Bay đi những cơn mưa

Jolie

Member
Đã mười giờ tối. Tháng mười. Mùa Katê. Katê nào cũng mưa, mưa dai dẳng. Trời như muốn làm dầm. Nước mưa từ mái ngói nhỏ giọt tí tách xuống hiên nhà.


Tiếng ễnh ương từ những bụi cây quanh khuôn viên nhà nghe rõ mồn một. Xa, tiếng côn trùng. Gần, tiếng mưa. Mở bóng điện dài sáng trưng, tôi nửa nằm nửa ngồi trên chiếc trường kỷ, nhìn ra ngoài trời đêm qua cửa sổ cánh mở, cánh khép hờ và lắng nghe tiếng mưa rơi.

Dù cửa lớn đã đóng chặt, cuộc thảo luận sôi nổi của cánh đàn ông đang "gầy độ" ở phòng ngoài vẫn xuyên qua lớp ván, như muốn át cả tiếng muôn trùng, tiếng nhạc mưa.

Buổi chiều. Mấy em trai của chồng tôi ở làng bên qua chơi. Họ gầy độ. Mùa Katê mà! Tôi cũng xin nghỉ ở bệnh viện ba ngày để ăn Katê, đúng hơn để phục vụ chồng con và bạn bè tứ phương đổ tới chơi Katê. Chồng tôi giữ chức phó ban kế toán tỉnh nên bạn bè khá đông. Katê đã qua hai ngày. Ngày mai nữa là xong. Nói như anh bạn làm chung bệnh viện với tôi là đã qua cao trào. Tối nay chỉ có anh em trong nhà với nhau, nhưng không phải là không hứa hẹn trắng đêm.

Thằng em lớn của chồng tôi vừa tốt nghiệp cử nhân kinh tế ở Sài Gòn. Nghe nói bên nhà chồng tôi không chịu làm kết hợp với Katê mà tính tổ chức cuộc tiệc riêng xôm trò để rửa bằng cho nó. Có thể là vào tháng sau. Nó thì cực lực phản đối đồng thời tuyên bố là phải thực thi chính sách tiết kiệm từ cơ sở. Tiết kiệm để tái sản xuất mở rộng. Nó nói như thế.

Như lúc này nó đang nói về kinh tế vi mô, vĩ mô gì đó tôi không tài nào hiểu nổi. Nó nói về liên doanh, về công ty đa quốc gia, về tương lai thị trường chứng khoán, sự hội nhập. Thật say sưa. Chồng tôi im lặng, lâu lâu đệm một câu:

- Dzô đã mới tin!

Và có lẽ không vị nào không hưởng ứng, bởi tôi nghe giọng nó cười thật thanh trong. Tôi nhớ anh bạn thời sinh viên của tôi từng nhận định rằng, về mục uống thì chúng ta có thể thua một, hai dân tộc nào đó trên thế giới, riêng khoản bình luận và lên kế hoạch tại bàn nhậu thì chúng ta số một.

Tôi nhớ chồng tôi thời tán tỉnh tôi, cũng y hệt nó. Cũng vẻ nhiệt tình, vô tư và ngây thơ ấy. Có khác chăng là ở hạn từ. Thời đó anh nói công nghiệp hóa và điện khí hóa nông thôn, ưu tiên cho công nghiệp nặng, vân vân và vân vân…, tôi không nhớ hết.

Lâu quá rồi. Rồi khi chúng tôi có hai mặt con, anh quay sang nói về VAC. Nói là làm. Không hiểu anh xoay tiền đâu xây ngay một lúc hai mươi cái chuồng lợn tráng xi măng, đào ao cá hết nửa sào đất, sau đó ao cá được chuyển sang thả rau muống phát triển tự do, chuồng thì mới mang ra sử dụng ba rồi giảm còn hai cái. Heo nái được nỗi sức khỏe tốt nhưng luôn thực hiện sinh đẻ kế hoạch.

