25 năm bộ phim ‘Khiêu vũ với bầy sói’

KuteJac

Newcaster


Lịch sử điện ảnh thế giới rất hiếm có trường hợp một bộ phim về miền Tây nước Mỹ giành được thành công rực rỡ như những gì "Dance with Wolves" đạt được khi ra đời cách đây 25 năm.



Không chỉ thành công về mặt doanh thu với hơn 420 triệu USD tiền bán vé trên toàn thế giới, Khiêu vũ với bầy sói còn nhận được đến 12 đề cử Oscar và sau đó chiến thắng ở 7 hạng mục, bao gồm cả hai hạng mục quan trọng bậc nhất là Phim hay nhất và Đạo diễn xuất sắc nhất (Kevin Costner nhận hai giải Oscar cho vai trò đạo diễn và đồng sản xuất của bộ phim). 



Đây là bộ phim về miền Tây hoang dã đầu tiên nhận được giải OscarPhim hay nhất kể từ năm 1931 (phim Cimarron).



25-nam-bo-phim-khieu-vu-voi-bay-soi-4ca90a.jpg



Khiêu vũ với bầy sói (Dancing with Wolves) là bộ phim về miền viễn Tây hoang dã đầu tiên nhận được giải Oscar Phim hay nhất kể từ năm 1931 (phim Cimarron).



Người chiến binh quả cảm



Sau những chiến tích đầy quả cảm trên chiến trường, người lính John Dunbar (Kevin Costner) nhận phần thưởng là được quyền chọn nơi đóng quân theo nguyện vọng của mình. John Dunbar quyết định chọn một vọng gác ở vùng biên giới miền viễn Tây vì sợ nơi này sẽ biến mất. Cấp trên đồng ý với nguyện vọng của John Dunbar và điều anh về pháo đài Sedgwick.



Khi đến pháo đài Sedgwick, John Dunbar phát hiện ra nơi này đã gần như bị bỏ hoang và anh phải canh giữ nó một mình. Đường dây liên lạc của John Dunbar với quân đội Mỹ cũng bị cắt đứt vì người giao liên bị giết trên đường. Không lâu sau, John Dunbar gặp gỡ những thổ dân da đỏ Sioux sống trong vùng, làm quen và trở nên thân thuộc với họ. 



Anh dần nảy sinh tình cảm với cô gái Stands With A Fist (tạm dịch: Đứng vững với một nắm đấm), một người da trắng được nuôi dưỡng và lớn lên trong bộ tộc da đỏ Sioux. Tuy nhiên, giữa lúc John Dunbar đã hòa nhập với người da đỏ thì quân đội Mỹ trở lại pháo đài Sedgwick và nghi ngờ rằng anh đã trở thành kẻ phản bội…



25-nam-bo-phim-khieu-vu-voi-bay-soi-b9efb7.jpg



Kịch bản Khiêu vũ với bầy sói dựa trên tiểu thuyết cùng tên phát hành năm 1988 của nhà văn Michael Blake. Tuy nhiên phiên bản điện ảnh có nhiều khác biệt so với tiểu thuyết gốc.



Không chỉ là câu chuyện lãng mạn



Ngay từ cái tựa, Khiêu vũ với bầy sói đã có thể khiến khán giả liên tưởng đến một câu chuyện lãng mạn ở miền Tây hoang dã. Tình yêu giữa John Dunbar và cô gái Stands With A Fist được xây dựng một cách tuyệt vời. Những bi kịch đằng sau mỗi nhân vật đều tạo nên các mối liên kết họ với nhau.



Tuy nhiên, những gì mà bộ phim đem đến cho khán giả còn nhiều hơn thế. Khán giả có được một cái nhìn chân thực về miền Tây nước Mỹ thuở sơ khai. Đặc biệt, Khiêu vũ với bầy sói còn lột tả chi tiết tính cách của người thổ dân da đỏ, điều vốn thường xuyên bị đặt ngoài lề trong các bộ phim Mỹ.



Nhân vật John Dunbar được xây dựng theo trình tự tiến hóa liên tục trong suốt thời lượng của bộ phim, giúp khán giả luôn hứng thú với anh cũng như cảm thấy thuyết phục với các sự thay đổi. Bên cạnh đó, các nhân vật người da đỏ Sioux xuất hiện trong phim đều được xây dựng mỗi người mỗi vẻ, mỗi tính cách nên càng khiến bộ phim trở nên thú vị.



25-nam-bo-phim-khieu-vu-voi-bay-soi-e3eddd.jpg



Một giáo viên ngôn ngữ được mời đến để dạy tiếng Lakota của người da đỏ cho các diễn viên. Tuy nhiên, vì thứ tiếng này khá khó học nên phần phân từ theo giống cái, giống đực đã bị bỏ qua. Khi phim công chiếu, người da đỏ nói tiếng Lakota thấy rất buồn cười khi các chiến binh nói chuyện giống y như phụ nữ.



Ê-kíp diễn viên xuất sắc



Có một câu chuyện đầy hấp dẫn nhưng chính ê-kíp diễn viên tài năng củaKhiêu vũ với bầy sói đã làm bộ phim càng trở nên đáng xem. Nhiều người đánh giá rằng vai diễn John Dunbar trong phim chính là một trong những cột mốc sáng chói nhất trong sự nghiệp diễn xuất của Kevin Costner. 



