3.000 tỉ đồng và chuyện thừa đàn ông

Jolie

Member
Giá như chúng ta “ra tay” từ nhiều năm trước thì đến giờ không phải mất đến 3.000 tỉ đồng để giải quyết việc thừa đàn ông.
Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ), Bộ Y tế vừa đề xuất ngân sách 3.000 tỉ đồng cho đề án giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh, trong đó một phần để hỗ trợ các gia đình sinh hai con gái và đề án này đã được tổng cục trình Thủ tướng xem xét và lấy ý kiến của các bộ, ngành.
20130304162422_thuadanong.jpg

Theo đề án, những gia đình sinh con một bề là gái sẽ được hỗ trợ tiền mặt, con gái của các gia đình này sẽ được miễn-giảm học phí, ưu tiên cộng điểm trong các kỳ thi đại học, cao đẳng, tạo điều kiện học nghề, xin việc…
TS Dương Quốc Trọng - Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - KHHGĐ - cho rằng, 3.000 tỉ đồng là một khoản ngân sách lớn, nhưng đứng trước nhiều nguy cơ như khủng hoảng xã hội, an ninh quốc gia do vấn đề "thừa nam, thiếu nữ" gây ra thì khoản chi này là rất cần thiết.
Đẻ ra một đề án giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh vào lúc này liệu đã quá muộn? Bộ Y tế có riêng một Tổng cục Dân số - KHHGĐ mà bấy lâu nay đã làm gì. Chẳng lẽ chỉ lo mấy chuyện đi phát bao caosu, thuốc tránh thai… mà không mấy quan tâm đến việc nhân dân đang ngày một thích đẻ con trai hơn (!?).
Bằng chứng của việc này là từ năm 1997, một dự thảo về việc xử phạt các hành vi gây mất cân bằng giới tính đến nay vẫn chưa ra đời. Một loạt các đề xuất như phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền 500.000- 1.000.000 đồng với hành vi có lời nói hoặc hành động xúc phạm người sinh con một bề; phạt tới 2 triệu đồng với người dụ dỗ, lôi kéo người mang thai loại bỏ thai nhi vì lý do lựa chọn giới tính... vẫn chỉ nằm trên giấy.
Ngay cả quy định trong tầm tay của Bộ Y tế là nghiêm cấm việc siêu âm chẩn đoán giới tính thai nhi cũng ban hành để cho có.
Trong một hội thảo gần đây, bà Nguyễn Thị Khá - Ủy viên thường trực Ủy ban các Vấn đề xã hội của Quốc hội - cho rằng: Nhiều người đã lợi dụng công nghệ để lựa chọn giới tính thai nhi và sẽ loại bỏ nếu biết đó là thai nhi gái.
Điều đáng nói là dù ở Việt Nam, việc chẩn đoán giới tính thai nhi bị nghiêm cấm, nhưng trên 90% số phụ nữ mang thai biết được giới tính của con mình trước khi sinh. Nhiều người làm dịch vụ sẵn sàng “lách luật” như việc dùng “từ lóng”: “Thai nhi này giống mẹ”, “mạnh mẽ”, “dịu dàng” để thông báo về giới tính của thai nhi.
Đã có bao nhiêu cơ sở siêu âm vi phạm việc thông báo giới tính thai nhi, chắc chắn Tổng cục Dân số - KHHGĐ chưa có thông báo xử phạt cơ sở nào vi phạm.
Một việc nữa rất phổ biến và có thể kiểm soát một cách khá dễ dàng, đó là ngăn chặn những tài liệu, sách báo quảng cáo sinh con như ‎y muốn. Trên thực tế, Bộ Y tế cứ việc ra các quy định, còn cơ quan khác làm ngơ như không phải việc của mình.
Rõ ràng, bài học về mất cân bằng giới tính đã nhìn thấy ở các nước như Trung Quốc, Ấn Độ… từ trước đó nhiều năm, nhưng thật buồn là chúng ta đã không “ra tay” từ sớm.
Đến khi tình trạng mất cân băng giới tính bắt đầu rơi vào tình trạng đáng báo động thì Tổng cục Dân số - KHHGĐ lại không ngần ngại đưa ra một nhận định rằng: Nếu không có các giải pháp hỗ trợ quyết liệt, 20-30 năm nữa, Việt Nam sẽ "dư thừa" từ 2,3 đến 4,3 triệu nam giới.
Nếu như Bộ Y tế có tầm nhìn xa hơn, thì có lẽ không cần đến một đề án về việc “thừa nam, thiếu nữ” và Nhà nước không phải chuẩn bị chi 3.000 tỉ đồng vào thời điểm kinh tế khó khăn này.
(Theo Lao động)



 
Back
Top