Còn bây giờ, anh chỉ còn biết bình luận về cuộc nhậu hôm qua và vạch chương trình cho độ nhậu sắp tới. Nếu có anh bạn thơ tôi ở đây, chắc anh sẽ bảo đó là sự xuống cấp của hoài bão rồi.

Tội nghiệp anh! Hai mùa Katê đi qua không thấy anh về quê. Nghe nói anh dắt vợ con đùm đề vào thành phố sống. Kẻ bảo anh được người bạn cũ ăn nên làm ra bảo bọc, người nói anh vào Sài Gòn làm thơ đăng báo rất khá.

Nhưng làm gì thời buổi này thơ thẩn có thể nuôi một vợ với ba thằng nhóc. Mà anh lại không khi nào chịu cho con thất học. Nói gì thì nói, chắc chẳng ra hồn rồi. Vì dẫu sao mùa Katê cũng phải về làng chứ. Thiên hạ đi xa về càng chi bạo. Vậy mà bây giờ… Tôi không dám nghĩ nữa. Lòng tôi như có muối xót.

Tôi không nhớ giữa chúng tôi có cảm tình đặc biệt gì với nhau không. Gần quá nên không biện biệt thứ gì với thứ gì. Chúng tôi học chung lớp từ nhỏ. Lên đại học, tôi vào y khoa, anh vô tổng hợp.

Được nửa năm hai anh đột ngột bỏ về và tuyên bố một câu xanh rờn là thiên tài thì không để ai dạy bảo cả. Dĩ nhiên học thì anh số dzách rồi, nhưng nếu chưa giật được cử nhân thì anh nói ai chịu nghe.

Anh ngó chòng chòng vào mắt tôi rồi nói với giọng châm chọc mi nghĩ bằng tiến sĩ cần thiết cho một thi sĩ à. Anh hỏi vặn rồi kí tặng tôi tập thơ chép trên vở học sinh. Một trường ca, anh nói.

Bẵng đi một năm, thình lình tôi nhận liên tiếp gần mươi bức thư dài của anh. Hàng trăm trang thư với những ước mơ, hoài bão, kế hoạch ngắn và dài hạn. Anh nói anh vừa khám phá người Champa đã sáng tạo một nền văn học thật tuyệt vời mà đỉnh cao là Ariya Glang Anak.

Anh nói anh có sứ mệnh làm cho nhân loại biết đến thi phẩm vĩ đại này. Nó phải được dành một vị trí quan trọng trong văn học sử Việt Nam. Riêng anh, như là một hậu duệ xuất sắc của Glang Anak, anh sẽ đi vào văn học sử Việt Nam bằng những bước thênh thang của mình. Với tôi, anh khuyên phải là một Schweitzer của dân tộc Chăm. Thực ra thuở đó, tôi chưa được biết ông này là ai cả.

Thế rồi bảy năm miệt mài, tôi cũng ra trường. Oách lắm, bởi đây là một trong những nữ bác sĩ đầu tiên của Chăm. Tôi sẽ tỏ ra thật xuất sắc. Tôi sẽ cứu những ca bệnh hiểm nghèo. Tôi sẽ là một ngôi sao của bệnh viện tỉnh.

Chồng tôi cũng phải là một con người nổi tiếng, có nhiều cống hiến cho dân tộc. Chúng tôi sẽ vực xã hội Chăm dậy. Rồi chuyện cũng đến. Qua những sắp xếp của người lớn với nhau, một năm sau, tôi cưới chồng. Khá xứng đôi vừa lứa, nghĩa là anh cũng mang đầy ắp hoài bão. Chỉ phiền tôi được trên phân về bệnh viện huyện. Không sao, tôi tin vậy.

Và tôi như quên bẵng đi người bạn thơ của mình ngày trước. Cả mấy tháng sau đó khi anh lấy vợ cùng quê, tôi cũng không quan tâm đến sang chúc mừng.

