tuyet_loan08
Junior Member
Lò rèn có một người khách. Anh ta đặt rèn một con dao thái thịt. Giao tiền xong, anh thanh niên lên xe đi thẳng. Anh rẽ vào một thôn xóm quen thuộc.
Thôn xóm này, ngày xưa nổi tiếng nhiều cây trái và hiếu khách. Mùa xuân như đã về trên từng nhánh cỏ. Ngôi nhà tranh cuối xóm nay đã thay bằng mái ngói, vách đất thay bằng vách xi măng. Ngọn đèn dầu leo lét đã thay bằng ánh đèn điện sáng trưng như báo hiệu dấu ấn của một sự thay đổi trong cuộc sống. Nhận ra anh, chị chủ nhà vội vã đẩy hết những thứ đang bày la liệt giữa nhà vào một góc:
- Mới về đó hả con? Má có khỏe không?
- Dạ, con mới về nội hôm qua. Má khỏe, thiếm út.
- Ăn cơm trưa với thiếm nhé?
- Con không đói.
- Chê nhà thiếm không có thức ăn sang phải không?
- Dạ không! Con thấy no thiệt!
- Hùm! Tụi bây ngại thiếm không gạo hả con? Ngày xưa thì cháo không tới tay thật nhưng bây giờ, ở đâu thì thiếm chưa biết chứ ở xóm này thì nhà nào mà không có cơm trắng, cá tươi, con!
- Thấy thiếm út khác hẳn, con mừng. Bé Thương học hành ra sao, thiếm? Thiếm đang nhặt hạt nữa phải không?
- Ừ! Làm cho đỡ buồn. Thiếm mỗi ngày nhặt hạt điều xuất khẩu kiếm cá. Ruộng thì tới mùa kiếm cơm. Em nó cũng vừa xong phổ thông. Nó không thi đại học mà thi vào trung cấp. Ăn theo thuở, ở theo thời mà con. Thiếm cố tới đây thì cố hết nổi. Em nó học Sài Gòn, tiền học cũng nhiều, có bao nhiêu, thiếm dồn cho nó hết. Sang năm, nó ra trường ngành quản trị. Nếu kiếm được việc làm thì tốt còn không thì về đây nhặt hạt đậu hay làm ruộng, tối làm thêm ở nhà hàng cũng không đói. Chỉ sợ nó ở xa, nghe lời bậy bạ mà hư hỏng. Ngày chú con còn sống, chú dạy con Thương kỹ lắm. Đói nghèo gì cũng không được bán mình. Nó giống tính chú, thích đi giúp người ta nhưng ở đời, kẻ hiền cũng chẳng có phước phần may mắn. Buồn thì cũng buồn nhưng phải sống nuôi con. Bà nội nhắc ba con và chú con hoài. Bà nói sao lâu quá mà con không về thăm nội. Nội đã gần tám mươi rồi. Người già hay hờn mát. Con nói má cho con về thăm nội thường xuyên hơn kẻo nội chết thì hết nội con ơi!
Anh thanh niên nghe như có con kiến bò nhột nhạt khắp người. Anh bước tới thắp nhang và đặt mớ trái cây trên bàn thờ. Mắt anh sầm lại, rưng rưng… Chú anh mất trong một trận bão khi làm công tác cứu người. Mảnh tôn bay ngang chém chết chú.
- Ủa! Mặt mày con làm sao hả? Trúng gió phải không? Ngồi xuống thiếm cạo gió cho.
- Dạ, không sao!
- Còn chờ có sao là ngủm cù đeo luôn, con.
Mình mẩy anh bầm hết sau vết cạo gió. Anh nghe lòng dịu lại. Dàn mướp với những hoa vàng đang ánh lên trong nắng. Loài ong khát khao mật ngọt đang bay lượng chung quanh. Hàng dừa trước ngõ nhà thiếm út nay nhìn trật ót. Cây mận đang đơm những chùm hoa thơm nhàn nhạt. Mấy con gà, con vịt cãi lộn nhau sau vườn rau muống xanh tươi, không thuốc hóa học.
Anh múc một gáo nước rửa mặt, gáo bằng cán dừa vẫn như ngày xưa thơm thơm mùi mốc mốc. Cái lu thì như mới hơn năm năm về trước. Thiếm út mua từ những người Chàm Phan Rang đội bán dạo quanh làng. Như cảm nhận một cái gì chân chất từ xóm quê làm mình buông lõng mục đích, anh nói dăm câu, ba sợi, gởi quà cho thiếm và em Thương rồi anh nói anh về nội ngay. Người thiếm không giữ nổi thằng cháu chồng nên đành phải tiễn nó ra đường đất một đoạn.
