(VOV) -Ở chợ phiên Sì Lở Lầu, bên cạnh những món hàng “khó hiểu”, thứ được trưng nhiều nhất là những nụ cười vui
Chợ phiên xã Sì Lở Lầu (huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu) thường được gọi là “chợ giật lùi” hay “chợ sừng” vì họp vào “ngày những con có sừng theo lịch âm” tức là ngày con dê và con trâu. Hai ngày này cách nhau 6 ngày nên nếu tuần này họp vào thứ 7 thì tuần sau sẽ họp vào thứ 6, sau nữa là vào thứ 5, cứ lùi dần như thế nên có tên “chợ giật lùi”.
7-8h sáng chợ bắt đầu họp. Vào thời điểm ấy, sương mù ở Sì Lở Lầu hãy còn dày đặc, chỉ nghe thấy tiếng người cười nói xôn xao, phải đi gần tới nơi mới rõ mặt nhau. Tầm 2h chiều, khi nắng lên cũng là lúc chợ tan, ai về nhà người nấy. Chợ phiên Sì Lở Lầu đã có từ lâu đời và thu hút đông đảo người dân cả một vùng rộng của huyện Phong Thổ, thậm chí cả các huyện bên kia biên giới, tạo nên những phiên chợ đặc sắc, hấp dẫn, đậm chất vùng cao.
|
Bà con gùi hàng lên chợ bán. Đây là một loại cây dùng để nhuộm vải |
Những món hàng khó hiểu
Đi chợ phiên Sì Lở Lầu, bạn sẽ bắt gặp những món hàng “khó hiểu”, ví dụ như những viên tròn tròn màu đen, to bằng ngón chân cái, được bày trong những chiếc lá xanh. Đó là món đậu xị của người Hà Nhì.
Đậu xị, đậu phụ nhự là món ăn thường xuyên không thể thiếu trong nhà người Hà Nhì, người Dao ở đây. Cách chế biến những món đậu này khá kỳ công. Ông Tần Phu Quẩy, một người Dao ở Sì Lở Lầu cho biết để làm một chum đậu phụ nhự mất thời gian khoảng 3 tháng. Đầu tiên là làm đậu trắng từ đậu nành, khi ép đậu thành khuôn thì ủ cho đậu lên men trong khoảng 1-2 tuần. Sau đó, rửa sạch đậu bằng rượu, ướp gừng, ớt, muối giã nhỏ, gói vào lá cải cho vào chum ủ kín trong 2-3 tháng, 1-2 tuần thay nước một lần, đậy chum thật kín để không khí không lọt vào. Đậu phụ nhự được dùng ăn với cơm hoặc làm đồ nhắm uống rượu, không cần thêm bước chế biến nào.
Tuy cùng chế biến từ đậu nhưng đậu xị có vẻ bề ngoài xấu xí, khó coi hơn đậu phụ nhự và được làm từ đỗ đen, cũng được ủ mốc nhưng sau đó mới đồ lên và phơi khô. Ông Tần Phu Quẩy cười bảo trông xấu thế thôi chứ đậu xị của người Hà Nhì ăn cũng thơm ngon ra phết đấy.
|
Đậu xị và đậu phụ nhự được bày bán ở chợ phiên Sì Lở Lầu
|
Sì Lở Lầu có đông người Dao cư trú nên chợ phiên còn bán nhiều đồ trang sức bằng bạc rất được người Dao ưa thích và là thứ đồ tối cần thiết trong những đám cưới ở đây. Những thứ như vòng cổ, vòng tay, thắt lưng… đều được chế tác từ số lượng bạc lớn nên giá khá đắt. Đa phần mọi người không có đủ tiền mua một bộ nên sắm dần dần. Một bộ trang sức đầy đủ có giá khoảng 40 triệu đồng.
Các loại hoa quả địa phương như ớt xanh, ớt đỏ nhìn lạ mắt, và loại rau phổ biến nhất là rau cải mèo chỉ mọc ở vùng cao, trời càng lạnh càng lên tốt thì được bày bán ê hề. Hình ảnh chỉ bắt gặp ở chợ vùng cao là những can mỡ 20 lít được cắt bên thân và múc bằng những cái muôi cỡ lớn. Sì Lở Lầu mát mẻ quanh năm nên chẳng bao giờ lo mỡ chảy.
