Đột nhập làng “tăm tre tình thương”

Jolie

Member
Tại Hà Nội, gần như chỗ nào có đám đông, ở đó có đội quân “tăm tre tình thương” hoạt động.
Vậy nhưng, đó có thực là “tăm tre tình thương” không hay chỉ là những chiêu xin tiền?​

“Ăn mày” lòng thương

Trước bưu điện, bến xe Hà Đông ngày nào cũng có hơn chục phụ nữ tay lăm lăm sổ bút, cầm vài ba gói tăm tre tự xưng là “nhân viên Hợp tác xã (HTX) tình thương đi làm từ thiện”. Chọn một ngày đầu năm mới, khoảng 9h sáng 24/2, chúng tôi có mặt tại bến xe Hà Đông. Trước cửa bến, 2 phụ nữ đứng tuổi, khuôn mặt khắc khổ nhưng áo quần rất chỉn chu, tay cầm sổ, vai đeo túi đang chèo kéo người đi đường mua tăm. Bà Lê Thị Sinh bán hàng nước ở bến xe cho biết: “Ngồi ở đây ngày nào mà tôi chẳng thấy người bán tăm tre đi xin ủng hộ. Hồi đầu tôi cũng ủng hộ chút lòng cho người tàn tật, sau thấy nhiều người làm nghề này quá, lại thường xuyên thay đổi địa bàn cho nhau nên tôi sinh nghi!”. Đứng gần 2 chị bán tăm tre, chúng tôi luôn được nghe những câu rất thương cảm mỗi khi có ai đó dừng lại gần họ. Nào là “ủng hộ ít nhiều là tấm lòng hảo tâm, thương cảm với người khuyết tật”, nào là “anh chị sẽ được lưu danh vào sổ”. Vậy nhưng, có khoảng chục người đưa tờ 10.000 đồng rồi nhận lấy 1 gói bông tai, 1 gói tăm mà không thấy 2 chị này đã động gì đến việc ghi tên hay một tờ giấy chứng nhận gì?!


Một phụ nữ bán tăm tre ở bưu điện Hà Đông. Ảnh: TG
15h30 ngày 10/3, chúng tôi tiếp tục có mặt ở chợ Hà Đông. Ở đây đang có 5 – 6 người xưng danh là “người của HTX tăm tre tình thương” tập kết. Bất cứ ai đi bộ qua đường hoặc dừng xe quanh đây đều bị dính vào vòng vây mời chào “mua tăm ủng hộ” của họ. Giọng nói nhẹ nhàng “lá lành đùm lá rách” đánh mạnh vào tâm lý, lòng nhân ái mọi người. Vậy nhưng, ai ủng hộ 5.000 đồng họ không nhận vội mà cố kèo nài ít nhất cũng được 10.000 đồng. Còn ai đó kỹ tính hơn, muốn ghi danh vào “sổ vàng” hoặc có một tờ giấy chứng nhận thì chí ít cũng phải đưa ra được 20.000 – 50.000 đồng. Một buổi chiều, mỗi người cũng xin được hơn chục người ủng hộ.​
Anh Lê Văn Bình, làm nghề xe ôm trước Bưu điện Hà Đông cho biết: “Ngày nào ở đây chả có hơn chục cô bán tăm tre tình thương, xin ủng hộ. Họ ở Mỹ Đức – Hà Tây (cũ) này thôi chứ đâu xa! Xin ủng hộ có ngày cũng kiếm được bạc triệu đấy!”. Anh Bình nói chưa dứt lời thì một phụ nữ khoảng 35 tuổi phát hiện ra “khách mới” đã chạy lại chỗ chúng tôi, tự giới thiệu là thành viên của HTX trẻ em mồ côi Hà Tây (cũ) để xin “mua ủng hộ các cháu”. Tuy nhiên, khi chúng tôi hỏi chị ta về tên tuổi HTX đó là gì, ở đâu, có giấy giới thiệu hay không thì chị ta im lặng và… lỉnh mất.​

3/4 dân làng đi bán… tăm tre?!