- Đi cẩn thận, con.
- Dạ.
Anh đi dọc con đường mương. Con mương làng ngày cũ nước vẫn chảy lơ thơ chưa lúc nào ngừng nghỉ. Nước trong vắt nên anh có thể thấy được hai con cá trắng đang tung tăng bơi ngược dòng đùa giỡn. Anh bất giác nhớ một người con gái mà thời mười mấy đã cùng anh gắn bó trên xóm cồn này, cùng anh ngồi trên mép cầu nhìn những con cá chép lội ngược dòng, cùng anh ngắm những cánh hoa lục bình tím ngát nở hoang trong những cái bàu cuối xóm.
Một ngày nọ, khi anh nói về cô bé với má. Má hỏi nó con ai, anh nói con một người cán bộ Huyện ủy thì má hoảng hốt:
- Con không thể làm bạn với nó được.
Rồi hai má con dắt nhau theo người ta vượt biển năm 1988. Có bao nhiêu vàng, má trút sạch ra để mua hai chữ tự do. Tàu anh may mắn cặp bến an toàn. Bấy giờ, anh đã biết vì sao má cản ngăn anh không cho anh bước chân qua xóm cồn để thả diều với cô gái thắt bím. Còn bây giờ, anh đang có trong mình một trách nhiệm nặng nề của người con. Nó chèn ép lòng anh ngày đêm nặng như đá đè. Anh phải giải quyết nó cho bằng được.
- Nội à nội! Con đi chơi chút, tối con về đấm lưng cho nội nhen.
Bà nội thò tay quờ quạng kiếm cháu. Đôi tay bà hụt hẩng một lần khi đứa con trai đầu bị giết mất vào năm 1972. Bà hụt hẩng lần hai khi người con trai thứ hai vì làm công tác cứu người mà cũng mất mạng luôn năm nay - 2006. Bà như tật nguyền âm thanh từ đấy.
- Đi chơi cẩn thận nghe cháu.
- Dạ, nội.
Người thanh niên lần mò trên con đường đất nhỏ. Con đường làng mà ngày xưa anh đã có những tháng ngày hồn nhiên với tuổi thơ trên những cánh đồng sau mùa thu hoạch hay trong những dòng sông, con lạch mát lành. Căn nhà anh đang lần dò tìm tới là căn nhà bên kia rặng tre đang vi vu trong tiếng gió bạt ngàn. Cô bé thắt bím vẫn chiều chiều ra đây cùng anh xúc tép, vớt bèo hoa dâu cho mẹ bằm nuôi heo. Có một ngày, học chung xong, hai đứa lại mon men ra bàu. Anh vớt một cánh bèo hoa dâu thật tròn, thật xinh, xanh mơn mởn, tặng cho cô và nói đùa:
- Khi nào nó nở ra hai chiếc thì thành hoa tai cưới bé.
- Ai cưới?
Anh mỉm cười vì có biết nói gì hơn! Lần má cấm, coi như là thôi luôn. Cô bé chiều chiều ngồi cô đơn trên đám cỏ vệ đường. Anh đau thắt lòng cho đến ngày hôm nay, cơn đau ngày xưa trở về sau mười mấy năm xa cách lại co bóp. Anh trở về nhà nội chờ cho trời sâm sấp tối một chút rồi băng qua cồn cát.
Căn nhà ngày xưa không có ai ngoài hai ông bà đã lớn tuổi. Anh nhận ra người đàn ông đó là ai.
Con chó hực lên rồi tắt theo tiếng suỵt suỵt của chủ nhà.
- Chú tìm ai?
- Cháu tìm cô Hường. Cô ấy chồng con gì chưa, bác?
- Em nó đi làm ca đêm, khuya mới về. Tội nghiệp, chẳng biết sao mà nó cứ ở vậy không chịu lấy chồng. Chỉ chơi với mỗi mấy cánh bèo hoa dâu, chết chiếc này, nó thay chiếc khác mà chẳng thay lòng để lấy chồng cho ấm tấm thân!