Nằm cách biên giới chừng 1km, chợ phiên Sì Lở Lầu giống như phần lớn các chợ phiên khác là tràn ngập hàng Trung Quốc. Những sản phẩm địa phương đặc sắc tuy không lấn át được “hàng nhập ngoại’ nhưng cũng tạo ra những màu sắc riêng độc đáo cho phiên chợ này.
|
Đồ trang sức bằng bạc kiểu truyền thống của người Dao
|
Điểm hẹn của những niềm vui
Người vùng cao phía Bắc không gọi là đi chợ mà gọi là đi chơi chợ. Chợ phiên không chỉ là nơi để trao đổi mua bán hàng hóa cần thiết mà còn là điểm hẹn gặp gỡ, từ các nam thanh nữ tú tới những người có tuổi.
Ông Tần Phu Quẩy bán hàng ăn ở chợ đã lâu cho biết nhiều người xuống chợ phiên có khi không mua bán gì hoặc mua những thứ lặt vặt như mắm muối, kim chỉ thôi nhưng vẫn cuốc bộ cả chục km để đi. Có người xuống chợ chỉ để ăn một bát phở, gặp gỡ những người quen rồi về. Chợ phiên Sì Lở Lầu là chợ trung tâm của cả một vùng, ở những nơi cách xa đến 40km như ở Dào San cũng ngược về đây đi chợ, người bên kia biên giới cũng sang đây dù mỗi lần đi lại phải qua trạm biên phòng đóng dấu vào giấy thông hành.
|
Cây cầu này bắc qua hai nước, người dân nước bạn sang đi chợ phiên Sì Lở Lầu |
Bên cạnh cảnh bán mua, dễ thấy trong phiên chợ những cảnh tay bắt mặt mừng của bạn bè, người quen lâu ngày mới gặp. Các chàng trai mới lớn vừa tán chuyện vừa ăn bánh rán, những bà cụ vừa nắm tay nhau trò chuyện vừa nở nụ cười móm mém, các cô gái ríu rít dắt nhau vào hàng len cùng chọn những sắc màu rực rỡ.
Không chỉ người đi chơi chợ mới vui mà những người đang vất vả mưu sinh ở đây cũng vui hơn trong những ngày chợ đúng phiên. Lý Tả Mẩy, cô gái người Dao vừa vớt bánh trong chảo dầu sôi vừa cười tươi như hoa bảo chợ phiên vui chứ vì bán được nhiều hàng, gặp được nhiều người quen nữa. Các cô gái người Dao ở Sì Lở Lầu hầu hết đều tên là Mẩy, chỉ khác nhau mỗi họ. Và cô nào cũng tươi như hoa trong phiên chợ.
|
Tẩn Chỉn Hìn, xe ôm biên giới |
Chợ vùng biên sinh ra nghề xe ôm nhưng chỉ hành nghề trên độc nhất một quãng đường: từ chợ tới biên giới và ngược lại, mỗi chặng khoảng 1km giá 15000 đồng, chở 2 người cũng lấy đủ 15.000 mỗi người. Tẩn Chỉn Hìn, sinh năm 1983 làm nghề này đã được mấy năm. Tuy chỉ chở khách đi lại nhưng Hìn cố gắng ăn mặc chải chuốt nhất có thể vào mỗi phiên chợ, chẳng là dịp này luôn gặp được nhiều cô gái đẹp. Hỏi Hìn thu nhập có khá không, Hìn cười bảo không nhiều lắm đâu nhưng đi chợ thì vui lắm.
Chợ “giật lùi” là một sản phẩm văn hóa đặc sắc ở Sì Lở Lầu. Nếu biết kết hợp khai thác những nét đẹp văn hóa trên nền khí hậu ôn hòa, vẻ đẹp đặc trưng của những thửa ruộng bậc thang thì Sì Lở Lầu có thể trở thành điểm du lịch thu hút nhiều du khách.
|
Các chàng trai vừa ăn bánh rán vừa trò chuyện |
|
Người đàn ông này đang chào bán mèo |
|
Rau cải mèo, loài rau đặc trưng của vùng cao |
|
Can mỡ đặc biệt với chiếc muôi cỡ lớn |
|
Các thiếu nữ chọn những cuộn len sặc sỡ sắc màu |
|
Loại ớt địa phương hình thù khác lạ |
|
Lý Tả Mẩy cười tươi mời chào mua bánh rán |
|
Chợ phiên là điểm hẹn của những người quen |
Việt Hòa/VOV online