Ấm áp những quán cơm không giữa Sài Gòn

Jolie

Member
Nhiều khi bạn bè tôi cắc cớ hỏi rằng, TPHCM đắt đỏ thế, sống làm sao? Tôi bảo, Sài Gòn có đắt đỏ nhưng cũng dễ sống lắm. Nghề gì, bao nhiêu tiền cũng sống được.

Lại hỏi, biết chuyện TPHCM có cơm 2.000 đồng một suất nhưng thắc mắc dữ, bởi không tưởng tượng được 2.000 đồng thì ăn được gì, ăn sao no…? Tôi cười: “Ăn được, ăn ngon, và chứa chan nghĩa tình của một TPHCM hào hiệp…”.

Thắc mắc của bạn không phải không có lý, bởi bây giờ 2.000 đồng không mua được một ly nước mía. Gửi xe đã được trợ giá cũng đã 3.000 đồng, vào quán cơm bình dân gọi ly trà đá có nơi đã tới 3.000 đồng. Nhưng sự thật là cơm 2.000 đồng lại đủ món mặn, xào, canh, gọi thêm cơm không giới hạn; tráng miệng trà đá trái cây miễn phí.

Nhờ quán cơm 2.000 đồng và phố cơm trắng

11h15 một ngày tháng 6, quán cơm xã hội Nụ Cười 1 (số 6 Hồ Xuân Hương, quận 3, TPHCM) bắt đầu bán phiếu, nhưng từ 10h đã có hơn 100 khách đợi trước cửa, trên tay cầm sẵn tờ 2.000 đồng nhàu cũ. Một trong những khách quen của quán là anh Toàn đang điều trị nội trú tại Bệnh viện Da liễu TPHCM. Là bệnh nhân nên anh được ưu tiên mua phiếu trước. Khệ nệ bưng khay cơm, chọn chỗ ngồi gần cái quạt máy chạy vù vù, anh từ tốn: “Không phải chen lấn, xô đẩy, khỏe thêm được một chút”.

Anh kể, từ quê lên đây chữa bệnh một mình, không phải người thân bỏ mặc mà vì nhà anh nghèo, thêm một người nuôi bệnh là bớt đi một ít tiền đóng viện phí, nên mỗi tuần người nhà chỉ lên “chi viện” một lần, thời gian còn lại anh tự xoay xở. Những ngày đầu, tiết kiệm anh chẳng dám ăn, chẳng dám uống vì “ở TPHCM đến cả đi tắm cũng phải mất tiền, nhà quê đâu chịu nổi”. Anh kể: “Mấy hôm thấy tôi chỉ ăn bánh mì, mọi người cho cái địa chỉ cơm 2.000 một suất, có đủ cá, thịt, canh, dưa. Tôi lần tìm đến đây và trở thành khách quen. Có cơm, người khỏe hẳn ra, có sức mà chữa bệnh”.

Không riêng gì anh Toàn, quán cơm Nụ Cười 1 đã trở thành địa chỉ quen thuộc của nhiều bệnh nhân ở các Bệnh viện Da Liễu, Mắt TPHCM và những người bán vé số, chạy xe ôm... Bác Tài xe ôm kể: “Bến của tôi là ở Bệnh viện Da Liễu, chạy khắp thành phố, cứ tầm 11h là tranh thủ có mặt ở đây để ăn cơm. Nếu ăn cơm bình dân thấp nhất cũng 15.000 đồng/bữa, cao là 20.000 đồng. Về đây ăn mỗi bữa tiết kiệm hơn 10.000 đồng, mỗi tháng dư ra vài trăm ngàn gửi về cho con”.
1369923510-sai-gon-1.jpg

Xếp hàng mua phiếu cơm tại quán cơm xã hội Nụ Cười.
Bác Tài bỏ mấy sào ruộng vốn mùa được mùa mất ở quê, vào đây chạy xe. Vợ bác ở quê chỉ có gánh rau toòng teng, vui buồn theo mỗi buổi chợ, nên bác càng phải tiết kiệm để nuôi đàn con. “Mỗi tháng dư ra vài trăm ngàn” là con số không hề nhỏ so với thu nhập ít ỏi mỗi ngày chỉ kiếm được chục ngàn đồng, thậm chí có ngày chẳng có đồng nào. Những người dân quê tha hương vào TPHCM kiếm sống phải “bóp mồm bóp miệng” mới bám trụ được.

