Câu đầu tiên

tuyet_loan08

Junior Member
-I-
“Đã mấy tháng nay anh không còn gặp nàng”.
Anh viết câu đầu tiên cho cái truyện ngắn của mình. Rồi dừng lại nghĩ ngợi. Vậy là trước đây mấy tháng nhân vật “anh” ngôi thứ ba vẫn còn gặp “nàng”. Bây giờ, (thời điểm kể lại câu chuyện), “anh” không còn gặp nữa.
Mở đầu như thế cũng tạm được. Gợi cho độc giả sự tò mò, báo cho họ biết đây là một chuyện tình. Tình yêu ai mà chả thích. Những cuộc phiêu lưu ấy vừa lãng mạn, thú vị, vừa sợ hãi lại đòi hỏi sự liều lĩnh. Nhưng lao vào “thí nghiệm” thì không phải ai cũng dám, cũng muốn. Làm “quan sát viên” vẫn an toàn hơn. Vừa thư giãn thần kinh, vừa giúp cho tiêu hóa tốt. Thế là họ (các độc giả yêu quý và hồn nhiên), sẽ đọc…
Giọng văn như thế cũng trung tính, không lửng lơ, lãnh đạm, cũng chả ra chán đời, bi quan. “Đã mấy tháng nay…”. Ừ, thời gian như vậy là sự việc xảy ra chưa lâu quá, vẫn có cớ để buồn không vô cớ. Độc giả sẽ nghĩ: “À, thế là chúng nó mới bỏ nhau…”. Vết thương cũng chưa lành hẳn. Lên da non thì hẳn rồi. Nhưng vẫn tấy đỏ. Ai mà quên ngay được. Không còn gặp nhau nữa thì tất nhiên là không còn liên hệ, không có cãi nhau, nước mắt, cười đùa, nũng nịu với cả phân bua… Trong mấy năm yêu nhau, “anh” và “nàng” có một mối ràng buộc thật là kỳ lạ: vừa quyến luyến nhau, phụ thuộc vào nhau, vừa ghét nhau, dỗi nhau luôn. Không thể xa nhau cứ như họ sinh ra để cho nhau từ hàng trăm năm về trước. Còn thể thức dỗi nhau của họ cũng rất lạ, ấn định thời gian đàng hoàng: “Em sẽ giận anh ba ngày. Thứ sáu này em mới bỏ cấm vận”. Ban đầu “anh” rất chi là bối rối, sợ “Quan trên trông xuống, người ta trông vào”, bạn bè cười cho là mình chấp nê phụ nữ, là không ga-lăng… Nhưng rồi “anh” cũng quen dần đi, ngày nào cũng luyện phát âm ngoại ngữ cho “nàng”, nhưng mặt lạnh băng. Đôi khi anh cũng phải nịnh đầm, nhưng bị nàng cự tuyệt. Lại thôi. Anh vẫn suy nghĩ mung lung về câu đầu tiên và sự phát triển tình tiết của cái truyện ngắn về tình yêu của hai nhân vật “anh” và “nàng”. Tình yêu ít khi vui. Nhất là lúc thoái trào. Có thì cũng: “Vui là vui gượng kẻo là, / Ai tri âm đó mặn mà với ai…”. Ngay cả lúc vui cũng chẳng vui giống ai. Cô đơn cũng chẳng cô đơn giống ai.
Có tiếng gõ cửa, rồi tiếng gọi:
- Duy ơi, có nhà không?
Anh đứng lên ra mở cửa.
- Đang viết à? Bạn anh hỏi.
- Ừ...
- Xem nào: “Đã mấy tháng nay anh không còn gặp nàng”. Mới được mỗi câu sau cái tên truyện thôi à? Thôi, tao để cho mày viết. Mày nên nhớ hoặc là yêu, hoặc là công việc. Hai điều này loại trừ nhau đấy. Tình ái nhai thời gian rau ráu như ăn dưa chuột ấy. Mà công việc nào cũng cần thời gian. Độ này mày làm việc có kết quả đấy. Làm đi. Khi nào in cho tao một cuốn tao nịnh bồ… Gút-bai nhé. À, tiếng Pháp nói thế nào?
- Cút, anh cười rồi khép cửa.
