T
T$
Guest
Bi, Đừng Sợ!
Không có truyện, không có kịch tính, không có cao trào… là những gì mà người ta có thể nói về bộ phim được quảng cáo rùm beng - Bi, Đừng Sợ. Bộ phim như một lát cắt đầy tinh tế, mô tả một cuộc sống đẹp mà bí bách trong lòng những mối quan hệ phức tạp giữa con người của mảnh đất Hà Nội. Đó không phải là hiện thực cuộc sống mà tôi và bạn có thể trông thấy thường ngày, mà là một bức tranh đã được điện ảnh hoá theo con mắt cảm nhận của riêng đạo diễn Phan Đăng Di.
Bi, Đừng Sợ nói về cuộc sống của một gia đình trong lòng Hà Nội với những rắc rối của riêng mình. Câu chuyện thực sự bắt đầu khi ông nội Bi trở về nhà sống cùng gia đình sau nhiều năm xa cách. Sự xuất hiện của người ông nội đem tới cho Bi sự háo hức, lạ lẫm nhưng không có một chút gì ảnh hưởng tới con trai và con gái của ông. Người cô luống tuổi chưa chồng vẫn ngày ngày đi dạy học và bắt đầu mối quan hệ với một người đàn ông quen qua mai mối. Người cha đắm chìm trong những bữa nhậu vô tận, thoái thác trách nhiệm. Trong khi đó, người mẹ chăm sóc cho người ông bằng những viên đá lạnh, cam chịu trước sự hờ hững của chồng. Những nỗi niềm, những khoảng trời riêng của các thành viên trong gia đình cũng dần dần được hé lộ, và đan xen giữa niềm vui, nỗi buồn còn có cả những xúc cảm tê buốt, sâu kín.
Trong buổi công chiếu, đạo diễn Phan Đăng Di đã công khai lên tiếng “không hài lòng lắm” với bản phim chiếu rạp đã bị cắt dựng lại cho hợp với số đông khán giả. Với những tác phẩm như thế này, việc chỉnh sửa, đẽo gọt như vậy là rất tối kỵ, bởi từng cảnh quay, từng góc máy trong phim đều mang những ý đồ nghệ thuật và nội dung nhất định được tác giả gửi gắm vào. Bản phim không hoàn chỉnh rất dễ ảnh hưởng tới cảm xúc của khán giả, tạo không khí hoang mang bởi những cảnh phim quan trọng tới sự phát triển câu chuyện đều bị dỡ bỏ, từ đó sẽ tạo ra sự khó hiểu rất nguy hiểm đối với những bộ phim vốn đã không dễ xem này.
Những bộ phim nghệ thuật của các tác gia Satyajit Ray, Apichatpong Weerasethakul, Trần Anh Hùng… sẽ hoàn toàn mất đi ý nghĩa nếu mất đi một vài cảnh, một vài đoạn chuyển biến tâm lý của nhân vật, thậm chí, việc sắp xếp cảnh nào đứng trước cảnh nào cũng có thể tạo ra một lớp nghĩa ngầm ẩn nhất định. Phan Đăng Di khai thác những ngôn ngữ mà chỉ có điện ảnh mới đem lại được, và anh ít nhiều đã thành công với sự cố gắng này.
Bộ phim được dựng cắt, chuyển cảnh một cách đột ngột, như thể chuyển từ trạng thái cảm xúc này qua trạng thái cảm xúc khác, như thể mô tả bản chất thực sự của cuộc sống, của tình cảm của con người. Đạo diễn Phan Đăng Di cũng cố tình lảng tránh các yếu tố cơ bản để tạo nên kịch tính, không đặt nhân vật trước thử thách để họ phải giải quyết, không giải thích những biến chuyển tâm lý của họ… Thế nhưng, cái mà Bi, Đừng Sợ tạo ra chính là những cảm giác rất hiện thực nhưng đồng thời cũng rất khó giải nghĩa trong các mối quan hệ của con người, thông qua việc trộn lẫn nhiều câu chuyện của nhiều nhân vật vào với nhau, gói ghém vào chung một gia đình.
