Bầy ngựa bơ vơ

Jolie

Member
Xưa nay, mọi người sống trong phố cổ nhỏ bé Hội An đều cho Sơn là đứa bé có hoa tay. Cứ hễ mỗi lần có tờ giấy trắng trước mặt là hắn nguệch ngoạc ra đủ thứ hình ảnh quen thuộc hằng ngày một cách hồn nhiên, sống động, ai nhìn cũng tấm tắc khen ngợi. Vậy mà, đối với thằng Tùng, bạn thân của Sơn, hắn lại nói rằng Sơn chỉ được cái vẽ cao bồi: cao bồi cưỡi ngựa, cao bồi nhả khói thuốc, cao bồi bắn súng một tay, cao bồi bắn súng hai tay…

horses-gallop.jpg


Thiệt tình, thằng Sơn cũng cảm thấy nói vậy là chí lý. Với những chàng cao bồi, chẳng hiểu vì nhập tâm, vì cảm xúc hay sao… mà chỉ cần ai đó nhắc qua một tiếng, lập tức hình ảnh chiếc nón rộng vành, khẩu súng ru-lô, chú ngựa tung vó… đến với Sơn bằng những đường cong hình chữ S hoặc dấu hỏi tuôn ra, nối liền nhau thuần thục. Một lần, Đạt, một thằng dân Huế trọ học, buột miệng:
- Thằng ni mà cho ra xóm Gia Hội của tau học vẽ phông xi-nê thì chắc hắn vẽ cao bồi đẹp hết biết!
Thằng Đạt kể luôn một mạch về cái nghề vẽ phông xi-nê trên xứ Huế. Nghe đâu nghề đó có từ thời Pháp thuộc, nhưng phải đợi cho đến khi họa sĩ Lê Vinh đi học nghề tứ xứ chốn mô về sinh sống tại xóm Gia Hội, thì cả đất Huế mới thấy sửng sốt, bàn tán về những bức họa quảng cáo xi-nê. Đạt nói, có lần ông đã vẽ một bức tranh pa-nô cao bồi cao vài chục mét dựng ngay trước rạp chiếu bóng Trần Hưng Đạo làm cho cả quãng đường bên bờ sông Hương suốt mấy tuần liền cứ đông nghẹt cả người. Từ đó, khắp mọi nơi, cứ nhắc đến tranh xi-nê, tranh cao bồi là người ta nhắc đến xứ Huế và họa sĩ Lê Vinh.
Câu chuyện tưởng vu vơ, nghe qua rồi bỏ, không ngờ lại đánh động một giấc mơ tận trong sâu thẳm của cả Sơn lẫn Tùng. Nhiều năm qua, hai đứa luôn gần gũi thân nhau, vì cả hai đều cảm thấy mình là những đứa trẻ bị đối xử tệ bạc, bỏ rơi trong gia đình và vì thế, chúng thường mơ ước, bàn bạc nhau về một kế hoạch bỏ nhà ra đi, đến một phương trời thật xa. Bây giờ thì cái điểm đến của kế hoạch đó bỗng đã hiện ra một cách rõ ràng: Sơn sẽ học nghề vẽ phông xi-nê, vẽ tranh cao bồi. Tùng sẽ làm bất cứ việc gì, để lo cho Sơn học nghề họa sĩ trên đất Huế, rồi tiếp tục đi đâu nữa hẵng hay…
Sự việc càng diễn biến nhanh hơn, khi sau vài ngày, thằng Tùng dò xét, nắm rõ được thằng Đạt cũng là một thằng lõi đầy tâm trạng: Cha hắn vừa lấy vợ nhỏ ở Huế nên tống hắn vào đây học trọ để giảm bớt va chạm trong gia đình. Hèn chi, từ hồi vô đây đến chừ, mặt hắn cứ buồn thiu, ấm a, ấm ức… Rồi Tùng vỗ tay vào vai Sơn một cái thật mạnh, khẳng định:
- Thằng Đạt chịu rồi. Hắn sẽ bỏ học trở về Huế, chọc tức ba hắn. Hắn đồng ý dẫn tụi mình về xóm Gia Hội. Hắn hứa sẽ giới thiệu mi gặp họa sĩ Lê Vinh để học nghề…
* * *
Cơn mưa Huế cùng cái lạnh thấu xương, thấu tủy làm hai gã thiếu niên xứ Quảng nhợt nhạt cả mặt mày khi lần đầu đặt chân đến đất thần kinh.
