Cảng cá long hải

Jolie

Member
Nếu không được một tay thổ công am tường hướng đạo thì chắc chắn anh em chúng tôi không thế nào ngờ được ngay sau dãy nhà trệt sàn sàn của khu phố Long Hải lại có một bến cảng tuyệt vời và hoạt động rộn rịp như vậy. Anh chàng thổ công này đã từng lăn lộn sống khắp các vùng biển suốt từ Nam ra Trung,chuyên việc chuyên chở và tiếp xúc bán buôn hải sản nên rất rành địa lý.


Đoàn chúng tôi đến Long Hải khoảng chiều tối, lăng quăng chạy tìm nhà trọ. Long Hải còn nhỏ lắm, đơn sơ các hàng quán phục vụ chưa nhiều, thị trấn lại nằm trong xã Long Điền nên chưa khuếch trương rộng là bao. Thậm chí hỏi tìm mua một tờ báo hằng ngày e cũng khó, người chỉ chỗ này, người chỉ chỗ khác, chẳng biết đâu mà mua.


090331101608_longhai_3.jpg

Ảnh Bình Lan



Cái khách sạn mang tên Xanh cũng nhỏ nhít không kém, tuềnh toàng và đơn giản, vậy mà bỗng chốc thấy một bọn đến 7 người kéo nhau vào hỏi thuê 3 phòng thì rối cả lên. Đoàn chúng tôi phải chờ để nhân viên hỏi đi hỏi lại chủ, vấn kế rồi mới thỏa thuận ngả giá. Lại phải chờ thêm quãng vài phút nữa để nhân viên lo dọn sắp lại phòng mới nhận.


Vào đến nơi, thứ gì cũng hỏng, các chốt cửa cái còn cái mất, vòi nước có cái hỏng cái thông. Hệ thống nước nóng tuy có vòi mở riêng, nhưng được điều khiển từ một chỗ tập trung, mở một lúc mới có nước ấm ấm. Chúng tôi tắm gột bụi đường trường rồi kéo nhau đi ăn qua loa và về nghỉ.


Một vài anh em rủ nhau đi cà phê, loáng cái đã trở vê, than cà phê nghèo nàn và dở. Nói với nhau ba hoa dăm điều rồi mạnh ai nấy ngủ. Máy điều hòa mở số lớn nhưng nghe rì rì, vừa thoang thoảng mát thôi. Chúng tôi bảo nhau thông cảm vì thị trấn nhỏ chỉ có loại như vậy.


Ba giờ sáng, chúng tôi thức cả. Tay thổ công là người trong đoàn nháo nhào gọi để chuẩn bị buổi sinh hoạt chờ mong. Dẫn nhau lội bộ vì đường gần xịt, từ khách sạn đến nơi chỉ khoảng dăm phút.


090331101637_longhai_5.jpg

Ảnh Bình Lan



Ghé vào một quán nhỏ uống cà phê điểm tâm, rì rào tiếng máy xe nổ từ mấy gian nhà cạnh đó và túa ra là bóng dáng các công nhân đi làm sớm. Thị trấn Long Hải ai ngủ cứ ngủ, ai có việc đi cứ đi. Nhìn các chị/cô mang ủng cao su trắng, anh em chúng tôi mường tượng đến một cơ xưởng công nghiệp qui mô bao dung nuôi một số dân tại chỗ.


Mới giờ đó quán đã đông. Tựu chung là các bác nam già khó ngủ nên ra tìm chút chất đắng thi vị. Cô chủ quán lăng xăng chạy suốt các bàn, hào phóng đem bình trà thật nóng ra đãi anh em. Uống cho qua cơn ngái ngủ vật vờ, rồi lại kéo nhau đi, thêm một đoạn ngắn, gặp một tấm biển xây xi măng với dòng chữ “ Cảng Cá Long Hải “ và mũi tên chỉ vào cái ngõ nhỏ.