Ánh nắng chiếu xuống sàn nhà bụi bặm. Gói mỳ ăn liền bị chuột tha xuống gầm bàn, ăn vương vãi… Ai đó bảo không còn vướng vào tình ái nữa là đã lên Thiên đàng được một nửa rồi. Trên Thiên đàng có mỳ ăn liền không nhỉ? Lóc cóc đi nấu tí cơm, tí canh mất rất nhiều thì giờ. Cứ ăn mì với cà chua sống là có chất rau rồi. Mà ra cơm “bụi” vô phúc lại gặp mấy thằng bạn quý hoá thì có mà thoát lên mây. Tối khuya cũng chả về đến nhà… Viết cũng cần cô đơn. Phụ nữ là thời tiết quyết định những cuộc phiêu lưu tình ái.
-II-
Ngày xưa có hai ông bà già sống với nhau hạnh phúc lắm. Một hôm cụ bà bảo: “Anh này, hôm nay là kỷ niệm 50 năm ngày cưới của chúng mình. Mình ôn lại kỷ niệm cũ, anh nhé. Bây giờ anh ra bìa rừng chờ em như ngày em còn thiếu nữ, thời chúng mình yêu nhau ấy”. Ông cụ nghe lời. Mặc áo choàng lông dài thật ấm, đi ủng da, đầu đội mũ kín mít ra bìa rừng đứng đợi. Tay xoa vào nhau. Chân nhảy nhảy. Mấy tiếng trôi qua cũng chẳng thấy bà cụ ra. Cuối cùng, ông lại chống gậy về. Thấy bà cụ nằm trùm chăn ấm áp trên giường, ông gắt: “Bà này! Lạ nhỉ”. Bà cụ ló cái đầu lơ thơ tóc bạc ra, móm mém hiền hậu, bảo: “Nhưng mẹ cấm không cho đi”.
“Yêu nhau tam tứ núi cũng trèo / Ngũ lục sông cũng lội, thất bát đèo cũng qua”.
Dao động của con lắc đồng hồ trên tường đứng im. Hết pin. Thời gian đứng im...
*
Trên ti vi của Pháp vào giờ dự báo thời tiết, phát thanh viên thông báo: “… Do có cuộc tranh Cúp bóng đá toàn nước Pháp nên trận bão kèm theo mưa lớn dự định 15 giờ chiều mai sẽ đổ bộ đến Paris đành phải hoãn lại vào cùng giờ ngày kia. Xin các bạn yên tâm thưởng thức các trận đấu chiều mai. Chúc một buổi tối tốt lành và ngon miệng”.
Thời tiết của tình yêu rất thất thường. Trông cho hết đêm để mai đẹp trời thì lại mưa rào rào. Cũng chẳng có gì bảo hành cho tuổi thọ của nó. Hàng Mã vẫn phát đạt trong nghề cắt tấm xốp bằng dây may-xo điện chữ SONG HỶ bôi xanh, đỏ, tím, vàng… Còn “hội họa” hơn thì có nhiều kiểu. Kiểu: “Cô gái thẫn thờ vê áo mỏng”, vành nón đặc trưng, cô đơn chờ đợi, chịu đựng buồn rầu. Kiểu “Dáng đứng Bến Tre” quần bò loe, áo phông, eo óc, tóc mỳ tôm láng dầu đứng bên xe Cúp. Kiểu phổ biến hơn (vẫn có cây dừa rợp bóng) nhưng thêm một chàng trai đặt tay lên vai cô gái, cả hai cùng nhìn sóng lao xao, chân trời mây hồng… gọi là kiểu: “Biển một bên và em một bên”. Hạnh phúc cũng có nhiều kiểu. Có đôi chim bồ câu vừa bay vừa mớm cho nhau. Chả biết có bị ngã hay có biết đường về chuồng không. Còn kiểu hai người khoanh tay trước ngực đứng dựa lưng vào nhau nhìn sao trời gọi là kiểu “Em về đi mình xa nhau đây”. Thế mà dân gian vẫn bảo đó là hình ảnh tiêu biểu của hạnh phúc lứa đôi. Cứ thấy đôi thì thôi khỏi bàn. Các kiểu hạnh phúc đó được buộc vào sợi chỉ treo lên. Một cơn gió thoảng lại đung đưa, đung đưa… Thời tiết bất chợt mưa một cái mà không cất kịp là các màu bò sang hỏi thăm nhau, “Song hỷ” với nhau tạo ra các thế hệ màu mới hội họa thế giới chưa kịp gọi tên. Suy ra rằng do “hai người không khỏi hết bơ vơ” nên thời tiết rất có ảnh hưởng đến sắc màu hạnh phúc của họ. Tam tứ ngũ lục gì cũng chịu. Sự cuồng nhiệt mang tính tập thể lại hoãn được cả bão mưa như vô tuyến bảo.