Anh... kêu khổ thầm trong bụng. Lòng thắt lại khi mắt anh chạm phải cái bình có một cái bèo hoa dâu nhưng anh sựt nhớ: Hiện tại, cái người đàn ông đang ngồi trước mặt anh đã từng cầm con dao giết người. Hắn đã đâm một nhát dao thí mạng vào ngực ba anh đang từ nơi làm việc trở về nhà trong đêm mờ sương. Hắn chỉ điểm bắt không biết bao nhiêu người trong xóm này. Anh nghĩ đến người cha quằn quại trong vũng máu mà căm thù sôi sục. Giết người phải đền mạng. Nhưng thay vì phấn khởi để rút con dao trong áo choàng, anh lại nghe lòng không mấy phấn kích. Vì lẽ nào đây? Vì con người vạm vỡ, đầy khát máu ngày xưa đã thành ông cụ không còn sức kháng cự hôm nay thì một dao đâm vào tim hắn khó khăn gì, vinh quang cái gì đây nữa! Người ta chỉ vinh quang khi đối diện trên trận chiến chứ không ai đi giết một kẻ trong tay không có vũ khí và chẳng chút đề phòng. Hắn quả thật chẳng chút đề phòng người khách lạ đang lăm le con dao trả thù mối thù giết cha ba mươi bốn năm về trước.
Nhìn căn nhà chẳng khác căn nhà của thiếm út, anh ngạc nhiên vì lẽ ra, ông ta phải giàu trên sự cướp bóc, giết người thì anh mới đủ lý do, thêm sức mạnh để giết hắn. Anh thất vọng:
- Bác làm cán bộ sao nhà bác chẳng như những nhà giàu của mấy ông lớn khác?
Ông ta lắc đầu, cười với nụ cười bí ẩn:
- Sống bằng đồng lương thì giàu sao nổi chú em! Vậy cũng đủ rồi.
Anh buột miệng:
- Bác có huân chương kháng chiến nhiều quá, chắc hồi xưa, bác lập công dữ?
- Ối thôi đừng nhắc ba cái này cháu ơi! Ăn cơm bên nào thì thờ bên nấy thôi. Thời buổi bây giờ, chiến công không qua chiến lược cháu ơi! Chuyện ngày xưa thời buổi chiến tranh, nhắc đến là ớn rồi.
Người đàn ông bỗng nhiên… ôm lấy ngực. Ông ta co quắp người. Trong tình huống tự dưng đưa tới bất ngờ, thay vì rút dao, anh lại kêu to gọi người hàng xóm. Người ta giúp ông leo lên chiếc xe, anh mang ông và người hàng xóm tới bệnh viện Huyện.
Cô con gái chạy tới bệnh viện. Bác sĩ báo là cơn nguy hiểm đã qua rồi. Họ mừng quá nên quên bẳn anh. Anh thu mình một chỗ nghe tim mình nhói đau. Cảm giác trả thù như chảy ra trong lòng anh trước nay là đá băng. Anh nghe lòng nhẹ nhõm khi cứu người. Hai cảm giác như không còn chung chuyến bay tốc hành của lòng thù hận. Hình như mọi chuyện đã qua lâu lắm rồi. Cục đá đã tan ra thì anh còn gì mà thù hận cả cái người già yếu, đau bệnh. Anh nghĩ tới nếu người vợ già sẽ ra sao, con gái ông ta sẽ ra sao khi nhìn thấy cha mình nằm chết với một nhát dao của con trai kẻ tử thù? Thù sẽ nhân thù lên chất chồng. Lấy mạng đền mạng thì những cơn tác nghiệt của trời đất gây ra bao nhiêu năm qua, kiếm trời ở đâu mà trả?
Anh bừng tỉnh. Một giấc mơ phục thù ba mươi bốn năm như tiêu tan. Anh nhận thấy má con anh còn có những tháng ngày may mắn hơn bất cứ người nào hôm nay. Vậy thì, hãy vì những mắn may đó mà mở lòng ra với những hận thù vì thời cuộc, vì chiến tranh. Có trả thù, hãy tìm ra những kẻ nào là chủ mưu đã gây ra chiến tranh cho người ta giết nhau! Tìm đi!
Ngày hôm sau, anh vác cái dao trở lại chỗ thợ rèn:
- Hình như nó không được bén lắm, tôi muốn chú nấu chảy ra cho tôi thành cái mâm cơm được không?