Cả lúc nhỏ em của tôi mang khoảng chục bài thơ anh đăng báo khoe tôi đây là dấu hiệu của tài năng, tôi cũng thờ ơ. Những bài thơ tình vô thưởng vô phạt chẳng làm sứt mẻ ai nói chi là lay động một nửa thế giới, tôi nghĩ.

Đồng hồ tường gõ đều mười một tiếng. Có bóng người lộ ra đen ngòm bên ngoài cửa sổ.

- Chị ba múc nhờ em một bình.

Tôi cố mở to mắt để nhận mặt bóng đen. Tưởng tôi từ chối, nó chuyển tông năn nỉ:

- Mùa Katê mà chị!

Khi biết đó là nhà kinh tế vĩ đại tương lai của dân tộc, tôi nói:

- Quý ông mùa nào là chả Katê.

Bóng đen biến mất. Tôi uể oải ngồi dậy, mở cửa, lấy nón đội đi dưới trời mưa. Quán rượu cách nhà tôi bốn con hẻm. Trời tối mò, tôi không đi dép để khỏi phải vướng bùn. Giọt mưa rơi lộp bộp trên nón. Tôi cảm nghe mình cô đơn biết bao.

Tôi nhớ ngày xưa anh bạn thi sĩ của tôi mấy mùa Katê liền hộ tống tôi đi lên và đi xuống đồi tháp. Một lần, chúng tôi mắc mưa suốt đường về. Đến nhà thì cả hai ướt như chuột rớt ao. Nhưng dù sao cũng ấm áp.

Dạo này, anh xuống quá. Ba nhóc tì cơ hồ như muốn lôi anh lặp lại cuộc sống cơ cực của cha ông. Vẫn cái cày đi sau con trâu đi trước. Không thấy thơ anh xuất hiện trên báo nữa. May, lâu lâu anh còn được mời ra Phan Rang sáng tác ít bài bằng tiếng Chăm cho trẻ con học.

Gặp nhau ngoài đường, tôi cũng quen đi với sự không còn chào hỏi anh của mình. Anh thì muôn đời vẫn thế: khuôn mặt gầy buồn, đôi mắt sâu và sáng, cái mũ giở hờ nửa như muốn chào, nửa như không. Những giấc mơ cứ bay đi bay đi…

Tôi bảo cô chủ quán ký sổ cho mình và đỡ lấy nón đi ra. Một giọng phụ nữ ở sau lưng khiến tôi quay lại.

- Phiền mợ nó qua xem giùm cho cháu.

- Nó bị sao? Tôi hỏi.

- Tiêu chảy mợ nó ạ!

- Lại bánh trái mùa Katê chứ gì?

Tôi nguệch ngoạc mấy chữ cho chị qua hàng quán mua thuốc, rồi xách bình rượu đi vào trời mưa. Cả tôi cũng thế. Không thấy đâu những ca bệnh hiểm nghèo để thi thố tài năng. Diện cấp cứu hoặc được chuyển viện hoặc thân nhân bệnh nhân lo đưa vào Phan Thiết.

Ngày qua ngày, tôi kê thuốc nhức đầu, đau bụng cho bà con mà tôi đã thuộc lòng tên tuổi. Tôi kiêm luôn chuyện mổ nhọt, sửa trật khớp. Ra trường với bằng chuyên khoa nội trình độ khá, tôi trở thành bác sĩ đa khoa lúc nào không hay.

Bước vào nhà, tôi nhẹ nhàng đặt bình rượu trước mặt thằng em chồng rồi lẳng lặng đi vào phòng. Tôi bỗng nhớ anh bạn thi sĩ của tôi, cảm nghe buồn khi mùa Katê thiếu vắng bóng gầy gầy thân quen ấy.

Hồi chiều, nhỏ em tôi bảo sách ngữ văn Chăm lại sắp chỉnh lý, chắc anh sẽ trở về. Không hiểu nó báo với tôi hay với nó, bởi trong hai chị em, vài năm nay, nó có vẻ gần gũi với anh hơn tôi.