-III-
“Đã mấy tháng nay…”. Vậy là quá khứ rồi. Nên bắt đầu kể theo thời gian thế nào cho hợp lí nhỉ? Anh vẫn suy nghĩ vì câu đầu tiên đã đụng chạm đến quá khứ nên thể nào cũng phải phôi pha, buồn bã. Bắt đầu ngay vào trận cãi nhau cuối cùng hay là quãng đời êm đẹp nhất trong vòng một năm đầu mới quen nhau? Hay những đêm hè tiễn “nàng” lên tàu vào trong kia thăm bà ngoại. “Còi xa bật khóc lên rồi đó…”.
“Nàng” đã khóc, qua cửa sổ toa tàu vẫy vẫy… Những kỷ niệm ấy đã xa vời. Chuyến bay về phương Nam. Mưa. Sân bay. Gặp các bạn. Những ánh mắt tinh nghịch, trêu chọc. Tình yêu liều lĩnh, gan góc, bất chấp của “nàng”. Nghĩ thấy tội tội. Hay là cấu tạo thời gian theo kiểu “đồng hiện” cả nước mắt và nụ cười. Duy suy nghĩ rất nhiều về cách kể câu chuyện “anh” và “nàng” mà câu đầu tiên định mệnh chi phối. Viết làm sao cho bạn đọc hiểu là “anh” rất sai, “nàng” mới xinh đẹp, mới thật tuyệt vời. Lỗi tất cả là ở “anh”. Trong tình yêu, nước mắt của “nàng” đóng vai trò rất quan trọng. Có lần “anh” trót khen con bé em họ “nàng” ở quê ra chơi thế là hôm sau lại mưa, gió, lại “cấm vận” ba ngày, lại đòi đi học tiếng Nhật chứ không học tiếng “anh” dạy nữa. Lại dỗ dành, an ủi, xin lỗi, hứa hẹn quyết tâm sửa chữa sai lầm dại dột, ngu dốt, vân vân. Nước mắt cuốn trôi “anh” như cuốn rác rưởi, bụi bặm dưới sàn nhà chiều ba mươi Tết cọ rửa. Anh cứ “Pardon” mãi.
“Đã mấy tháng nay anh không còn gặp nàng nữa”. Giọng văn thì không nói làm gì, chẳng ủy mị, cũng không lên gân. Mục đích là làm “anh” bị tầm thường đi. “Không còn…” có nghĩa là không phải “anh” là người chủ động chia tay, “anh” ở thế yếu, thế sai. Như thế cũng hợp lý thôi. Ai lại đi tranh luận đúng sai với phụ nữ bao giờ. Nếu không có chữ “còn” thì tình thế lại có vẻ sáng sủa, chủ động hơn. Đằng này “anh” vẫn phải tôn thờ cái tạo vật mà Đôn Kihôtê gọi là “kẻ thù dịu hiền”. Trời rét căm căm, ông ta lại còn cởi hết giáp sắt kị sĩ, bỏ cái chậu đồng mẻ được gọi là mũ xuống, rồi cứ nồng nỗng bộ xương lêu đêu, cái mặt sắt seo, râu ria, đập đầu côm cốp vào đá hành xác đến tóe máu để dâng lòng thành cho “nàng”. Đau đớn thảm thương quá đến nỗi bác giám mã Xăng-xô phải kêu lên: “Thôi, thôi ông chủ ơi, nhớ được đến đâu thì làm đến đấy… Mà làm ví dụ thôi, tôi đến sẽ nói nhiều lên với nàng…”. Ngày trước đã có nhân vật lấy nước lã nhỏ vào thư để gửi cho “nàng” thay cho nước mắt. Có lẽ Duy cũng phải tạo ra một xen (scène) như thế cho “anh” mới được.