Đêm đó, cả ba đứa về nhà Đạt gặp cô Yến – mạ của Đạt. Gia cảnh nhà Đạt đúng như lời hắn đã kể. Cha hắn lấy vợ kế từ nhiều năm trước, bỏ mặc cô Yến trong ngôi nhà che tôn lụp xụp, sinh sống bằng nghề dạy học. Từ nhỏ, Đạt đã sống với gia đình mới của cha hắn, nhưng đôi lúc không chịu đựng được những trận roi đòn hằn học của cha và dì ghẻ, hắn lại chạy về nhà mạ ruột ở vài hôm. Hắn giới thiệu phóng đại về trường hợp của hai người khách lạ để nói toạc dự định lâu dài: “Hai đứa ni gia đình hắn cũng giống con mạ ạ. Ba tụi hắn có vợ nhỏ đánh đập tụi hắn ghê lắm, không sống nổi. Tụi hắn ra đây, con sẽ tìm việc. Còn lần ni, con cũng bỏ học luôn, con về đây đi làm nuôi mạ, ở với mạ…”. Cô Yến hốt hoảng xua tay: “Bậy! Bậy! Tụi con lỡ ra đây thì ở chơi ít hôm, rồi về. Cha mẹ đi tìm chết luôn đó!”. Rồi cô Yến xoa đầu cả ba đứa giống y như tất cả đều là những đứa con hoang của cô phiêu dạt trở về.
* * *
Họa sĩ Lê Vinh vẫn giữ công việc vẽ pa-nô xi-nê chính thức ở rạp Trần Hưng Đạo, nhưng thường ngày ông vẫn ghé qua để mắt đến nhóm đệ tử ruột đang kế nghiệp ở rạp Châu Tinh bên cạnh chân cầu Gia Hội, cũng là nơi gần kề ngôi nhà ông đang sinh sống và làm xưởng vẽ. Dù vậy, Đạt phải lui tới mai phục nơi xưởng riêng của người họa sĩ tài danh này dăm ba lần mới tiến cử Sơn gặp được ông.
Lúc này họa sĩ Lê Vinh trạc ngoài 35 tuổi. Dáng người cao dỏng dỏng. Râu mép. Tóc vuốt ngược. Áo ca-rô. Quần jean mang nịt to bản. Giày cao cổ. Trong con mắt của Sơn, ông có nét đẹp mạnh mẽ, hao hao phong cách tài tử gạo cội Charles Bronson, như vừa bước ra từ màn bạc… Nghe xong ý định đề đạt của Sơn và Đạt, ông không từ chối, nhưng vắn tắt lạnh lùng :
- Dân đi bụi hở? Được thôi. Nhưng hãy suy nghĩ kỹ đi. Trước hết, phải ở đây nấu cơm cho thợ, phụ việc nấu hồ, pha sơn, đóng pa-nô… Vài ba tháng rồi nói tới chuyện học nghề. Chịu nổi không?
Họa sĩ Lê Vinh nói xong, bỏ đi. Nhóm thợ thầy còn lại trong xưởng vẽ ngạc nhiên, nhìn chằm chặp vào Sơn bàn tán: “Thằng ni bộ mã trông ra con nhà giàu có, học hành tử tế, răng đi bụi rứa hè?”. Một người lớn tuổi nhất trong nhóm trách quở Tùng: “Răng mi sử bậy rứa? Hễ thằng ni ưa học họa thì mi biểu hắn thi vô trường mỹ thuật ở thành nội, chớ học vẽ xi-nê mần chi? Mà cái tướng hắn như rứa làm răng đi nấu cơm, rửa chén … cho nhà ông Vinh?”. Thằng Tùng hụt hẫng cãi gượng: “Tự vì… hắn vẽ cao bồi đẹp lắm!…”.
Dù vậy, Đạt và Sơn cũng không đến nỗi quá thất vọng, bởi, cũng ngay trong xóm Gia Hội ấy thôi, một đứa bạn vừa là anh em họ hàng của Đạt – từng có thời phụ việc cho xưởng vẽ Lê Vinh, nay về nhà làm nghề thợ mã. Thằng này tên Mừng. Nghe phong phanh câu chuyện, hắn nói: “Có việc cho thằng ni rồi. Khỏi lo. Cứ về nhà tau làm thợ mã. Nghề ni cũng phải vẽ đó… Để tau coi thử hắn vẽ tới đâu!”.
