Bộ phim “Pixels” là sự kết hợp có phần kỳ quặc giữa các trò chơi điện tử, cuộc xâm lăng của người ngoài hành tinh và chất hài đặc trưng từ tài tử Adam Sandler.
Trong thập niên 1980 và 1990, hàng triệu trẻ em trên toàn thế giới say mê các trò chơi điện tử bốn nút hay máy chơi đút xèng. Nhưng với sự phát triển của công nghệ, những tựa game cổ lỗ dần dần lui vào dĩ vãng. Bởi vậy, nhưWreck-It Ralph (2012), Pixels như chuyến hành trình trở về tuổi thơ dành cho nhiều khán giả lớn tuổi, thế hệ những người từng say mê Mario, Pac-Manhay Donkey Kong.
Song, nếu tác phẩm hoạt hình cách đây ba năm là một câu chuyện nhẹ nhàng, trong sáng, thì bộ phim mới lại cài cắm thêm yếu tố khoa học viễn tưởng, cùng nhiều chi tiết chọc cười “người lớn”.
Pixels là một dự án chứa đựng nhiều ý tưởng táo bạo khác nhau và có Adam Sandler sắm vai chính kiêm nhà sản xuất.
Lấy ý tưởng từ phim ngắn cùng tên của đạo diễn Patrick Jean, hãng Columbia quyết định phát triển dự án điện ảnh do Adam Sandler đóng vai chính kiêm nhà sản xuất. Sự có mặt của danh hài làm dấy lên một số nghi ngờ rằng Pixels sẽ không phù hợp với đối tượng khán giả gia đình.
Gần như toàn bộ cốt truyện chính của Pixels được bộc lộ từ ngay đoạn trailer. Một ngày nọ, Trái đất bỗng nhiên phải đối mặt với cuộc xâm lăng của người ngoài hành tinh. Điều kỳ quặc ở chỗ chúng hành động theo những cách thức y như trong trò chơi. Không còn cách nào khác, Tổng thống William Cooper (Kevin James) buộc phải nhờ cậy người bạn thuở thơ ấu – Sam Brenner (Adam Sandler) và một số game thủ “hết thời” khác giải cứu nhân loại.
Trong những phút đầu phim, Pixels mang đến nhiều cảnh quay thú vị về quá khứ đầy hoài niệm. Hình ảnh những tiệm trò chơi điện tử với hàng chục máy chơi đút xèng luôn kín chỗ có thể thân thuộc với thế hệ 8X, nhưng lại xa lạ đối với lớp thiếu niên lớn lên cùng hệ máy PlayStation hay máy tính bảng. Sự khác biệt trong suy nghĩ giữa hai thế hệ cũng được thể hiện rõ trong cảnh nhân vật chính ngồi xem một chú bé chơi những trò chơi thời nay. Mức độ bạo lực và hỗn loạn của chúng khiến Sam Brenner vô cùng khó chịu.
Tuy nhiên, phần còn lại của bộ phim lại quá an toàn giống nhiều tác phẩm khác của Adam Sandler. Có cảm giác hơn 100 phút thời lượng phim giống như trò chơi, khi các nhân vật phải lần lượt vượt qua từng màn chơi trước khi gặp trùm cuối để “phá đảo”. Với một cốt truyện đơn điệu, đội ngũ biên kịch cố gắng lấp đầy lỗ hỏng bằng các tình tiết gây cười, thay vì phát triển tâm lý nhân vật. Hậu quả là mạch phim của Pixels cứ diễn ra đều đều, không có điểm nhấn.
Kỹ xảo là một điểm cộng của Pixels khi phim đem tới nhiều cảnh quay hành động 3D đẹp, mãn nhãn.
Về mặt kỹ xảo, Pixels ghi điểm nhờ những khung hình 3D đẹp, đặc biệt khi các nhân vật trong game xuất hiện ngoài đời thực. Cảnh chú rết hủy diệt xuất hiện đầy ấn tượng, biến cả bầu trời đêm thành một màn hình chơi game khổng lồ. Trận chiến với Pac-Man đem tới trải nghiệm thú vị khi những ngôi nhà ở New York bị con quái vật cắn cho nham nhở, còn các nhân vật phải nhập vai “hồn ma” để đi tiêu diệt Pac-Man. Tuy nhiên, cảnh hành động cuối cùng với trò Donkey Kong lại nhàm chán, dù đã được giai điệu We Will Rock You bất hủ “trợ lực” để tăng sự phấn khích.
Adam Sandler sắm vai chính Sam Brenner, người từng suýt vô địch trò chơi điện tử thế giới, nhưng bị thất bại ám ảnh đến nỗi trở thành kẻ gàn dở. Sau hàng loạt các màn diễn xuất bị giới phê bình chê tơi tả, danh hài cố gắng tiết chế phong cách hài thô ở Pixels. Trên thực tế, anh có một vài khoảnh khắc lóe sáng, nhưng nhìn chung vẫn chỉ gây cười nhờ kiểu hài tình huống quen thuộc.
Trong các vai phụ, Tổng thống William của Kevin James được mô tả như người ngờ nghệch tới mức phi lý. Còn Josh Gad vào vai game thủ lập dị Ludlow, gã hoang tưởng tới nỗi đem lòng yêu một nhân vật trong thế giới trò chơi. Cả hai có những nét độc đáo riêng, nhưng nhiều lúc hơi quá đà, thiếu tiết chế.
Peter Dinklage thể hiện khả năng diễn xuất vượt trội so với các đồng nghiệp trong Pixels.
Trong khi đó, “quỷ lùn” Peter Dinklage bất ngờ trở thành điểm sáng củaPixels. Anh thủ vai Eddie, nhân vật lấy cảm hứng từ game thủ huyền thoại Billy Mitchell, nhà vô địch thế giới trò chơi Pac-Man.
Với lối diễn xuất ngang tàng như trong Game of Thrones, Peter Dinklage chiếm trọn cảm tình của khán giả mỗi lần xuất hiện, tạo ra nét ma mãnh đối lập với sự ngây ngô của các nhân vật khác. Mặc dù vậy, sự chuyển biến tâm lý của Eddie ở đoạn cuối phim diễn ra khá hời hợt, trong khi tiềm năng diễn xuất của Dinklage rõ ràng vẫn có thể khai thác sâu hơn.
Là một dự án hứa hẹn trong mùa hè 2015, nhưng Pixels có phần gây thất vọng tại phòng vé với tổng doanh thu sau gần một tháng trình chiếu chỉ vào khoảng 155 triệu USD. Nhìn chung, phim là tác phẩm mang tính giải trí đơn thuần, có kỹ xảo tốt nhưng nội dung đơn điệu. Có lẽ Pixels chỉ hợp với những khán giả lớn tuổi muốn tìm lại một chút hoài niệm trong quá khứ, thay vì đối tượng gia đình như nhà sản xuất muốn nhắm tới.
Zing.vn đánh giá: 3/5
Pixels (tựa Việt: Đại chiến Pixels) khởi chiếu trên toàn quốc từ 14/8.
Theo Zing