Bi kịch “xưởng may đen” trên đất Nga

Jolie

Member
Sáng 10/3/2011, tại một xưởng may "đen" (hoạt động chui) của người Việt ở ngoại ô Moscow, Liên bang Nga, đã xảy ra hỏa hoạn. Thi thể cháy đen của 3 phụ nữ và 2 nam thanh niên người Việt được các nhân viên cứu hộ đặt nằm trên nền tuyết trắng lạnh giá khiến cả cộng đồng bàng hoàng... Đây không phải lần đầu tiên những hình ảnh thương tâm này xuất hiện trên truyền thông Nga.

7-15032011s.jpg


Những nạn nhân của vụ hoả hoạn (Ảnh TTXVN).

Thách thức xưởng may "đen"

Ban cộng đồng người Việt cũng khuyến cáo: Thời gian gần đây, phương tiện thông tin đại chúng Nga thường xuyên đưa tin về việc các cơ quan chức năng LB Nga kiểm tra và tạm giữ nhiều công nhân Việt Nam làm việc ở các xí nghiệp may do người Việt Nam làm chủ, có nơi tạm giữ hàng trăm người. Ban công tác cộng đồng Đại sứ quán cũng thường xuyên nhận được nhiều phản ánh của bà con ta đang làm việc ở các xí nghiệp may cầu cứu, giải thoát cho họ vì họ đang bị giam cầm không cho giao dịch với bên ngoài, bị cưỡng bức lao động khổ sai, không được trả lương hoặc trả lương rất ít.

Trong năm 2009, 2010 cơ quan chức năng của Nga đã phát hiện hàng chục xưởng may "đen" của người Việt, bắt và xử lý hàng nghìn công nhân lao động bất hợp pháp. Ngày 12/4/2010, một xưởng may bất hợp pháp của người Việt nằm trong trang trại trồng rau tại thành phố Noginsk cũng bị cháy khiến 2 người Việt thiệt mạng. Sự việc nhức nhối này đã làm đau đầu các quan chức địa phương, làm ảnh hưởng rất xấu tới hình ảnh người Việt tại Liên bang Nga.

Được biết, Đại sứ quán Việt Nam tại Nga rất quan tâm tới vấn nạn xưởng may "đen", nhiều lần gặp gỡ khuyên răn, cảnh cáo, tuyên truyền pháp luật tới các chủ xưởng may này. Thế nhưng, mọi cố gắng gần như bất thành bởi nhiều lý do khác nhau. Thứ nhất, do đặc thù luật pháp của Nga vẫn còn nhiều khe hở trong việc quản lý người nhập cư. Ví dụ, chỉ cần vẻn vẹn tờ giấy mời du lịch là bạn có thể xin cấp visa vào Nga hợp pháp. Vào Nga, không ít công dân Việt đã sống trôi nổi nhiều tháng, thậm chí nhiều năm mà không bị phát hiện. Và tất nhiên, đối với những trường hợp sang Nga kiểu như vậy, Đại sứ quán không thể kiểm soát, trừ khi có việc bất trắc xảy ra được chính quyền nước bạn thông báo để giải quyết hậu quả như tù tội, bệnh tật, chết chóc.

Thứ hai, lãnh thổ Nga quá rộng lớn cũng được xem là lý do khiến chính quyền gặp khó khăn trong việc kiểm soát người nhập cư. Các xưởng may "đen" mọc lên như nấm, dỡ chỗ này lại xuất hiện ở chỗ khác.

Lý do thứ ba cũng là lý do hấp dẫn nhất đối với các chủ xưởng may "đen" là lợi nhuận khổng lồ từ việc tiết kiệm chi phí bắt buộc để mở xưởng một cách hợp pháp. Ngoài ra còn khoản lợi nhuận từ việc trốn thuế, nhái mác, làm hàng giả mà chỉ xưởng "đen" mới dám làm. Chính vì vậy, một số chủ xưởng hiểu rõ pháp luật nước bạn, biết những việc mình đang làm là phạm pháp, nhưng họ vẫn lao vào như những con thiêu thân.

Xưởng may "trắng" chịu sự quản lý chặt

Xưởng may "trắng" nghĩa là minh bạch, công khai, hợp pháp được các cơ quan chức năng của Nga cấp phép hoạt động. Để xây dựng xưởng may "trắng", phải có rất nhiều tiền, kèm theo sự kiên nhẫn. Một ông chủ nếu không có hai thứ trên coi như không dám thực hiện ước mơ làm ăn lương thiện. Muốn mở một xưởng "trắng" trước tiên phải có bất động sản, nghĩa là phải có một mặt bằng rộng lớn và sở hữu dài hạn, trong khi điều này cực kỳ khó khăn bởi vì các chủ đất địa phương thường ngại dính tới người nước ngoài và đều không muốn cho thuê lại. Tiền mua và làm thủ tục đứng tên chính chủ mảnh đất có thể xây xưởng lên tới cả triệu đô. Khi đã có đất rồi phải thành lập công ty, đăng ký mở xưởng. Khó khăn tiếp theo là nguồn nhân lực.

ông chủ nào cũng muốn tuyển thợ người Việt bởi sự chịu khó, thông minh, sáng tạo và khéo tay. Những đức tính này ăn đứt lao động người Nga và các quốc gia khác. Tuy nhiên, ở Nga, lao động bản xứ phải được ưu tiên trước. Muốn lấy 200 công nhân, chủ xưởng bắt buộc phải gửi đơn xin tuyển người đến phòng lao động Quận. Sau đó, muốn lấy thợ may Việt, phải ngoại giao với phòng này để được cấp giấy phép tuyển lao động nước ngoài. Việc này có khi phải mất cả năm trời cộng với rất nhiều thủ tục phức tạp khác...

