“Tân bến Thượng Hải” – Một khúc bi ca của tình yêu bất thành

Jolie

Member
Tình yêu - một đề tài trở đi trở lại và muôn thủa trong mọi bộ môn của nghệ thuật. Nghệ thuật thứ bảy cũng như vậy, luôn khai thác và đào sâu đề tài này như một nguồn mạch không bao giờ vơi cạn. Điện ảnh và truyền hình Trung Quốc cũng dường như không bao giờ giới hạn sự sáng tạo của mình trong cái muôn thủa, có tính chất ngàn đời, vô hạn, vĩnh hằng của tình yêu. Tuy nhiên với mỗi bộ phim, với mỗi tác phẩm họ lại tự tìm cho mình một tiếng nói riêng, tiếng của những khao khát sáng tạo đến tận cùng của cái hay và cái đẹp trong nghệ thuật.

Bến Thượng Hải – nơi đưa nôi và khởi nguồn của rất nhiều tác phẩm phim truyền hình và điện ảnh đã được tái hiện chân thực, sinh động qua bàn tay của nhiều đạo diễn Trung Quốc, Đài Loan và Hồng Kông. Và “Tân bến Thượng Hải” cũng là một bộ phim được bắt nhịp từ hồn xưa, được làm lại từ câu chuyện phim “vang bóng một thời” những năm trước qua tài năng, sự sáng tạo của đạo diễn Cao Hy Hy. Phim là một câu chuyện bi thương, ai oán, là sự đan xen, tổng hợp của nhiều yếu tố: hành động, tình cảm lãng mạn, bi kịch… cộng hưởng lại cùng nhau và ngân nga đến tha thiết. Từng dây đàn buồn thảm của bộ phim vang lên khiến cho mọi trái tim người xem như thắt lại, day dứt trước số phận, hoàn cảnh của mỗi nhân vật được tái hiện trong phim.


Hiu-Minh-10-.jpg


Và có lẽ cái còn lại, đọng mãi trong sâu thẳm trái tim khán giả khi đã khép lại 42 tập của bộ phim đó là sự cảm thương, là giọt nước mắt xúc động truớc một tình yêu đẹp, thánh thiện, trong sáng nhưng bất thành, tuyệt vọng, tang thương của hai nhân vật chính trong phim là Hứa Văn Cường và Phùng Trình Trình.

“Tân bến Thượng Hải” được sản xuất năm 2007 dưới bàn tay của đạo diến Cao Hy Hy, người từng nổi tiếng với phim “Mật ngọt” được thực hiện trước đó. Đây là bộ phim được xây dựng lại từ kịch bản của hãng TVB năm 1982. Tính đến thời điểm hiện tại bộ phim này đã có ba phiên bản phim truyền hình đó là năm 1982, năm 1996 và 2007. Ngoài ra còn có một phiên bản điện ảnh cũng được làm với tên gọi “Máu nhuộm Bến Thượng Hải” năm 1996. Cả hai phiên bản truyền hình và điện ảnh trước đó đều được dư luận đánh giá cao, lăng xê thành công tên tuổi của nhiều diễn viên đã trở thành gạo cội của màn ảnh Hồng Kông và Hoa ngữ như: Châu Nhuận Phát, Triệu Nhã Chi, Trương Quốc Vinh, Trần Cẩm Hồng…