Vẫn là một Hà Nội thân thương hiện lên, nhưng cảnh trong Bi, Đừng Sợ không bị lệ thuộc vào những lề thói cũ của việc mô tả Hà Nội vốn chỉ gắn liền với Hồ Gươm, Văn Miếu… Bộ phim đã ghi lại những khoảnh khắc ấn tượng, thân quen, giản dị tới mức ai cũng thấy nhưng lại bỏ qua trong cuộc sống ngày nay. Đó là một quán bia với những “bợm nhậu” đang tán chuyện sau giờ tan sở, là cánh đồng lau sậy tại bãi giữa sông Hồng, là những con phố nhỏ hẹp, những quán café ẩn sâu trong ngõ tối tăm…
Tuy nhiên, ẩn chứa bên trong cái vỏ bọc đẹp đẽ ấy là những tâm hồn bí bách, mong muốn có một sự giải thoát triệt để. Những hình ảnh còn thể hiện tính bức bối rõ ràng thông qua việc dàn cảnh có phần méo mó và ánh sáng mù mờ, chỉ phản chiếu nhân vật giữa một phông nền đen. Như trong cảnh bữa ăn tối đầu tiên khi người bố trở về, góc máy quay tạo một cảm giác không cân xứng về khuôn hình, khác hẳn với cảnh 3 người phụ nữ ăn uống cùng Bi trước đó.
Những người phụ nữ trong Bi, Đừng Sợ mạnh mẽ nhưng luôn có sự bức bối, khát khao tình cảm bên trong mà phải kìm nén. Nỗi dày vò, bứt rứt của người cô khi cảm nhận cơ thể và tâm hồn đầy non trẻ của một cậu thanh niên, cũng như sự nhẫn nại, tấm tức bên trong của người mẹ được lột tả qua những suy nghĩ, hành động đầy táo bạo đến rùng mình.
3 người đàn ông trong phim có rất ít sự liên hệ với nhau, người bố không hề tiếp xúc với người ông, người con ít tiếp xúc với cả người bố, chỉ có sự thơ ngây của Bi là giúp cậu gắn kết phần nào với người ông đang cận kề cái chết. Chỉ đến khi cái chết ập đến, họ mới có những sự biến chuyển thật sự: người bố dắt người con đi ăn phở như muốn làm nóng lại tình cảm bố con lạnh nhạt bấy lâu, người bố ngồi tưởng niệm trong căn phòng của bố mình như thể muốn lĩnh hội cái không khí đầy tính trải nghiệm của người ông… Và rồi sau đó, mọi điểm nhìn được dồn vào Bi, một hiện thân của sức sống trẻ đang nảy sinh, hình ảnh Bi ngước nhìn một chiếc máy bay xa về phía chân trời như thể chiêm ngưỡng một điều kỳ bí đang trôi dần xa, mãi không tìm ra lời lý giải.
Ngay ở những phút đầu tiên, hình ảnh những công nhân nhà máy cưa, đục những tảng đá trong muốt, như thể phá đi một cái gì đó rất đẹp đẽ, những khoảnh khắc đẹp được đông cứng lại trong xã hội hiện đại. Và sau đó, trong suốt chiều dài của bộ phim, những hình ảnh đẹp đẽ và mạnh bạo được lần lượt xuất hiện, tạo ra một không khí lạ mà rất ít ai có thể chạm tới được, như cảnh người ông nôn ra máu sau khi ngửi một bông hoa đẹp, cảnh 2 đứa trẻ cào xé một quả dứa hấu… Bộ phim sử dụng nhiều hình ảnh mạnh tương phản với cái nét trong trẻo, đẹp đẽ của cuộc sống, làm nổi bật lên sự khắc nghiệt giữa chốn đô thị, như một lời thổ lộ rằng cái đẹp chẳng bao giờ tồn tại mãi, nó có thể mất đi hay chuyển hoá sang một dạng khác, như cái hình tượng viên đá chỉ chờ thời gian để tan chảy.
Bi, Đừng Sợ là một bộ phim kỳ lạ bởi nó không kể lại cho người xem nội dung theo một cấu trúc tự sự thông thường. Bộ phim không chú trọng vào câu chuyện mà tập trung vào cảm giác trong từng cảnh quay. Và đối với một bộ phim nghệ thuật “thuần cảm giác” như thế này, có lẽ phần đông khán giả sẽ bị "thách thức" cao độ suốt quá trình xem phim.
kenh 14