Vaccine ngừa Ung thư cổ tử cung

thanhlinh

Junior Member
Tin tức vaccine phòng ung thư cổ tử cung (UTCTC) được lưu hành tại Việt Nam là một tin tức được rất nhiều phụ nữ quan tâm. Trên diễn đàn webtretho các bà mẹ cũng đã mở ra rất nhiều topic để thảo luận về bệnh ung thư cổ tử cung và vaccine phòng chống loại bệnh này.
Trong topic Ung thư cổ tử cunghttp://www.webtretho.com/forum/showthread.php?t=41517, thành viên ngotrucquan đã chia sẻ với mọi người:“Mình vừa đi khám bệnh. Bác sĩ nghi ngờ mình bị UTCTC. Con mình còn bé lắm. Mọi người ai có trang web thông tin về bệnh này, vui lòng chia sẻ với mình. Có BV / BS nào tốt, kinh nghiệm về bệnh này thì chỉ cho mình với. Hiện nay VN chữa trị bệnh này có giỏi không? Có cần thiết phải đi nước ngoài không? Nếu cần thiết thì đi bệnh viện nào, ở đâu? Mong nhận được thông tin chia sẻ” . Tại topichttp://www.webtretho.com/forum/showthread.php?p=2135218Tiêm vaccine UTCTC rất nhiều thành viên khác cũng đã hỏi nhau “Hôm nọ xem chương trình thời sự thấy có nói về vấn đề này mà mình cũng đang rất quan tâm. Mẹ nào có thông tin hoặc biết chỗ chích ngừa thì bảo mình với nhé. Cảm ơn các mẹ trước nhé” (Thành viên Sweet_lemon82); “Nghe đâu là 100usd cho 1 lần tiêm, còn tiêm mấy lần thì mình không biết. Mình nghĩ ung thư cổ tử cung đâu có liên quan gì đến mấy vụ gái gú, nhiều người bình thường vẫn bị đó thôi.” (Thành viên Bé_heo). Từ những câu hỏi ban đầu được đặt ra, lập tức nhiều topic cũng như các ý kiến thảo luận khác xung quanh vấn đề UTCTC và vaccine tiêm phòng UTCTC được thành viên xôn xao bàn tán. Vậy, thực sự vaccine UTCTC là gì và được lưu hành như thế nào?

Vaccine phòng chống ung thư cổ tử cung

Vì UTCTC đã gây ra một tỷ lệ tử vong khá cao ở phụ nữ nên người ta đã tìm kiếm nhiều phương cách để phòng chống căn bệnh hiểm ác này. Để phòng chống hiệu quả UTCTC gần như chỉ có hai phương án chính:
- Thúc đẩy phong trào sức khỏe cộng đồng: Khuyến khích và tuyên truyền, giáo dục quần chúng để họ có một cuộc sống lành mạnh, sinh hoạt tình dục an toàn.
- Truy tìm ung thư: Thực hiện các xét nghiệm ung thư trên phụ nữ và ngăn ngừa trước khi bệnh xảy ra. Nếu ung thư được phát hiện thì điều trị để có thể cứu sống bệnh nhân hay ít ra là kéo dài tuổi thọ.
Theo một nghiên cứu tổng hợp, có đến 90 – 96% các trường hợp ung thư cổ tử cung xảy ra ở phụ nữ có tiền sử bị nhiễm HPV. Xuất phát từ kết quả trên, các nhà nghiên cứu đã phát triển được phương pháp xét nghiệm HPV một cách nhanh, gọn và phương pháp này đã được áp dụng trong hơn hai mươi năm qua trên thế giới. Cũng từ đây, việc nghiên cứu và sản xuất vaccine để phòng chống ung thư trước khi bệnh phát sinh được bắt đầu.
Hiện nay, có hai loại vaccine phòng chống ung thư cổ tử cung do HPV loại 16 và 18 đang lưu hành là Gardasil của Công ty dược Merck (Mỹ) nghiên cứu - sản xuất và Cervarix của Công ty GlaxoSmithKline - GSK sản xuất.