Đàn ông, đàn bà trước khi lấy nhau là Nguyên Dương, Nguyên Âm. Sau dần dần đổi chỗ cho nhau, đàn ông thành đàn bà, đàn bà thành đàn ông. “Lệnh ông không bằng cồng bà”. Vả chăng, đàn ông khỏe xổi hơn đàn bà mà đàn bà lại biến thành đàn ông cho nên đàn bà vừa khỏe dẻo dai lại vừa khỏe xổi. Lúc già các cụ bà lại khỏe hơn các cụ ông là vì thế. Thai nhi nam cũng yếu hơn thai nhi nữ, nên cũng dễ bị sẩy hơn, vì vậy ngày xưa mới có chế độ đa thê. Thực ra, do yếu hơn nhiều như thế nên nước mắt đàn ông ít khi không thực. Nguyên Dương và Nguyên Âm trong quá trình va chạm nhau, chung sống với nhau bị sóng sánh đi… đến khi hoàn toàn thay thế vị trí của nhau. Tất nhiên, không phải tất cả các đôi đều biến đổi tuyệt đối như vậy. Đôi khi có cụ bà mọc râu. Một thằng bé mới hỏi bố: “Bố ơi, hư danh là gì hả bố?”. Bố nó trả lời: “Nói đại khái để con dễ hiểu. Ví dụ con xin tiền bố, nhưng quyền cho hay không lại ở mẹ”. Thằng bé hiểu ra. Nó buồn lắm. Nó bèn cất sách vở và đi ngủ.
-IV-
Như các bạn đã thấy, nhân vật Duy của chúng ta suốt từ đầu câu chuyện cho đến tận bây giờ vẫn cứ loay hoay mãi, “độc thoại” mãi về câu đầu tiên cho cái truyện ngắn về tình yêu, hôn nhân, hạnh phúc, đàn ông, đàn bà, v.v. hay đại khái thế của anh ta. Như vậy, anh ta là nhà văn nhưng anh cũng là nhân vật của chúng ta. Suy ra rằng chúng ta cũng là nhà văn của các câu chuyện do chúng ta kể, lại cũng là nhân vật của người khác kể về chúng ta. Nhưng đã là nhân vật thì phải có một chút “sơ yếu lý lịch” thì mới dễ nhớ. Chúng ta sẽ cùng nhau thử cho Duy một cái “Sơ yếu… ” nhé. Tôi thì tôi định phác qua thế này: Duy. Viết văn. Vợ bỏ (hay bỏ vợ, cái này tính sau). Nghề phụ: dạy võ. Có con. Nên để anh ta bao nhiêu tuổi nhỉ? Cứ tạm cho là trung niên - cái tuổi vừa đủ “già” để sáng tạo nghệ thuật, vừa còn “trẻ” để yêu. “To đầu mà dại, nhỏ dái mà khôn”.
Còn các bạn thì tùy, thấy giống ai thì đặt tên lại, lắp ghép nghề nghiệp lại cũng được. Chẳng có gì là quan trọng. Mọi thứ chỉ là do chúng ta quy ước với nhau trong trò chơi này mà thôi.
Các bạn sẽ thắc mắc thế còn “nàng” trong truyện ngắn của Duy có tên tuổi, nghề nghiệp không? Xin thưa với các bạn là tuy “nàng” là Ánh sáng và Bóng tối, là Nụ cười và Nước mắt… là Hạnh phúc và Khổ đau… là Thiên thần và… là tất cả những cặp từ mâu thuẫn, đối lập, là nhân vật trung tâm trong cuộc đời cũng như trong những sáng tạo nghệ thuật khác nhau, “nàng” là hiện thân của cái đẹp mà cái đẹp thì bao la nên có lẽ chúng ta chỉ cần hiểu “nàng” đẹp là đủ rồi, không cần “tô điểm” thêm nghề nghiệp, chức vụ hay kị nhất là gán tuổi tác cho “nàng”. Cái đẹp thì làm gì có tuổi. Mà để bất cứ tuổi nào ta cũng dễ vô tình xúc phạm đến “nàng”. Cứ cho là “nàng” rất trẻ đi thì ngày mai, ngày mốt, năm tháng theo nhau liệu chúng ta còn giữ mãi được hình ảnh về “nàng” mà chúng ta đang xây dựng không. Thần tượng mà sụp đổ thì thể nào chúng ta cũng làm thơ hoặc viết văn.
Nhưng, thưa bạn đọc, cái đó vẫn tùy thuộc ý muốn của các bạn. Các bạn muốn cho “nàng” cái tên gì cũng được miễn là cái tên ấy hay nhất, êm ái nhất, yêu quý nhất, đẹp nhất (hay có thể gây đau khổ nhất với các bạn cũng chẳng sao) mà các bạn không sao có thể quên được. Thống nhất như thế rồi, bây giờ chúng ta lại tiếp tục theo dõi những “độc thoại” của Duy (vì chàng ở một mình nên chàng nói một mình, tưởng chúng ta không nghe thấy. Căn phòng của Duy bé bé giống một cái sân khấu nhỏ, bài trí sơ sài…).
