Bão

Jolie

Member
Tây Nguyên lũ quét. Tôi lại đi, như một cách duy nhất để chống chế với những tiếng gọi khắc khoải của năm tháng và kỷ niệm. Khánh muốn đi thay tôi, nhưng không cản được. Ở đó mưa nhiều, và núi khắp nơi ngập trong nước. Khánh thấy sợ tính tình liều lĩnh của tôi. Nhưng Khánh đâu biết, ở lại một nơi yên bình như thế này lòng tôi lại thấy chông chênh hơn


Thỉnh thoảng tôi thất thần tự hỏi, tại sao lại như thế được? Đám cưới chuẩn bị sẵn rồi. Kể cả chuyện có bao nhiêu đứa con sau khi cưới cũng tính rồi. Anh sẽ về ở với tôi trong căn hộ của tôi. Nhà anh để lại cho mẹ và đứa em trai. Thỉnh thoảng hai đứa sẽ về chơi một vài ngày. Còn những ngày thường hai vợ chồng sẽ ghé qua ăn tối. Bữa cơm nào cũng sẽ đầy ắp những món ăn tôi nấu. Không khí gia đình sẽ ấm áp và hồn hậu hẳn so với nhịp đời hồng hộc lăn bên ngoài. Thỉnh thoảng mẹ anh sẽ hối hai đứa có con (như mọi bà mẹ chồng vẫn làm thế!). Nhưng anh và tôi sẽ thuyết phục mẹ thư thả. Anh sẽ nắm tay mẹ trìu mến nhỏ nhẹ. “Hai năm thôi, mẹ nhé! Chúng con sẽ kiếm đủ tiền và cho mẹ cả một đàn cháu!”. Mẹ sẽ chờ được hai năm, và chúng tôi cũng có đủ tiền để chào đón những thiên thần của mình.