Gardasil


Gardasil là vaccine dự phòng virus Human Papilloma dựa trên nguyên tắc sử dụng phần tử có cấu trúc giống virus (VLP) giúp phòng ngừa 4 loại HPV là 16, 18, 6, 11 (hai loại đầu gây ung thư cổ tử cung, hai loại sau gây bệnh mồng gà).
Theo nghiên cứu, vaccine được người dùng uống 3 liều trong thời gian 6 tháng. Nguyên tắc hoạt động của loại vaccine này là vây chặn 4 chuỗi HPV. Ở Mỹ và Canada, người ta đang tiến hành tiêm vaccine cho các phụ nữ từ 9 đến 26 tuổi. Mục đích của việc này là tiêm vaccine trước khi nữ giới bắt đầu phát triển cơ quan sinh dục, bên cạnh đó những người đã có quan hệ tình dục trong độ tuổi này vẫn có thể có lợi ích từ việc tiêm vaccine nếu như họ không mắc các bệnh lây nhiễm.
Nghiên cứu đã chỉ ra vài tác dụng phụ với những bệnh nhân tham gia nghiên cứu, thường gặp nhất là tình trạng hơi đau ở chỗ tiêm. Phụ nữ có thai và những người bị dị ứng với bất cứ các chất trong vaccine không nên tiêm vaccine.
Vaccine giúp ngăn chặn lây nhiễm 4 loại HPV và khi phụ nữ bị nhiễm một loại có thể vẫn tiêm vaccine để ngăn chặn lây nhiễm nhưng loại virus khác.
Đối với ung thư cổ tử cung, người ta dùng vaccine Gardasil ba liều (vào ngày 1, tháng thứ 1 và tháng thứ 6) do chính Merck, hãng bào chế Gardasil cung cấp ngân sách đã đi đến kết luận: Vaccine dự phòng virus Human Papilloma (HPV) đã có tác dụng ngăn ngừa Tân sinh trong biểu mô của cổ tử cung (Cervical Intraepithelial Neoplasia - CIN) độ 2 và 3, ung thư không xâm lấn và ung thư qua hai năm theo dõi sau khi chủng ngừa. Tác động can thiệp này đặt ra với kỳ vọng làm giảm nguy cơ ung thư cổ tử cung do HPV loại 16 và 18.

Cervarix

Cervarix là vaccine ngừa ung thư cổ tử cung và tổn thương tiền ung thư do các loại siêu vi HPV phổ biến nhất gây ra được Công ty GlaxoSmithKline - GSK sản xuất. Cervarix vừa được Cục Quản lý Dược của Úc (TGA) cấp phép sử dụng cho phụ nữ 10 – 45 tuổi. Đây là vaccine ngừa ung thư cổ tử cung đầu tiên được chỉ định cho phụ nữ trên 26 tuổi.
Việc Cervarix được quốc gia trọng điểm đầu tiên cấp phép sử dụng là một bước tiến mạnh trong quá trình tiến đến giảm tỷ lệ bị ung thư cổ tử cung cho tất cả phụ nữ. Những thử nghiệm lâm sàng cho thấy, Cervarix có hiệu quả trong việc chống lại những tổn thương tiền ung thư gây ra bởi siêu vi gây ung thư cổ tử cung HPV loại 16 và 18.