Riêng tôi, đến phút này vẫn hình dung trong đầu một cảng cá qui mô, nghĩa là có sàn bến để tàu thuyền cặp, có hệ thống cẩu nâng để đưa hàng xuống, lên, và có hàng dãy nhà kho để chứa các loại hải sản. Thế nhưng vào tận nơi mới biết mình nhầm.


Chả có bến có tàu gì hết, chỉ là một khúc biển trống trơn. Bãi vừa chịu qua một cơn bão sóng nên nhiều nơi còn ngổn ngang những tảng đá chăn nước, hoặc bao cát giữ chân nền nhà. Suốt từ đường vào vẫn chỉ là những gian nhà nho nhỏ, kèm một số hàng quán mới mở phát sinh về sau, nhưng sinh hoạt phải nói là nhộn nhịp.


Một lô xe tải kềnh càng tấp vào các góc nhà, dây điện treo lủng lẳng đong đưa khi có ai chạm vào hay khi có gió thổi. Người ta dùng các lòng xe làm một loại nhà kho, một số nhân công đang sắp, chọn, hay phân loại các loại cá từ các xe bò chở đến.


090331101726_longhai_9.jpg

Ảnh Bình Lan



Cằn xé kéo rột rẹt, tiếng khay nhựa nghe lách cách, những bóng dáng các anh, các chị loang loáng trên xe, dưới đất, trong nhà, ngoài đường. Trời còn tối om om mà khung cảnh đã rộn, thì ra các chị mang ủng bắt gặp khi nãy đều tập trung về làm việc tại đây.


Các xe bò do sức người kéo, chất nhiều tầng khay nhựa, lết bết từ các ngõ ngách ở biển lên. Sự nhẫn nại kèm theo chuyên cần để mong kiếm được đồng tiền khiến ai cũng tự giác làm cật lực. Tuy phải thức sớm, vất vả, vậy mà gặp anh em chúng tôi mang máy, mang giỏ lỉnh kỉnh, ai cũng thân mật cười.
Có người còn chào đón chúng tôi bằng những câu vô tư : mấy chú quay phinh cho đài nào đó, cho bà con biết để túi lên coi cho đã. Các anh nhóm chúng tôi túa ra tìm chọn chụp những cảnh tùy thích của mình. Được vài tấm lại căn máy coi lại để chắc mình ưng bụng vì các tấm ảnh vừa có, nếu không thì săn chụp lại tấm khác.


Tiếng đùng đùng của xe cải tiến nông cơ vang vọng khô khan. Ai cũng hiểu trí mọn của người dân ở đây đã biến các máy Kohler hay Kubota thành những xe tải phục vụ cho chuyên chở. Những thùng xe lắc lư khi xe trườn vào các con đường mấp mô xuống bãi, chỉ nơi đây là không có đá hay bao đá chắn chặn.


Trời vẫn đen ngòm ngòm, nhưng bãi biển đã náo nhiệt. Chẳng có hình dáng cảng nào cả, nhưng không vì vậy mà công việc làm cá kém vẻ ganh đua. Biển Long Hải lài lài, đi ra xa một đỗi, nước cũng chỉ đến ngang thắt lưng, hoặc có chỗ đến ngực. Thuyền đánh bắt đậu ở ngoài, dân chuyển hàng dùng loại xe bò đẩy tay, từng nhòm dăm bảy người, vừa đun vừa đẩy, lủng mủng những sọt, những giỏ, những khay nhựa ra để đón cá lên.


090331101554_longhai_2.jpg

Ảnh Bình Lan



Tiếng cười nói rì rào, tiếng hò nhau đẩy xe nghe lồng lộng trong bóng đêm còn ngủ vạ ngủ vật chưa chịu dậy. Thế nhưng bếp các hàng quán phục vụ cho cái dạ dày của công nhân thì đã thi nhau nổi lửa và chào mời khách.