View attachment 8258


Vậy đó! Vậy mà không chờ được nhau đến đám cưới. Làm sao chờ được tới ngày có con và ngày những dự định khác thành gạo thành cơm? Bữa đó bão lớn, thành phố ngập trong nước và những cơn mưa dữ dội. Anh gọi điện cho tôi trong tiếng gió gầm gào trên những nóc nhà cao tầng của thành phố. “Mình chia tay nghen em!”. “Anh nói gì thế?”. “Chia tay nhau đi… Như thế tốt hơn…”. Anh cúp máy. Tiếng điện thoại mất sóng rơi hút vào những hồi mưa vật vã bên ngoài. Như thế nào là tốt hơn? Tôi không biết.
Anh đã chẳng nói rồi còn gì? Chia tay nhau sẽ tốt hơn. Vậy đó!
Cơn bão đi qua. Thành phố tiêu điều đi nhiều, nhưng những căn nhà vẫn tự hào vươn những ô cửa kính bịt bùng đâm thẳng lên trời. Anh vẫn không nói tại sao như thế lại tốt hơn. Tôi cũng không có đủ can đảm để hỏi, trừ khi anh tự nguyện nói cho tôi hiểu.
Khánh về cơ quan được tuần, đầu tuần thứ hai đã thấy vòng xe theo tôi qua những con phố dài và ngoằn ngoèo. Tôi đạp phanh, quay qua hỏi một câu, nhẹ nhàng như hai người đang đi cùng nhau thật sự.
- Sao Khánh theo xe người khác làm gì?
- Thích thế. Với lại sợ người ta lạc.
Tôi nghễnh ngãng cười, thản nhiên quay lại với cuộc hành trình của mình. Qua nhà anh, dừng lại một chút. Qua hàng cây cuối phố, tôi bối rối nhớ rằng Khánh đang ở phía sau.
- Có sao không?
Khánh lắc đầu, bình yên như một chút gió cuối mùa thổi muộn. Tôi lắc đầu, như thể nói với anh, với những ngày đã thật sự xa.
Tây Nguyên lũ quét. Tôi lại đi, như một cách duy nhất để chống chế với những tiếng gọi khắc khoải của năm tháng và kỷ niệm. Khánh muốn đi thay tôi, nhưng không cản được. Ở đó mưa nhiều, và núi khắp nơi ngập trong nước. Khánh thấy sợ tính tình liều lĩnh của tôi. Nhưng Khánh đâu biết, ở lại một nơi yên bình như thế này lòng tôi lại thấy chông chênh hơn.
Tôi trở về với một bàn chân bị thương. Nắng Sài Gòn hắt lên lớp thạch cao trắng xóa một màu vàng ngọt dịu và nhẹ bâng. Ở phía sau tôi, núi rừng cũng bắt đầu nắng ấm và bình yên trở lại. Cuộc đời loay hoay lấy lại nhịp. Tôi ngồi sau xe Khánh, thấy mênh mang bay bay trong không trung.
Lập đông, nhà anh có đám cưới. Khánh chở tôi về vòng vèo qua những con phố nhỏ nhưng không tránh được đoạn đường ngập hoa nắng cuối thu. Những cơn gió bắt đầu se hơn, lẻn vào da đánh cắp cảm giác ấm áp ra khỏi tim. Những bánh xe đều đặn quay vòng qua khung cửa kết hoa hồng đỏ rực. Tôi cười khẩy, tự hỏi sao hôm nay tôi ra đường trong hoàn cảnh này. Sao ngày cưới của anh tôi lại ngồi sau lưng một người khác? Tại tôi là kẻ bạc tình? Hay vì như thế này sẽ tốt hơn cho tôi và anh?
Tự nhiên tôi thấy man mác buồn. Có những thứ muốn mà không giữ được. Đôi khi muốn có cái này mà lại thấy giữ trong tay cái kia. Làm sao mà cố được!
Bão ập về miền Trung. Mẹ ở nhà xốc lại mái nhà nhếch nhác thiếu bàn tay đàn ông, cố nói rành rọt cho tôi khỏi lo. Nhưng những nhịp mưa đặc trưng của quê hương đủ cho tôi những cảm nhận bằng da thịt những cảm giác của mẹ. Xin cơ quan cho đi theo cứu trợ, chẳng ai đồng ý. Xe rời bến, tôi xách ba lô lếch thếch chạy chạy, vẫy vẫy. Khối hàng di động phanh kít. Bác tài xế ló đầu ra nhăn nhó.
- Con nhỏ này! Đã nói là không đi được mà còn ra đây làm gì?
- Bác cho con theo… Tôi vừa nói vừa thở dốc.
- Để làm gì? Con chưa khỏe, ở nhà mà nghỉ ngơi…
- Con đi ké thôi. Nhà con có chuyện, phải xin phép giám đốc nghỉ phép dài hạn bác à.
Cả xe đồng thanh hỏi cùng một câu.
- Chuyện gì hả em?
- Dạ… bão!