Hunh-Hiu-Minh-2.jpg


Và khi thực hiện lại “Tân bến Thượng Hải” phiên bản mới này các nhà làm phim cũng phải chịu đựng nhiều sức ép từ phía dư luận, luôn cố gắng làm sao để phiên bản mới này có thể thoát khỏi cái bóng quá lớn của các phiên bản phim trước đó. Đặc biệt với hai diễn viên trẻ là Huỳnh Hiểu Minh và Tôn Lệ thì hai vai diễn này lại càng trở thành một thử thách nặng nề khi trước họ tài tử Châu Nhuận Phát và ngôi sao Triệu Nhã Chi đã hóa thân quá xuất sắc, đưa tên tuổi của bộ phim trở thành biểu tượng của màn ảnh Trung Quốc mỗi khi khán giả nhắc đến những tác phẩm thực hiện về Thượng Hải. Cuối cùng phiên bản “Tân bến Thượng Hải” 2007 ra mắt khán giả màn ảnh nhỏ nó đã thu được nhiều thành công vang dội, được dư luận và giới chuyên môn đánh giá rất cao. Thậm chí nhiều nhà phê bình Đại Lục còn cho rằng “Vai diễn Hứa Văn Cường do Huỳnh Hiểu Minh đảm nhận có nhiều nét thông minh và còn khí chất hơn so với đàn anh Châu Nhuận Phát ngày xưa.”… Điều đó đã phần nào nói lên ấn tượng mà bộ phim để lại trong lòng công chúng.​
“Tân bến Thượng Hải” là câu chuyện xoay quanh cuộc đấu tranh giành quyền lực của các bang phái xã hội đen ở Thượng Hải vào những năm 1930 của thế kỷ 20 mà người đứng đầu là ông trùm tư bản Phùng Kính Nghiêu. Đan xen vào cuộc đấu tranh quyết liệt, đẫm máu và sặc mùi bạo lực ấy là mối tình trong sáng, ngây thơ, mạnh mẽ và bi thương của chàng thanh niên chí lớn, yêu nước Hứa Văn Cường với cô tiểu thư xinh đẹp - con gái của Phùng Kính Nghiêu là Phùng Trình Trình.
Hunh-Hiu-Minh-trong-Tan-bn-Thng-Hi-.jpg

Khác với các phiên bản phim truyền hình trước đó chủ yếu đi vào khắc họa cuộc đối đầu giữa Phùng Kính Nghiêu và Hứa Văn Cường, giảm nhẹ các tình tiết liên quan đến mối tình bất hạnh của Hứa Văn Cường và Phùng Trình Trình thì phiên bản “Tân bến Thượng Hải” 2007 đã được thêm vào đó rất nhiều những chi tiết lãng mạn, đau thương của hai nhân vật nam- nữ chính trong phim và gia tăng các tình huống “xoáy” sâu vào mối quan hệ huynh đệ, gia đình đầy phưc tạp của nhân vật chính. Điều này giúp khắc họa rõ hơn những nét hấp dẫn vốn có trong cốt truyện cũ đồng thời cũng như một chất xúc tác đẩy cao trào của bộ phim lên mức cao nhất, làm cho khán giả có cảm giác dù đang xem một tác phẩm không mới nhưng vẫn có thể cảm nhận được những khám phá, sự dụng công đặc biệt của các nhà làm phim “Tân bến Thượng Hải”.

Và có lẽ cũng chính bởi những đột phá mới từ một nguyên tác phim đã cũ, đã trở nên quen thuộc với khán giả này mà “Tân bến Thượng Hải” đã tạo ra được những dấu ấn riêng, để lại thật nhiều cảm xúc đẹp cho người xem khi trực tiếp theo dõi tác phẩm trên màn ảnh nhỏ. Từ việc tăng tối đa những chi tiết để khắc họa mối tình đẹp nhưng tuyệt vọng của hai nhân vật chính trong phim thì “Tân bến Thượng Hải” còn cho người ta nhìn thấy và nể phục chí “nam nhi” trong thời loạn, khiến cho người ta rơi lệ bởi một chuyện tình buồn, bởi những tình tiết đậm đặc chất bi thương của tình yêu bất thành trong một xã hội đảo điên, hỗn mang và sặc mùi súng ống, máu me. Những chi tiết, bối cảnh trong phim cũng được các nhà làm phim chú ý đầu tư ở mức cao. Một loạt những đại cảnh lớn, những chi tiết giàu sức gợi, cảnh quay chân thực của xã hội Thượng Hải những năm đầu thế kỷ 20 đã được tái hiện lại trước mắt người xem thông qua bộ phim. Cái không khí của thời đại toát lên qua từng cảnh quay đẹp mắt, kết hợp cùng kỹ xảo hiện đại đã thổi vào bộ phim truyền hình này nhiều sự hồi hộp, bất ngờ. Cùng với đó là sự sử dụng hiệu quả, hợp lý các yếu tố về âm nhạc, tạo hình nhân vật… đã mang lại cho 42 tập của bộ phim những thành công không thể phủ nhận.