Người thợ rèn gật đầu. Ông nung nó chảy ra trước con mắt chờ đợi nhẫn nại của anh thanh niên lỳ quặc. Nó chảy thành cục sắt đỏ hỏn và được nhúng vào nước lạnh kêu cái xèo ngay lập tức. Anh thở phào!
Người thợ rèn theo đơn đặt hàng, ông chuyển sắt thành nhôm để mai giao hàng cho anh thanh niên một cái mâm đồng sắt và nhôm trộn chung.
Anh mang nó về nhà bà nội:
- Nội à! Con mua cho nội cái mâm cơm này, mai mốt ăn cơm thì coi như gia đình mình cùng ngồi ăn đông đủ nội nha.
Bà nội cười nhăn nheo nét mặt. Nước mắt bà thấm ướt vạt áo hồi nào. Giọt nước mắt không chút nào là thù hận.
Anh trở lại căn nhà bên xóm bàu. Đêm nay, trời như giãn ra. Trăng "rằm tháng mười kẻ cười, người khóc" sau cơn bão kỳ quặc -"Durian-sầu riêng" số 9 đang êm đềm soi sáng không gian. Anh hỏi thăm sức khỏe ông và nhờ bà trao cho cô con gái một thứ. Ngày mai, anh lên máy bay. Những ngày sau coi như đã qua một giấc hãi hùng không nên có trong đời! Tình yêu không thể chết vì chiến tranh, vì hận thù thì nó được quyền tự do mà sống.
Cô gái trở về nhà sớm hơn để chăm sóc người cha. Người mẹ trao cho con món quà và nói:
- Là của cái người đã đưa ba con đi bệnh viện hai hôm trước.
Cô mở ra: Một cánh bèo hoa dâu vẫn còn xanh mướt. Cô rụng rời hai chân, lóng cóng đôi tay với nỗi mừng không kịp khóc. Cổ họng quắn lại không nói nên lời. Cô thả cánh bèo hoa dâu vào cái bình có sẵn một chiếc. Chiếc bèo hoa dâu ngày xưa, bây giờ, nó đã đôi rồi!
Tháng 12/05/06 Sưu tầm : Thanh vân
Nguồn: http://vannghesongcuulong.org/
Được bạn: Thành viên VNTQ. Net đưa lên
vào ngày: 5 tháng 4 năm 2008
Thôn xóm này, ngày xưa nổi tiếng nhiều cây trái và hiếu khách. Mùa xuân như đã về trên từng nhánh cỏ. Ngôi nhà tranh cuối xóm nay đã thay bằng mái ngói, vách đất thay bằng vách xi măng. Ngọn đèn dầu leo lét đã thay bằng ánh đèn điện sáng trưng như báo hiệu dấu ấn của một sự thay đổi trong cuộc sống. Nhận ra anh, chị chủ nhà vội vã đẩy hết những thứ đang bày la liệt giữa nhà vào một góc:
- Mới về đó hả con? Má có khỏe không?
- Dạ, con mới về nội hôm qua. Má khỏe, thiếm út.
- Ăn cơm trưa với thiếm nhé?
- Con không đói.
- Chê nhà thiếm không có thức ăn sang phải không?
- Dạ không! Con thấy no thiệt!
- Hùm! Tụi bây ngại thiếm không gạo hả con? Ngày xưa thì cháo không tới tay thật nhưng bây giờ, ở đâu thì thiếm chưa biết chứ ở xóm này thì nhà nào mà không có cơm trắng, cá tươi, con!
- Thấy thiếm út khác hẳn, con mừng. Bé Thương học hành ra sao, thiếm? Thiếm đang nhặt hạt nữa phải không?
- Ừ! Làm cho đỡ buồn. Thiếm mỗi ngày nhặt hạt điều xuất khẩu kiếm cá. Ruộng thì tới mùa kiếm cơm. Em nó cũng vừa xong phổ thông. Nó không thi đại học mà thi vào trung cấp. Ăn theo thuở, ở theo thời mà con. Thiếm cố tới đây thì cố hết nổi. Em nó học Sài Gòn, tiền học cũng nhiều, có bao nhiêu, thiếm dồn cho nó hết. Sang năm, nó ra trường ngành quản trị. Nếu kiếm được việc làm thì tốt còn không thì về đây nhặt hạt đậu hay làm ruộng, tối làm thêm ở nhà hàng cũng không đói. Chỉ sợ nó ở xa, nghe lời bậy bạ mà hư hỏng. Ngày chú con còn sống, chú dạy con Thương kỹ lắm. Đói nghèo gì cũng không được bán mình. Nó giống tính chú, thích đi giúp người ta nhưng ở đời, kẻ hiền cũng chẳng có phước phần may mắn. Buồn thì cũng buồn nhưng phải sống nuôi con. Bà nội nhắc ba con và chú con hoài. Bà nói sao lâu quá mà con không về thăm nội. Nội đã gần tám mươi rồi. Người già hay hờn mát. Con nói má cho con về thăm nội thường xuyên hơn kẻo nội chết thì hết nội con ơi!
