Cậu Ba

tuyet_loan08

Junior Member
Lần nào về quê, bụng bảo dạ, phải thăm cậu Ba trước - chính tôi cũng không biết tại sao nữa. Má tôi nói, cậu Hai con hy sinh, giờ con
còn cậu Ba. Nhưng với tôi, cậu Ba hấp dẫn tôi bởi nhiều điều khá trừu tượng, đôi khi còn khó hiểu nữa...
Lần đó hợp tác hóa ào ào, tôi về Giồng Trôm dự lễ ra mắt một hợp tác xã trọng điểm. Ghé ngang nhà, đã thấy ba tôi và cậu ngồi nhâm
nhi rượu đế với khô cá khoai. Cậu Ba nói: "Mày là nhà báo, mày thấy cái vụ hợp tác như thế nào?" Tôi vốn chưa biết hợp tác là gì,
nhưng nhận thấy miền Bắc đánh bại không lực Mỹ, chắc chắn là phải nhờ hợp tác. Tôi nói đại: "Cậu lo chi cho mệt, trung ương tính
dứt khoát là đúng". Cậu nói: "Tao sáu chục, còn mày mới ba lăm, tao có thể dốt hơn mày, nhưng kinh nghiệm thì dứt khoát hơn mày.
Tao nói đại: Làm ăn kiểu này, thua". Tôi nóng mặt: Tôi đang đi tuyên truyền, cậu là đảng viên kỳ cựu, vậy mà cậu nói thua, chắc chắn
là cậu thuộc thành phần bất mãn. Nghĩ vậy nhưng tôi không dám nói ra, sợ cậu buồn. Tuy nhiên khi nghe tôi trích chỉ thị đọc cho cậu
nghe, để thay lời giải thích, thì cậu chỉ nghe mà không nói gì. Lúc đó, khuôn mặt cậu như ông La Hán trầm tư. Nhiều lớp nhăn kéo đến
giăng lên trán cậu những cơn sóng xô lệch vầng trán vốn cao và rộng của cậu. Những làn sóng làm cho vầng trán cậu hẹp lại và thấp
xuống.
Cậu quay sang mẹ tôi, giọng tếu dễ sợ: "Đó chị thấy hông: trói gà không chặt như thằng cu Ròm - Ròm là biệt hiệu của tôi hồi nhỏ -
chưa biết cầm cày cầm cuốc, chưa phân biệt nỗi cây tầm cấy với cây tầm điền mà nhà nước lại cho nó đi viết báo nông nghiệp hợp tác
xã, có hại không chớ. Bởi vậy, nó làm sao có nổi một ý kiến riêng, ngoài những nghị quyết...". Rồi cậu bảo tôi: "Thôi, uống mày".
Cậu bắt tôi uống hết một ly xây chừng rồi kể sang chuyện uống rượu. Cậu nói: "Mày uống rượu sao khè như rắn hổ vậy. Phải tập tư
cách uống rượu. Uống như không uống, không uống như uống. Uống không say, không nói bậy, không cà kê, không lợi dụng rượu
làm bậy mà cũng không nên để rượu xỏ mũi. Muốn vậy phải rèn luyện qua nhiều thời kỳ. Gian khổ lắm: đầu tiên là cho chó ăn chè, kế
đến là lấy cầu làm tay vịn, kế nữa là rượu vào lời ra. Khi đắc đạo rượu, nghĩa là uống rượu không ói, qua cầu như kẻ mộng du không
bao giờ té, và đặc biệt là càng uống say càng im lặng. Im lặng là tiếng nói của những thằng uống rượu có tư cách". "Vậy chắc anh Ba
là ông đạo rượu có tư cách chắc?". - Má tôi xé phay con gà, từ dưới bếp nói với lên. Cậu Ba cười khà khà: "Tại bữa nay có thằng này
về dạy nó chơi, chớ em dư hiểu thằng anh của em mà, càng uống rượu càng tử tế, càng say càng im lặng. Hổng tin em hỏi má bầy trẻ ở
nhà coi". Má tôi cười: "ừ, say mèm rồi thì im lặng, ngáy khò khò, chớ còn nói năng gì". Cậu nói: "Em làm lộ tẩy hết". Rồi cậu cười
khà khà và sau đó là kể chuyện vui.
Cậu kể một bữa cậu lên chợ thăm người bạn. Gần tới thị xã còn cách chừng tám trăm mét nữa mới tới nhà thì thấy chiếc xe du lịch mới
tinh chạy ra. Người bạn của cậu ngồi trên xe thấy cậu từ xa nhưng chỉ đưa hay tay lên chào, hô to một tiếng gì không rõ, rồi chiếc xe
vù đi, để lại một lớp bụi mù. Cậu nói: "Chả chào tao liên tưởng tới con ếch bị chặt đầu, nó đưa hai tay lên đỡ lưỡi dao giống như chào
vĩnh biệt".
