Đừng sợ... vắc-xin !

thanhlinh

Junior Member
p_tr.gif



Mặc dù có thể gây nên những tai biến ngoài mong muốn, nhưng tỷ lệ rất thấp. Vắc-xin vẫn là "thuốc" hữu hiệu giúp ngăn chặn nguy cơ mắc bệnh ngay từ lần tiêm đầu tiên" - các chuyên gia y tế dự phòng luôn khuyến cáo như thế.

Hiện tượng sợ tiêm vắc-xin
PGS.TS Nguyễn Trần Hiển - Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư cho rằng: "Sau khi xảy ra một số vụ tai biến sau tiêm vắc-xin viêm gan B, vắc-xin phòng dại thế hệ cũ, đã có hiện tượng lo ngại trong các bậc phụ huynh khi cho con em cũng như bản thân đi tiêm phòng. Tuy nhiên, cộng đồng lo ngại chứ không phải từ chối. Nhưng điều họ mong muốn là được tiêm vắc-xin tốt, an toàn".
Theo các nhà chuyên môn, có một số nguyên nhân gây ra tai biến gồm: chất lượng vắc-xin; kỹ thuật tiêm; biến đổi vắc-xin do quá trình bảo quản và yếu tố cơ địa tự nhiên. Riêng đối với vắc-xin viêm gan B - loại vắc-xin từng gây nên những lo ngại trong giới chuyên môn cũng như cộng đồng, sau khi liên tiếp xảy ra 4 vụ tai biến nặng hồi tháng 5 vừa qua, PGS.TS Nguyễn Trần Hiển nêu rõ: "Đến nay, vắc-xin này vẫn được khuyến cáo tiêm trong vòng 24 giờ đầu sau sinh. Nếu tiêm muộn hơn, khả năng dự phòng mẹ lây sang con thấp hơn rất nhiều, trong khi đó, tỷ lệ nhiễm viêm gan B trong cộng đồng rất cao, lên đến 20%".
Cần tư vấn, khám kỹ càng trước khi tiêm

- Về nguyên tắc, trước khi tiêm vắc-xin cho trẻ, cần phải khám kỹ thể trạng, có hay không các bệnh bẩm sinh, có bệnh mãn tính hay cấp tính. Với vắc-xin chỉ định tiêm trong vòng 24 giờ đầu sau sinh, không chỉ định với trẻ có cân nặng dưới 2,5 kg.

- Nếu cha mẹ có cơ địa dị ứng hay bản thân có cơ địa dị ứng thì em bé có thể có nguy cơ phản ứng mạnh hơn. Trường hợp đã tiêm mũi 1 an toàn, có thể yên tâm với mũi thứ 2, thứ 3 (nếu có chỉ định), vì phản ứng nếu xảy ra thường là mũi đầu tiên.

- Vết tiêm đau, hơi tấy đỏ, sốt nhẹ là phản ứng bình thường sau tiêm. Tuy nhiên, với trường hợp sốt cao, co giật hoặc mệt xỉu hay trẻ khóc thét bất thường cần được đến cơ sở y tế.
Vắc-xin có tỷ lệ phản ứng bất thường nhưng rất thấp, với tỷ lệ tính trên triệu mũi tiêm. Tiêm vắc-xin là gây bệnh nhẹ phòng bệnh nặng. Một trong những vắc-xin gây phản ứng mạnh là vắc-xin phòng ba bệnh (bạch hầu, ho gà và uốn ván).

Đây là vắc-xin gây phản ứng mạnh, gây sốt và mệt nhiều hơn ở trẻ. Còn sau tiêm vắc-xin phòng bệnh lao, nhiều trẻ lại có hiện tượng nổi hạch nách, tất cả các trẻ tiêm vắc-xin này có sưng tấy, mưng mủ nơi vết tiêm sau 3-4 tuần. "Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể biết được đầy đủ các phản ứng sau tiêm, do vậy, tư vấn trước tiêm rất quan trọng. Người được tiêm cần được biết các phản ứng bình thường và bất thường để không quá lo lắng cũng như được chăm sóc y tế kịp thời sau tiêm trong trường hợp cần thiết" - bác sĩ Nguyễn Nhật Cảm (Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội) nói.
Các chuyên gia cũng khuyến cáo, cần tuân thủ đúng lịch tiêm, thời điểm tiêm để có hiệu quả tốt nhất. Nên nhớ, khi vào cơ thể, vắc-xin không thể có hiệu lực tức thì, nó chỉ có thể phát huy tác dụng sau tiêm từ 3-4 tuần. Như vậy, với một số bệnh thường xuất hiện theo mùa (viêm não, cúm, thủy đậu...) cần tiêm phòng trước mùa dịch khoảng 4 tuần. Vắc-xin chỉ có thể phòng bệnh với chủng, loại vi khuẩn/vi-rút có trong vắc-xin. Vì vậy, ngay cả khi đã tiêm phòng vẫn không quên giữ vệ sinh cá nhân và duy trì chế độ dinh dưỡng hợp lý để bảo vệ sức khỏe.


Theo Liên Châu TNO
 
Back
Top