Ông giáo trường làng thành 'vua sâu, vua rắn'

Jolie

Member
[h=2]Sinh ra và lớn lên tại một vùng quê nghèo, từng theo học ngành sư phạm, trở thành một giáo viên, hơn nửa đời người, thầy Phạm Văn Bé gắn với nghiệp "đưa đò". Nhưng thành công của ông giáo trường làng được đánh dấu bằng nghề tay trái: Nuôi những con vật lạ, trở thành "vua sâu", "vua rắn mối"...[/h]
Cách làm giàu khác thường
Vợ chồng thầy Bé (ngụ ấp Đại Ngãi 1, xã Đức Lập Thượng, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An) đều là giáo viên trường tiểu học Đức Lập Thượng B. Nguồn thu nhập chính của gia đình trông cậy vào đồng lương "ba cọc ba đồng" của hai vợ chồng. Để thoát khỏi cảnh nghèo túng, thầy Bé phải tranh thủ làm kinh tế phụ, ngoài giờ lên lớp. Thầy cũng chăn nuôi như những người dân nơi đây, nhưng điểm khác biệt là ở chỗ thầy chọn nuôi những con vật lạ.
Sau con heo, con gà, thầy Bé bắt đầu nuôi rắn mối. Bấy giờ, không ít người cho rằng, cách làm của thầy là kỳ lạ, khác thường. Thậm chí, nhiều người còn tỏ ra e ngại với con đường làm giàu của ông giáo trường làng này. Dám nghĩ dám làm, thầy Bé bắt tay vào săn lùng những con rắn mối sống trong môi trường hoang dại. Thời đó, người ta thường thấy thầy Bé lặn lội khắp các ngõ ngách của làng quê săn rắn mối.
Lúc đến trường, thầy cũng không quên chào mua rắn mối giá 5.000 đồng/con với những đứa học trò ông đang dạy dỗ. Nghe thấy, chúng liền lao vào cuộc đuổi bắt rắn mối bán cho thầy kiếm thêm tiền quà bánh. Chẳng mấy chốc, thầy Bé đã sở hữu một đàn rắn mối hoang khoảng 200 con. Thầy bắt đầu dựng chuồng trại thả nuôi. Giờ đây, đứng bên trại rắn mối ngàn con, thầy Bé bồi hồi nhớ lại: "Lúc trước, mấy con rắn mối của tui đâu có ngoan ngoãn như vậy. Chúng cứng đầu lắm, ép cỡ nào cũng không chịu ăn. Sống trong chuồng trại không quen nên nhìn chúng èo uột lắm".
1%20%2811%29.JPG


