Bâng khuâng chiều ba mươi

Jolie

Member
Bâng khuâng chiều ba mươi

( 2:09 PM | 22/02/2010 )
Một năm, ba trăm sáu lăm ngày gần như là đều đặn, mỗi sáng thức dậy, cả gia đình ai cũng chăm chăm hối hả với bổn phận, công việc của mình. Các con bận rộn tới trường. Bố mẹ bận rộn với phần việc nơi công sở. Đặc biệt ông xã, người đàn ông trụ cột của gia đình, gần như quanh năm thâu đêm biên tập, viết bài.

Tôi gọi đùa nghề làm báo của ông xã là thân con vạc. Trời lơ mơ sáng, tiếng ông xã nằm mơ nói mớ: "Còn trắng hai trang. Chết rồi, còn trắng hai trang?…". Ấy là lúc sắp đến ngày ra báo mà vẫn chưa đủ bài. Ngày lại ngày bản thảo căng đẫy chiếc túi khoác, đầu không kịp chải, ông xã vội vàng dắt xe, đến cơ quan, bà xã đuổi theo, với tay chải chải mái tóc, chỉnh bẻ cái cổ áo cho ông xã chỉnh tề. Ông xã phàn nàn: Ăn không kịp ăn, không dám đại tiện (sợ mất thời gian).

Ngày lại ngày, như gà đẻ trứng, hết số báo này lại đến số báo khác. Và cuộc sống vẫn hiện hình như thế. Thăng trầm, buồn vui, lo lắng, hân hoan tất cả bởi tình yêu, trách nhiệm với nghề. Bà xã, ngày lại ngày dậy sớm nhất nhà, mắt nhắm mắt mở chuẩn bị bữa sáng cho mọi người, vội vàng ra chợ, vừa đi vừa nghĩ hôm qua ăn món gì, hôm nay nên đổi món gì để sắm thực phẩm chuẩn bị bữa trưa, bữa tối cho cả nhà. Xong việc nội trợ, bà xã lanh lẹ hành lý, tư trang đến làm việc nơi công sở đúng giờ, chiều, tan tầm, trở về nhà, nhanh tay nấu nướng. Dọn dẹp để con tan học, ông xã từ công sở về nhà, cả nhà quây quần bên mân cơm rôm rả…


Bang-khuang-chieu-ba-muoi_Tin180.com_001.jpg



Ngày lại ngày công việc miên man vô tình cuốn mỗi người vào vòng xoáy của nó. Mái nhà là nơi xuất phát mỗi sáng ta đi và khi chiều dần buông khép lại ngày lại rộng mở đón ta về nghỉ ngơi, đoàn tụ.

Thế mà, chỉ đến khi tấm lịch treo tường còn mỏng dính mấy tờ, truyền hình xuất hiện trở lại bài hát quảng cáo "Tết tết tết tết đến rồi, tết tết tết tết đến rồi" nhiều người mới giật mình, xôn xang, trời ơi, một năm sắp đi qua. Mới thấy cần phải sửa sang một đôi thứ trong nhà, mới thấy cần phải quét vôi lại tường nhà vì lâu quá rồi, mưa dầm dề có nhiều chỗ hoen ố, bộ salon quá cũ cần phải thay bộ mới, vòi nước nhà tắm bị tắc chảy quá nhỏ, cần phải sửa… Và các con bỗng nhiên thấy chúng như "người lớn" sốt sắng, lo toan việc trong nhà.

Biết năm nay giá cả đắt đỏ, ngày Tết biết bao nhiêu là việc cần đến tiền. Con bảo, đôi giày của con vẫn mới, vẫn thời trang, con vẫn đi được, chỉ có quần áo vẫn còn mới nhưng nhanh cộc quá, mua cho con bộ mới.
Ngày cuối năm, báo Tết bao giờ cũng ra sớm hơn, người làm báo được nghỉ sớm hơn. Mấy bố con hăm hở dọn nhà, trang trí lại các phòng. Căn phòng ông xã ngổn ngang tài liệu, bản thảo, mỗi khi trước khi đi làm ông xã không quên nhắc nhở, giấy tờ để đâu để nguyên đấy không được dọn dẹp lẫn lộn đấy. Được nghỉ Tết, nghỉ vài số báo lịch trình sinh hoạt có thay đổi thấy nhơ nhớ, là lạ. Ông xã thảnh thơi ngắn "nơi ta ở chỉ là nơi ta" mới thấy sự thân thương ấm áp bấy lâu. Cô con gái cắm một lọ hoa tươi thật đẹp trịnh trọng đặt lên bàn làm việc của bố, nói trêu, cái bàn là cô bạn thân nhất của bố, bố cũng cần phải quan tâm chăm sóc "cô" ấy chứ.
Ngày lại ngày, năm lại năm xoay trần vất vả với nghề, việc sát sao con cái ông xã dành trọng trách cho vợ. Những ngày nghỉ Tết, cả gia đình mới thật sự quây quần bên nhau, cảm nhận hết thảy ấm áp, thân thương ngôi nhà của chính mình, mới nhận thấy sự khôn lớn của các con, mới giật mình tóc trên đầu ngày một nhiều sợi bạc. Ông xã bảo, giờ là quãng thời gian đẹp nhất của một gia đình, các con với bố mẹ. Nhanh lắm, chả bao lâu nữa các con trưởng thành lấy vợ, lấy chồng, lo nghĩ, bươn trải với cuộc đời. Lúc ấy, khó có thể được quây quần bên các con, được ôm các con vào lòng âu yếm như thế này…
Ngày Tết, cả gia đình sẽ đi chúc Tết người thân, một chuyến du xuân nho nhỏ ven đô như khắc dấu thời gian, một kỉ niệm trong muôn vàn kỉ niệm, để rồi trưởng thành, các con, chúng ta, nhớ mãi, nhớ mãi mái nhà của chúng ta, cha mẹ còn thanh xuân, các con bé bỏng thời niên thiếu.
Và rồi những ngày nghỉ Tết sẽ trôi qua. Công việc của một năm mới lại bắt đầu. Có cái gì như là chững chạc hơn, khí thế hơn, bản lĩnh hơn. Bâng khuâng, lưu luyến. Chúng ta hy vọng, đón đợi những gì tốt đẹp sẽ và đang tới…
Lê Hồng Nguyên
(theo tintuconline.vietnamnet)
 
Back
Top