Chuông đồng hồ gõ mười hai tiếng. Chậm và đều. Rồi không biết bao lâu sau nữa, nó lại gõ thêm một tiếng khô, vang. Bên ngoài giọng của chồng tôi bét nhè:

- Lúc này thì hồn ai nấy giữ nhé!

Một giọng khác tiếp sau đó:

- Ai giữ không nổi thì sút qua cho thằng này giữ cho.

Tiếng gà gáy lác đác trong thôn. Tiếng gáy mất hút trong tiếng mưa. Bao giờ mới kết thúc? Tôi hỏi, âm từ cổ họng bật ra thành tiếng như tiếng nấc. Và chợt thấy mình thèm nghe đọc thơ, dù là bài thơ cho trẻ con.

Bao giờ? Bao giờ?

Tàn một giấc mơ

Khi anh cất to tiếng gọi cổng thì trời vừa đổ mưa. Lúc đó khoảng ba giờ chiều tháng Mười. Nghe tiếng, cô em họ xa của tôi làm bánh dưới bếp chạy ra.

Cửa cổng được quấn chặt bởi hai vòng dây sên xe đạp mà cô em họ tôi lại chưa quen nên lúi húi mãi vẫn không tháo ra được.

- Anh Hân, chị ơi. Dân Sài Gòn về! – Nó gọi vọng qua màn mưa. Tôi chạy ra, băng cả chiều ngang sân đất rộng đến hai chục thước.

Cả người anh ướt sũng. Anh trong tư thế khá buồn cười vừa khom người để tránh cho cái túi xách to kềnh khỏi ướt vừa như muốn tìm chỗ đụt mưa. Thấy tôi đạp mưa chạy tới, anh vội quay lại.

- Để bảo toàn đám rau muống đó mà – Tôi nói khi tháo vòng xích

- Em chào nhà đại thi hào như thế à?

Anh cười rõ to rồi đi vượt qua tôi, vào nhà.

- Anh thay áo vào đi, để em lấy gì anh ăn nhé.

- Thằng Klu đâu em?

- Con đang ngủ anh ạ.

Anh biến mau vào phòng. Tôi mở chiếc túi: trong túi xách lại có vài cái túi nhỏ khác.

- Có cái này cho em.

Anh vừa đến sau lưng tôi. Tôi ngước lên. Anh cúi xuống hôn nhẹ lên trán tôi. Và sẵn tay lôi dưới đáy túi xách lên một gói nhỏ.

- Em mở ra đi – Anh nói. Mở gói, một xấp vải và một bọc tiền.

- Để tiêu pha mùa Katê em. Và dĩ nhiên là cái này. Giọng anh trở nên trang trọng trong khi giơ cao một tập giấy. Tôi nắm lấy cánh tay anh ghì xuống và chộp lấy tập giấy – thơ!

- Mươi bài cả thảy – Anh nói, cười rất ngây thơ. Tôi cũng cười.

- Anh chị có gì vui thế! – Nghe giọng mợ Ba, tôi quay lại.

- Một nhà thơ mới đấy – Tôi nói, đi vội vào phòng trong với tập giấy. Nét chữ in nhảy múa trước mắt tôi. Bốn bài thơ và ba bài viết, ký tên: Chế Dạ Hân. Tên tôi ghép với tên anh đậm nét đầy kiêu hãnh trên trang báo. Năm ngoái ba lần, năm nay bảy lần. Anh bảo còn nhiều tin và bài nữa anh không ký bút hiệu mình.

Tôi nhớ ngày xưa anh nói người Chăm có năng khiếu văn nghệ thể thao. Anh đã chẳng từng đại diện Trường Duy Tân đi dự thi thơ toàn miền Trung là gì. Anh nói cần phải đánh thức tiềm năng này nơi người Chăm. Chúng tôi gặp nhau và lấy nhau cũng bởi lẽ đó.

