Chiều hôm ấy, trời bất chợt nổi giông. Mây đen ùn ùn kéo tới. Gió ràn rạt thổi, cuốn cát bụi mịt mù. Mưa sầm sập đổ. Tôi tạt vội vào quán cà phê bên đường. Chị chủ quán, trong lúc cám cảnh vì vắng khách đã thao thao kể cho tôi nghe về những cái chết rùng rợn, thảm thương trên dòng sông Đà cuộn sóng. Có người chết đuối vì sảy chân. Có người vì hận tình, đời lâm vào ngõ cụt mà rắp tâm trẫm mình xuống dòng nước bạc. Lại có cái chết đầy bí ẩn, nhuốm màu tội phạm… Câu chuyện vô tình kể về những chuyến câu xác người của những ngư dân làng chài Vạn. Để rồi cơn mưa vừa dứt, tôi vội tìm đường xuống chân cầu Hoà Bình, gặp những ngư ông cả đời lênh đênh sông nước làm cái nghề “trần đời có một” vừa rùng rợn, vừa nhân đạo ấy: nghề câu xác người.

Làng chài ven sông Đà.
Kỹ nghệ… câu xác người
Cuối cùng, tôi cũng đã có mặt trên khoang thuyền của gia đình ông Ngô Văn Binh, tổ trưởng tổ vạn chài, xóm của 23 hộ ngư dân nằm khép mình dưới chân cầu thị xã Hoà Bình ấy. 51 tuổi, nước da bánh mật, người chắc lẳn như một chú cá kình, ông Binh nổi tiếng cả xóm Vạn chài về tài chài lưới. Ông quê tít tận dưới cầu Trung Hà, huyện Ba Vì, tỉnh Hà Tây. Nhà ông mấy đời gắn với nghiệp sông nước. Ngay từ thời còn là một cậu bé cởi truồng tồng ngồng ôm cây chuối đánh bồng ùm ùm trên dòng sông Tích, ông Binh đ được cha cho ngồi chung thuyền, lầm lụi trong mưa giăng và gió lạnh thả văng câu. Sau này, lớn lên, trở thành một chàng trai Vạn chài cường tráng, ông lại cùng những người bạn làng chài tự nguyện vác “đồ nghề” đi câu xác mỗi khi có người phận bạc sảy chân chết chìm sông, lạc suối. Hơn ai hết, ông hiểu và thấm thía một cách đau đớn cái nghề trần gian có một ấy, cái nghề không có… trong danh mục các nghề.
Đập đập vào vai tôi một cách thân mật, Ông Binh cười bảo: “ở cái dải đất hình chữ S chằng chịt sông ngòi ao hồ này, ngày nào chẳng có người chết đuối. Chỗ nào chẳng có những ngư ông sẵn sàng chấp nhận hiểm nguy, dãi dầu sương gío đi câu xác người. Hà cớ gì chú phải lặn lội lên tận đây để tìm hiểu về cái nghề mà người đời vừa kinh, vừa sợ này cho khổ”. Sau lời nói đầy vẻ khiêm nhường ấy, ông Binh xoa xoa hai bàn tay sần sạn, trùi trụi, cười khì: “Nhưng nói vậy thôi, không phải dân chài nào cũng đủ tâm, đủ tài mà đi “câu” được đâu. Thứ nhất, phải là người có tài sông nước. Mọi quy luật khắc nghiệt của con nước, nhất là vào mùa nước nổi, anh phải am tường. Những khúc quanh, độ nông sâu của dòng chảy, anh phải nắm rõ như lòng bàn tay. Thứ hai, anh phải có cái “tâm” với người chết và với cả người đang sống. Chữ “nhẫn” anh phải đặt lên hàng đầu. Bởi rà xác không giống như đi rà cá. Cá thì có vô vàn. Không bắt được con cá to thì bắt được cá bé. Xác thì chỉ có một. Phải dò cho ra. Trong khi dòng chảy thì dằng dặc miên man, sóng nước thì mênh mang điềm điệp muôn trùng, biết xác đâu mà tìm. Cái chuyện giong thuyền giăng câu dò tìm hết ngày sang đêm, lần mò từ sông ra cửa biển mà xác người xấu số vẫn biệt vô tăm tích là lẽ thường tình. Thử hỏi, không có lòng kiên nhẫn, anh có bỏ cuộc không? Thứ ba, đương nhiên anh phải có bộ lưỡi câu đặc chủng