai biểu xếp rằng tôi không trình báo lính mã tà nếu có đứa sát nhân tìm tới đây thú tội.
Nghe mấy chữ tâm l‎ý học, lại nghe thêm kiểu l‎ý‎ luận đầu cua tai nheo, chứ hoàn toàn không con cà con kê một ly ông lão nào, của Sam, mặt ông bạn dân đang hăng bỗng khựng gấp trước khi đi một đường xìu lẹ. Gã khựng cũng phải! Đụng nhằm cái bọn nhờ nhờ nhiều mặc cảm, mà lại có chút đỉnh chữ nghĩa là phải coi chừng. Hù tụi nó không dễ. Lạng quạng nó khiếu nại tới nơi tới chốn là cấp trên khó cho lên lon đó chớ bộ đuà?

Nghĩ vậy rồi, người nhà nuớc bèn đẩy một phát cười mỉm trông rất ư thắm thiết hữu nghị trước khi phát biểu :
- Ồ, có gì đâu mà ông phải căng quá vậy? Tôi chỉ xin nhắc để ông cân thận chớ bộ.
Sam không cười:
- Cảm ơn. Tôi cẩn thận từ nhỏ.
- Thế có ai - ông lính kín quay lại chủ đề - đọc xong cái quảng cáo rồi phôn tới đây kiếm ông chưa?
- Có, tòan một bọn nhóc ngơ ngáo. Thêm vài đưá khùng vốn đã nghèo tưởng tượng nhưng lại cứ khoái thêu dệt tầm bậy.
Người nhà nước nhắc nhở:
- Đấy là bọn đáng sợ đó, ông Sam à.
- Tôi biết chớ. - Sam vừa nói vừa gật đầu trông rất ư tiếp thu thành khẩn - Và tôi sẽ báo xếp liền tức thì một khi đụng nhằm dân sát nhân thứ thiệt.
Đưa tay che miêng ngáp gỉa bộ, Sam tiễn khách thẳng thừng:
- Nếu xếp không có gì hỏi thêm, tôi có thói quen đi ngủ sớm.
Gã bạn dân cười ruồi:
- Xin ông thêm vài phút, đề ngồi viết tờ ăng kết.

Nói xong không chờ Sam gật, gã dùi cui kéo ghế cái đụi , làm như nãy giờ đứng mỏi cẳng quá nên nếu không ngồi là khỏi chịu nổi vậy. Điệu đó, Sam thầm nghĩ, là gã thầy chú muốn bám trụ ngồi lại chứ đâu phải để ăng kết, ăng két cái mốc xì gì. Có lẽ gã muốn chờ xem ai gọi phôn tới cho Sam để dỏng tai lên nghe lỏm chắc? Hay người nhà nước tính câu giờ để thực hiện một mưu đồ gì đây?

Nhớ tới cái hẹn với con đầm ban nãy, Sam thiếu điều phát khùng. Nó mong cô gái bận viêc gì đó tới trễ. Nó mong có chiếc xế ủi đất để xúc gã cớm thảy ra lộ cái đụi cho rồi đời. Nhưng mong sao cho nổi? Tiếng chuông cửa ré lên đột ngột giống nhát búa bổ cái ình vô tai Sam . Người thắng con vừa nóng vừa lạnh, tay lính qúynh đút túi , cái đầu gối khi không đong đưa nom thấy thương!

Ông bạn dân tất nhiên nghe hết, nhìn thấy hết , nhưng vẫn vờ vĩnh quay qua Sam hỏi cho có lệ:
- Bộ ông có hẹn với ai hả?
Sam chối phắt:
- Đâu có. Hẹn hồi nào?
Gã lính kín tươm tướp:
- Hay bà con lối xóm đi ngang ghé chơi?
Sam cười như mếu :
- Làm gì có chuyện đó?
- Nếu vậy - gã cớm nói quả quyết - để tôi ra mở cửa .
Chỉ tay vô cánh cửa ngăn lối đi dẫn ra phòng khách với phiá sau, gã hỏi trống không:
- Phòng gì ở trỏng?
- Nhà bếp.
Người nhà nước dở giọng dùi cui:
- Ông vô đó ngồi im. Chỉ ra ngoài khi có lệnh tôi.
Sam còn đợi gì chưa ô kê bởi nó còn biết làm cái con tiều gì ngoài tuân lệnh sảng? Giành ra mở cửa là khỏi đuợc, xét vì cặp mắt của người nhà nước đang mở thò lõ quan sát chớ đâu đã đui? Hơn nữa mở cửa, lỡ gặp nhỏ đầm nhanh miệng phun tùm lum ra mọi chuyện, chắc cũng dở? Đã đành Sam chưa phạm pháp, nhưng nãy giờ nó vẫn chối cóc có tiếp xúc hẹn hò với ai, vậy bây giờ tự dưng ở đâu lòi ra con nhỏ giết người, biết giải thích thế nào với gã cớm cho khỏi ngọng? Thôi thì cứ kệ tiá người nhà nước muốn làm gì thì làm đi. Cái nét cớm của nó dù mặc đồ xi-vin vẫn nom ngờ ngờ ra đấy, con nhỏ đầm vừa cẩn thận vừa thông minh dễ gì không nhận ra?

