Cánh Diều Vàng: Vui chơi có thưởng?

T

T$

Guest
(ThuVienBao.com) - Tại sân khấu Hòa Bình, TP HCM diễn ra lễ trao giải Cánh Diều Vàng năm 2010, giải thưởng điện ảnh được mong chờ nhất trong năm.Bộ phim nào sẽ may mắn cầm chiếc cúp vinh danh Cánh Diều Vàng, và bộ phim nào sẽ đoạt giải Cánh Diều Bạc, phim nào có bằng khen cho các tác phẩm xuất sắc nhất. Tất cả sẽ ấn tượng và bất ngờ vào phút chót.Trong 7 thể loại phim hoạt hình, phim khoa học, phim tài liệu, phim ngắn, phim truyện video, phim truyện nhựa, công trình nghiên cứu lý luận phê bình điện ảnh thì phim truyện nhựa như một "bà hoàng" của điện ảnh, được mọi người "ưu ái" mổ xẻ và chăm sóc kỹ càng, nhắc đến nhiều nhất.

Cảnh trong phim "Cánh đồng bất tận"

"Thực đơn" điện ảnh Cánh Diều Vàng có nhiều "món", nhưng phim truyện nhựa lại có một mãnh lực kỳ lạ, khiến nhiều người đổ xô quan tâm, bàn ra tán vào. Chẳng thế mà từ khi có giải Cánh Diều Vàng, năm nào cũng vậy, trước và sau khi trao giải người ta không ngớt lời bình luận, thậm chí phản biện và đưa ra nhiều thông tin trái chiều. Năm nay, để công tâm và tránh tình trạng dư âm của báo chí ì xèo sau khi trao giải mà Hội Điện ảnh Việt Nam đã có thêm một giải đặc biệt nữa cũng khá quan trọng là giải báo chí - phê bình điện ảnh cho phim truyện nhựa xuất sắc nhất. Giải này do 21 nhà báo của hai miền Nam, Bắc thuộc CLB Báo chí phê bình điện ảnh (Hội Điện ảnh Việt Nam) bỏ phiếu bầu.Như thường lệ, bất kỳ cuộc thi nào cũng đều có sự đua tài tranh sức. Bắt đầu từ sáng ngày 4-3 cho đến chiều ngày 6/3, 11 phim truyện nhựa lần lượt chiếu nhằm phục vụ cho mục đích tìm ra ngôi vị Cánh Diều tại phòng chiếu phim CLB Hội Điện ảnh, 51 Trần Hưng Đạo, Hà Nội. Phim truyện nhựa của Cánh Diều Vàng năm nay sẽ phải đi qua con mắt của 9 thành viên trong Hội đồng Nghệ thuật Ban giám khảo và 21 nhà báo phụ trách mảng văn hóa của 21 tờ báo trong nước. 9 thành viên Hội đồng Nghệ thuật này rất đa dạng về nghề, tôi thấy nhà văn Chu Lai, nhạc sĩ Phó Đức Phương, đạo diễn Thanh Vân, diễn viên Hồng Ánh, nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát...

*Đoàn làm phim “Long Thành cầm giả ca” nhận giải thưởng
*Cánh Diều Vàng cho hạng mục phim nhựa.

Có thể kết quả phim truyện nhựa Cánh Diều Vàng của Hội đồng Ban giám khảo sẽ trùng hoặc sẽ khác với giải thưởng báo chí bình chọn. Chuyện đấy cũng bình thường và dễ hiểu. Tuy nhiên, có một quy định được đặt ra một cách tuyệt đối là trong khi chấm thi phim truyện nhựa, các thành viên giám khảo không được rò rỉ thông tin và trả lời phỏng vấn báo chí. Vì vậy, suốt thời gian chiếu phim trong 3 ngày mặc dù Ban giám khảo của Hội đồng Nghệ thuật và Ban giám khảo Báo chí ngồi rất gần nhau nhưng cả hai lại vô cùng kiệm lời.Và, trong những phút giải lao thì những câu chuyện được nói một cách rời rạc, né đi. Người ta dùng ánh mắt thay lời nói. Nở nụ cười thay lời chào. Hết sức ý nhị và mềm mại. Hoặc nói những câu chung chung, vô thưởng, vô phạt. Dù vậy, không ít chuyện được ghi chép lại tại phòng chiếu phim cũng thấy điện ảnh là những cơn sóng ngầm và rất nhiều kịch tính.

Nếu như mùa giải năm ngoái, phim truyện nhựa năm 2010 có 8 phim tham dự tranh giải Cánh Diều Vàng thì tỉ lệ thương mại - nghệ thuật, tư nhân, nhà nước đồng đều 4/4. Năm nay có 11 phim đề cử tranh giải, ngay khi chiếu để bỏ phiếu bầu thì 1 phim do nghi ngờ là đạo ý tưởng đã bị Ban giám khảo loại. Còn lại 10 phim thì tỉ lệ phim nhà nước và phim tư nhân cũng ở con số hòa 5/5.