và sử dụng nó thành thạo. Thứ ngư cụ đắt tiền này thường những bậc lão luyện trong làng chài mới có. Nó bao gồm 250 – 300 lưỡi câu to như nan hoa xe đạp, mũi nhọn, sắc, ngạnh dài, xếp cách nhau chừng 10 – 15 cm, được kết nối bằng hệ thống dây dù dài. Phía trên lưỡi câu, người ta buộc những hòn đá to như nắm tay, dân chài gọi là “con dòi”, giúp cho hệ thống dây văng có thể chìm sát đáy sông, dù đáy sông nông sâu, mấp mô hầm hố như thế nào. Để các lưỡi câu lúc nào cũng ở tư thế đứng, cần có thêm một sợi dây nữa, nằm song song với sợi dây văng, trên đó buộc chi chít các phao nhỏ, nổi thành hàng dài, cách đáy sông chừng 15 cm, sao cho khi con dòi dùng sức nặng của mình dìm toàn bộ lưỡi câu xuống đáy thì các phao sẽ giữ cho chúng ở tư thế sẵn sàng móc vào bất cứ vật gì, dù chỉ khẽ khàng chạm phải. Thứ văng “câu người” này sắc lẻm và chắc khoẻ đến mức những chú cá nặng 20 – 30 kg vô tình va nhẹ vào lưỡi thì đừng hòng vùng vẫy thoát khỏi.

Ông Ngô Văn Binh đang giở bộ câu văng “khoe” với chúng tôi
Ông Binh bảo, nghề câu xác người có nhiều điều kiêng kị rất huyền bí mà khoa học không thể giải thích được. Ví như không được cho người ruột thịt của kẻ xấu số ngồi chung thuyền khi đi rà xác. Việc tìm thấy xác sẽ rất khó. Khi vớt được xác kẻ mệnh bạc mang lên bờ, người cùng huyết thống tuyệt đối không được có mặt. Nếu không, máu đen từ mũi, từ miệng xác chết sẽ ộc ra như… tháo cống. Hệ quả của những chuyện “phạm huý” như thế, ông Binh đã gặp nhiều rồi. Đã nhiều lần ông cố lý giải song bề dày kinh nghiệm mấy mươi năm của ông cũng chẳng thể làm sáng tỏ được điều gì. Chỉ biết rằng, bài học đầu tiên mà người cha truyền dạy cho con khi vác văng câu đi rà xác người là phải thế.
Ngót 50 năm gắn với nghiệp sông nước, ông Binh không thể nhớ nổi mình đã tìm được bao nhiêu xác người từ chốn long vương thuỷ quái. Nhưng nỗi ám ảnh từ những chuyến đi tìm kiếm hàng ngàn số phận buồn thương ấy khiến đêm đêm ông cứ thảng thốt giật mình. Ông nhớ như in hành trình tìm kiếm xác của ngót chục cô cậu học trò trường dân tộc nội trụ tỉnh Hoà Bình cách đây chừng 7 – 8 năm. Chuyến đò định mệnh đưa các em qua sông đận mùa lũ đã vĩnh viễn cướp đi sinh mạng của bác lái đò, người đàn bà mang thai và ngót chục trẻ em sức yếu phận mỏng, trong đó có cả cháu ông Binh. Cái tin đau lòng ấy đến với ông hơi muộn. Gạt nước mắt trong buổi chiều mưa nhạt nhoà đùng đoàng sấm chớp, ông cùng bạn chài lặng lẽ lên thuyền rải văng. Lần thứ nhất, thấy dây văng trĩu nặng. Ông run run kéo lên. Xác 3 cháu bé nổi oà trên mặt nước. Cặp sách vẫn còn khoác trên vai. Lần rải văng thứ 2, được thêm 2 cháu. Xác nhuốm đỏ phù sa. Lần thứ 3, được một. Nhưng đến lần thứ 4, thứ 5, thứ 6 chỉ thấy mưa dai và gió lạnh lòng. Ông âm thầm đi khắp các bến đục dòng trong ròng rã suốt 3 ngày 3 đêm mà sóng nước vẫn mịt mù nỗi u hoài thê lương. Con nước mùa lũ ùng ục réo quặn xiết. Dòng Đà giang dài dằng dặc, lại lắm khúc quanh. Xác cháu ông cùng 5 người bạn của nó mãi mãi chìm sâu trong lòng nước bạc. Đó là nỗi đau của đời ông. Đó cũng là nguyên do khiến ông năng làm việc nghĩa cứu người.