men4.jpg

Các nhà làm phim đã xây dựng được một sự đối lập giàu ẩn ý khi đặt mối tình trong sáng của Hứa Văn Cường và Phùng Trình Trình bên cạnh sự đen tối, xô bồ của xã hội Thượng Hải lúc bấy giờ, đặt sự dịu dàng, thánh thiện của cô gái tuổi đôi mươi với một khát vọng hạnh phúc đẹp đối lập với sự mưu mô, quỷ quyệt, dã tâm tàn ác của người cha trong thế giới ngầm quyền lực, và cũng tạo ra bi kịch của một chàng thanh niên tri thức, yêu nước, có khí chất bên cạnh những mối quan hệ phức tạp, đầy mâu thuẫn. Tình yêu, khát vọng quyền lực, cái thiện, cái ác, hai mảng sáng - tối, hạnh phúc - khổ đau luôn đồng hành cùng với nhau trong suốt chiều dài hơn 40 tập của bộ phim khiến cho người xem nhức nhối, hoài nghi vã mãi không thôi ám ảnh bởi khúc bi ca ai oán trong tình yêu ấy cứ như lẩn khuất đâu đó khiến cho người ta phải đau, phải nghĩ và phải nhớ về nó thật nhiều.


men5.jpg


Trong tận cùng của những xúc cảm tình yêu người ta nhìn thấy những nỗi đau, sự dằn vặt, sự buốt nhói trong trái tim của hai con người Hứa Văn Cường và Phùng Trình Trình. Nếu như đặt họ ở trong một xã hội khác, một cuộc sống khác thì có lẽ tình yêu của họ cũng không bất hạnh đến như vậy. Nhưng cái lý của những nhà làm điện ảnh, những người làm phim đó là tạo ra hàng loạt cái phi lý bên cạnh những lý lẽ thuyết phục khiến cho khán giả phải đồng điệu. Và nếu đặt giả thiết cả Hứa Văn Cường và Phùng Trình Trình không sinh ra và sống trong thời đại bấy giờ liệu khán giả có còn nhớ mãi đến mối tình đẹp của họ? Phùng Trình Trình như một viên pha lê tỏa sáng giữa những trái ngang, bon chen và xô bồ của cuộc sống Thượng Hải. Sống trong cùng một mái nhà với người cha độc ác, toan tính nhưng cô lại luôn được ông che chở, yêu thương và chiều chuộng hết mực. Khác với một Phùng Kính Nghiêu “hô mưa gọi gió” bên ngoài bến Thượng Hải thì trong gia đình ông lại là người bố luôn dành tình yêu đặc biệt cho cô con gái. Cũng chính vì được yêu thương, luôn sống trong yêu thương nên Phùng Trình Trình sở hữu một trái tim nhân ái, một tâm hồn đẹp, lương thiện đến kỳ lạ. Với cô cuộc sống luôn có màu hồng và luôn được bao bọc bởi tình yêu. Nét ngây thơ, dịu dàng của cô là một dụng ý đầy nghệ thuật khi các nhà làm phim khai thác và tân dụng tối đa nó bên cạnh sự toan tính, lọc lừa, dối trá, thay đổi của cả một xã hội lúc bấy giờ.


