'Bi kịch' mang tên: Cá tầm nội - ngoại

Jolie

Member
[h=2]Trong khi bạn đang ngồi ở một nhà hàng sang trọng, xuýt xoa thưởng thức món cá không xương ngon tuyệt được quảng cáo là cá tầm nội địa, thì rất nhiều khả năng, bạn đang bị lừa dối.[/h]
Đích thân tác giả bài viết này cũng đã có lần được mời dự tiệc tại một nhà hàng hạng sang chuyên cá tầm ở phố Nguyễn Thị Định (Hà Nội). Bên cạnh những khẩu hiệu cam kết 100% nguyên liệu cá được lấy từ Tam Đảo hoặc SaPa, chủ nhà hàng còn cẩn thận trang trí phòng ăn bằng một bức ảnh khổ lớn, in cảnh đánh bắt thủy sản của người dân trên một hồ nước xanh trong và chú thích "Đánh bắt cá tầm ở hồ Tam Đảo". Sẽ chẳng có gì xảy ra nếu như hôm ấy, một người bạn của tôi lại là người Vĩnh Phúc, ghé sát tai thì thầm: "Đến tên hồ còn viết sai thì lấy gì đảm bảo đây là cá tầm chuẩn. Lại đồ Trung Quốc rồi ông ơi...".
Hỗn loạn thật giả
Hôm ấy, người bạn quê Vĩnh Phúc của tôi sau khi quan sát bức tranh bị chú thích sai đã tỏ ra vô cùng thất vọng, nói: "Bà con nuôi được một con cá tầm thì tương đối vất vả. Ngoài việc phải chọn đúng vùng miền có khí hậu phù hợp, trang trải chi phí thức ăn đắt đỏ, lại phải mất thời gian dài mới có thể xuất đi một lứa cá. Thế nhưng vì lợi nhuận, nhiều nhà hàng đã sử dụng cá tầm nhập lậu từ Trung Quốc, lớn xổi, chất lượng không đảm bảo nhưng lại trưng biển cá tầm nội để lừa dối khách hàng".
2%20%281%29.JPG

Người dân Tam Đảo chủ yếu nuôi cá trong bể nước.
Trong khi tôi còn đang băn khoăn trước những quy chụp vội vàng, thì Nguyễn Hải Nam, tên người bạn, đã vội vã minh chứng: "Thứ nhất, chẳng có hồ nước nào tên là hồ Tam Đảo. Thứ hai, dân quê tôi không ai nuôi cá tầm ở hồ nước mà ở cá được nuôi trong bể gạch hình tròn, láng xi măng mịn tạo thêm độ bền, chống thấm nước và được đặt trên mặt đất. Người chủ nhà hàng treo bức ảnh này thì đúng là không hiểu và cũng không yêu nghề. Mà khi đã không hiểu, không yêu thì chắc chỉ chạy theo lợi nhuận. Và khi ấy sử dụng cá tầm nhập lậu Trung Quốc là điều tất nhiên bởi giá cả rẻ hơn rất nhiều".
Theo lời Nam, giá cá tầm nhập lậu từ Trung Quốc bỏ sỉ đến tận cửa các nhà hàng ở thời điểm hiện tại dao động từ 150 - 170 nghìn đồng/kg, trong khi giá cá nội thì lên tới 250 - 270 nghìn đồng/kg. Ngoài việc rất khó để người dân phân biệt bằng mắt thường cũng như khẩu vị khi đã chế biến, lý do duy nhất để cá tầm nội còn có thể cạnh tranh được với cá tầm có nguồn gốc Trung Quốc là giá trị dinh dưỡng. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là suy đoán chủ quan của những người trong nghề. "Do sử dụng các biện pháp kích thích tăng trưởng, cá tầm từ Trung Quốc lớn rất nhanh, chỉ mất 6-7 tháng là đã đạt đến trọng lượng 2kg/con. Cùng trọng lượng ấy, cá tầm nuôi ở Việt Nam phải mất gấp đôi thời gian. Điều đó đồng nghĩa với việc hàm lượng dinh dưỡng cũng cao hơn rất nhiều", Nam cho biết. Tuy nhiên, người bạn cũng nhấn mạnh: "Cá tầm nhập từ Trung Quốc rẻ như vậy vì nó được nhập lậu là chủ yếu. Còn nếu "chơi ngang phân", cũng chẳng có cửa đấu với cá nội của mình đâu".
Sau phát hiện tình cờ của Nam, bữa tiệc linh đình hôm ấy của chúng tôi bỗng dưng nhạt nhẽo đến vô vị. Nam buông đũa cáo bận về sớm, tôi tò tò bám sát theo sau, chẳng dám thở mạnh vì nghĩ cậu bạn vong niên đang rất buồn, nỗi trăn trở với nghề cá đang ngày càng bị điêu đứng tại quê nhà khiến mặt Nam sạm lại, như muốn thét to thành tiếng.
1%20%285%29.JPG