Nhưng rồi anh vào được đại học còn tôi bị rớt và chuyển qua cao đẳng. Khi tôi tốt nghiệp cao đẳng, chúng tôi lấy nhau, lúc đó anh đang vào năm cuối. Rồi anh ra trường và ở lại thành phố. Thằng Klu chào đời một năm sau đó. Những năm khó khăn, tôi phải bươn chải độ nhật. Anh nói giọng đẫm buồn đành lui một bước thôi để khi nào anh có chân đứng vững chắc ở Sài Gòn rồi mình sẽ quật khởi trở lại.

Tôi chấp nhận kế hoạch của anh. Cả khi nghe anh làm bốc vác bến tàu, tôi đem chuyện ra hỏi, anh nói đó chỉ là phương sách tạm thời, tôi cũng chấp nhận. Và phần nào lấy làm hãnh diện nữa. Rồi thơ anh được đăng một, hai bài. Anh phôtô nó gởi ngay cho tôi. Và hôm nay – ngay một lúc bảy bài cả thảy. Ánh sáng dường như đang tới.

Suốt ba ngày Katê, bạn bè anh kéo tới. Chỉ có rượu và thơ. Anh ngâm thơ anh cho họ nghe. Họ khen nức nở. Anh ngâm cả thơ tôi làm thời con gái họ bảo tràn đầy hứa hẹn. Tôi thấy mắc cỡ, bởi thơ tôi vẫn chưa qua cái ải ráp vần.

Không ít nhà thơ Chăm tương lai mạnh dạn mang thơ tới đọc và nhờ anh cho nhận xét. Anh khen một ít, chê một ít như một quan văn trịnh trọng. Rồi anh lớn tiếng tuyên bố thơ phải xuất phát từ cái tâm và trở lại với cái tâm. Anh chê trường lãng mạn là hời hợt, trường siêu thực là chẳng có gì siêu cả, còn trường tượng trưng dù có đóng góp lớn vào nền thơ ca nhân loại nhưng quá lệ thuộc vào âm nhạc, vân vân và vân vân.

Các tay nhà nông tập tễnh làm thơ chỉ còn biết ngẩng cổ mà nghe. Trong lúc cao hứng anh còn kể giai thoại là chính anh đã làm cho Chế Lan Viên cứng người ngay trên giảng đường đại học.

Lúc đó anh đang năm hai. Nhà thơ được mời đến nói chuyện với sinh viên. Nhắc đến tập Điêu Tàn thời thanh niên của mình, nhà thơ họ Chế nói đấy chỉ là một tâm trạng vay mượn. Ngay tức thì, từ cuối giảng đường anh đứng dậy và xin phát biểu.

- Kính thưa ngài thi sĩ! Như vậy là ngài sợ Tây mà mượn tâm trạng làm giáp bảo vệ mình thôi ư? Xin hỏi chứ ngài tác thi bằng tài hay tâm? Và đâu là con người thực của ngài? Anh kể nhà thơ đứng như trời trồng mãi phút sau mới lãng sang chuyện khác được. Sau đó nhà thơ ra ngoài tìm anh và vỗ vỗ cái vai, không một lời phân trần.

Tôi không biết có mấy phần sự thật trong câu chuyện, nhưng mỗi lần nghe anh kể với giọng khoái trá, tôi nghe buồn buồn.

Mới tám giờ tối mà trời tối mịt. Đêm thứ năm của mùa Katê, đêm sau đêm cuối cùng. Mưa vẫn còn rả rích. Anh nằm cạnh tôi, lặng lẽ, đôi mắt thoáng buồn nhìn lên trần nhà. Nửa chừng tiệc trưa hôm nay, ngoại đến. Anh thoáng bất ngờ, ngớ ra một lúc rồi mới đứng lên ôm chầm lấy ngoại.