Vaccin ngừa Ung thư cổ tử cung tại Việt Nam

Theo tin từ Tổ chức Path, Việt Nam sẽ là một trong bốn nước (cùng Ấn Độ, Peru và Uganda) được triển khai thí điểm vaccine phòng ung thư cổ tử cung do HPV. Chương trình thí điểm vaccine này sẽ thực hiện bởi nguồn tài trợ 27,8 triệu USD từ Quỹ Bill & Melinda Gates.
Hãng Merck Sharp và Dohme đã đồng ý tặng hàng ngàn liều vaccine phòng ung thư cổ tử cung (Gardasil) cho VN thông qua dự án do PATH tài trợ. Trong tháng 9, Viện VSDT và PATH đã thử nghiệm tiêm vaccine này tại tỉnh Hoà Bình, để cuối năm nay có thể triển khai rộng rãi việc tiêm vaccine HPV. Cervarix của GlaxoSmithKline, cũng đang trong chương trình được giới thiệu rộng rãi tại Việt Nam.
Vaccine chống nhiễm trùng HPV không phải là giải pháp tuyệt đối và duy nhất, cũng chưa thể kỳ vọng đem lại hiệu quả kinh tế. Gardasil là một loại vaccine được bào chế dựa trên nguyên lý dùng phần tử có cấu trúc tương tự như virus HPV tức là cần phải thông qua giai đoạn tinh lọc từ các tế bào được nuôi cấy, giá thành của nó quá đắt để có thể áp dụng rộng rãi trong quần chúng mà chủ yếu là cho các nước nghèo, đang phát triển, nơi mà có lẽ vaccine cần được sử dụng nhiều hơn. Hiện nay, Gardasil được sử dụng tại Mỹ dưới hình thức tiêm mũi 3 dưới da, với giá 360 USA, tương đương 5 triệu 6 trăm ngàn đồng Việt Nam.
Hơn nữa cho đến nay, người ta vẫn chưa biết hiệu quả bảo vệ lâu dài ra sao. Gardasil chỉ được nghiên cứu lâm sàng trong vòng năm năm nay. Vài dữ liệu từ thử nghiệm lâm sàng cho thấy những phân tử miễn dịch có thể suy yếu đi sau 3 – 5 năm. Cũng do thuốc chưa được dùng lâu dài và rộng rãi ngoài cộng đồng nên tác dụng phụ của nó được một số chuyên gia nước ngoài quan tâm. Ở Mỹ, đến cuối tháng 6.2008, đã có 9.749 báo cáo về những phản ứng sau chích Gardasil được ghi nhận, trong đó 94% không nghiêm trọng như đau chỗ chích, ngất xỉu; và 6% phản ứng được xếp loại nghiêm trọng gồm tắc nghẽn mạch máu do cục máu đông, liệt và tử vong (20 ca tử vong).
Vaccine chống nhiễm trùng HPV không phải dùng để điều trị, mà để phòng ngừa ung thư. Ung thư cổ tử cung rất hiếm khi xảy ra ở các phụ nữ chưa mất trinh và chỉ phát sinh ở các phụ nữ đã có quan hệ tình dục. Mặc dù, có rất nhiều yếu tố gây nên ung thư cổ tử cung, nhưng có một xu hướng chung là nguy cơ bị ung thư tăng theo tỷ lệ thuận với số lần quan hệ tình dục của phụ nữ nên vaccin phải được sử dụng cho độ tuổi vị thành niên và chưa quan hệ tình dục. Điều này có thể gặp trở ngại về nhận thức của bản thân các em và gia đình trong việc tiêm vaccine: nếu tiêm vaccine các em ở độ tuổi vị thành niên cũng có thể khiến các em tự do quan hệ tình dục vì nghĩ rằng đã có vaccine thì không còn lo sợ bị ung thư. Mặc khác, việc lây truyền HPV qua đường tình dục cũng có phần không nhỏ do nam giới nhưng lại rất khó thuyết phục nam giới tiêm vaccine này.
Vaccine chỉ làm giảm chứ không loại bỏ hoàn toàn được nguy cơ ung thư cổ tử cung vì vaccine chỉ có thể bảo vệ chống lại một vài loại HPV chứ không phải tất cả các loại HPV mà gây ra ung thư cổ tử cung và các bệnh đường sinh dục và không phải tất cả các trường hợp ung thư cổ tử cung đều do HPV. Những phụ nữ đã tiêm vaccine vẫn có thể mắc một số loại HPV khác và họ cũng có thể bị nguy cơ nhiễm ung thư cổ tử cung mà không do HPV gây ra. Vì vậy, những phụ nữ đã tiêm vaccine vẫn nên tiếp tục đi kiểm tra phụ khoa và các hình thức kiểm tra sức khỏe khác, vẫn phải tuân thủ việc tầm soát ung thư cổ tử cung định kỳ theo hướng dẫn của Bác sĩ.

Không dùng vaccine

Tân sinh trong biểu mô của cổ tử cung (CIN) (là tất cả những thay đổi của niêm mạc cổ tử cung có tiềm năng ác tính nhưng chưa có sự xâm nhập vào mô đệm) và ung thư cổ tử cung thường không có triệu chứng lâm sàng nào đặc thù. Để chẩn đoán sớm CIN và để đạt hiệu quả cao trong việc phòng ngừa ung thư cổ tử cung xâm lấn phải có một chương trình tầm soát ung thư có hiệu quả. Chẩn đoán dựa vào Pap’ smear, soi cổ tử cung, sinh thiết cổ tử cung và trong một số trường hợp phải khoét chóp cổ tử cung.
Kết quả điều trị ung thư cổ tử cung tuỳ thuộc vào giai đoạn của ung thư. Nếu được phát hiện và điều trị khi còn ở giai đoạn ung thư cổ tử cung tại chỗ, tiên lượng lành bệnh có thể đến 100%.
Do đó, phụ nữ cần phải có những biện pháp tích cực và cụ thể, những biện pháp mà phụ nữ có thể làm được để giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư cổ tử cung, để hạn chế tối đa tỷ lệ tử vong do ung thư cổ tử cung như:
- Thực hiện chương trình tầm soát ung thư cổ tử cung bằng phiến đồ âm đạo – cổ tử cung (Pap’ smear).
- Cẩn thận với quan hệ tình dục, cải thiện chế độ ăn uống lành mạnh, giảm dùng thuốc ngừa thai, tránh hút thuốc lá hay gần người hút thuốc lá…
- Khám phụ khoa định kỳ.
- Sinh đẻ có kế hoạch.



BS. Diệu Dung Webtretho 2008
 

Attachments

  • vaccine1..jpg
    vaccine1..jpg
    8.8 KB · Views: 0
  • vaccine2..jpg
    vaccine2..jpg
    9.6 KB · Views: 0
  • smoke..jpg
    smoke..jpg
    24.9 KB · Views: 0
Back
Top