Anh trưởng đoàn lắc đầu nắm tay tôi kéo lên khoang hàng phía sau lố nhố hơn chục mái đầu còn đang ngơ ngác nhìn tôi. Xe lăn bánh. Những nụ cười ngỡ ngàng trở lại. Ở bên ngoài, mưa loay hoay mang chút hơi bão vào tận miền Nam.
Lâu lắm rồi không về thăm lại quê. Mọi năm còn tranh thủ một vài ngày phép về với mẹ. Nhưng càng ngày cơ quan càng lớn lên mà lại thiếu người, nghỉ ngơi trở thành một mỹ từ xa xỉ với tất cả mọi người. Hai cái tết tôi lặng lẽ ôm điện thoại nghe mẹ thủ thỉ, nước mắt rơi đầy hai má. Bao nhiêu lần muốn gọi “má ơi!” một tiếng mà không dám, sợ vị mặn của khoảng cách rơi vào lòng, sợ không khí loãng ra và tự nhiên mà hai mẹ con không còn thấy gần nhau nữa. Giao thừa hai năm gọi điện thoại về cho mẹ chỉ biết gật đầu và dạ, câu cuối cùng nặng trĩu trong tiếng pháo nửa đêm. “Năm sau con về!”. Những điệp khúc “năm sau” vội vàng và quên lãng…
Năm cơn bão tấp vào dọc miền Trung. Điện thoại tới tấp. Tin tức nóng hổi những làn mưa lạnh buốt khúc ruột miền Trung. Dứt cơn bão thứ nhất, tôi tạt vội qua nhà, ăn với mẹ bát cơm nóng dưới ngọn đèn dầu tù mù. Mùi rơm rạ, mùi bùn dội vào sống mũi nhưng nhức. Bao nhiêu lâu rồi tôi không còn được nghe những mùi hương nặng lòng đó nữa? Tóc mẹ mỏng dạt dần đi, lưa thưa những năm tháng đã qua. Tôi nhìn lên bàn thờ, nơi di ảnh của ba ngày nào cũng cười. Cũng những cơn bão cuốn ba đi khi mẹ hai mươi bốn. Cũng những cơn bão mịt mùng cuốn tôi về ăn với mẹ bữa cơm ấm áp ngày mưa.
Khánh gọi điện hằng ngày. Đôi khi bận bịu, hoặc vùng cứu trợ mất sóng, những tin nhắn dồn dập đầy hộp thư mỗi tối mở máy. Bão dứt cơn thứ hai. Dự báo cơn bão thứ ba. Đoàn cứu trợ về, bỏ lại hai người. Trưởng đoàn cắm vùng đoạn Bắc Trung Bộ. Tôi ở lại nhà, phụ trách khu vực phía Nam miền Trung chờ chuyến hàng thứ hai quay trở ra. Những ngày dồn dập căng thẳng và mệt mỏi. Rồi cũng quen với việc ngày nào cũng có người chờ hỏi han mình sau những chuyến khảo sát thực địa mệt rã. Tôi kể Khánh nghe cảm xúc của tôi hằng ngày, khi được tin người mất tích đầu tiên, khi thằng bạn nối khố của tôi đi trong lũ rồi mất xác. Đôi khi nước mắt muốn vỡ bục trên mi mà còn phải cố gồng mình lên mà chịu. Cả một dọc miền Trung vắng ngắt chết chóc, chỉ có nước mênh mông nước. Khánh cười, an ủi rằng rồi nước sẽ rút về biển và cuộc đời lại được bình yên.
Không hiểu sao tôi lại tin Khánh nói một cách dễ dàng đến thế. Để khi cơn bão thứ ba ập đến, tôi gọi về Sài Gòn, khóc òa trong máy. Những cơn mưa bắt đầu nặng trĩu nước, nỗi đau, sự lạnh lẽo và mất mát. Khánh vẫn trìu mến và ân cần, như không hề có bất kỳ chuyện gì xảy ra với cái đất nước nhỏ bé hình chữ S đang oằn dưới những cơn bão đè lên khúc ruột.
- Đừng lo. Không sao cả. Em nín đi. Cố gắng ở lại với bà con, tụi anh đang ra.
Anh ra?
- Ừ! Không được à?
- Nhưng… Anh ra làm gì?
- Ngốc thế! Anh ra cứu trợ nạn nhân lũ lụt. Mà nữa, anh ra để… cưới vợ.
- Cưới vợ? Đang bão mà?
- Thì bão. Anh sẽ cưới một người con gái giữa vùng bão. Tin anh đi.
- Em tin. Nhưng mà,…
- Anh sẽ ra. Chờ anh nhé! Anh yêu em.
Mưa đang nặng hạt dần lên. Lời tỏ tình của Khánh lõm bõm chìm trong nhịp rào rào không đổi của cơn mưa. Tôi lặng lẽ cúp máy, lòng bất giác đầy lên những cảm giác lạ kỳ không rõ nghĩa. Lạ lùng là tôi đã không từ chối. Nếu Khánh ra thật thì tôi không còn cơ hội để từ chối nữa. Không thể đối xử như vậy với một người vượt bảy trăm cây số giữa dông gió chỉ để nói một câu với mình. Càng không thể chối bỏ người ta khi lòng mình đã đầy lên những tình cảm dịu dàng và trìu mến đến vậy.
Tôi đợi hai ngày, sang ngày thứ ba, điện thoại đổ dồn trong mưa.