minh050915.jpg

Tình yêu của Phùng Trình Trình đã bắt đầu ngay từ phút đầu tiên cô được Hứa Văn Cường cứu thoát trong một vụ bắt cóc tại nhà ga. Từ lần đầu tiên trông thấy Hứa Văn Cường thì Trình Trình đã bị sự lạnh lùng, nam tính, lịch thiệp của anh thu hút, chinh phục. Và cũng chính từ giây phút gặp gỡ ấy đã bắt đầu cho một chuỗi đau đớn, bi kịch về sau này của hai con người trẻ tuổi. Đối với cô sinh viên Phùng Trình Trình thì Hứa Văn Cường là chàng trai đầu tiên khiến cho cô cảm động, khiến cho cô có những cảm xúc đẹp đến thế về tình yêu. Điều đáng nói đó là trong xã hội bấy giờ khi nhiều quan niệm phong kiến vẫn đè nặng và chi phối đến tư tưởng của người phụ nữ thì trong “Tân bến Thượng Hải” các nhà làm phim lại để Phùng Trình Trình là người theo đuổi Hứa Văn Cường trước. Còn Hứa Văn Cường lúc này là một chàng sinh viên vừa tốt nghiệp đại học ở Bắc Bình lên Thượng Hải để lập nghiệp và để đi tìm cô bạn gái của mình là Phương Diễm Vân. Anh không để ý đến tình cảm mà Phùng Trình Trình dành cho mình, vẫn còn hoài mộng về cô bạn gái cũ. Cũng từ cuộc gặp gỡ định mệnh với Phùng Trình Trình tại nhà ga xe lửa của Thượng Hải mà Hứa Văn Cường và Đinh Lực - một chàng trai thô lỗ, ít học, bán lê để kiếm sống qua ngày đã cùng nhau kết nghĩa anh em. Bắt đầu từ đây mối quan hệ phức tạp giữa Hứa Văn Cường- Phùng Trình Trình và Đinh Lực cũng nảy sinh nhiều điều rắc rối. Tình yêu của Phùng Trình Trình dành cho Hứa Văn Cường ngày càng sâu đậm, vì anh cô đã bao lần khóc, bao lần chờ đợi và rồi cũng tha thứ tất cả cho anh sau mọi lỗi lầm, sự lạnh lùng, vô tình của anh đối với mình. Mỗi lần cô thấy mình có hi vọng lại gần thêm với anh một chút là mỗi lần anh lại làm cô thất vọng, đau khổ.


minh050917.jpg


Vì cuộc hẹn với Phương Diễm Vân- lúc này đã trở thành một gái bao cao cấp ở bến Thượng Hải và cũng là người tình của Phùng Kính Nghiêu mà Hứa Văn Cường đã bỏ mặc Phùng Trình Trình một mình trong đêm mưa gió, vì Phương Diễm Vân mà anh có thể không đi xem phim cùng cô, nổi cáu khi cô mang quà đến tặng anh trong ngày sinh nhật tại rạp chiếu phim của mình. Cho đến khi Phùng Trình Trình bị bắt cóc lần thứ hai, khi mà tính mạng của cô đang “ngàn cân treo sợi tóc” thì Hứa Văn Cường lúc này đã ra tay cứu cô thêm một lần nữa, bất chấp nguy hiểm tính mạng, anh lao vào cứu cô để rồi cả hai cùng bị giam trong ngôi nhà lạnh lẽo, tối tăm. Chính tại ngôi nhà này cả Phùng Trình Trình và Hứa Văn Cường mới nhận ra tình cảm thực sự dành cho nhau. Hứa Văn Cường đã để cho Phùng Trình Trình yếu đuối dựa vào lưng anh, bờ vai của anh. Sự mạnh mẽ, ấm áp của Hứa Văn Cường như có một sức mạnh lớn lao để che chở cho Phùng Trình Trình bé nhỏ. Trong ngôi nhà hoang lạnh lẽo, khi bên ngoài đầy những gương mặt người canh giữ hiểm ác thì bên trong ngôi nhà ấy tình yêu đã lan tỏa và chiếu sáng khắp cả căn phong. Hứa Văn Cường lúc này mới nhận ra tình cảm thực sự của mình dành cho Phùng Trình Trình.​
Thật tuyệt vời khi khán giả được chứng kiến đoạn phim này. Với máy quay đặt chếch lên phía của sổ của căn phòng, với âm nhạc du dương đi sâu vào lòng người, cảnh hai người ngồi dựa lưng vào nhau được quay từ trên cao xuống khiến cho người xem có cảm giác như được bay bổng trong tình yêu cùng hai con người trẻ tuổi. Rồi máy quay đột ngột di chuyển vào khuôn hình khi thu nhỏ lại cảnh hai người ngồi dựa vào nhau cùng hình ảnh ô cửa sổ nhỏ. Tất cả như thu lại trong tầm mắt người xem để họ có thể cảm nhận được hết những rung động yêu thương của Phùng Trình Trình và Hứa Văn Cường. Lời thoại mà hai nhân vật nói với nhau trong lúc này: “Trình Trình à, em có sợ không? - Lúc đầu thì sợ nhưng bây giờ thì em không sợ nữa. Em luôn tin tưởng rằng anh sẽ đến cứu em. Bây giờ em không sợ mà còn hi vọng được ở lại nơi này vĩnh viễn… ” Từng lời của hai nhân vật vang lên như những dây đàn thổn thức, nhẹ nhàng đưa người xem hòa vào một không gian tình yêu thơ mộng.​