Anh thanh niên nghe như có con kiến bò nhột nhạt khắp người. Anh bước tới thắp nhang và đặt mớ trái cây trên bàn thờ. Mắt anh sầm lại, rưng rưng… Chú anh mất trong một trận bão khi làm công tác cứu người. Mảnh tôn bay ngang chém chết chú.
- Ủa! Mặt mày con làm sao hả? Trúng gió phải không? Ngồi xuống thiếm cạo gió cho.
- Dạ, không sao!
- Còn chờ có sao là ngủm cù đeo luôn, con.
Mình mẩy anh bầm hết sau vết cạo gió. Anh nghe lòng dịu lại. Dàn mướp với những hoa vàng đang ánh lên trong nắng. Loài ong khát khao mật ngọt đang bay lượng chung quanh. Hàng dừa trước ngõ nhà thiếm út nay nhìn trật ót. Cây mận đang đơm những chùm hoa thơm nhàn nhạt. Mấy con gà, con vịt cãi lộn nhau sau vườn rau muống xanh tươi, không thuốc hóa học.
Anh múc một gáo nước rửa mặt, gáo bằng cán dừa vẫn như ngày xưa thơm thơm mùi mốc mốc. Cái lu thì như mới hơn năm năm về trước. Thiếm út mua từ những người Chàm Phan Rang đội bán dạo quanh làng. Như cảm nhận một cái gì chân chất từ xóm quê làm mình buông lõng mục đích, anh nói dăm câu, ba sợi, gởi quà cho thiếm và em Thương rồi anh nói anh về nội ngay. Người thiếm không giữ nổi thằng cháu chồng nên đành phải tiễn nó ra đường đất một đoạn.
- Đi cẩn thận, con.
- Dạ.
Anh đi dọc con đường mương. Con mương làng ngày cũ nước vẫn chảy lơ thơ chưa lúc nào ngừng nghỉ. Nước trong vắt nên anh có thể thấy được hai con cá trắng đang tung tăng bơi ngược dòng đùa giỡn. Anh bất giác nhớ một người con gái mà thời mười mấy đã cùng anh gắn bó trên xóm cồn này, cùng anh ngồi trên mép cầu nhìn những con cá chép lội ngược dòng, cùng anh ngắm những cánh hoa lục bình tím ngát nở hoang trong những cái bàu cuối xóm.
Một ngày nọ, khi anh nói về cô bé với má. Má hỏi nó con ai, anh nói con một người cán bộ Huyện ủy thì má hoảng hốt:
- Con không thể làm bạn với nó được.
Rồi hai má con dắt nhau theo người ta vượt biển năm 1988. Có bao nhiêu vàng, má trút sạch ra để mua hai chữ tự do. Tàu anh may mắn cặp bến an toàn. Bấy giờ, anh đã biết vì sao má cản ngăn anh không cho anh bước chân qua xóm cồn để thả diều với cô gái thắt bím. Còn bây giờ, anh đang có trong mình một trách nhiệm nặng nề của người con. Nó chèn ép lòng anh ngày đêm nặng như đá đè. Anh phải giải quyết nó cho bằng được.
- Nội à nội! Con đi chơi chút, tối con về đấm lưng cho nội nhen.
Bà nội thò tay quờ quạng kiếm cháu. Đôi tay bà hụt hẩng một lần khi đứa con trai đầu bị giết mất vào năm 1972. Bà hụt hẩng lần hai khi người con trai thứ hai vì làm công tác cứu người mà cũng mất mạng luôn năm nay - 2006. Bà như tật nguyền âm thanh từ đấy.
- Đi chơi cẩn thận nghe cháu.
- Dạ, nội.