"Giao lộ định mệnh" của đạo diễn Victor Vũ, đơn vị sản xuất Công ty Cổ phần truyền thông Quảng cáo Ngôi sao đã bị loại khỏi danh sách. Chiều ngày 4/3, sau khi xem xong phim "Cánh đồng bất tận" thì cả giám khảo của Hội đồng Nghệ thuật và các nhà báo có vẻ rất hồ hởi. Sau đó phim "Giao lộ định mệnh" được chiếu, vì trước đây phim này đã lình xình với nghi án hàng nhái, quả thực nhiều người chỉ nghe nói mà chưa từng tận mục sở thị xem thực hư ra sao nên cũng tỏ ra nghi ngờ.

Để tiện đường so sánh, đối chiếu, tại buổi chiếu phim hôm đó sau khi chiếu "Giao lộ định mệnh" của Victor Vũ sản xuất tại Việt Nam năm 2010 thì 5 phút sau phim “Shattered” (Mỹ sản xuất năm 1991) cũng được trình làng. Khi phim “Shattered” chiếu được 15 phút thì một vài tiếng rì rầm trong bóng tối cất lên: "Giống quá, giống thế còn gì", khi bộ phim này kéo dài được hơn một tiếng thì một vài tiếng nói khác râm ran: "Giống về cốt truyện, chi tiết cũng giống nữa". Sau khi bộ phim kết thúc, nhà văn Chu Lai vừa đi vừa nói: "Đây là bộ phim đạo trắng trợn".


*Đoàn làm phim “Cánh Đồng Bất Tận” nhận
giải thưởng do báo chí bình chọn
Một anh nhà báo, không hiểu báo nào đi đến, cất giọng bất bình: "Victor Vũ tưởng tây học như thế nào?! Anh ta mang văn hóa phương Tây về nước để lòe người Việt Nam". Một đồng nghiệp khác cũng lên tiếng: "Bây giờ là thời đại nào rồi. Internet nối mạng khắp toàn cầu, chỉ một người biết thôi thì cả nước sẽ biết, cả thế giới sẽ biết, trốn, đạo làm sao được".Nữ nhà báo Dương Phương Vinh Trưởng ban Văn hóa - Văn nghệ báo Tiền Phong thốt lên: "Sáng mai mình sẽ có một bài về việc này". Một cuộc họp bất thường và khẩn cấp của những thành viên trong Ban giám khảo của Hội đồng Nghệ thuật về số phận của bộ phim. Và đúng sáng hôm sau, nhiều báo đồng loạt ra với cái tít: “Giao lộ định mệnh” bị loại khỏi Cánh Diều Vàng".

"Tây Sơn hào kiệt" của Hãng phim Lý Huỳnh, nói về người anh hùng áo vải Quang Trung Nguyễn Huệ. Diễn viên điện ảnh nổi tiếng một thời Lý Hùng vào vai Quang Trung, còn Ngọc Hân Công chúa do Hoa hậu Thùy Lâm đóng, bộ phim có quá nhiều cảnh sướt mướt khiến cho khán giả nhìn nhau và... cười.* Đây là một bộ phim rất hoành tráng về đại cảnh dàn dựng nhưng lại nghèo nàn về cốt truyện.

Trong khi chiếu phim tôi thấy những tiếng thì thầm của các nhà báo, họ chỉ chú ý đến phần kinh phí làm phim: "Phim dã sử làm tốn kém lắm, phim này kinh phí 13 tỉ -15 tỉ, vậy mà chất lượng cũng không được như mong muốn". Một ai đó thốt lên trong bóng tối: "Liệu sau khi xem bộ phim dã sử này xong người ta có còn hào hứng với phim dã sử Việt Nam?!". Ngay khi đèn bật sáng, khuôn mặt ai cũng ngơ ngác cả.