P38393561.jpg


Tình yêu vẫn có một khả năng đặc biệt đó là níu giữ trái tim con người ở lại nơi đang có tình yêu ngự trị. Cả Hứa Văn Cường và Phùng Trình Trình đã từng có ý định lìa xa Thượng Hải, lìa xa người mình yêu thương để đến một miền đất khác. Đối với hứa Văn Cường thì đó là bởi anh không muốn đứng trên cùng một con thuyền đen tối với Đinh Lực và Phùng Kính Nghiêu, muốn tự tìm chí hướng cho mình ở nơi khác nhưng cuối cùng anh không thể ra đi bởi anh biết thiếu anh thì Đinh Lực sẽ lạc lối, mất phương hướng hoàn toàn trong cuộc mưu sinh nơi bến cảng nhiều tội ác. Và cuộc chia ly này cũng không thể thực hiện được khi nước mắt của Phùng Trình Trình- người con gái anh yêu đã giữ chân anh khiến anh không thể rời bước. Còn đối với Phùng Trình Trình thì tính cách lúc nóng, lúc lạnh của Hứa văn Cường đã khiến cô mệt mỏi thực sự. Hứa Văn Cường yêu Phùng Trình Trình nhưng lại nặng ân nghĩa với Phương Diễm Vân bởi anh đã nợ cô một món ân tình rất lớn khi cô giúp anh tiếp xúc và đi vào con đường của thế giới thượng lưu. Vì thế anh luôn bất chấp, sẵn sàng lao vào nguy hiểm để giúp cô khi cô cần. Và cũng bởi tính cách nghĩa hiệp, luôn sống vì tình nghĩa mà anh đã khiến cho Phùng Trình Trình đau khổ, hiểu lầm và định từ bỏ anh tình yêu để đến Pari du học.