Sáng lóe lên, biển như trải dài, rộng ra. Cả một vùng nước ngút ngàn nhờ nhờ sóng sánh. Nhìn khắp lượt, bãi đã đông vô số. Có thể nói Long Hải như một cái vú sữa của bà mẹ hiền dang rộng tay ủ ấp nuôi lũ con. Cả một thị trấn đầu tư vào phục vụ cho biển và bao gia đình cũng nhờ biển để có miếng ăn hằng ngày.


Người ta vây lấy biển, người sang tay mua bán cá, kẻ phục vụ miếng ăn thức uống cho nhau, các dịch vụ cũng dàn đều ra biển để yểm trợ cho ngư nghiệp. Nếu ở La Gi, các thuyền lớn phải đỗ ngoài khơi, dùng thuyền thúng đưa cá vào bờ thì ở Long Hải thuyền vào gần sát mép nước, người chỉ việc kéo ra mà nhận của từ biển cho.


Các dịch vụ ở cảng cá thật muôn màu và đủ kiểu. Hàng hàng lớp lớp, các xe bò chở cà ròn, cằn xé, mọi thứ đựng cá biển, cao nghều nghệu, cung cấp cho từng chủ hàng. Các mối mua, bán lăng xăng đi lại, thử chỗ này, xem chỗ kia, ngả giá nhau từng món. Đặc biệt chẳng thấy xảy ra cành tranh giành hoặc cãi vã nhau.


Có thể mối manh đã sắp đâu ra đấy, khoảng biển nào thuộc chủ nào đã rành rọt phân chia, nên tăm tắp thuyền cứ vô và cá cứ lên bờ tuần tự. Hàng quán cũng đủ : phở, cháo, bánh mì, bún và thậm chí cả đủ loại giải khát. Cá cũng nhiều loại lớn có, nhỏ có. Con nào quăng vào khay, vào giỏ thì coi như yên, còn con nào rơi trở lại biển là coi như quà vung vãi.


Chả thế mà dài theo cảng cá chỉ độc hai bác đẩy tới lui cái xiệp, chỉ một loáng đã đầy, hai bác thay nhau lên bờ gỡ bỏ vào bao ni lông dễ đến hàng chục kí là ít. Nghĩ bụng ở đây chả phải rình lấy trộm để rồi nghe cự nự inh tai. Ai chịu khó thì biển chẳng hẹp hòi bao dung nuôi nấng.


Ngày đi chợ nổi Long Xuyên, tôi đã tấm tắc nhiều về cung cách phục vụ của mọi ngành ngay trên sông nước Cửu Long. Người ta đã biến cải đò, thuyền thành xưởng sửa chữa cơ khí, hoặc kho xăng dầu trôi nổi trên sông. Vậy mà ở cảng cá Long Hải tôi lại còn gặp nhiều tầm cỡ phục vụ tích cực hơn nữa.


Những thùng dầu cạn được xếp lên bãi, người ta kiểm đếm, xúc rửa, để rồi một xe bồn xuống tận nơi bơm đầy cho những chuyến ra khơi kế tiếp. Về khoản đá cục đem theo tàu ướp cá, tại cảng Long Hải cũng không thiếu. Người ta đưa các xe tải trang bị máy bào, xay và thực hiên việc nghiến các cây đá ngay tại chỗ để tàu lại chất đem đi.


090331101645_longhai_6.jpg

Ảnh Bình Lan



Các anh chạy xe máy cũng không mất phần. Ngoài việc lái ôm du khách hay các người đi lại ngoài phố, các anh còn len vào cảng để nhận chở cá đi. Đứng nhìn hai anh phụ nhau ràng hàng 6 giỏ cằn xé lên mỗi xe cho mỗi chuyến, tôi thực sự phục tài ba và tận dụng hết mức sức máy và phương tiện của người Việt đạt tới siêu đỉnh nào. Tôi nghiệm ra cũng tại cái khó dân mới ló cái khôn, dù nói theo dân dã là tài vặt của hàng nhược tiểu chậm tiến.