Ông cũng nhớ lắm buổi chiều 30 Tết năm Quý Dậu. Đôi trai tài gái sắc Phong và Điệp yêu nhau mà không lấy được nhau đã đứng trên cầu Hoà Bình, tự trói chặt nhau bằng sợi dây chão rồi gieo mình xuống dòng nước hiểm. Chiều hôm ấy, mặc dầu cái Tết đã kề cận, mặc cho cái rét đến buốt lòng, ông cắn chặt hàm răng lặng lẽ bơi thuyền trong khói sương mờ mịt rà tìm xác. Rà mãi. Rà mãi. Xuôi dòng sông Đà chừng 6 km thì vớt được. Đôi tình nhân vẫn xiết chặt nhau trong bện dây thừng. Mái tóc xuân thì của Điệp xoà kín mặt, quấn lấy cổ Phong. Ông buộc dây kéo vào đôi cánh tay vô hồn, lạnh lẽo của đôi trai gái. Con đò nhỏ nhuốm màu tang lặng lẽ trở về trong đêm giao thừa lạnh lẽo. Mưa và nước mắt cứ chảy dài trên khuôn mặt tím tái của ông.
Tôi hỏi ông Binh: “Làm nghề câu xác người, ông có thấy sợ không?”. Sau một thoáng trầm ngâm, ông Binh bảo: “Nỗi sợ “tâm linh”, sợ bị Hà Bá trả thù như người đời vẫn đồn đại thì không. Nhưng cái sợ rất “đời”, cái sợ của con người nói chung khi đối diện với những cái chết thảm thương thì có đấy. Thú nhận với chú, đi rà xác người chết đuối dễ có đến cả ngàn lần rồi, vậy mà mỗi khi thấy dây văng nằng nặng, căng căng là bàn tay tôi vẫn thấy run run. Rồi khi bồng bềnh một mái tóc lơ phơ, rã rượi, xác chết trương phềnh nổi oà trên mặt nước trong buổi chiều chạng vạng là da gà tôi nổi lên, tóc gáy dựng ngược. Bao nhiêu năm rồi, bao nhiêu lần rồi mà tôi vẫn không quen được. ở cái làng chài này, chỉ duy nhất có một người không biết sợ khi lặn ngụp hàng tiếng đồng hồ dưới đáy sông lần mò tìm xác, không biết run tay khi ôm xác chết vào bờ. Đó là ông anh họ tôi, ông Ngô Văn An, người được cả làng chài tôn sùng là “ông vua” mò xác..