Cụm từ “bóp mồm bóp miệng” là của ông Hai Quang. Ông ở Quảng Nam vào TPHCM bán vé số hơn chục năm nay. Trước khi có quán cơm 2.000 đồng, ông Hai đã sống nhờ vào cái phố cơm trắng của TPHCM. Phố cơm trắng là con đường Nguyễn Thông, quận 3. Phố đơn thuần chỉ bán cơm, không có thức ăn, họa may có thêm cà dưa muối. Từ ga Sài Gòn đi ra chừng 100m đã có hơn chục hàng cơm trắng, hàng lâu nhất cũng ngót nghét 15 năm. Cơm bán theo ký, tùy loại dẻo, cứng, khô, mềm, mà giá dao động từ 7.000 đến 10.000 đồng/ký.
1369923510-sai-gon-2.jpg

Một bữa cơm ở quán cơm xã hội Nụ Cười giúp người lao động nghèo tiết kiệm ít nhất 10.000 đồng.
“2.000 đồng cơm trắng, thêm 2.000 đồng cà muối là xong một bữa. Dạo mới vào, ăn liên tục một món cũng ngán, nhưng ăn riết rồi quen, mỗi tháng trừ tiền nhà, điện nước còn dư hơn 2 triệu. Ở quê dễ gì kiếm được trăm bạc huống là tiền triệu, rứa là vui” - ông Hai hồ hởi. Gắn bó với phố cơm trắng này là hàng ngàn người dân tứ xứ đủ các loại nghề nặng nhọc, bốc vác, sinh viên, lao động nghèo... những người cần tiết kiệm mỗi tháng vài trăm ngàn để “còn lo nhiều cái khác nữa, đâu chỉ chuyện ăn của mình”.

Nhân dân nuôi nhân dân

Khoảng 5 năm trở lại đây nhiều quán cơm xã hội lần lượt ra đời từ những tấm lòng thiện nguyện, riêng Quỹ từ thiện Tình Thương đã lần lượt cho ra đời 3 quán cơm xã hội Nụ cười 1, 2, 3 ở các Q.3, 7, Tân Phú. Tại quận Bình Thạnh có quán cơm chay từ thiện số 53 Vũ Tùng, do chị Thúy Phượng - Phó Chủ tịch Hội Chữ thập Đỏ quận Bình Thạnh - trực tiếp phụ trách.

Hàng trăm sinh viên và người nghèo quận 11 vào các ngày thứ hai, tư, sáu trong tuần tìm đến quán cơm 2.000 đồng tại địa chỉ 6/15G1, cư xá Lữ Gia, phường 15, Q.11. Hay những “Bữa cơm nhân ái” được các bạn trẻ phát đến từng bệnh nhân ở các bệnh viện như Ung bướu TPHCM, Bệnh viện Chợ Rẫy...

Nhà báo Nam Đồng, nguyên Tổng Biên tập Báo Pháp Luật TPHCM - lý giải đơn giản về sự ra đời, tồn tại của chuỗi quán cơm Nụ Cười mà ông làm chủ nhiệm: “Người Sài Gòn hào hiệp lắm. Lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều... cứ thế người ta tương trợ nhau. Quán cơm xã hội Nụ Cười 1 vốn ban đầu chỉ có 150 triệu, vèo một cái đã hết.
1369923510-sai-gon-3.jpg