Nghĩ vậy, đầu Sam nghe nhẹ hơn, nhưng vẫn còn một lấn cấn nho nhỏ . Lỡ con nhãi hiểu lầm - mà ở hoàn cảnh nó, con nhãi bé cái lầm chắc rồi - là bị Sam gài độ nên nó co giò giông thẳng thì thực tiếc đứt ruột. Nhưng sự thể đã tới nước đó đành cứ thế mà ngồi im chứ còn biết sao hơn?

Sam ép người sát cánh cửa ngăn nhà bếp với lối đi dẫn ra phòng khách , tai dỏng lên nghe ngóng. Có tiếng mở khóa cửa lách cách. Tiếng cánh cửa bị khô nhớt bản lề kêu nghe ớn ốc. Rồi giọng phụ nữ, đúng boong giọng nhỏ đầm hồi chiều, hỏi khẽ :
- Xin lỗi đây có phải là nhà của ông Sam?
- Dạ phải - tiếng gã dùi cui đáp hàm hồ.
Chẳng biết vì đánh hơi ra mùi lạ, hay muốn rào đón cho chắc, nhỏ đầm làm động tác giả :
- Tôi là nhân viên chào hàng của tờ Thời Báo. Mời ông đặt mua tờ tạp chí dài hạn với giá ưu đãi.
Giọng gã cớm ồm ồm:.
- Bà khỏi cần quá cẩn thận . Chính tôi là người nhận phôn của bà gọi tới nửa tiếng trước. Cũng chính tôi mời bà ghé lại đây để coi có đúng là tôi ở nhà mình ên hay không?
Mới nghe tới đó, ở đằng sau cánh cửa bếp, Sam tá hoả như bị chầy vồ dện trúng cái sọ dừa. Cà chớn chưa và sọc dưa chưa! Thằng cớm hoá ra đã nghe lén và đã biết tỏng mọi chuyện, vậy mà Sam cứ tốn công ngây thơ ông lão làm chi cho cớm nó cười.
Có tiếng cô gái cười nhẹ:
- Uả, vậy ra ông là người có chiếc máy đánh chữ cũ muốn bán? Nó còn hoạt động tốt đấy chứ ông
Gã cớm chìm gạt đi:
- Xin bà khỏi cần thử thách làm chi cho tốn công, mất thì giờ. Hồi chiều, chúng ta nói chuyện bà bị hăm doạ nên buộc lòng phải thanh toán gã đàn ông ác ôn. Tôi chắc bà vẫn chưa quyên câu chuyện.
Thay vào tiếng trả lời, Sam nghe một âm thanh nửa giống tiếng chân dẫm xuống bùn, nửa như hơi rắn phì, lại na ná giọng con nít sặc nước. Tất cả vụt thoáng qua một giây trước khi hoàn toàn im lặng.
Một phút sau, tiếng đàn ông thì thào mà khi không - Sam thắc mắc - tại sao gã cớm lại thì thào :
- Em.
Tiếng cô gái rít khẽ:
- Đóng cửa lại. Bộ anh muốn mọi người nhìn thấy?
Nhìn thấy cái gì ? - Sam tự hỏi. Chả lẽ nom con nhỏ trông ứa máu quá, người nhà nước chịu hết xiết bèn đẩy đại một màn ôm bậy nút lưỡi sảng để phát ra tiếng phì phì? Phần nhỏ đầm chắc nó chỉ chống cự cho có, truớc khi khép cửa lại để lấy chốn riêng tư mà hun trả đũa gã cớm chứ gì?
Nhưng giọng đàn ông lúc này, Sam để ‎‎ý, nghe sao mà lạ hoắc :
- Thôi ra xe.
- Khoan đã - tiếng cô đầm quát khẽ - anh đi rảo phòng ngủ và vô nhà bếp xem hắn có ghi chép hoặc để lại giấy tờ gì không?
Nghe đến đấy, Sam nhũn người ra vì sợ. Nó chả biết sợ cái gì, chỉ biết xém chút nữa vãi tè ra quần vì sợ.
Tiếng chân tiến lại, Sam thụp người xuống núp nhanh sau dãy tủ bếp. Lưng lạnh như đồng ngâm, đầu ngón tay ngón chân nhói như kim chích, Sam mừng muốn nín thở, lúc giọng đàn ông vang lên cùng với tiếng chân quay trở ra :
- Nhà bếp không có gì .
Cũng giọng ấy vài giây sau:
- Phòng ngủ cũng không. Thôi vọt lẹ, em
Nhỏ đầm gắt khẽ:
- Việc gì phải cuống lên thế?
Giọng nam rền rỉ:
- Trời ơi! Việc gì hả? Việc chết chùm chớ còn gì.
Nhỏ đầm càu nhàu:
- Đã thỏ đế là vậy, mà còn bầy đặt làm chuyện tào lào làm chi?
Tiếng đàn ông cự lại :
- Nhát hay bạo thì mắc mớ gì mà nói lúc này. Anh chỉ muốn nhắc em dè chừng là gã dám hẹn sảng thêm vài đứa khác tới đây nữa đó chứ không xoàng đâu.
- Bộ anh tưởng - cô đầm cười ruồi đáp - thiên hạ toàn môt ruộc khoái vạch áo cho người xem lưng như anh chắc? Mà nghĩ cũng tức cười! Lấy gân đẩy vợ xuống vực thẳm thì có ngon lành, bảnh toỏng cái gì đâu mà phải đem ra khoe mẽ? Đã thế còn đấm ngực xưng tên kể tuổi với ngưòi lạ nữa mới thực đúng điệu là giống lừa.
- Thôi đi - giọng gã đàn ông sửng cồ - Lừa với ngựa cái điá gì ? Tôi chỉ buột miệng, hiểu chưa?
- Hiểu sao đuợc? - nhỏ đầm rít lên - Anh ngu hết nước nói. Nếu chuyện không dính tới tôi, tôi đã kệ xác anh.
Gã đàn ông “chấm câu” :
- DM mọi chuyện để nói sau. Bây giờ thằng này “vô số” dọt.
Nhỏ đầm hét khẽ :
- Không đuợc đụng tới bất cứ vật gì trong phòng. Kể cả cái khoá cửa cũng vậy.