Thật bất ngờ, xưởng sản xuất đồ mã của nhà Mừng lại có không khí vừa gần gũi, tự nhiên, lại vừa hào hứng, hấp dẫn của một nơi chốn nửa là xưởng thủ công, nửa là xưởng vẽ. Có khoảng gần mười người làm việc – phần lớn đều ở độ tuổi thiếu niên. Ngay khi Sơn vừa bước đến, hắn có cảm tưởng mọi thứ trong ngôi nhà đã quen thuộc với hắn tự bao giờ. Mừng nói: “Ai chỉ thứ chi mi làm thứ đó. Vài ba bữa rồi quen. Cũng vui lắm!”.
Về phần Tùng, vừa đến xóm Gia Hội, hắn đã nhanh chóng có một chân chạy bàn ở một quán cà phê có tên “Café Trẻ” – nơi tụ tập phần lớn của bọn học trò lau chau suốt ngày bâu quanh dàn âm thanh luôn mở nhạc ầm ĩ. Hắn vẫn giữ tâm nguyện, sẽ làm bất cứ việc gì để nuôi thằng Sơn học nghề họa sĩ thành tài, rồi hai đứa cùng nhau rong ruổi…
* * *
Xưởng sản xuất hàng mã của gia đình Mừng có lẽ là một cơ sở làm ăn thịnh đạt nhất nhì của nghề này trên đất Huế. Hàng hóa suốt ngày luôn có người vào ra giao, nhận để lo các việc tế lễ, cúng kiến, nhờ vậy cũng chẳng mấy ai chung quanh tò mò gặng hỏi về sự hiện diện của Sơn. Thỉnh thoảng Mừng giao cho Sơn phác họa bút chì một số mẫu hàng mã đơn giản như: áo, mão, giày, dép… Nỗi hứng, Sơn hí hoáy một loạt tranh cao bồi. Bọn trẻ con chung quanh nhìn thấy rất hào hứng ủng hộ, nhưng Mừng vẫn tỏ vẽ lưỡng lự: “Ừ, mi cũng là đứa có hoa tay đặc biệt. Thế mà tau vẫn dám nói chưa chắc mi vẽ được con ngựa hơn tau”. Mừng nói, ở Trung Hoa có những họa sĩ nổi tiếng bỏ ra cả một đời chỉ để vẽ tranh ngựa mà thôi. Bởi vì con ngựa là một hình tượng nghệ thuật vừa khó vẽ vừa lại được ưa chuộng nhất. Thế rồi, Mừng căng một tờ giấy to tướng dán lên tường, vẽ liền một mạch cả chục con ngựa đủ kiểu: ngựa gặm cỏ, ngựa lao đến như mũi tên, ngựa lồng lộn tung bờm… chen lẫn bên nhau. Sơn thán phục lạ lẫm: “Mi học tranh ngựa ni hồi đi vẽ xi-nê hở ?”. Mừng chúm chím bí ẩn một hồi rồi nói: “Có chi mô, mỗi lần phác hình mẫu con ngựa cho hàng mã, tao lại dợt đủ dáng kiểu hết. Ngày mô cũng mày mò làm rứa rồi quen. Mi cứ thử đi…”.
Tờ giấy vẽ tranh ngựa bây giờ được dán ở một bức tường trống gần sân thượng trên ngôi nhà của Mừng. Bầy ngựa xen lẫn nhau đã có đến cả trăm con, trong đó có những con do Sơn thể hiện học hỏi từ kinh nghiệm của Mừng. Dăm ba ngày, Tùng tranh thủ lúc quán cà phê vắng khách chạy đến thăm Sơn. Hắn thường đem theo bánh mì, cà phê, thuốc lá… Cả hai đứa cùng ăn uống, rồi phì phà khói thuốc, mơ mộng. Nhiều khi nghe những hồi chuông của một giáo đường gần đó vang lên giục giã, Tùng giật mình chồm sát người vào bức tranh ngựa trên tường hối hả: “Sơn ơi, hình như bầy ngựa chuyển động. Có những con đang chồm lên kìa…”. Sơn cười nói: “Chắc tụi hắn không chịu ở yên một chỗ. Phải tiếp tục phóng về phía trước. Ngựa hoang mà!”.
Ở chừng mực một ý nghĩa nào đó, nói theo kiểu xi-nê: “Đầu xanh đã lấm bụi đời”, thế nhưng Tùng và Sơn vẫn còn bị ràng buộc bởi một nguyên tắc từ cô Yến: Mỗi tuần hai đứa phải ghé đến ăn cơm nhà cô Yến ít nhất một lần. Cô nói rằng, Đạt không chịu nghe lời ba hắn, thì bằng mọi cách, cô cũng sẽ lo cho hắn chuyển trường về Huế ở với cô, đi học tử tế. Cô muốn thường xuyên biết tin hai đứa, để rồi tìm cách liên lạc giao lại gia đình.