Bi kịch "cá tầm nội 100%"
Tôi và Nam chơi với nhau từ thời đại học, sau khi ra trường, mỗi người một ngả nên ít có dịp qua lại. Mấy năm mất liên lạc, tôi loáng thoáng nghe tin cậu bạn cũ có lúc về quê nuôi cá, có lúc lại vào tận Quảng Ngãi khai thác quặng, nhưng tựu chung là vẫn luôn no ấm. Ngày gặp lại ở Hà Nội trong một tiệc liên hoan, không ngờ cơ sự lại xoay ra tréo ngoe đến thế.
Vì sao cá Trung Quốc rẻ?Theo các chuyên gia thủy sản, giá cá tầm Trung Quốc rẻ như vậy hoàn toàn có cơ sở. Theo đó, cá tầm là giống cá xứ lạnh. Ở nước ta, giống cá này thường được nuôi ở nơi có thổ nhưỡng, khí hậu phù hợp như Đà Lạt, SaPa, Thái Nguyên. Sở dĩ, giá cá tầm trong nước đắt không chỉ bởi điều kiện nuôi khó khăn mà còn do Việt Nam chưa chủ động được về con giống và thức ăn. Tất cả đều phải nhập từ các nước Đông Âu. Việc nuôi cá tầm tuân thủ đúng quy trình nuôi nên chất lượng rất tốt. Bước đầu Việt Nam đã sản xuất được thức ăn nuôi cá nhưng giá thành vẫn còn cao, gấp đôi, thậm chí gấp 3 giá cá tầm Trung Quốc. Ngược lại, Trung Quốc là xứ lạnh, họ lại chủ động được thức ăn, con giống nên giá thành rẻ hơn. Đã thế, cá Trung Quốc lại được nhập lậu vào Việt Nam, trốn thuế nên lại càng khiến cá tầm nội khó khăn hơn trong việc cạnh tranh về giá.
Phải mất gần 10 phút sau khi lên xe, Nam mới bắt đầu nói câu đầu tiên với tôi, là một tâm sự buồn bã: "Bữa trước đi họp với Tập đoàn cá tầm Việt Nam, anh Đức (ông Lê Anh Đức, tổng giám đốc - PV) có phát biểu rằng mỗi năm có từ 4.000 đến 5.000 tấn cá tầm Trung Quốc nhập lậu vào Việt Nam. Rồi lại nói rằng nhiều trang trại nuôi cá tầm trong nước có cơ sở vật chất rất khiêm tốn nhưng ngày nào cũng xuất đi dăm bảy tấn cá nên từ đó suy ra phần nhiều cá tầm trong nước bây giờ là của Trung Quốc. Hay nói cách khác là chúng ta đang thua đau ngay trên sân nhà. Người nông dân đang lao đao vì cá lậu Trung Quốc còn khách hàng thì liên tục bị lừa dối".
Lý giải về nguyên nhân bùng phát nạn buôn lậu cá tầm không rõ nguồn gốc từ Trung Quốc về Việt Nam, cậu bạn người Vĩnh Phúc cho biết: "Cá nhập bên kia có 50.000-70.000 đồng/kg, khi về tới Việt Nam, cánh buôn lậu bán cho các đại lý bán lẻ ở các chợ với giá là 120.000-150.000 đồng/kg, còn vào các nhà hàng 150.000-170.000 đồng/kg. Mỗi chuyến hàng về Hà Nội dao động từ 1 đến 1,5 tấn cá, nếu trót lọt, chúng kiếm được 30-40 triệu đồng. Lãi suất khủng khiếp như vậy nên với chế tài chỉ bị xử phạt hành chính như hiện tại chẳng đủ khiến cánh buôn lậu chùn tay sợ hãi".