Nam diễn viên đã có những điều chỉnh hết sức hài hòa với quá trình tiến hóa của nhân vật trong suốt bộ phim. Điều này cũng một phần là nhờKhiêu vũ với bầy sói đã thực hiện quay phim theo thứ tự câu chuyện nên các diễn viên dễ dàng thể hiện sự thay đổi của nhân vật hơn.



25-nam-bo-phim-khieu-vu-voi-bay-soi-329817.jpg



Kevin Costner tự mình đóng tất cả các cảnh cưỡi ngựa trong phim, bao gồm cả việc cưỡi ngựa không yên và vừa phi ngựa vừa bắn súng trong cảnh đi săn.



Nữ diễn viên Mary McDonnel cũng để lại một dấu ấn đáng kể. Nhân vật cô gái da trắng lớn lên trong bộ lạc gia đỏ Stands With A Fist của cô phải sống giữa hai thế giới khác biệt và Mary McDonnel đã thể hiện xuất sắc điều này.



Bên cạnh đó, nam diễn viên Graham Greene cũng tạo nên một dấu ấn với vai diễn ông già da đỏ Sioux thông thái và hay tìm hiểu.



Nhưng không chỉ có ba diễn viên mà diễn xuất của họ từ phim này đã được thừa nhận bằng các đề cử giải Oscar, những diễn viên phụ cũng đóng các vai trò quan trọng trong việc hấp dẫn khán giả. Có thể kể đến như Robert Pastorelli với nhân vật người giao liên Timmons đã khiến nhiều khán giả phải yêu mến.



Vẻ đẹp hút hồn nhờ ê-kíp quay và dựng phim



Đối với thể loại phim như Khiêu vũ với bầy sói, yếu tố hình ảnh là một trong những điều then chốt tạo nên thành công của bộ phim. Nhà quay phim Dean Semler đã không để người xem phải thất vọng. Ông đã nắm bắt và truyền tải đến khán giả những hình ảnh hoành tráng và đẹp nao lòng về miền Tây hoang dã nước Mỹ thế kỷ XIX.



Những cảnh hành động và các tình huống lãng mạn của phim đã tận dụng tối đa vẻ đẹp thiên nhiên của miền Tây nước Mỹ. Tài năng của Dean Semler đã được công nhận bằng giải Oscar Quay phim xuất sắc nhất choKhiêu vũ với bầy sói.



Bổ sung vào những hình ảnh tuyệt đẹp của Dean Semler là tài năng dựng phim của Neil Travis, người cũng được trao giải Oscar cho công việc của mình với Khiêu vũ với bầy sói. Dù bộ phim có độ dài đến 3 giờ nhưng Neil Travis với kỹ thuật dựng phim khéo léo đã khiến khán giả không hề cảm thấy sốt ruột khi xem.



25-nam-bo-phim-khieu-vu-voi-bay-soi-7512db.jpg



Để thực hiện cảnh quay với đàn bò rừng đang chạy, đoàn phim phải mất cả một ngày chỉ để quay được một lần. Lý do là vì bò rừng mỗi lần chạy phải mất khoảng 10 dặm chúng mới dừng lại được và phải mất cả ngày để gom chúng lại.



Hoàn hảo ở mọi khía cạnh



Đóng góp vào một phần cho sự thành công của Khiêu vũ với bầy sói là những bản nhạc phim do John Barry sáng tác. Nhiều chuyên gia điện ảnh đã nhận định rằng đây là một trong những bộ phim về miền viễn Tây có nhạc phim hay nhất mọi thời đại.



Sự mạnh mẽ và cảm xúc trong nhạc phim kết hợp rất hài hòa và làm nổi bật những điểm nhấn. Nhạc phim Khiêu vũ với bầy sói đã đem về cho John Barry giải Oscar thứ năm trong sự nghiệp của nhà soạn nhạc vĩ đại này. Nhưng không dừng lại ở phần nhạc phim, Khiêu vũ với bầy sói còn xuất sắc giành luôn giải Oscar cho phần dàn dựng âm thanh của bộ phim.



Bên cạnh những giải Oscar đã giành được, Khiêu vũ giữa bầy sói còn nhận được đề cử cho hạng mục Thiết kế trang phục xuất sắc nhất vàThiết kế bối cảnh xuất sắc nhất. Có thể nói là mọi góc cạnh cấu thành nên bộ phim đều được thực hiện rất hoàn hảo bởi một ê-kíp xuất sắc. Chính vì thế mà phim nhận được sự tán dương từ cả giới chuyên môn lẫn khán giả đại chúng. Sự thành công của Khiêu vũ với bầy sói còn tăng lên khi phim được chọn vào danh mục lưu trữ quốc gia của Thư viện Quốc hội Mỹ.



25-nam-bo-phim-khieu-vu-voi-bay-soi-3a40eb.jpg



Một cảnh quay đầy lãng mạn của bộ phim.



Theo Thiên An/Thế Giới Văn Hóa









 
Back
Top