Cách bảo vệ thân nhiệt cho trẻ sơ sinh

thanhlinh

Junior Member
Trẻ sơ sinh dễ bị hạ thân nhiệt do chuyển từ tử cung người mẹ (37 độ C) ra môi trường ngoài (25-28 độ C), và không có khả năng run khi lạnh (run là quá trình co cơ để sinh nhiệt) hoặc tự di chuyển đến vùng ấm hơn... Tình trạng nhiễm lạnh kéo dài sẽ gây rối loạn chuyển hóa, thậm chí tử vong.
Khi bị lạnh, trẻ sơ sinh sinh nhiệt bằng cách đốt cháy lớp mỡ nâu trong cơ thể. Lớp mỡ này chỉ có ở trẻ mới đẻ, rất nhạy với các kích thích do lạnh, tích tụ nhiều ở quanh cổ, giữa 2 xương bả vai, sau xương ức, quanh mạch máu lớn ở đáy tim và quanh thận. Nó được hình thành trong 3 tháng cuối của thai kỳ, đặc biệt là sau tuần 34. Ở ở trẻ sinh non trong tuần thai 20-25, lượng mỡ trong cơ thể chỉ bằng 1/15 so với trẻ đủ tháng. Trẻ sinh càng non hoặc tình trạng suy dinh dưỡng bào thai càng nặng, tỷ lệ mỡ trong cơ thể càng ít, dễ bị hạ thân nhiệt sau sinh. Ngoài ra, những trẻ sinh ngạt, trẻ bị đói, bị bệnh... cũng có nhiều nguy cơ hạ thân nhiệt do thiếu ôxy và năng lượng để đốt cháy lớp mỡ nâu.
Có thể nhận biết trẻ bị hạ thân nhiệt khi kết quả đo nhiệt độ ở nách dưới 36,5 độ C, hoặc sờ chân thấy lạnh. Để phòng chống tình trạng này, cha mẹ cần thực hiện các biện pháp sau:

  • Tránh mất nhiệt: Phòng trẻ có nhiệt độ tối thiểu 25 độ C, không có gió lùa. Giường sơ sinh phải vừa vặn, nệm ấm áp, khô ráo. Trẻ cần được mặc áo, quấn tã, đội nón, mang găng, mang tất và đắp chăn vừa vặn, khô ráo. Thay tã ngay khi ướt. Không tắm trẻ ít nhất 6 giờ sau sinh, chỉ tắm khi thân nhiệt đã ổn định. Cần tắm bằng nước ấm, tắm từng phần và nhanh chóng. Phải cho trẻ bú đầy đủ để trẻ không bị đói.
  • Cung cấp nguồn nhiệt: Đối với những trẻ bệnh bị hạ thân nhiệt nặng (dưới 36 độ C), cần sử dụng lồng ấp, giường sưởi ấm hoặc đèn sưởi (dùng trong bệnh viện).
Với trẻ sinh non, nhẹ cân, tốt nhất là cung cấp nhiệt bằng phương pháp Kangaroo: Bà mẹ ngồi dựa lưng vào thành ghế hoặc nửa nằm nửa ngồi; trẻ để trần, chỉ mặc tã và đội mũ. Giữ trẻ nằm sấp trên ngực mẹ, cho da trẻ tiếp xúc với da mẹ. Giữ thẳng đầu cổ và thân của trẻ để tránh tắc nghẽn đường thở. Bà mẹ che cho trẻ bằng chính áo của mình và thêm một khăn choàng hay chăn. Nếu bà mẹ đi lại trong phòng, nên đeo thêm một đai thắt lưng để giữ trẻ đúng tư thế.
Thực hiện liên tục cả ngày và đêm. Khi người mẹ bận, những người thân có thể làm thay. Nếu không có người thay thế, có thể được ủ ấm trẻ bằng chăn và đặt ở nơi ấm áp.
Kangaroo là một phương pháp đơn giản, dễ thực hiện, giúp ổn định thân nhiệt trẻ một cách hiệu quả do sử dụng nguồn nhiệt ổn định, an toàn từ cơ thể người lớn. Phương pháp này cũng kích thích trẻ thở đều từ cử động hô hấp của lồng ngực bà mẹ; trẻ lại bú mẹ một cách dễ dàng thuận tiện, tình cảm mẹ con được tăng cường khiến trẻ phát triển tâm thần kinh tốt hơn.
Một số điều nên tránh:

  • Tắm trẻ ngay sau sinh, nhất là việc tắm trẻ bằng bia cho sạch chất gây (lớp chất trắng bám trên da trẻ). Chất gây là lớp chất béo cách nhiệt, giữ cho trẻ không bị lạnh và bảo vệ da khỏi bị tổn thương.
  • Ủ ấm trẻ bằng chai nước nóng, hòn đá nóng... Cách làm này dễ gây bỏng.
  • Cho trẻ nằm hơ trên than để chống lạnh. Trẻ sẽ dễ ngạt thở do hít phải khí CO trong khói than và có thể bị sưng tấy vùng lưng, rất nguy hiểm.
  • Quấn trẻ quá chặt hoặc quá nhiều lớp chăn: Có thể gây ngạt thở.
BS Phạm Thị Thanh Tâm
(Sức Khỏe & Đời Sống)
 
Back
Top