Đối với Trình Trình đó là cách giải thoát tốt nhất để cô cố gắng quên đi hình bóng Hứa Văn Cường. Tuy nhiên sau những cuộc đối thoại nội tâm, khi Trình Trình bước ra tới sân bay thì Hứa Văn Cường mới hiểu rằng anh cần cô và yêu cô đến thế nào. Đoạn phim khi Hứa Văn Cường chạy tới sân bay để níu giữ chân Phùng Trình Trình có lẽ là một cảnh lãng mạn nhất trong toàn bộ phim, khiến cho nhiều người phải rơi nước mắt. Một cái ngoài nhìn lại trở lại phía sau của Phùng Trình Trình, một ánh mắt buồn thảm, thất vọng khi cô không thấy anh ra tiễn, một hồi còi xe ô tô vang lên, một tiếng chân, những cô bé, cậu bé trong trang phục thiên thần cầm trên tay những bông hồng đẹp nhất đứng tại sân bay.. tất cả cùng góp phần tạo nên những giây phút thăng hoa của tình yêu lãng mạn đến ngây ngất. Hứa Văn Cường lau khô giọt nước mắt xúc động, nghẹn ngào của Phùng Trình Trình và ôm cô trong vòng tay như một lời khẳng định cho tình yêu không gì có thể chia cắt. Tấm ảnh hai người chụp cùng nhau trước khi Phùng Trình Trình ra đi như một nguồn sức mạnh, sợi dây vô hình nối liền hai trái tim họ lại cùng nhau. Một tình yêu đẹp khi đã trải qua nhiều hiểu lầm, tranh cãi. Một đoạn phim đẹp từ góc máy, bối cảnh cho tới diễn xuất và đặc biệt âm nhạc như một cây cung thần diệu ngân lên những cung bậc cảm xúc tình yêu đẹp nhất. Một đoạn phim lãng mạn chắc chắn sẽ lưu giữ trong tim của nhiều khán giả.

Tan-bn-Thng-Hi-.jpg
Tưởng chừng tình yêu giữa Hứa Văn Cường và Phùng Trình Trình có thể đi đến một kết thúc đẹp khi trong mắt của Hứa Văn Cường thì “Trình Trình à, anh yêu em, anh yêu em hơn bất cứ điều gì trên đời này..”. Tuy nhiên giữa họ luôn có một khoảng cách, một sợi dây cắt ngang ở hai đầu nỗi nhớ đó chính là Phùng Kính Nghiêu. Khi hai tư tưởng của Phùng Kính Nghiêu và Hứa Văn Cường xung đột lẫn nhau, khi mà con người lương thiện, chính trực của Hứa Văn Cường không thể cùng chung đường, cùng chung một quỹ đạo với sự tàn bạo, độc ác của bố Trình Trình thì tình yêu của họ cũng bị lung lay, gặp bão tố. Hứa Văn Cường từng ao ước “Trình Trình à, anh ước gì giá mà em không phải là con gái của Phùng Kính Nghiêu thì tốt quá..” đã đủ nói lên những mâu thuẫn trong bản thân con người Hứa Văn Cường. Một bên là luơng tri, một bên là tình yêu. Cuối cùng anh đã đi theo tiếng gọi của lương tri, của bản tính thiện mà đối đầu với bố của người con gái anh yêu. Sự tiêu diệt mà Phùng Kính Nghiêu đưa ra cho anh không thể tiêu diệt được tình yêu của mà anh dành cho Trình Trình. Nhưng Trình Trình lại không thể vượt qua sự yếu đuối, sự ích kỷ cá nhân để đi theo tiếng gọi của tình yêu. Cô đã chọn chữ hiếu thay vì chữ tình. Cuộc chia tay đau đớn, đầy nước mắt giữa hai người khi đứng trên cây cầu Thượng Hải đã chấm dứt một cuộc tình đẹp để bắt đầu cho một thảm họa diệt vong nhuốm đầy máu về sau. Trình Trình đứng trên cầu, còn Hứa Văn Cường mắt nhòe lệ đứng dưới chân cầu nhìn theo bóng cô thật là một đoạn phim khiến người ta phải thương, phải xót. Đạo diễn Cao Hy Hy đã chỉ đạo diễn viên của mình diễn xuất rất tinh tế trong đoạn phim này. Ông không để cho Trình Trình rơi lệ mà chỉ khắc họa nét mặt buồn thảm đến trĩu nặng của cô, ông đặc tả gương mặt Hứa Văn Cường với những giọt nước mắt lăn từ từ rồi bước chân anh dường như không thể đi tiếp… Hứa Văn Cường ra đi bỏ lại sau lưng một Phùng Trình Trình sống mà như đã chết, cô ngày ngày ăn mặc như một góa phụ, đơn độc và ủ rũ trong ngôi nhà của mình.​
Nỗi nhớ người yêu như quay quắt, chiếm trọn mọi ngóc ngách trong trái tim cô. Khi cha cô cho người tiêu diệt toàn bộ gia đình người vợ mới và đứa con còn ở tỏng bụng của Hứa Văn Cường cũng là lúc cả hai người đều hiểu rằng cuộc tình của họ không bao giờ hi vọng có thể trở lại. Lần gặp gỡ cuối cùng khi họ ở Hồng Kông đã trở thành một kỷ niệm buồn chôn vùi quá khứ đẹp giữa hai người. Khi Hứa Văn Cường trở lại Thượng Hải sau vụ thảm sát đẫm máu của bố Trình Trình dành cho gia đình anhthì nó chính là nguyên nhân để kéo dài thêm sự mâu thuẫn giữa Phùng Kính Nghiêu, Đinh Lực và Hứa Văn Cường. Gịot nước mắt của anh rơi khi Trình Trình trở thành nạn nhân đau khổ nhất trong cuộc đối đầu giữa hai kẻ thù: một bên là cha, một bên là người yêu. Kêu gọi một lời tha thứ của Hứa Văn Cường cho cha mình, quyết định đi theo anh đến “cùng trời cuối đất” nhưng không thể kịp. Không thể cảm hóa được trái tim rỉ máu, chứa đầy thù hận của Hứa Văn Cường. Trong lúc này anh chỉ nghĩ đến trả thù, chỉ mong giết chết Phùng Kính Nghiêu.
Thng-Hi-.jpg