Một quán bán cơm không trên phố cơm trắng của Sài Gòn.
Ngày mới khai trương, chỉ dự định bán cơm 2.000 đồng vào các ngày thứ hai, tư, sáu, những người đứng ra thành lập phải bù lỗ mỗi tháng vài chục triệu. Nhưng sau đó người này góp, người kia góp số tiền cứ tăng dần. Hôm khai trương không ai biết sẽ duy trì được bao lâu, nhưng bây giờ thì sau Nụ Cười 1 là Nụ Cười 2, Nụ Cười 3, một tuần 3 bữa cơm 2.000 đồng, thì nay ngày nào cũng có cơm 2.000 đồng, mỗi ngày từ 300 đến 500 suất. Ngày thứ 5, ở quán Nụ Cười 1 còn có “Ngày hạnh phúc” với bún, phở, hủ tiếu có thịt, chả, một tô chỉ 1.000 đồng. Nhân dân ta nuôi nhân dân ta thôi. Chuyện tưởng khó nhưng hóa dễ lắm!”.

Đang chuyện với ông Nam Đồng thì một anh thanh niên vào góp chuyện. Anh là thợ mộc, cũng là một thực khách của quán, anh hỏi về việc làm cái tủ lưới đựng thức ăn. Sau một hồi vòng vo anh đề nghị với ông chủ nhiệm được “tài trợ” cho quán cái tủ, lý do “ngày nào con cũng ăn cơm ở đây, ăn 3 tháng rồi, dư ra cũng được hơn 1 triệu, con ủng hộ cái tủ có 500 ngàn, vẫn còn 500 ngàn...”. Những thực khách “hành xử” như anh thợ mộc trên không phải hiếm.

Cô tình nguyện viên phát nước uống cho khách, kể: Cách nay chưa đầy tuần có một bà cụ bán vé số, cơm nước xong bà cứ chần chừ chưa chịu về. Hỏi thì bà im lặng, một lúc sau bà lí nhí đề nghị cho bà tặng quán một tờ vé số “lấy hên”, trúng một tỉ rưỡi thì mở thêm Nụ Cười 4-5-6... “Hôm đó chưa đại hên nên quán chỉ trúng giải khuyến khích 100 ngàn đồng, hôm sau em thông báo lại bà cụ vui lắm”.

Ở những quán cơm xã hội của Sài Gòn không còn là chuyện lạ, cô bán trứng vịt thỉnh thoảng lại tặng cho chục trứng móp méo, anh bán gạo ghé qua ăn cơm rồi lẳng lặng chở bao gạo vác thẳng vào kho của quán.

Đã xế chiều với tay lấy bịch cơm, ông Hai Quang xin thêm miếng cơm cháy. Ông kể: Con gái lớn của ông đã học xong lớp 12, năm nay thi đại học, hắn vào TPHCM không thể cho hắn ăn cơm trắng, cà muối giống mình được, sức đâu mà học. Tui phải cố thêm tí nữa”. Ông bảo sẽ cố thêm tí nữa, có thể ông phải đi nhiều nữa để bán được nhiều vé số hơn, hoặc bữa cơm của ông sẽ chỉ còn 1.000 đồng cơm trắng và 1.000 đồng cà muối. Đời ông sẽ còn gắn với con phố này rất lâu.

Phát hiện “Nhân dân nuôi nhân dân” của ông Nam Đồng không chỉ bó hẹp trong những quán cơm từ thiện, còn là “phương châm kinh doanh” của những người bán cơm trắng. “Tôi không mơ ước làm giàu từ nghề bán cơm không này dù đã gắn bó gần 15 năm với nó. Mình nấu giúp người ta nồi cơm, người ta trả cho mình tiền gas, tiền gạo, thêm chút tiền công, mỗi ký cơm lời cũng được 500-1.000 đồng. Ngày nào tôi cũng thấy họ ăn độc một món cơm trắng, cà muối. Xót lắm! Giá cả cứ tăng ào ào, vài năm rồi họ cứ mua 2.000 đồng cơm trắng mình cũng không nỡ bán ít đi. Đều là người nghèo khổ cả!”.

Theo Lê Tuyết (Lao động)








 
Back
Top