Lúc ấy, Sam mới hiểu ra câu chuyện. Gã đàn ông, chẳng ai khác hơn ông bạn Jimmy Ford, kẻ gọi phôn cho Sam kể lể thành tích xô vợ xuống đáy vực. Còn con nhỏ đầm là vơ sau hay tình nhân gi đó của nó. Hai đưá toa rập giết người hưởng tiền bảo hiểm. Thằng chồng lỡ miêng xưng tên cho Sam biết. Nhỏ đầm sợ lộ bí mật bèn tương kế tựu kế dụ Sam vô bẫy để bịt miệng .

Tất nhiên còn vài chi tiết Sam chưa biết rõ , nhưng trước mắt hãy chui ra khỏi chỗ núp gọi phôn báo lính mã tà cái đã.

Sam đẩy cửa thật khẽ, bước rón rén trên lối đi dẫn ra phòng khách. Không khí, chao ôi sao lạnh tanh vậy kìa? Trên sống lưng Sam, cả đàn ốc lớn ốc nhỏ thi nhau mọc cả chùm, chắng biết là vì cái lẽ gì mới lạ?

Câu trả lời ở đó, ở ngay đó, khỏi mất công tìm đâu cho mệt. Gã cớm chìm không chạy thoát như Sam tưởng. Gã ngồi dưạ lưng vô tường, nhát dao đâm thấu tim, nhưng mắt vẫn mở, vẻ ngac nhiên xen lẫn van nài, lại hướng ngay mặt Sam mà chiếu tướng mới ác.