Ôi, ngoại mới xuống à? Anh kêu lên. Mắt ngoại đã mờ, dáng ngoại cũng gầy đi rất nhiều. Chỉ có nụ cười còn giữ nét đôn hậu. Ngoại hỏi cháu Hân của tôi đấy ư? Thế là hai bà cháu nước mắt giàn giụa. Sau đó anh hỏi tôi kiếm quà gì đặc biệt cho ngoại.

Tôi bảo nhỏ nhà không còn đồng nào, hai bữa nay em phải rổ không đi chợ. Anh nói như mếu hãy cứu anh. May mắn tôi ứng được của trường nửa tháng lương anh mới an lòng. Cả buổi chiều anh trở nên trầm lặng, ưu tư.

Có tiếng người quen gọi anh ngoài cổng.

- Em ra mở cửa nhé – Tôi nói và nhổm dậy.

- Không! – Anh đáp cụt ngủn, kéo tôi ngã lên cánh tay anh. Tôi nghe hơi đau vùng bàn tay anh vừa nắm chặt. Tôi thoáng rùng mình. Ngoài cổng có lẽ người bạn đã bỏ đi. Tiếng đàn hát từ sân khấu ngoài trời nghe sao mà gượng. Thiên hạ như muốn níu lại mùa vui sắp tàn.

Lại mưa.

Tôi lần tay về phía bàn tay anh với sự hồi hộp kỳ lạ, như mới lần đầu yêu nhau. Nhẹ nhàng, thật nhẹ nhàng, tôi nắm lấy nó. Bàn tay cứng và hơi thô. Tôi nghĩ đây là bàn tay của một nông dân hơn là một người chạy tin cho tờ báo có uy tín như anh nói, khi tôi bảo chắc anh không sống bằng nghề làm thơ.

Không, anh không dối tôi bao giờ. Anh rất yêu quý vợ con nữa là đằng khác. Nhưng tôi nghĩ anh đang tự lường gạt mình. Anh biết thế và đang đẩy nó đến tận cùng.

Vết bầm lớn trên vai anh tôi thấy lúc anh tắm vào buổi trưa hôm qua làm dậy trong tôi nỗi đau xót. Tôi nắn nhẹ bàn tay anh. Anh như muốn rụt lại nhưng rồi để yên trong tay tôi. Tôi thôi nắn. Anh nói, giọng thật buồn:

- Lâu nay anh không chịu nhìn ra xung quanh. Nên cả người thân yêu nhất anh cũng không nhìn thấy, em ạ.

- Hay mình về tỉnh đi anh.

Tôi nói, quay sang nhìn khuôn mặt anh lờ mờ trong tối. Lúc này mắt anh đã nhắm nghiền lại.

- Tỉnh đang cần người mà.

Tôi lại nói. Anh đã mở mắt nhưng không nhìn tôi mà ngó trừng trừng lên trần nhà.

Mưa buông những hạt thật nặng lên mái ngói.


img44.jpg


Inrasara

Inrasara đã 2 lần đoạt Giải thưởng của Hội nhà văn Việt Nam và Giải thưởng Văn học Đông Nam Á năm 2005.
Năm 1995, anh được giải thưởng của Trung tâm lịch sử và văn minh Đông Dương thuộc ĐH Sorbone (Pháp) với công trình nghiên cứu Văn học Chăm (tập 1).
Inrasara nổi lên như một nhà phê bình văn học uy tín với những nghiên cứu những khuynh hướng mới trong văn học nghệ thuật như Tân hình thức hay Hậu hiện đại.
Người ta còn biết đến anh với tư cách nhà thơ sáng tác bằng cả tiếng Chăm và tiếng phổ thông. Tuy nhiên, ít người biết đến Inrasara với tư cách tác giả văn xuôi.
Hai truyện ngắn sau đây có thể khiến ngạc nhiên, bởi chúng giản dị, nhẹ nhàng, khác hẳn với những gì gây sốc, khó hiểu… kiểu hậu hiện đại mà anh thường cổ xúy.
LAH

INRASARA
Theo Tienphong​
 
Back
Top