Diện kiến “ông vua” mò xác và câu chuyện rùng rợn không nên kể về đêm

Ông Binh (bên phải) và “ông vua mò xác” Ngô Văn An
Tôi ngỏ ý muốn gặp ông “vua mò xác”, ông Binh bèn cho cậu con cả tên Viên đi gọi. Chừng 10 phút sau, đã thấy tiếng mái chèo khua nước ì oạp. Khoang thuyền tôi đang ngồi chợt chòng chành, nghiêng ngả. Chưa kịp hoàn hồn đã thấy dáng người lừng lững của “ông vua” vớt xác Ngô Văn An choán lấp cửa khoang thuyền. Nắm chặt tay tôi lắc lắc, ông An cười hỉ hả: “Chà! Hôm nay lại được nhà báo tìm đến hỏi chuyện viết bài thế này. Thật quá vinh hạnh”. Rồi chẳng chờ tôi đặt câu hỏi, ông An cứ ào ào nói, vẫn cái giọng nằng nặng của vùng sông nước Ba Vì: “Đúng là cả cái làng vạn chài này, chỉ duy có mình tôi dám lặn xuống đáy sông tìm xác. Tôi vốn là bộ đội đặc công nước thời chống Mỹ, theo gia đình chú Binh lên đây được hơn 20 năm rồi. Có sức khoẻ, lại có tài bơi lội nên tôi bỏ nghề chài lưới, sắm sanh bộ đồ lặn kiếm sống dưới đáy sống. Đáy sông là nơi người ta bỏ mọi thứ trên đời nhưng với tôi, đó là cánh đồng màu mỡ nuôi dưỡng cả gia đình. Dưới ấy có thứ gì, tôi nhặt hết. Từ những mẩu dây cáp, sắt thép phế liệu, những súc gỗ dạt từ thượng nguồn đến con cá mắc lưới… Ngày nào tôi cũng lặn. Mỗi lần 2- 3 tiếng đồng hồ. Có lần lặn chỗ sâu quá, dễ đến 16m, lúc lên bờ máu mồm máu mũi ộc cả ra. Tôi “lang thang” dưới đáy sông được 17 năm rồi nên đoạn sông Đà chảy qua thị xã Hoà Bình này, tôi thuộc như lòng bàn tay. Nhiều người bị chết đuối, không rà được xác, thân nhân họ đều nhờ tôi lặn tìm cả. Chú bảo tôi có sợ không à? Quen rồi. Thời chống Mỹ, tôi từng chứng kiến nhiều cái chết rùng rợn hơn nhiều. Tuy nhiên, có đúng một bận mà bây giờ mỗi lần nhớ lại, tôi vẫn thấy chóng mặt, buồn nôn. Chú có muốn nghe không? Có à? Nhưng cấm được sợ đâu đấy nhé”. Ngừng lời, nâng ly rượu quốc lủi, ngửa cổ làm một tợp, ông “vua vớt xác” khẽ bật lên tiếng “khà” rồi ghé sát tai tôi thì thào kể, giọng trầm trầm nghe gơn gởn: “Chuyện xảy ra cách đây chừng 5 năm rồi. Vì hận tình, anh Vũ Văn Trường, 42 tuổi, người thị xã Hoà Bình đã trẫm mình xuống Bến Gai tự vẫn. Gia đình đến cầu khẩn tôi đi mò xác. Tôi vẫn nhớ, đận ấy vào tháng Giêng, trời rét cắt da cắt thịt. Cứ lặn chừng 15 phút, tôi lại phải ngoi lên bờ đốt sưởi đùng đùng. Bến sông thì sâu, nước lại chảy xiết, mò mãi vẫn không tìm được xác. Cuối cùng, phải nhờ một nhà ngoại cảm dưới Hà Nội tìm hộ. Nhà ngoại cảm phán: xác vẫn còn ở bến Gai, nằm dưới độ sâu chừng 8m. Một phần chán bị vỡ do va đập vào đá. Ba hôm nữa, vào khoảng 12h đêm, xác sẽ nổi. Quả đúng như dự đoán của nhà ngoại cảm, 3 ngày sau, xác anh Trường nổi lên đúng vào chỗ khúc quanh của dòng sông. Dưới ánh trăng suông, bồng bềnh một xác người trương phềnh, mọng nước, bốc mũi khăn khẳn. Không ai dám ra vớt. Cả nhà lại phải đến cầu cạnh ông vua vớt xác Ngô Văn An. Ông An nhớ lại: “Lúc tôi bơi ra, gà đã nheo nhóc gáy. Nước sông rét buốt cứa xương. Giơ tay tóm lấy mái tóc nổi lơ phơ, rã rưỡi, bỗng bàn tay thấy nhẹ hẫng. Mảng tóc bượt bong khỏi đầu xác chết. Tôi nhoài người túm lấy cổ tay xác chết. Chợt giật thót mình: Cổ tay nhùn nhũn, núng nính, trương phềnh như bắp chân của người béo phì. Mùi thum thủm, khăn khẳn… đập mạnh vào mũi khiến tôi nôn oẹ. Khó khăn lắm tôi mới đưa được xác chết lên bờ”.