Người thanh niên lần mò trên con đường đất nhỏ. Con đường làng mà ngày xưa anh đã có những tháng ngày hồn nhiên với tuổi thơ trên những cánh đồng sau mùa thu hoạch hay trong những dòng sông, con lạch mát lành. Căn nhà anh đang lần dò tìm tới là căn nhà bên kia rặng tre đang vi vu trong tiếng gió bạt ngàn. Cô bé thắt bím vẫn chiều chiều ra đây cùng anh xúc tép, vớt bèo hoa dâu cho mẹ bằm nuôi heo. Có một ngày, học chung xong, hai đứa lại mon men ra bàu. Anh vớt một cánh bèo hoa dâu thật tròn, thật xinh, xanh mơn mởn, tặng cho cô và nói đùa:
- Khi nào nó nở ra hai chiếc thì thành hoa tai cưới bé.
- Ai cưới?
Anh mỉm cười vì có biết nói gì hơn! Lần má cấm, coi như là thôi luôn. Cô bé chiều chiều ngồi cô đơn trên đám cỏ vệ đường. Anh đau thắt lòng cho đến ngày hôm nay, cơn đau ngày xưa trở về sau mười mấy năm xa cách lại co bóp. Anh trở về nhà nội chờ cho trời sâm sấp tối một chút rồi băng qua cồn cát.
Căn nhà ngày xưa không có ai ngoài hai ông bà đã lớn tuổi. Anh nhận ra người đàn ông đó là ai.
Con chó hực lên rồi tắt theo tiếng suỵt suỵt của chủ nhà.
- Chú tìm ai?
- Cháu tìm cô Hường. Cô ấy chồng con gì chưa, bác?
- Em nó đi làm ca đêm, khuya mới về. Tội nghiệp, chẳng biết sao mà nó cứ ở vậy không chịu lấy chồng. Chỉ chơi với mỗi mấy cánh bèo hoa dâu, chết chiếc này, nó thay chiếc khác mà chẳng thay lòng để lấy chồng cho ấm tấm thân!
Anh... kêu khổ thầm trong bụng. Lòng thắt lại khi mắt anh chạm phải cái bình có một cái bèo hoa dâu nhưng anh sựt nhớ: Hiện tại, cái người đàn ông đang ngồi trước mặt anh đã từng cầm con dao giết người. Hắn đã đâm một nhát dao thí mạng vào ngực ba anh đang từ nơi làm việc trở về nhà trong đêm mờ sương. Hắn chỉ điểm bắt không biết bao nhiêu người trong xóm này. Anh nghĩ đến người cha quằn quại trong vũng máu mà căm thù sôi sục. Giết người phải đền mạng. Nhưng thay vì phấn khởi để rút con dao trong áo choàng, anh lại nghe lòng không mấy phấn kích. Vì lẽ nào đây? Vì con người vạm vỡ, đầy khát máu ngày xưa đã thành ông cụ không còn sức kháng cự hôm nay thì một dao đâm vào tim hắn khó khăn gì, vinh quang cái gì đây nữa! Người ta chỉ vinh quang khi đối diện trên trận chiến chứ không ai đi giết một kẻ trong tay không có vũ khí và chẳng chút đề phòng. Hắn quả thật chẳng chút đề phòng người khách lạ đang lăm le con dao trả thù mối thù giết cha ba mươi bốn năm về trước.
Nhìn căn nhà chẳng khác căn nhà của thiếm út, anh ngạc nhiên vì lẽ ra, ông ta phải giàu trên sự cướp bóc, giết người thì anh mới đủ lý do, thêm sức mạnh để giết hắn. Anh thất vọng:
- Bác làm cán bộ sao nhà bác chẳng như những nhà giàu của mấy ông lớn khác?
Ông ta lắc đầu, cười với nụ cười bí ẩn:
- Sống bằng đồng lương thì giàu sao nổi chú em! Vậy cũng đủ rồi.
Anh buột miệng:
- Bác có huân chương kháng chiến nhiều quá, chắc hồi xưa, bác lập công dữ?
- Ối thôi đừng nhắc ba cái này cháu ơi! Ăn cơm bên nào thì thờ bên nấy thôi. Thời buổi bây giờ, chiến công không qua chiến lược cháu ơi! Chuyện ngày xưa thời buổi chiến tranh, nhắc đến là ớn rồi.