Đã thế, ở thời kỳ vàng thau lẫn lộn như hiện nay, rất nhiều tiểu thương ở chợ hay nhà hàng - khách sạn tiếp tay tiêu thụ cho cánh buôn lậu cá tầm và quay lưng với cá tầm nội. "Cứ rẻ thì họ nhập và bán thôi. Nhưng khi hỏi thì tất thảy đều khẳng định là hàng Tam Đảo hoặc SaPa "xịn". Thử hỏi, cả miền Bắc chỉ tự cung ứng được từ 30-40 tấn cá tầm/tháng trong khi nhu cầu của người dân là cả trăm tấn thì lấy đâu ra?", Nam ngao ngán nói. Chính vì vậy, sau một thời gian người dân cũng lo lắng về việc mình đang bị lừa ăn cá tầm Trung Quốc thay vì cá tầm Việt, rất nhiều nhà hàng ở Hà Nội đã trưng biển cam kết về chất lượng cá tầm của mình. Tuy nhiên, câu chuyện ở nhà hàng trên phố Nguyễn Thị Định là một minh chứng khiến chúng tôi mất dần niềm tin vào những cam kết như đinh đóng cột đó.
Quá trình "Việt hóa" cá tầm lậu
Theo tìm hiểu của PV báo điện tử Người đưa tin, do lãi suất khủng khiếp từ việc buôn lậu cá tầm, nên từ khoảng 3-4 năm trở lại đây, rất nhiều cung đường buôn lậu đã được giới buôn cá lập lên để giúp con cá tầm Trung Quốc ngạo nghễ "bơi" vào đất Việt.
Từ nước bạn, cá tầm được dân buôn đưa về tập trung sát cửa khẩu Việt - Trung tại 4 tỉnh Quảng Ninh, Lào Cai, Cao Bằng, Lạng Sơn rồi theo đường tiểu ngạch đi sang bên này biên giới. Tại những tỉnh có đường sông như Lào Cai, cá tầm sẽ được gây mê, cho chết lâm sàng ở độ lạnh nhất định rồi xếp trong hộp xốp, theo các thuyền cá nhân chèo về Việt Nam. Còn với những tỉnh chỉ có đường bộ, con cá tầm lại "ngủ" trên lưng những tay cửu vạn.
Sau khi đưa qua biên giới trót lọt, cá tầm lậu sẽ được chuyển đến các ao nuôi, hồ nuôi trong nước. Tại đây chủ các ao nuôi sẽ lo lót, móc nối với các đối tác địa phương để làm "giấy khai sinh" cho cá, chứng minh nguồn gốc hợp pháp của cá, chủ yếu là để biến cá Trung Quốc thành cá nội 100%. Sau đó, với "bản lý lịch" mới, cá tầm lậu được vận chuyển đi khắp nơi. Nhiều nhà hàng biết điều này, nhưng vì lợi nhuận, vẫn nhắm mắt nhập cá tầm Trung Quốc để bán cho thực khách mặc kệ khẩu hiệu của nhà hàng là "cam kết chỉ bán cá tầm nội".
Long Nguyễn
Xin qúy bạn ủng hộ các nhà tài trợ của chúng tôi . Thành thật cám ơn



 
Back
Top