Thật ra, Sơn và Tùng mỗi đứa có một hoàn cảnh riêng và lại càng không giống Đạt, vì chẳng đứa nào có dì ghẻ. Sơn lớn lên trong gia đinh kinh doanh buôn bán, anh em khá đông đúc, nên một vài đứa bị xem là khó quản lý phải gởi cho bà con họ hàng vùng ngoại ô Hội An theo dõi việc học tập. Tùng cũng sinh ra trong một gia đình lao động bình thường, có cha làm nghề lái xe chạy đường dài, nhiều khi đi cả tuần vắng nhà, ít quan tâm con cái… Ngoài ra, chẳng có gì đặc biệt hơn. Hoặc có đặc biệt chăng, đó là bỗng dưng hai đứa cùng trùng nhau một tâm trạng cô độc trong chính ngôi nhà của mình và cùng khát khao một chân trời mới…
* * *
Một buổi sáng, bất ngờ, tại nhà cô Yến, một người học trò cũ đến thăm cô lại là người quen vốn ở cùng xóm với Sơn, đang là sinh viên đi học tại Huế. Anh ta ngạc nhiên nắm lấy tay Sơn: “Ủa, mi làm chi ở đây?”. Sơn hốt hoảng lấp liếm: “ Nhà ông chú tui ở ngoài ni. Tui ra thăm ổng mấy bữa…”. Còn Tùng thì cố tình loay hoay tránh né, quay mặt. Thế nhưng, trước mặt cô Yến, anh sinh viên nhanh chóng tiết lộ tất cả sự việc của hai đứa mà anh đã biết được khi về thăm nhà mới đây, cùng một thông tin quan trọng: Mẹ Sơn đang bệnh nặng!
Thoắt chốc, cô Yến quyết định mọi việc phải sắp xếp và diễn ra nội trong buổi trưa hôm đó. Cô Yến tự tay mua vé xe dẫn hai đứa trở lại Hội An giao tận gia đình.
Đột ngột rời Huế như một giấc mơ. Một giấc mơ khởi đầu thật lộng lẫy, nhưng kết thúc lại quá sơ sài. Sơn bùi ngùi từ giã xưởng hàng mã của Mừng, để lại bầy ngựa hoang bơ vơ, lồng lộn như muốn nhảy tung khỏi tấm giấy dán trên tường. Mừng an ủi:
- Mi về đi học lại, ít hồi ra thi vào trường mỹ thuật, về đây ở với tau…
Thằng Tùng mắt đỏ hoe, nối thuốc, lặng lẽ nhả khói liên tục. Hắn đã có thói quen hút thuốc thành thục hơn, kể từ sau mấy tuần giúp việc ở quán cà phê Trẻ. Trời lại mưa. Mưa rả rích. Mưa dai dẳng. Mưa như ngày hai đứa đặt những bước chân đầu tiên trên cầu Gia Hội. Nhưng giờ đây, Huế chỉ còn là ký ức nhạt nhòa phía sau lưng…
* * *
Kể từ chuyến đi giang hồ bất thành lần đó, hai gã thiếu niên trong câu chuyện đều trở lại cuộc sống phẳng lặng, học hành, khôn lớn bình thường.
Thằng Tùng giống như cha nó, kế nghiệp chạy xe đường dài để nuôi một gia đình vợ con nheo nhóc.
Về phần Sơn, hắn không vào trường mỹ thuật Huế và cũng không gặp cơ hội để phát triển cái hoa tay độc đáo khi bước vào đời, ngoài việc sao chép tranh bán cho khách du lịch phố cổ. Dù vậy, có lần, trong nỗi nhớ dằn vặt về tuổi hoa niên, hắn đã một mình lầm lũi tìm lại xóm nhỏ Gia Hội ngày xưa. Thế nhưng, nơi ấy mọi thứ đã đổi thay: họa sĩ Lê Vinh đã qua đời và các rạp chiếu bóng vốn rất ế ẩm, với kỹ thuật quảng cáo hiện đại không ai còn nhắc đến những người vẽ pa-nô xi-nê. Cô Yến cùng Đạt và gia đình Mừng đã chuyển dời đến một nơi nào khác. Chỉ duy nhất, cái xưởng sản xuất hàng mã ai đó thay thế vẫn không thay đổi nhiều. Chẳng hiểu vì sao, Sơn cứ tin rằng trong ngôi nhà cũ, trên bức tường gần sân thượng, vẫn còn cả bầy ngựa hoang đang cuống cuồng nhảy lên hí vang rộn rã…
Truyện ngắn của TRẦN TRUNG SÁNG
 
Back
Top