Theo chân những người đi bán tăm tre tình thương, men theo đê sông Đáy, chúng tôi tìm được đến xã Lê Thanh (Mỹ Đức, Hà Nội). Xã có 4 thôn là Áng Thượng, Áng Hạ, Lai Xá và Đức Thụ. Qua tìm hiểu, sống bằng nghề tăm tre chủ yếu là thôn Áng Thượng, Áng Hạ và một số người dân thôn Đức Thụ. Vào đến đầu thôn Áng Thượng, ấn tượng đầu tiên là những ngôi nhà khang trang, tiện nghi đầy đủ, người dân sống sung túc. Người thôn Áng Thượng cho biết, người trong độ tuổi lao động ở đây đều đi làm ăn xa (họ gọi là “đi chợ”, “đi áng”) khắp các vùng, từ Nam ra Bắc, lên miền ngược, xuống miền xuôi…​
Ông Nguyễn Hữu Gia, Trưởng thôn Áng Thượng cho biết, khoảng 15 năm trở lại đây có 70 – 80% dân trong làng đi bán tăm tre cho Hội người khuyết tật. Chính quyền địa phương biết có cả vấn đề không minh bạch trong đó và can thiệp những trường hợp vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, cái khó cho chính quyền là họ chỉ cần bỏ ra 500 – 600.000 đồng là có giấy chứng nhận của HTX tăm tre tình thương để hành nghề. “Chiêu thức họ lừa bên ngoài chúng tôi không quản lý được. Những chiêu lừa thật đơn giản và số tiền người bị lừa không đáng kể, nhưng “góp gió thành bão”, mỗi ngày những đối tượng này kiếm đến vài trăm nghìn đồng. Không phải không có ruộng để làm, không thể học những nghề khác để kiếm sống” – ông Gia buồn rầu tâm sự!​
Theo lời ông Gia, trước đây dân trong làng cũng làm nhiều nghề phụ như làm mi mắt giả, thêu, tăm hương… Tuy nhiên vì thu nhập từ những công việc này không là bao nên họ mới chuyển sang nghề “đi chợ”. Nhiều năm sống bằng nghề “lừa”, dễ kiếm tiền thiên hạ đã làm thui chột tư tưởng làm giàu chính đáng bằng sức lực chính mình của lớp trẻ. “Họ làm đủ trò đi lừa ở xa. Cái nghề đi như vậy nhiều người chết không có lý lịch” – ông Gia bùi ngùi.​
Nhiều năm qua trên địa bàn Hà Nội xuất hiện những nhóm xưng danh là thành viên HTX tình thương đi làm công tác từ thiện. Tay cầm sổ bút, tăm tre, bông tai đi vào từng ngõ ngách, gõ cửa từng nhà hay đến những đám đông nài nỉ mua sản phẩm ủng hộ người khuyết tật, trẻ mồ côi. Việc mua bán chỉ là tượng trưng, làm cái cớ để xin ủng hộ. Các nhóm này chìa những giấy giới thiệu, công văn của các HTX tình thương làm bằng chứng. Hầu hết người dân chấp nhận mất 10.000 – 20.000 đồng mua 1 gói tăm không phải để được ghi danh trên “sổ vàng” mà là giúp đỡ những người khuyết tật. Tuy nhiên, số tiền đó đã không đến được tay người khuyết tật mà chui vào túi của những kẻ chuyên lừa bịp. Mọi người nên cảnh giác với những chiêu lừa này. Đừng để lòng hảo tâm của mình bị lợi dụng, tạo cơ hội cho những kẻ lừa đảo lộng hành.​
Lê Hường
(theo tintuconline)​
 

Attachments

  • 1..jpg
    1..jpg
    43.7 KB · Views: 0
Back
Top