Tôi lạnh xương sống. Thỉnh thoảng, trong cơn khề khà, cậu ba tôi hay nói những điều nghe ghê ghê.
Ông tôi có nhiều người con, nhưng rốt lại còn hai trai: cậu Hai và cậu Ba. Cậu Hai đánh tây nổi tiếng gan dạ. Cậu cùng vài đồng đội
chờ đêm ba mươi, mặc xì líp đen, lọ chảo trộn dầu dừa bôi kín người, đột nhập đồn Tây. Cứ dùng hai tay mà rờ như người mù, đụng
thằng nào có quần áo là đâm ẹc vô bụng. Tụi nó có súng như không, làm sao bắn trúng được khi những người du kích và bóng đêm
đều cùng một màu đen? Cậu Hai tôi còn nổi tiếng trừ gian, kể cả Tây và Việt gian. Cũng chỉ với dao găm, mã tấu, cậu xử rất êm mỗi
lần hàng chục thằng Tây và Việt gian. Má tôi rùng mình, nổi gai ốc mỗi khi kể cái lần má tôi cầm giáo đi chỉa dừa rụng, lỡ chỉa nhằm
một hố chôn Tây, khi rút ngọn giáo ra khỏi lớp đất mỏng, má tôi nghe hơi xì ra theo.
Cậu Hai chết trong một trận đánh năm 1947, để lại hai người con gái cho cậu Ba tôi nuôi. Những người con lớn lên lại đi đánh Mỹ.
Con các chị giống ông ngoại (chúng kêu cậu Ba tôi bằng ông ngoại thay vì bằng ông Ba). Hai chục năm sau chiến tranh chúng được
trao lại chiếc mã tấu của ông ngoại chúng từng giết Tây, còn nguyên máu đông khô. Có lần, một đứa anh đem lau dầu chiếc mã tấu để
chống sét. Nhưng vừa nhểu giọt dầu lửa vào lưỡi dao thì máu tươi lại chảy ra. Hoảng quá, chúng gói lưỡi dao mã tấu lại, từ đó đến nay
không dám động đến.
Gần đây, khi nghe chuyện này, tự nhiên tôi bảo hãy cúng cô hồn đi, thế nào trong số người bị chết dưới lưỡi mã tấu này cũng có người
bị oan. Đó là lẽ thường trong chiến tranh, nhưng đó cũng là nỗi đau của chiến tranh. Cũng chẳng rõ tôi đã cảm văn Chiêu hồn thập loại
chúng sinh của cụ Nguyễn Du hồi nào: buổi chiến trận mạng người như rác - Phận đã đành đạn lạc tên rơi - Lập lòe ngọn lửa ma trơi -
Tiếng oan văng vẳng tối trời càng thương.
Nếu cậu Ba còn sống, chắc chắn tôi sẽ được nghe những lời giải thích của cậu về cậu Hai, về cái mã tấu. Nhưng cậu Ba tôi cũng đã trở
thành người thiên cổ cách đây chừng sáu, bảy năm, vào lúc mà thời bao cấp chưa đi còn thời đổi mới thì cũng chưa đến kịp. Buổi đó
làng tôi bị trùm lên không khí âu lo nặng nề hơn cả khốn khó, hơn cả sự ngưng trệ trong đời sống và làm ăn. Giữa lúc đó, tôi được tin
ba tôi nhắc lên: Cậu Ba tôi cấm khẩu. Cậu im như thóc, ai hỏi gì cũng chỉ gật đầu hoặc lắc đầu...
Cậu Ba chẳng những cấm khẩu mà cũng cấm túc luôn, ở rịt trong nhà. Ba tôi nói: "ảnh không đi đâu hết, không nói gì hết". Tôi thắc
mắc: "Nhưng phải có chuyện gì, phải có nguyên cớ gì chớ". Ba tôi nói rằng: "Không có nhân thì làm sao có quả, nhưng ở đời đâu phải
lúc nào cũng nhân nào quả nấy. Có khi quả còn ngược lại nhân, biết đâu mà lần?"
