Cá chày mắt đỏ

Jolie

Member
1. Tôi ghé mắt nhìn qua cửa kính, hơi rượu phả ngược lại.


img67.jpg



-Em ơi! Mở cửa! Mở cửa cho anh!

Cộc cộc cộc. Im lặng. Cạch cạch cạch. Tôi lấy chìa khóa xe gõ vào cửa kính. Im lặng. Tôi lần sờ các túi để tìm điện thoại. Cả máy bàn và máy di động của vợ tôi đều có chung một câu: “Thuê bao quý khách…”

Xoành, xoành, xoành! Tôi vỗ cả hai tay vào mặt cửa sổ có lắp kính. Nhưng dội lại là chẳng có âm thanh gì! Làm sao mà tôi không biết, trong ấy, trên giường ấy, ở phía ngoài giáp tủ quần áo là vợ tôi đang nằm. Chân co, chân duỗi hai tay khoanh trước ngực và mắt long lanh ngấn lệ, trân trân nhìn vào bóng tối thăm thẳm trên trần nhà. Bên cạnh, con trai tôi đang ngủ say tít, một chân gác lên chăn. Giá tôi về sớm hơn hai tiếng nữa, vào lúc 22 giờ chẳng hạn, khi ấy nó vẫn còn thức, nó sẽ tung chăn ra lay mẹ: “Mẹ ơi, bố về rồi. Bố về rồi kìa. Mở cửa cho bố đi, mẹ”.

Có ba tình huống sẽ xảy ra. Một là, nàng sẽ dậy, vừa đi vừa làu bàu kể tội hay say xỉn về muộn; hai là, nàng hất chăn ra chạy tới cửa, rút chốt rồi lại chạy bình bịch vào giường, không nói nửa lời. Ba là, giống như hôm qua, sau khi lay gọi mẹ mãi không được, và nghe câu: “Kệ cho bố mày ngủ ngoài đường” thì con trai tôi vừa mếu vừa xuống giường.

Nó ghé sát mặt, hình như phải kiễng chân lên để nhìn thấy tôi đang ngả nghiêng bên ngoài. “Bố ơi! Bố ơi!”- Nó khóc. Tôi cố lấy giọng nghiêm: “Bố đây! Con à, con mở cửa cho bố đi! Có biết mở không?” “Con không biết mở, nó chặt lắm”. Con đẩy cửa ra phía bố, rồi rút mạnh then ra – Tôi hướng dẫn nó. Thằng bé hơn ba tuổi mím môi, lên gân để có sức mạnh mà kéo. Xoảng! Nó kéo mạnh quá nên chiếc then cửa tròn, phi hai mươi đã đập vào trán nó. Nó vừa khóc vừa nói: “Bố…về …muộn…quá… a…a”. Tôi ôm chặt con vào lòng. Trên trán nó đã có một cục sưng to bằng quả ổi găng. Bố xin, bố xin, lần sau bố sẽ không về muộn nữa. Bố hứa mà.

2. Buổi chiều nay, khi xong việc tôi xuống nhà xe, chụp mũ bảo hiểm vào đầu kín mít phóng thẳng về nhà. Hôm qua tôi đã hứa với con trai, chiều nay sẽ đưa nó đi chơi dọc bờ sông. Đi qua khu chợ tạm, tôi thấy có một mớ cá chày thật ngon. Tôi dừng lại mua, túi cá được thả vào giỏ xe máy. Đang trả tiền, điện thoại rung rung, tê tê bên đùi. Tôi lưỡng lự giây lát rồi mặc kệ. Tôi sợ lũ bạn gọi đi nhậu. Tôi sợ không làm tròn lời hứa với con trai chiều nay. Tôi sợ rồi sẽ lại về muộn.

Điện thoại lại tê tê buồn buồn. Sợ gì chứ, chúng nó gọi thì tôi từ chối thẳng thừng: Tớ xin lỗi, hôm nay không thể đi được. Không là không mà. Xin chào. Nhưng không phải là lũ bạn nhậu của tôi, số máy hiển thị trên màn hình và cái tên đầy quyền lực, là sếp: “Cậu về cơ quan ngay. Làm gấp cho tớ một việc”. Theo quán tính, tôi vâng và quay đầu xe.

3. Vợ tôi sẽ chẳng tin tôi về lúc nửa đêm là vì công việc. Và sự thật, công việc chỉ kéo dài đến hơn 19h một chút. Báo cáo của sếp đã hoàn thành. Cái báo cáo ấy, thực ra đã được hơn chục người trong cơ quan tôi chấp bút, chỉnh sửa câu chữ, chấm phẩy cả tuần nay rồi, nhưng sếp tôi là người cầu toàn. Ông muốn tôi, người có chất giọng tốt, đọc thành tiếng như lên diễn đàn để ông ngồi đó nghe thử. Tôi đọc đi đọc lại tổng cộng 9 lần, mỗi lần sửa một vài chữ hoặc một dấu ngắt câu.

“Thôi, cơ bản là được rồi. Bây giờ tớ mời các cậu đi ăn gì đó”. Sếp mời lẽ nào tôi lại không đi. Tôi vẫn nóng ruột vì cuộc hẹn ra bờ sông, nhưng lại tự an ủi mình, đằng nào thì cũng qua mất buổi chiều rồi. Không ai ăn suông cả, phải có chén rượu cốc bia chứ. Vậy là uống. Định bụng sẽ ăn cháo ngay sau đó nhưng lại có mấy ông khách nhìn thấy sếp tôi sang chào mấy chén. Lại mấy người bạn của tôi ngồi gần sang mời. Sếp tôi là người uống được, nhưng lại hay chắt rượu sang chén của tôi. Có đi, có lại, người ta sang với mình thì mình cũng phải sang với người ta uống mấy chén cho phải phép.

4.Tôi ngả ngốn, nửa nằm nửa ngồi tựa vào cánh cửa và góc tường. Tôi giận vợ tôi xử tệ, để tôi say rượu nằm ngoài cửa giữa đêm đông giá rét. Được, không mở cửa thì tớ đi ngủ khách sạn, nhà nghỉ cho chết. Được, tớ sẽ bỏ xe máy ở đây, kệ cho mấy tên trộm mang đi. Tôi lụi hụi tìm điện thoại và khi thấy nó rồi, tôi mới sực tìm chiếc ví.

Ví còn, nhưng không còn lấy một đồng xu. Vì trước đó tôi lại tranh trả tiền, dù sếp nói sếp mời. Tôi đứng dậy, gạt chân chống xe máy. Chiếc xe nặng trĩu vít xuống, tôi lấy sức đẩy lên nhưng lại đẩy mạnh quá khiến nó đổ kềnh về phía bên kia. Những đốm màu bạc dài dài bắn ra. Mùi tanh xộc lên mũi đánh thức tôi. Đó là những con cá chày. Dưới ánh sáng của chiếc điện thoại, tôi vẫn nhận ra cá chày đỏ mắt. Tôi ngồi xuống nhặt từng con cá, bỏ vào túi ni-lon.

Hình như có tiếng kẹt cửa…

Lâm Phong
Theo Tienphong​
 
Back
Top