Ngày đám cưới của Phùng Trình Trình và Đinh Lực cũng là ngày mà Hứa Văn Cường quyết định để tang cho mối tình giữa mình và Phùng Trình Trình. Anh dằn vặt mình trong hạnh phúc ngày xưa, đau đớn tìm bàn tay mình để xóa đi ký ức buồn, tự tay đốt đi những dấu vết, kỷ vật tình yêu sâu đậm giữa hai người. Gịot nước mắt lại một lần nữa rơi trên khuôn mặt của người đàn ông đã từng ngang dọc một thời, chưa từng biết run sợ trước bất cứ điều gì nhưng lại là một người đàn ông yếu đuối trong tình yêu. Diễn xuất của Huỳnh Hiểu Minh lúc này như hòa nhập vào nhân vật hoàn toàn, người ta không nhìn thấy khoảng cách giữa một diễn viên đang hóa thân và một Hứa Văn Cường si tình nhưng đang bị tình yêu làm cho đau đớn đến tột cùng. Một khả năng diễn xuất da dạng, biến hóa đến tinh tế khi anh đi vào tận cùng thế giới tâm lý nhân vật bật nó ra thành một hình ảnh đầy chất bi thương đan xen trong giờ phút trọng đại của Phùng Trình Trình và Đinh Lực. Một Hứa Văn Cường như chết lặng về tinh thần, tê liệt trong trái tim đối lập với một Đinh Lực đang thỏa mãn, hạnh phúc vì lấy được người mình từng yêu trộm nhớ thầm rất lâu. Cái không khí đối lập cộng với âm nhạc được sử dụng rất hợp lý như một sự dự báo về điều không lành đang sắp xảy ra khiến người xem như bị thu hút hoàn toàn vào phim. Từng động tác của nhân vật được máy quay ghi lại thật chậm rãi như để người ta nhìn rõ hơn sự đối lập gay gắt lúc đó. Cả một không gian phim u uất và như lạng lẽ trôi đi theo từng tích tắc.