Cậu Ba tôi đi kháng chiến chống Pháp xong thì về làng tiếp tục sống hợp pháp hoạt động bí mật. Bề ngoài cậu tỏ vẻ thuận thảo với
làng nước của ông Diệm nhưng bên trong là hoạt động cách mạng. Cũng như mọi người, phải xanh vỏ đỏ lòng, chờ chủ trương. Khi có
chủ trương đồng khởi thì cậu xăn tay áo nhào vô tiếp sức với lớp trẻ. Rồi hết mười lăm năm chiến tranh, khi thì ở xã, khi lên huyện, với
cái tài nói tếu, giấu trong những lời đùa cợt nhưng ngụ ý sâu sắc, cậu Ba trở thành bậc lão niên được kính trọng. Tuy nhiên về chuyện
đảng tịch, chuyện nội bộ có điều gì không ổn, tiếng nói của cậu mất trọng lượng làm cho cậu không tếu như trước đây nữa.
Lần tôi về đám cưới thằng em, trông cậu hơi khang khác. Cậu mặc bà ba, che dù, ngồi trong khoang thuyền uống rượu, ưu tư. Lạ thật.
Tôi nghĩ là phải chụp cho cậu tấm hình với con cháu và riêng cho cậu một tấm để... dành.
Khi nghe cậu cấm khẩu, tôi về, lội vô nhà cậu thăm. Nhà vẫn vây, cất tạm trên nền nhà xưa, trống hoác. Cậu pha trà ra hiệu cho tôi
uống, không nói tiếng nào, chỉ cười, mặt rạng lên nét vui. Có ba tôi, cậu cũng không mở miệng. Rồi bà con đến (hôm đó là ngày giỗ),
cậu cũng không mở miệng. Tất cả sinh lực chỉ là sự rạng ngời nét vui trên khuôn mặt.
Một hôm, ba tôi lên Sài Gòn mang theo cái tin, cậu Ba tôi đã hóa ra người thiên cổ rồi. Tất cả xong xuôi rồi, tôi không phải về nữa. Chỉ
có điều chưa yên lòng là chưa có tấm ảnh nào để thờ, ba tôi muốn tôi tìm những kiểu ảnh mà tôi đã chụp. Nhưng cũng thật là lạ, tôi tìm
mãi, tìm mãi, hàng trăm cuốn phim âm bản, hàng trăm tấm hình đã làm, hoàn toàn không có hình cậu Ba. Tôi thầm khấn vái, mong
vong linh cậu giúp tôi tìm tấm hình. Nhưg hình như tôi vẫn nghe văng vẳng tiếng cười khà khà của cậu đâu đó. Còn hình thì không tìm
thấy. Thật giống y như vài năm trước, tôi chụp hình cho đứa cháu gái thật đẹp, thật dễ thương, rồi nó bị bệnh hiểm nghèo, nó chết, tôi
được tin, tìm mãi, tìm mãi tấm hình, rốt cuộc chẳng thấy đâu.
Ba tôi nói, ông đã biết nguyên nhân sự cấm khẩu rồi. Ông kể: "Hôm đám tang, tao lục hết sổ sách ghi chép của ảnh coi có gì lạ không.
Không có gì. Cuối cùng, tao phát hiện ra cái nguyên nhân nó nằm trên cây xiên nhà". tôi kinh ngạc: "Ba nói sao, trên cây xiên nhà?".
Ba tôi nói rõ hơn: Tao phát hiện có dấu chữ nho viết bằng phấn trên xiên nhà, tao chắc là ảnh. Vì ở làng, ảnh loại giỏi nho. Tao bắc
ghế lên, đeo kiếng và đọc. Hóa ra đó là năm chữ: "Tăng phì yên hắc phật". Ba tôi giải thích: "Mấy chữ này không rõ xuất xứ, chắc là
của ảnh đặt ra, có nghĩa là ông sư mà phát mập ra thì Phật sẽ bị tèm lem vì khói đèn". Rồi ba tôi đọc luôn mấy câu văn vần do ông tạm
dịch: "Thầy chùa ăn mập ú - Phật tổ mặt ném đen - Phật không ăn đồ cúng - Phật chỉ hưởng khói đèn!..."
Như vậy, theo ba tôi, nguyên nhân cậu Ba tôi cấm khẩu tới hơi thở cuối cùng là vị bọn tham nhũng, chính bọn này đã làm cho lem ố ý
tưởng cách mạng, làm cho cậu Ba buồn, thấy có nói năng cũng chẳng ích gì, thà làm thinh mà tốt hơn.
Chẳng lẽ cậu Ba tôi mà suy nghĩ và hành động dễ dãi như vậy sao. Tôi không thể nào tin được điều này. Nhưng phải hiểu thế nào cho
đúng về cậu thì tôi đành chịu. Mãi cho đến nay...

Nguồn: Minh
Được bạn: Thành Viên VNthuquan đưa lên
vào ngày: 27 tháng 12 năm 2003
 
Back
Top