Thầy Bé sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm cùng nông dân
Quá trình thuần hóa rắn mối của thầy bé gặp không ít gian nan. Bản chất sống trong môi trường tự nhiên và chưa quen với thức ăn nhân tạo nên đàn rắn mối của thầy cứ lần lượt… rủ nhau chết. Thất bại không nản chí, thầy quyết tâm gây dựng đàn rắn mối tới cùng. Vẫn cái cách săn lùng như trước và đến khi có trong tay đàn rắn mối với số lượng ưng ý, thầy bắt đầu thiết kế chuồng trại gần giống với môi trường tự nhiên để chúng dễ thích nghi.
Chuồng nuôi rắn mối không lợp kín mà chỉ che một góc. Giữa chuồng có trồng một cây xanh nhỏ để tạo bóng mát cho rắn mối tránh nắng. Trong chuồng, thầy Bé cho vào một số bao bì hoặc vài tấm đệm để rắn mối ẩn nấp. Thức ăn cho rắn mối cũng dễ làm. Thầy Bé lấy gạo, rau củ, trứng gà trộn lại rồi nấu thành cháo. Mỗi buổi sáng, thầy mang một lượng cháo vừa đủ cho vào chuồng để rắn mối nhấm nháp cả ngày. "Để chúng ăn được cháo do mình nấu, tui không biết đã bỏ bao nhiêu công sức. Lúc đầu, tui cho chúng ăn sâu, tép, cá con... chỉ dùng để nhử. Đến khi chúng quen thì ngưng không cho ăn sâu, tép nữa; cũng giống như mình tập cho con nít 2 - 3 tuổi ăn vậy".
Khó khăn không dừng lại ở đó, đến độ rắn mối cho thu hoạch, thầy Bé phải chạy đôn chạy đáo tìm thị trường tiêu thụ. Thế là, ông giáo trường làng khăn gói lên Sài Gòn gõ cửa chào hàng khắp nơi. Từ quán nhậu bình dân cho đến các nhà hàng lớn nhỏ không có nơi nào mà thầy không tìm đến. Nhưng đáp lại chỉ là những cái lắc đầu hờ hững. Cuối cùng, may mắn cũng mỉm cười với thầy. Một quán nhậu lề đường nhận lời mua những con rắn mối thầy đang "tiếp thị" về làm thức ăn bán cho dân nhậu. "Tui mừng quýnh để 2kg rắn mối với số điện thoại lại cho chủ quán rồi về nhà đợi tin vui", thầy vui cười nhớ lại.
Vài hôm sau, ông chủ quán tốt bụng ấy gọi điện lại cho thầy đặt mua rắn mối thương phẩm với giá 200 nghìn đồng/kg. Tiếng lành đồn xa, món ngon từ con rắn mối nhanh chóng được nhiều người biết đến. Các chủ quán, nhà hàng từ khắp nơi đổ xô tìm thầy Bé mua rắn mối. Sự nghiệp của ông giáo phất lên từ đây.
Bén duyên với những con vật lạ
Sẵn sàng giúp đỡ bà con nông dânThành công trong việc nuôi những con vật lạ cho hiệu quả kinh tế cao, nhưng thầy Bé không bao giờ giấu nghề. Ai có nhu cầu nuôi rắn mối hay bồ câu Pháp, thầy sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm và tận tình hướng dẫn kỹ thuật từ cách chọn giống cho đến khâu chăm sóc. Thầy còn cung cấp rắn mối giống với giá 10 nghìn đồng/con. Vì vậy, có một thời gian, người dân khắp nơi đến tham quan khiến nhà của ông giáo trường làng nhộn nhịp như có hội.
Xưa nay, người nông dân ở Long An vẫn trung thành với lối chăn nuôi truyền thống. Họ chọn con heo, con bò... để gây dựng kinh tế. Thế nhưng, dịch bệnh hoành hành, cộng với thị trường tiêu thụ bấp bênh khiến cho không ít người phải lâm vào cảnh khốn đốn. Vốn có óc quan sát và nhạy bén trong việc nắm bắt xu thế thị trường, thầy Phạm Văn Bé chọn cho mình một hướng đi khá mới mẻ trong lĩnh vực chăn nuôi.
Trong trang trại chăn nuôi rộng trên dưới 3.000m2 của thầy Bé, còn có một khu vực dành để nuôi chim bồ câu Pháp, số lượng ước tính gần 1.000 con. Thầy nuôi giống bồ câu thương phẩm này bán cho các nhà hàng ở TP.HCM. Mỗi khi có người đi ngang qua, những con bồ câu múp míp giật mình vỗ cánh bay phành phạch trong lồng. "Bồ câu Pháp cho thu nhập cũng khá. Nhưng sợ bị dịch cúm gia cầm nên tui chỉ nuôi bấy nhiêu đó, không dám nhân rộng, tăng đàn", thầy Bé bộc bạch.
Sau thành công ở con rắn mối, thầy Bé tiếp tục gây tiếng vang ở loài sâu Super worm. Ý tưởng nuôi sâu của thầy bé nảy sinh từ quá trình thuần hóa con rắn mối. Một thời gian dài, thầy Bé phải lên tận TP.HCM tìm đến các cửa hàng chim cá cảnh để mua sâu Super worm về làm thức ăn cho rắn mối. Thầy tự nhân giống sâu này để tiết kiệm chi phí. Khi những con rắn mối thầy nuôi quen với thức ăn nhân tạo thì cũng là lúc đám sâu sinh sôi nảy nở "con cháu đầy đàn".
Thầy chia sẻ: "Lúc trước, ai mới vô nhà tui cũng giật mình. Trong nhà, chỗ nào trống, tui cũng để mấy cái khay gỗ nuôi sâu". Thầy xếp những chiếc khay lại thành từng cây đậy kín rồi cho sát vào góc nhà. Một phần để tiết kiệm diện tích. Mặt khác, giữ cho sâu được ở trong môi trường khô thoáng. Nếu gặp môi trường ẩm ướt thì sâu sẽ chết. Cũng như rắn mối, thầy Bé tập cho sâu Super worm ăn thức ăn nhân tạo, chủ yếu là cám gạo. Tận dụng những lúc lên TP.HCM giao rắn mối cho các nhà hàng, thầy đèo theo sâu bỏ mối cho các cửa hàng bán chim, cá cảnh.
Để khai thác triệt để giá trị kinh tế của sâu Super worm, thầy Bé đưa ra một sáng kiến táo bạo, lấy sâu chế biến thức ăn. Ở một số tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, con đuông dừa, đuông chàâ vẫn được một số người dân chế biến các món ăn như: Đuông nướng, đuông chiên bột,... Nhưng những món làm từ sâu Super worm thì chưa thấy bao giờ. Ông giáo tiết lộ: "Tui đã thử đem sâu chiên giòn, mùi vị rất ngon. Tui định giới thiệu với các nhà hàng, hy vọng sẽ có thêm một món ăn mới". Dự định còn dang dở thì thầy Bé phải tạm hoãn việc nuôi sâu theo yêu cầu của chính quyền địa phương. Bởi hiện tại, loài sâu này không gây hại cho người và môi trường.
Nhưng về lâu dài vẫn chưa có một nghiên cứu nào dám chắc chắn chúng thân thiện. Ngoài ra hơn 5 tháng nay, đàn sâu của thầy bị bệnh chết hàng loạt. Thầy chỉ nhân giống lại một số ít. Nhìn những chiếc khay gỗ đậy kín nằm chơ vơ trong góc nhà, ông giáo ngậm ngùi: "Nông dân mình trồng cây gì, nuôi con gì đều qua sự quản lý của Nhà nước. Tuy sâu Super worm mang lại hiệu quả kinh tế cao nhưng mình không thể vì cái lợi trước mắt mà quên đi cái tác hại ẩn khuất đâu đó".
Tạm gác việc nuôi sâu, thầy Bé tìm đến những chú chuột Hamster tinh nghịch, loại chuột được nhiều người nuôi làm cảnh hiện nay. Thầy khoe mới mang chúng về khoảng 6 tháng nay. Hiện tại, chúng vẫn sinh trưởng và phát triển rất tốt. Thầy Bé cũng đang trong giai đoạn tìm hiểu kỹ thuật nuôi chuột Hamster từ sách, báo, Internet và đặt nhiều kỳ vọng vào con vật "quý tộc" này. Biết đâu một thời gian nữa, ngoài biệt danh "vua sâu", vua rắn mối", ông giáo trường làng còn trở thành "vua chuột" đó là điều hoàn toàn có thể xảy ra.
Vinh Điền - Ngọc Lài
Xin qúy bạn ủng hộ các nhà tài trợ của chúng tôi . Thành thật cám ơn



 
Back
Top