Một điều luật gây không ít khó khăn cho những người muốn sản xuất hợp pháp ở Nga là việc quản lý con người. Khi công nhân được cấp visa và sang đến nơi, sau 3 ngày chủ cơ sở sản xuất phải tiến hành làm thủ tục nhập khẩu. Công nhân bắt buộc phải đi thử máu, thử nước tiểu, thử HIV và đặc biệt phải có giấy xác nhận không tiền án, tiền sự ở Việt Nam. Theo luật Nga, 6 tháng đầu tiên, chủ xưởng phải nộp cho công nhân khoản tiền bảo hiểm, quỹ hưu trí, thuế thu nhập với 30% mức lương tối thiểu. Hiện nay mức lương tối thiểu của Nga khoảng 12.000 rúp, tính ra mỗi công nhân phải nộp 3.600 rúp/tháng (tương đương với hơn 100 đôla Mỹ). Và từ tháng thứ 7 trở đi, số tiền cần nộp được giảm còn 13%. Ngoài khoản tiền trên, cộng thêm tiền chi phí phụ để làm khẩu như phí khám bệnh, phí giấy tờ... thì trung bình một năm, một chủ xưởng phải chi phí cứng cho một công nhân khoảng 2.500 USD chưa kể tiền lương. Tính sơ qua, nếu một xưởng có 200 công nhân, thì chủ xưởng mỗi năm phải bỏ ra 500.000 USD.

Ngoài ra, một xưởng sản xuất bắt buộc phải có đầy đủ cơ cấu như ban giám đốc, kế toán, công đoàn, phải có nhà ăn, chỗ ở, nơi sinh hoạt văn hóa, thể thao dành cho công nhân theo đúng tiêu chuẩn Liên bang. Đương nhiên, đáp ứng đủ điều kiện trên, lao động sẽ được đảm bảo quyền lợi như một công dân Nga. Trong quá trình sản xuất, xưởng may phải chấp nhận một quy chế kiểm tra thường xuyên của các ban ngành và đặc biệt không được sản xuất hàng nhái, hàng giả.

Chạy theo lợi nhuận khủng

Năm người Việt bị thiệt mạng trong vụ hỏa hoạn sáng 10/3 là Nguyễn Văn Thành (SN 1980, quê Thanh Hóa); Nguyễn Kim Chiến (SN 1980 quê Hưng Yên); Nguyễn Thị Lương (SN 1972 quê Hưng Yên); Nguyễn Thị Lâm (SN 1989, quê Bắc Giang) và Đặng Thị Huyền (SN 1982 quê Hưng Yên). Hai người bị bỏng đang được điều trị tại bệnh viện là Lã Văn Lực (SN 1992 quê Hưng Yên) và Hồ Anh Việt (Nghệ An). Theo bác sỹ bệnh viện Ivanchevka, hai người bị thương khá nặng, nhưng không nguy hiểm đến tính mạng. Xưởng may bị cháy trước đây vốn là Nhà máy dệt cũ. Chủ xưởng may này tên là Quân, vợ là Hương. Anh Lã Văn Lực cho biết khi xảy ra hỏa hoạn có khoảng 20 người đang làm ca đêm.

Do quy trình để thành lập và đi vào sản xuất của một xưởng may "trắng" quá phức tạp và tốn kém, dẫn tới việc một số chủ sản xuất nhỏ nhụt ý chí, mặc dù rất muốn được sản xuất hợp pháp ở Nga. Hơn nữa, việc mở một xưởng may "đen" lại quá dễ dàng và đem lại lợi nhuận khủng dẫn tới việc người ta đua nhau làm chui mà không để ý tới hậu quả. Không công ty, không tài sản cố định, không hợp đồng với công nhân, không cần tuyển người hợp pháp, không đóng khẩu cho công nhân, chỉ cần thuê được một vị trí hợp lý như biệt thự bỏ hoang, nhà xưởng tồi tàn, cũ kĩ, nông trường phá sản... là có thể mở xưởng may "đen".

Vài chục máy khâu, nơi ăn ở tồi tàn, dăm chục đến hàng trăm công nhân du lịch không hộ chiếu, giấy tờ tùy thân, làm việc 12-14 tiếng một ngày, chủ xưởng không trả lương đầy đủ, dùng luật rừng để quản lý công nhân là nét chung nhất của các xưởng may "đen" người Việt tại Nga. Đã không mất một khoản chi phí nào, lại làm hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng mà không sợ bị kiểm tra (nếu bị kiểm tra, thì chủ xưởng cũng không bao giờ có mặt ngoài những công nhân tội nghiệp không giấy tờ tùy thân), xưởng may "đen" thực sự là "những con gà đẻ trứng vàng" mang lại lợi nhuận béo bở cho các chủ xưởng.

Sự tồn tại của xưởng may "đen" tại Nga đã mang lại rất nhiều thiệt thòi cho các xưởng may "trắng" nói riêng và cho cộng đồng người Việt ở Nga nói chung. Những hình ảnh được phát rất nhiều trên truyền hình Nga về các vụ cháy, vụ bắt bớ xưởng may "đen" làm cho nhiều người Nga có cái nhìn thiếu thiện cảm với lao động Việt Nam, những người lao động cần cù, chịu khó nhưng cũng rất nhẹ dạ, cả tin.


Ngô Tiến Điệp
(theo ĐS&PL)
 
Back
Top