T
T$
Guest
- 22 tháng 2 2015
Bộ Quốc phòng Anh nói rằng phi cơ của Nga chưa vào tới không phận Anh, là khu vực 12 hải lý tính từ bờ biển ra nhưng đã xâm nhập vào 'khu vực lợi ích' của Anh, và lực lượng Không quân Hoàng gia Anh (RAF) đã cử các chiến đấu cơ Typhoon lên chặn.
Các phi cơ Nga là loại máy bay Tu-95 MS, mà Nato đặt tên là "Bear-H" ("Gấu-H"), là loại máy bay bốn động cơ ném bom tầm xa, được trang bị cánh quạt phản lực và có đôi cánh rất đặc trưng, không thể nhầm lẫn với các loại máy bay khác.
Bear chuyên chở phi hành đoàn sáu hoặc bảy người và không phải là loại phi cơ nhanh nhất trong đội bay của Nga. Nó đạt được vận tốc chỉ khoảng 575 dặm/giờ (920km/h), nhưng được coi là đáng tin cậy nhất, ông Bronk nói, và có tuổi thọ cao nhất.
Một máy bay ném bom nữa quý vị có thể trông đợi xuất hiện gần với không phận Anh là chiếc Tu-160, được biết đến với tên gọi Blackjack, mà hai chiếc như vậy đã bị các chiến đấu cơ Tornado F3 của RAF chặn lại ngay vùng không phận ngoài khơi Scotland hồi 2010.
"Nó nặng hơn và nhanh hơn chiếc B1B Lancer của Mỹ [loại máy bay gần tương đương nhất]" Bronk nói. Nó cũng có tầm hoạt động xa hơn và có thể mang theo thêm các hỏa tiễn hạt nhân. Một phiên bản nâng cấp của Tu-160 đã có chuyến bay ra mắt đầu tiên trong tháng 11/2014.
Tiếp đến là máy bay ném bom chiến lược Tu-22M3, cũng là loại phi cơ siêu thanh và có khả năng hạt nhân. "Nó không to bằng Bear hay Blackjack," Bronk nói. "Loại tương tự nhất mà phương Tây có là F-111."
Thỉnh thoảng, các phi cơ Bear được các phi cơ đánh chặn MiG-31 siêu thanh hộ tống, Bronk nói.
Thuộc nhóm các chiến đấu cơ nhanh nhất thế giới, MiG-31 được trang bị radar, giúp theo dõi 24 mục tiêu ném bom và có khả năng tấn công sáu mục tiêu cùng một lúc.
Tuy nhiên, Bronk nói: "Tuy cực nhanh và mang theo radar nhưng chúng bản chất chỉ là sự cải tiến của thiết kế rất cũ, Mig-25, và không đọ được với Typhoon của RAF trong cuộc chiến không-đối-không."
Đã từng xảy ra vụ tương tự hồi thang Giêng, khi hai chiếc máy bay ném bom Bear bị phi cơ của RAF áp tải ra sau khi đã gây ra cái mà Bộ Ngoại giao Anh gọi là "làm gián đoạn hoạt động hàng không dân sự".
RAF đã chặn các phi cơ của Nga tổng cổng tám lần trong năm 2014 và tám lần trong 2013, theo số liệu Bộ Quốc phòng Anh công bố theo Luật Tự do Thông tin.
"Các cuộc săn Gấu" ở ngoài rìa không phận Anh thường xảy ra trong thời Chiến tranh lạnh, mà có lúc xảy ra hàng tuần, phân tích gia chuyên về quốc phòng Paul Beaver nói.
Khi đó, ông nói, mục tiêu chính là để nhằm thử mức độ phản ứng nhanh của RAF.
Mức độ thường xuyên của các cuộc xâm nhập giảm nhiều trong những năm cuối cùng của nhà nước Liên Xô, và dừng hẳn khi Bức tường Berlin sụp đổ.
Tuy nhiên, dưới thời Vladimir Putin, chúng lại được thực hiện trở lại.
Hôm 19/2/2015, Thủ tướng Anh David Cameron nói ông nghi là Nga đang "cố tỏ ra một điều gì đó," và Bronk cũng đồng ý với nhận xét này. "Rõ ràng, đó là cách khua gươm đánh động."
Theo BBC Vietnamese