Trong một giây, vì tiếng chân lay động, vì ảo giác, hay vì một điều gì không biết, Sam thấy đôi mắt thê thiết của gã chớp nhanh. Không thể cầm lòng lâu hơn và được nữa, Sam bước tới rút lẹ cán dao ra khỏi ổ ngực mong cứu sống nạn nhân. Đúng lúc ấy, môt thằng lù lù mở cửa tiến vào.
*
Trong phiên xử thằng lù lù khai nó là bạn đồng sự của gã cớm ngủm củ tỏi. Ngồi ngoài xe chờ mãi đâm sốt ruột, thằng con bỏ xe nhảy thang m‎áy cái vù lên cứu bồ, nhưng đáng tiếc, nó lên cứu bồ hơi trễ. Bởi cánh cửa phòng Sam khép chứ không khoá - cặp vợ chồng sát nhân không dại đụng tay vô ổ khoá để in lại dâu tay - cho nên gã cớm chỉ việc đẩy nhẹ một cái là đã có mặt tại hiện trường.

Gã khai, gã khăng khăng khai là sau khi người đồng sự xấu số ghé lên phòng Sam lấy ăng kết, gã tuyệt đối không thấy bất cứ ai đi vô hay rời khỏi căn chung cư . Nghe thằng khốn tuy khai đúng mà vẫn hoá thành trật lất, dù lạnh xuơng sống, Sam vẫn muốn chửi thề. Đúng thiệt cái thằng đại ngu! Căn cao ốc với mấy trăm căn phòng cho mướn có tổng cộng ba lối ra vào chứ nào phải chỉ một. Chiếc xe cớm khổ nỗi lại đậu chình ình ngay cửa trước, vậy con nhỏ giết người không khùng mà cũng chẳng khiếm thị, bộ ngu sao mà dẫn thắng kép sát nhân lao đầu ra lối đó cho người nhà nước lượm sảng?

Dù bị lời khai cà chớn của gã bạn dân chõ ngay cạnh sườn hỏi thăm sức khoẻ, Sam vẫn ra dáng nhởn nhơ thơ thới. Xét vì có hai lá buà cứu mệnh ngon ơ trong túi, việc quái gì Sam phải lo hoảng, lo tiều?
Cái đại danh Jimmy Ford của ông sát nhân, cộng với cái địa danh bắt đầu bằng chữ New - chắc mẩm phải là bang New York chứ còn New gì vô đó - mà Jimmy Ford từng buột miệng thốt ra trong lúc lỡ lời, chúng thiệt sự có giá trị cứu mạng Sam đấy, chứ chẳng phải chỉ để nghe qua rồi bỏ đâu .

Nghe Sam tiết lộ bí mật, các thầy chú dù nửa tin nửa ngờ nhưng cũng xắn tay áo lên kiểm tra độ thực hư ngay tức khắc . Kết quả, người nhà nước lạnh lùng tuyên bố, ở bang New York suốt mấy chục năm trở lại đây, khỏi có có vụ án mạng ác ôn côn đồ nào như vậy xảy ra hết.
Sam nghe vậy, không chỉ lạnh mỏ ác mà còn điếng cả hồn. Chết cha, ở xứ Mỹ, ngoài thành phố và bang New York, còn New Jersey, New Orleans, New Mexico, chưa kể một lô sông núi ao hồ cũng New lia chia, New buá sua, vậy sao Sam không nghĩ tới mà lại cứ nhắm mắt nhắm mũi quả quyết là thằng Jimmy Ford diễn trò sát thê của nó ở bang New York?

Sam xin khai lại, còn gì nó không xin khai lại, nhưng mọi người chỉ che miệng cười trừ. Còn ai muốn nghe và còn ai chịu tin lời của một đứa có thành tích xạo ke nhưng vẫn ngoan cố tiếp tục muốn ‎ dóc tổ ? Con dao máu Sam rút từ tim nạn nhân ra, ngược lại và ác cái, không biết nói. Nhưng gieo nhân máu bên Miên cho đã, mà lãnh cái cái cán búa ngược sương sương có vậy, Sam nghĩ Sam vẫn còn lời đó chớ ?
Nguồn: Tác giả/ VNthuquan - Thư viện Online
Được bạn: Ct.Ly đưa lên
vào ngày: 4 tháng 1 năm 2009
 
Back
Top