Rồi nắng vượt lên. Ông mặt trời ló ra từ những đám mây đen còn cố tranh giành nhau giữa bóng tối và ánh sáng, một bình minh trên biển bao la, tôi nghe tiếng tách tách xung quanh, tôi biết anh em đang cố thu những phút giây tuyệt diệu vào các máy.


Nắng càng lên, cái nóng càng hập xuống. Cái bụng rỗng càng kêu gào vì nhịn từ 3 giờ sáng đến giờ, các anh em xà ngay vào các quán lưu động để bỏ bụng. Những bát thức ăn bốc khói bưng ra, những đôi đũa vung lên như làm xiếc. Người ăn, người trêu chọc nhau, chủ yếu gán ghép một anh em trong bọn chúng tôi với một cô/chị nào đó, rồi hồn nhiên cười ngặt nghẽo với nhau.


Trong ký ức tôi lờ mờ hình ảnh bãi Long Hải từ thời những năm 50 của thế kỷ trước. Tôi đã tạt đến thăm một lần, hồi đó Long Hải còn hoang vắng. Chỉ lèo tèo vài căn nhà dùng làm nơi khách nghỉ trưa. Một phần vì nhỏ bé so với Vũng Tàu, một phần quá gần Sài Gòn, ai cũng có thể đi và về trong ngày, nên Long Hải chưa nghĩ đến việc khai thác lớn.


Bãi còn là một vạt cát với những rặng thông xanh, nem nép có một văn phòng thương chánh (sau này gọi là quan thuế, rồi hải quan) núp dưới bóng, chẳng biết dùng vào việc thu thuế gì. Hồi đó, người đến Long Hải phần đông là các lão tây thuộc địa, hoặc một số các nhà có tiền, hết đi chỗ này lại muốn biết chỗ kia. Xe đò cũng ghi rõ chuyến chạy Phước Hải, Long Hải, nhưng khách không có mấy, phải gộp chung vào chuyến Vũng Tàu.


Bây giờ trở lại Long Hải tìm không đâu ra bóng những căn nhà cũ. Cả văn phòng thương chánh cũng không thấy đâu. Phải chăng sự xây cất dãy nhà trệt làm cho Long Hải biến đổi, hay chính cái khoản hiện nay lập khu resort Long Hải mới chính là địa điểm tôi biết ngày xưa. Chịu ! tôi hoàn toàn không nhận ra gì hết.


Anh em băng băng lội khắp vùng, hỏi han, rình rập, ghé vào mỗi nơi, mỗi nhóm để mong bấm những kiểu ảnh độc đáo của vùng biển cảng. Nhìn đâu cũng thấy bóng các anh, các cô/chị làm cá vẫn dửng dưng không vì sự hiện diện của chúng tôi mà chậm tay việc.


Mấy giờ đồng hồ anh em săn chụp đã đời. Cảm thấy mệt, nhưng ai cũng vui vì những ảnh bất ngờ chộp được. Anh khoe ảnh con tôm giống hiếm, anh kể về con cá to, anh trầm trồ tấm xiệp vung đẹp, dễ hằng trăm bức ảnh đã được thu vào. Ấy vậy mà khi về lại khách sạn Xanh, các anh chợt tiếc sao chẳng ai nghĩ ra việc lội ra ngoài khơi bấm một kiểu toàn cảnh sinh hoạt của cảng ngược vô bờ.


Ôm nỗi ấm ức đó, chúng tôi về thành phố, hẹn thầm lần sau trở lại sẽ không quên, nếu còn có dịp. Có anh hí hửng vạch trong đầu kỳ vọng cả một tập ảnh tài liệu sẽ lưu truyền lại cho con cháu như của gia bảo. Có anh lẩm nhẩm ước gì bước sang năm 2011 sẽ có một số ảnh được các con mắt yêu thích ngả giá mua thì sung sướng biết bao.

Đỗ Thành


 
Back
Top