Lúc khâm liệm, xác anh Trường không thể cho vừa quan tài. Ông lấy sức vạn chài, ấn mạnh. Chiếc quan tài vỡ toác. Sau, người nhà phải đi thửa một chiếc áo quan thật lớn, có đai bằng thiếc để tránh bị bật nắp. Về nhà, ông lăn đùng ra ốm. Hết sốt nóng lại sốt rét. Ngửi đâu cũng thấy mùi tử khí. Bưng bát cháo lên, lại thấy mùi thum thủm, khăn khẳn. Thế là lại nôn oẹ. Trận ốm ấy kéo dài đến hơn một tháng. Chừng nửa năm sau, ông mới hồi lại người.
Và nỗi niềm của những đời sông nước
Chuyện về những chuyến đi mò xác người của ngư ông Ngô Văn An tưởng sẽ không có hồi kết nếu tôi không lỡ lời đưa ra một câu hỏi “chết người”: “Có phải dân vạn chài các bác chỉ vớt những xác chết đuối còn những người trượt chân vừa “giã gạo”, vừa kêu cứu giữa dòng thì các bác lại làm ngơ vì sợ Hà Bá trả thù đúng không ạ?”. Ông An đang thao thao kể tôi nghe về chuyến vớt xác hãi hùng đêm ấy bỗng ngưng bặt. Mặt ông từ đỏ lựng chuyển sang tím tái. Mắt ông vằn lên. Hai thái dương giật giật. Còn ông Binh, đang ngồi bó gối chăm chú nghe ông anh kể chuyện từ nãy đến giờ, bỗng nổi khùng, giọng đầy uất ức: “Tôi biết ngay mà. Thể nào các người cũng hỏi tôi câu hỏi ấy. Có người còn phũ miệng bảo: chúng tôi nhẫn tâm quay lưng trước cái chết của đồng loại vì coi đó là cách tạo may mắn cho đời mình. Khốn nạn! Dân chài chúng tôi tuy cơ hàn thật nhưng cũng là con người. Chúa ban cho trái tim biết yêu thương. Có hoạ là súc vật mới dửng dưng trước cái chết của đồng loại. Như tôi với ông An đây. Suốt 20 năm kiếm sống trên con sông hiền lành và dữ tợn này, chúng tôi đã cứu vớt hàng trăm người thoát khỏi vòng thuỷ quái, bất chấp hiểm nguy trước con nước dữ dội và quyết liệt. Chúng tôi làm vậy là vì cái nghĩa, cái nhân, chứ đâu phải vì chút lợi lộc từ sự hậu tạ của người đời. Thế mà nhiều người bạc lắm. Cứu họ rồi, leo tót lên bờ, họ quày quả bỏ đi không thèm nhìn lại thêm một lần con nước hiểm, cũng chẳng thèm cảm ơn ân nhân vừa cứu mạng lấy một nhời. Tệ hơn, nhiều kẻ còn săm soi những chuyện rủi ro trong gia đình chúng tôi rồi xì xầm loan tin: Đó là sự “ứng báo” do hành động “cướp cơm” của Hà Bá. Đấy, cái đận đứa cháu tôi chết đuối mất xác ấy, người ta bảo rằng đấy là đòn trừng trị ác độc của Hà Bá. Hà Bá đã bắt cháu tôi, tương lai sẽ bắt cả con tôi và cả tôi nữa phải “thế mạng” hầu ngài”.
Nói đoạn, ông vơ lấy chai rượu còn non nửa, ngửa cổ tu ừng ực rồi gục mặt xuống ván thuyền khóc nấc lên. Tôi ngồi chết lặng, không biết cư xử thế nào. Thằng Viên, con trai cả của ông Binh thấy vậy, vội kéo tôi ra đầu khoang thuyền, thẽ thọt trách: “Khổ quá! Em đã dặn anh từ đầu rồi, là đừng hỏi bố em câu hỏi ấy. Sao anh cứ khơi lên cho ông ấy khổ là thế nào. Thôi anh xuống thuyền đi, em trở anh lên bờ”. Tôi định quay vào thanh minh với ông đôi điều. Nhưng vẫn thấy ông gục đầu, đôi bờ vai rung rung. Tôi chợt ngộ ra một cách đau đớn cái chữ Tâm luôn đau đáu trong những kiếp sống lênh đênh kia. Mắt bỗng thấy cay sè. Nay xin có lời tạ tội!!!

Phóng sự của Hoàng Anh Sướng