Nhà báo Dương Phương Vinh nói trong mệt mỏi: "Lâu lắm rồi mới được đi xem tuồng". Nhà báo Tố Lan, Trưởng ban Văn hóa - Văn nghệ - báo Sức khỏe đời sống, buột miệng: "Phim làm giống cải lương". 99% các nhà báo và không phải nhà báo trong phòng chiếu hôm đó đều đồng tình với ý kiến này. Duy, chỉ có Ban giám khảo của Hội đồng Nghệ thuật là không được lộ chính kiến nên cứ cười một cách đầy bí hiểm.Danh tiếng của đạo diễn Lưu Trọng Ninh khiến người ta trông chờ và háo hức để xem phim dã sử "Khát vọng Thăng Long" bộ phim làm kỷ niệm Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Nhiều người đồng tình cảnh quay đẹp, tuy lấy bối cảnh về Lý Công Uẩn 1000 năm trước nhưng khung cảnh trong phim rất hồn Việt, đậm chất Việt, không lẫn đi đâu, tất cả đều hoàn chỉnh, ánh sáng, màu sắc, âm thanh, diễn viên. Duy chỉ có kịch bản là chưa được trọn vẹn. Dù vậy, "Khát vọng Thăng Long" vẫn là ứng cử viên nặng ký cùng với "Cánh đồng bất tận", cả hai sánh vai để cùng nhau tranh giải Cánh Diều Vàng.

Một nhà báo có tuổi đã tiết lộ, trong khi xem phim "Vũ điệu đam mê", bộ phim làm về lứa tuổi teen yêu nhạc hip hop, ông đã thấy nhà văn Chu Lai sụt sùi lau nước mắt. Sau khi bộ phim này kết thúc thì tôi nhận ra nhà văn này cũng vẫn đang còn xúc động, và khi đi ngang qua chúng tôi, ông nói: "Tuổi trẻ và lòng đam mê có tính truyền cảm hơn mớ lý thuyết giáo điều, khô cứng".


Sau khi tất cả những phim đã được chiếu xong, tôi thấy nhà văn Chu Lai tựa người vào ban công, trầm ngâm, mắt nhìn vào khoảng không vô định, nói vu vơ: "Trao giải lần này cũng khó đấy chứ. Trong bó đuốc không có ngọn lửa nào sáng bừng lên. Mấy cái nó cứ xêm xêm nhau...". Ông nói mấy câu: "Khó đấy, khó đấy..." khiến nhiều người chú ý.Đạo diễn Nguyễn Thanh Vân, thành viên Ban giám khảo phim truyện nhựa thấy các nhà báo có vẻ rất tò mò. Ông đã nói chuyện cùng tôi ngay khi buổi chiếu phim kết thúc, bằng sự cảnh giác. Xin đăng nguyên văn lời của đạo diễn này để thay cho lời kết về giải thưởng Cánh Diều Vàng: “Xét cho cùng thì đừng quan trọng nó quá, hãy coi Cánh Diều Vàng là một cuộc vui, một cuộc trình làng với công chúng về những bộ phim, về những con người làm phim. Đối với người làm nghề thì như một cuộc gặp gỡ vui vẻ, và nếu như có một tác phẩm tốt thì nên lấy làm mừng, nếu nó không được tốt lắm thì nên tổng kết lại rằng để như thế nào năm sau tốt hơn.

Tôi nghĩ chúng ta đừng gièm pha, đừng bới lông tìm vết nhiều quá, Cánh Diều Vàng không đáng để bị như vậy. Các nghệ sĩ làm việc, đôi khi xét cho cùng như một đứa trẻ con thôi, vui chơi cũng cần có giải thưởng. Mà làm việc gì có thưởng thì sẽ vui hơn. Làm phim thì phải có thưởng, thế giới cũng vậy. Con ngựa chạy nhanh nhất cũng còn có thưởng nữa là con người. Xét cho cùng nó chỉ là một cuộc vui chơi có thưởng của những người làm nghề, và cái nghề này thì được công chúng quan tâm. Đơn giản thế thôi thì sẽ đỡ phức tạp hơn rất nhiều, cho cả người làm lẫn người tận hưởng nó, nó nhẹ nhàng đi.

Phim vẫn là cuộc tìm kiếm miệt mài tác phẩm tốt, thông thường tác phẩm tốt thì cũng nhìn nhận ra thôi. Mọi người hay tìm ra những sai sót, sơ suất gì đó như tại sao không chấm cho phim này mà lại chấm cho phim kia?! Chuyện đó cũng bình thường vì cả thế giới cũng thế thôi. Giải Oscar thì cũng sẽ được bàn luận chán, và đôi khi một phát hiện, một tìm tòi giao cho một tác phẩm mới, có khuynh hướng mới, đôi khi nó làm ngỡ ngàng mọi người. Có khi Ban giám khảo đưa ra một phim của một tác giả mới, của một phim hoàn toàn mới mọi người sững sờ, đơn giản là họ bàn tán phản đối. Đấy cũng là một phần của đời sống nghệ thuật không có gì khó hiểu cả.

Làm giám khảo một vài lần tôi thấy không khí rất lành mạnh, dân chủ. Cá nhân tôi chưa từng bị bất cứ áp lực gì vì mình cảm thấy rất thoải mái trong môi trường như vậy”

Theo ANTG



2sao.net
 
Back
Top