Mạch phim lúc này như đi từng bước một, nó đếm thời khắc để các nhân vật tự để giải quyết mọi mâu thuẫn của nhau. Hứa văn Cường tìm đến để tiêu diệt Phùng Kính Nghiêu. Lúc này đạo diễn đã xử lý rất khéo khi để Hứa văn Cường từ từ rút súng trước sự chứng kiến của tất cả mọi người trong đó có Trình Trình và Đinh Lực, anh không ngay lập tức bắn mà còn dừng lại hướng ánh mắt vào Phùng Trình Trình. Và khi nòng súng của anh còn đang do dự, chần chừ khi hướng đến Phùng Kính Nghiêu thì cũng là lúc người anh em kết nghĩa của anh là Đinh Lực đã không ngần ngại xả về phía anh liến tiếp mấy phát súng. Hứa Văn Cường đã ngục ngã trước sự chứng kiến của tất cả mọi người, vì Phùng Kính Nghiêu mà Đinh Lực có thể bán rẻ tình anh em với anh để làm tròn bổn phận của kẻ làm con rể. Trước khi ngã xuống hình ảnh của những kỷ niệm tình yêu xưa lại ùa về trong trí nhớ của Hứa Văn Cường, nó như dây neo không bao giờ đứt, nó nhắc cho anh nhớ về một thời hoa mộng đã mãi mãi trôi xa. “Trình Trình à nếu anh được làm lại từ đầu anh chẳng mong muốn gì cả, anh chỉ cần có em, có em suốt đời này.” Còn Trình Trình lúc này cô như lặng đi trong nỗi đau khi chứng kiến cảnh người mình yêu thương nhất bị người yêu mình nhất cầm súng bắn chết.

16aPhim-Tan-bn-Thng-Hi.jpg
Cô như chết lặng đi khi tận mắt nhìn Hứa Văn Cường gục xuống đất, tiếng kêu thất thanh vang lên như xé nát toàn bộ không gian rồi nước mắt từ từ chảy ra trên khóe mắt cô. Nỗi đau lúc này được đẩy lên tới tận cùng khiến cho Phùng Trình Trình như đang tan vào nó, gào thét trong tuyệt vọng vô bờ với nó. Một trường đoạn kết phim gây nhiều nhức nhối khi nhân vật xấu là Phùng Kính Nghiêu và Đinh Lực không hề bị trả giá cho tội ác của mình, còn Hứa Văn Cường luôn sống vì đạo nghĩa, người luôn cho rằng “thượng đế sẽ luôn bảo vệ người tốt” nhưng cuối cùng có lẽ thượng đế cũng chẳng thể bảo vệ anh thoát khỏi họng súng của Đinh Lực cho dù anh là người tốt. Và bi kịch của tình yêu giữa Phùng Trình Trình và Hứa Văn Cường đã kết thúc như thế, nó lấy đi biết bao nước mắt của khán giả khi nó đau đớn, bất thành và đầy tiếc nuối.​
Cả bộ phim với hơn 40 tập xoay quanh mối quan hệ phức tạp củ các nhân vật tuy nhiên người ta ấn tượng nhất có lẽ vãn là chuyện tình đầy nước mắt của Hứa Văn Cường và Phùng Trình Trình- hai con người bị sinh nhầm thời đại. Một bản hòa âm buồn bã với cái chết của nam nhân vật chính và nỗi đau thấu ruột của nữ nhân vật chính Phùng Trình Trình. Một chuyện phim buồn đủ sức hấp dẫn và lấy đi nhiều nước mắt của khán giả.
Tình yêu lại một lần nữa mang đến cho người ta cảm xúc khác khi xem “Tân bến Thượng Hải”. Một câu chuyện tình buồn được đặt trong một môtip phim quên thuộc nhưng lại mới về cấu tứ, cách đạo diễn thể hiện những khám phá nghệ thuật của mình. Vì vậy mà “Tân bến Thượng Hải” đã được khán giả bình chọn là phim truyền hình được yêu thích nhất của Trung Quốc năm 2007.
Hương Giang
 
Back
Top