-V-
Câu đầu tiên này giản dị mà lại có vẻ thường quá nhỉ. Muốn độc đáo câu văn phải có vẻ suy nghĩ, điềm đạm và đau đớn âm ỉ một tí vì có nhà triết học nào lại hớn hở bao giờ. Vừa là nhà văn, vừa là nhà triết học thì câu văn không thể viết đơn giản, tuềnh toàng quá, lại nhẹ tênh tênh như thế được. Viết mà ai cũng hiểu được ngay thì còn sang trọng, bí hiểm cái gì. Phải viết đại khái: “Mơ là một cõi mà ở đó Hữu thể hoà lẫn với Hư vô, nàng đôi khi lại đến với tôi qua ánh sáng hẹp của tiềm thức u minh, trong tình trạng hoà lẫn hỗn mang ấy con người không trọng lượng của tôi đã mất đi mọi tri giác để chỉ còn lại khao khát cháy bỏng được nhìn ngắm nàng, chiêm ngưỡng vẻ đẹp, hình hài thần tiên của nàng với biết bao cố gắng phi thường để tiến về phía nàng, điều mà có lẽ tôi phải ý thức từ trước sự cẩn thận từng bước song lại vô tình hấp tấp, tôi đã để mất nàng vĩnh viễn trong giây lát hiếm hoi mà định mệnh đã xui khiến giấc mơ đem tới…”.
Câu phải cấu tạo rồng rắn, rau muống, nhiều mệnh đề, dấu phẩy cứ chạy tiếp sức với nhau, trao vào tay nhau các mệnh đề, “mê sảng” đi trong các từ ngữ mơ hồ, tù mù đến chính anh cũng không hiểu được mình muốn nói gì thì câu văn mới kêu. Cứ kêu trước đã còn hiểu được hay không là ở độc giả.
Nhưng có lẽ không thể viết câu đầu tiên như trên được. Vấn đề đầu tiên vấp phải là bây giờ độc giả không có nhiều thời gian cho những điều vớ vẩn, lan man, lao xao như thế được. Mới lại, thị hiếu bây giờ cũng khác.
Về đối thoại cũng nên ngắn gọn, ngầm ẩn ý nghĩa. Chẳng hạn, “anh” nhìn ra cửa sổ bảo: “Trời mưa”. “Nàng” ngước đôi mắt tuyệt đẹp lên trả lời: “Lạnh nhỉ”. Câu trả lời “tảng băng trôi” của “nàng” khiến mọi gợi ý êm đềm của “anh” về việc bỏ “cấm vận” như bị đụng đầu vào đá. Mà phải chịu.
Về hình thức: “Nàng đẹp, thông minh và do đó bất hạnh”. Không được. Như thế anh nhẫn tâm quá. Hay đệm thiên nhiên vào cho đỡ “căng”. Chẳng hạn, “Đêm mùa đông. Mưa bụi bay. Tết năm ngoái, năm kia nàng vẫn còn đi bên anh. Nàng đẹp như tiên”. Nhưng “tiên” thì chưa ai nhìn thấy bao giờ. Vả lại, như thế vừa sáo, vừa ước lệ, lại lười lười thế nào ấy. Nàng đẹp, xinh, có duyên thì đã đành. Bạn bè anh ai cũng khen: “Tuyệt cú mèo!”. Nhưng “cú mèo” thì lại không đẹp. Có lẽ họ vụng về hay họ chưa biết cách khen. Quần chúng bao giờ cũng mộc mạc, chất phác, đáng yêu. “Lỗ mũi mười tám gánh lông, / Chồng yêu chồng bảo tơ hồng trời cho...". “Hãy trả lại cho César cái gì của César”.
-VI-
Ngày xưa có một cô gái trẻ, rất xinh đẹp gánh đôi lồng chim đi bán. Có một chàng trai thấy hay hay mắt mới gọi lại gạ mua chim. Anh ta cứ chọn được con nào lại đưa cho cô gái cầm. Đến lúc đầy chặt cả hai tay anh ta mới bóp vú cô gái. Cô gái rất tức chẳng biết làm thế nào. Bỏ chim ra thì tiếc. Không còn tay để tự vệ, cô mới lôi tam tứ đại đồng đường nhà anh chàng (anh này đạo đức kém) ra mà réo. Sau có thơ rằng:
“Con cháu nâng niu đôi oản bụt
Cha ông lừng lẫy tám phương trời!”