Người đàn ông bỗng nhiên… ôm lấy ngực. Ông ta co quắp người. Trong tình huống tự dưng đưa tới bất ngờ, thay vì rút dao, anh lại kêu to gọi người hàng xóm. Người ta giúp ông leo lên chiếc xe, anh mang ông và người hàng xóm tới bệnh viện Huyện.
Cô con gái chạy tới bệnh viện. Bác sĩ báo là cơn nguy hiểm đã qua rồi. Họ mừng quá nên quên bẳn anh. Anh thu mình một chỗ nghe tim mình nhói đau. Cảm giác trả thù như chảy ra trong lòng anh trước nay là đá băng. Anh nghe lòng nhẹ nhõm khi cứu người. Hai cảm giác như không còn chung chuyến bay tốc hành của lòng thù hận. Hình như mọi chuyện đã qua lâu lắm rồi. Cục đá đã tan ra thì anh còn gì mà thù hận cả cái người già yếu, đau bệnh. Anh nghĩ tới nếu người vợ già sẽ ra sao, con gái ông ta sẽ ra sao khi nhìn thấy cha mình nằm chết với một nhát dao của con trai kẻ tử thù? Thù sẽ nhân thù lên chất chồng. Lấy mạng đền mạng thì những cơn tác nghiệt của trời đất gây ra bao nhiêu năm qua, kiếm trời ở đâu mà trả?
Anh bừng tỉnh. Một giấc mơ phục thù ba mươi bốn năm như tiêu tan. Anh nhận thấy má con anh còn có những tháng ngày may mắn hơn bất cứ người nào hôm nay. Vậy thì, hãy vì những mắn may đó mà mở lòng ra với những hận thù vì thời cuộc, vì chiến tranh. Có trả thù, hãy tìm ra những kẻ nào là chủ mưu đã gây ra chiến tranh cho người ta giết nhau! Tìm đi!
Ngày hôm sau, anh vác cái dao trở lại chỗ thợ rèn:
- Hình như nó không được bén lắm, tôi muốn chú nấu chảy ra cho tôi thành cái mâm cơm được không?
Người thợ rèn gật đầu. Ông nung nó chảy ra trước con mắt chờ đợi nhẫn nại của anh thanh niên lỳ quặc. Nó chảy thành cục sắt đỏ hỏn và được nhúng vào nước lạnh kêu cái xèo ngay lập tức. Anh thở phào!
Người thợ rèn theo đơn đặt hàng, ông chuyển sắt thành nhôm để mai giao hàng cho anh thanh niên một cái mâm đồng sắt và nhôm trộn chung.
Anh mang nó về nhà bà nội:
- Nội à! Con mua cho nội cái mâm cơm này, mai mốt ăn cơm thì coi như gia đình mình cùng ngồi ăn đông đủ nội nha.
Bà nội cười nhăn nheo nét mặt. Nước mắt bà thấm ướt vạt áo hồi nào. Giọt nước mắt không chút nào là thù hận.
Anh trở lại căn nhà bên xóm bàu. Đêm nay, trời như giãn ra. Trăng "rằm tháng mười kẻ cười, người khóc" sau cơn bão kỳ quặc -"Durian-sầu riêng" số 9 đang êm đềm soi sáng không gian. Anh hỏi thăm sức khỏe ông và nhờ bà trao cho cô con gái một thứ. Ngày mai, anh lên máy bay. Những ngày sau coi như đã qua một giấc hãi hùng không nên có trong đời! Tình yêu không thể chết vì chiến tranh, vì hận thù thì nó được quyền tự do mà sống.
Cô gái trở về nhà sớm hơn để chăm sóc người cha. Người mẹ trao cho con món quà và nói:
- Là của cái người đã đưa ba con đi bệnh viện hai hôm trước.
Cô mở ra: Một cánh bèo hoa dâu vẫn còn xanh mướt. Cô rụng rời hai chân, lóng cóng đôi tay với nỗi mừng không kịp khóc. Cổ họng quắn lại không nói nên lời. Cô thả cánh bèo hoa dâu vào cái bình có sẵn một chiếc. Chiếc bèo hoa dâu ngày xưa, bây giờ, nó đã đôi rồi!
Tháng 12/05/06 Sưu tầm : Thanh vân
Nguồn: http://vannghesongcuulong.org/
Được bạn: Thành viên VNTQ. Net đưa lên
vào ngày: 5 tháng 4 năm 2008