- Em à! Anh sắp ra đến nơi. Em không biết đâu, mỗi lần đi đến đâu là thấy niềm vui của bà con lan đến đó. Cái cảm giác được người khác tin cậy vào mình nó hạnh phúc không thể tả được…
- Anh ra sớm nhé!
- Ừ! Anh sẽ ra. Đợi anh nhé! Yêu em!
Thỉnh thoảng, yêu nhau là như thế chăng?
Xe ra muộn một ngày. Có khi đó là chuyện thường ngày trong điều kiện mưa bão và những đợt tập kết khi nhận lệnh khẩn, thấy tình trạng ở vùng nào nguy cấp thì phải ghé. Nhưng không khí tang tóc trong xe làm tôi thấy thắt lòng. Khánh không phải là người đầu tiên ôm tôi trong tay, cũng không phải là người cuối cùng cho tôi sự ấm áp của một vòng tay, những hạnh phúc ngọt ngào thấm mùi nước mưa nhạt thếch. Cánh cửa xe đóng sập lại, bọc quanh tôi một vòng bán nguyệt những con người thân quen, mắt thâm quầng, nước chảy ròng trên mặt và làm bóng loáng những chiếc áo phao cứu trợ màu cam.
- Em à! Khánh… mất tích. Chị không biết nói thế nào nữa, nhưng sự thật là cậu ấy không thể ra cùng em được…
- Mất tích? Là mất tích… Là trôi đi, phải không?
- Ừ… Trôi đi…
Có tiếng ai đó khóc òa trong mưa. Những đợt sóng dập dềnh dưới chân tôi tê tái. Trôi đi… Là trôi đi… Khánh ơi!
Tôi trôi dạt dọc miền Trung, trừ nơi Khánh đã đi qua thì không được phép dừng lại, không được phép đi qua. Thỉnh thoảng một vài cái chết được tìm thấy và tôi vẫn hy vọng mong manh đó không phải là Khánh, không phải một ai đó mang khuôn mặt thân thương của một con người. Nhưng sự thật, những thi thể trắng bệch nước vẫn phải được tìm ra, để đắp một nấm mộ cho ấm lòng người đã khuất. Thỉnh thoảng, tôi vẫn hy vọng được nhìn thấy đôi mắt trìu mến dịu dàng của Khánh trong số những người được tìm thấy. Nhưng cũng chính những hy vọng đó bóp chết tế bào chịu đựng trong tim, trong tận cùng của tâm thức. Nước mắt rơi òa, lẫn trong nước mưa nhập nhòa.
Những ngày dữ dội nhất của năm cơn bão lịch sử rút dần theo nước. Cả một dải đất dài tiêu điều bẹp gí dưới những lớp bùn nhão nhoét khánh kiệt. Nắng hừng lên chút ít. Những ô cửa sổ còn nguyên dấu niêm phong bùn đất của bão mở tung ra. Những mái đầu loe hoe tóc tơ lấp ló nhìn nắng, lẫm chẫm lội trên lớp nước xăm xắp nhớp nháp đến trường. Mưa tạnh. Nắng vàng. Lác đác những cơn mưa rửa bùn làm bùng lên trong những đôi mắt trẻ thơ những ký ức sợ hãi của những tháng ngày bám nóc nhà nhai mì tôm sống. Tôi cầm tay đứa con của thằng bạn chết lũ, dắt nó đến trường. Mưa ào đến. Nó líu ríu ngọng nghịu.
- Mưa kìa! Bão kìa!
Bàn tay xinh xinh ngúc ngoắc chỉ lên trời, chỉ xuống mặt nước. Tôi ôm nó vào lòng, thơm lên mái tóc vàng tơ dìu dịu mùi nắng mai.
- Con ngoan nhé! Không có mưa đâu. Không có cả bão nữa. Mưa chỉ phạt những đứa trẻ nào không ngoan nên mới cho trút nước xuống thôi.
Thằng bé tròn xoe mắt, hấp háy con ngươi đen tròn, giống bạn tôi đến kỳ lạ.
- Thiệt hở cô?
Tôi “Ừ!” mà như gật đầu với chính mình.
Tôi nhìn theo dáng trầm tư của thằng bé trong sân trường. Có vẻ như nó đang nghĩ tại sao mưa lại mang ba nó đi. Tại nó không phải là một đứa trẻ ngoan chăng? Rồi biết đâu ngày mai nó lại hỏi tại con hư sao cô? Ngày mai tôi đi, có khi nó lại mang ra hỏi mẹ. Và nước mắt của người quả phụ hai mươi tám tuổi lại rơi.
Ngày mai… Ngày mai tang lễ Khánh rắc màu trắng lên khoảng sân nho nhỏ nhà anh. Ngày mai tôi về lại Sài Gòn, bỏ lại những cơn bão mịt mùng sau lưng. Có khi suốt cuộc đời này tôi không còn thấy những vùng bão nữa. Nhưng những đợt dông gió đang gào thét trong lòng tôi như những ngày gió giật cấp 12 đi qua trên quê tôi.

Truyện ngắn của Tiêu Sa​
 

Attachments

  • 1.jpg
    1.jpg
    19.5 KB · Views: 0
Back
Top