Vẫn phải trả cho người ta cái gì của người ta mà vẫn còn bị chửi. Khốn thế!
-VII-
Anh viết lại câu đầu tiên: “Đã mấy tháng nay anh luôn mơ thấy nàng”. “Mơ” cũng bao hàm cả “không gặp” rồi. Nhưng “mơ” là đang ngủ, mà ngủ là nghỉ ngơi còn đau xót cái gì nữa. Hay đau xót quá thành mệt mỏi mà ngủ thiếp đi mất? Câu này “khẳng định” hơn câu “không còn gặp” ở trên. Có gặp nhưng trong “mơ”. Mơ thì bí ẩn hơn, “vô thức” hơn, ít trần trụi, ít hiện thực hơn mà lại dễ “bịa”. Ranh giới thức - ngủ này hứa hẹn nhiều điều thú vị đây. Có lẽ câu chuyện tiếp theo sẽ là những giấc mơ. Còn lúc nào tỉnh thì “nhớ”. Câu này “siêu hình” hơn câu trước. Đàn bà đẹp cũng “siêu hình”.
Có cô xinh đẹp lắm mới lấy chồng. Chồng cô mới hỏi về quá khứ của cô (xin các anh chồng trẻ đừng bao giờ làm cái điều dại dột này): “Anh hỏi thực em nhé. Trước khi biết anh em có quen ai khác không?” Cô gái im. Thấy lâu quá, sốt ruột, anh chồng gặng: “Thế nào?’’. Cô quay ra gắt: “Để im. Người ta còn tính đã chứ!”.
Vì vậy, ai đó được Thượng đế ban cho một người đàn bà đẹp trong nhà hãy long trọng cảm ơn Người và hãy luôn luôn niệm câu thần chú: “Nàng sẽ không phải là của ta… Nàng sẽ không phải là của ta”. Mỗi ngày ba bận, mỗi bận ba mươi lần: trước khi đi làm, tối về, trước khi đi ngủ. Như thế thì sẽ giữ được nàng mãi mãi. Nhớ là số 9. Chín mươi lần. “Mơ” thì mung lung, lộn xộn, khó nắm bắt… biết thế nào mà kể. Chẳng lẽ trong truyện ngắn lại đi đánh số các giấc mơ. Có nhiều giấc mơ từ khi “anh” xa “nàng” lắm.
Như cái hôm (sau cái hôm ấy) “anh” mơ thấy “nàng” mặc sơ mi xanh lá cây rất đẹp hồi còn gặp nhau “nàng” vẫn hay dùng, đi xe đạp nữ Trung Quốc màu mận chín đợi anh ở chân cầu thang một nơi công cộng có nhiều người qua lại. Anh đang uống dở cốc nước chè với bạn, vội đứng lên. “Nàng” bảo: “Bốn giờ. Vẫn chỗ ấy. Em chờ”. Anh “Ừ” rồi quay vào.
Hay có hôm “nàng” mặc áo dài, ôm hoa, mắt ướt đỏ, bảo anh: “Em phải làm giỗ. Cải mộ ông. Bốn giờ”. Anh hỏi: “Ở đâu?”. Thì biến mất.
Lại có hôm “nàng” đi xe máy. Hai xe ra tận ngoại thành. Đến Yên Viên viếng mộ bà nội. Đi mãi… tối lúc nào chả biết. Sau lạc nhau. Lại thấy “nàng” ngồi trên máy bay. Khói phụt ra đùng đùng, mù mịt như tên lửa. Nàng giơ tay ra vẫy vẫy… “Anh” thét: “Rụt tay vào! Cẩn thận!”. Rồi toát mồ hôi ra tỉnh lại.
Đại thể là như thế. Những giấc mơ cứ hẹn nhau mà chẳng bao giờ gặp nhau nữa. Thôi được. Dùng câu đầu tiên này vậy. Câu: “Đã mấy tháng nay anh luôn mơ thấy nàng”.
-VIII-
Còn câu cuối cùng sẽ là: “Nàng đẹp như một giấc mơ… Giấc mơ nào về nàng anh cũng thấy đẹp, cũng thấy thương”.
(Rút trong tập Nước Thiên đàng, NXB Phụ nữ, 1996)
Nguồn: http://evan.vnexpress.net/News/tac-gia/2006/04/3B9ACF1F/
Được bạn: Thanh Vân đưa lên
vào ngày: 6 tháng 10 năm 2008
 
Back
Top