T
T$
Guest
- 4 tháng 4 2015
Bắc Kinh vừa lên tiếng phản đối sau khi hai phi cơ chiến đấu của Hoa Kỳ hạ cánh xuống Đài Loan lần đầu tiên trong 30 năm trở lại đây, hãng thông tấn AFP đưa tin.
Hai chiếc F-18 đã hạ cánh khẩn cấp xuống một căn cứ không quân tại thành phố Đài Nam hôm 1/4.
AFP dẫn lời giới chức Hoa Kỳ cho biết một trong hai chiếc máy bay đã gặp phải sự cố kỹ thuật.
"Chúng tôi đã có phản đối chính thức đến phía Hoa Kỳ," người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Doanh được dẫn lời nói tại một buổi họp báo ở Bắc Kinh ngày 2/4.
"Trung Quốc yêu cầu Hoa Kỳ tuân thủ 'chính sách Một Trung Quốc' cũng như ba thỏa thuận chung giữa hai nước, đồng thời xử lý vụ việc một cách thận trọng", bà Hoa nói, đề cập đến các thỏa thuận giữa Washington và Bắc Kinh trong đó công nhận Bắc Kinh là chính phủ duy nhất của Trung Quốc.
Truyền thông Đài Loan cho biết đây là lần đầu tiên phi cơ chiến đấu của Hoa Kỳ hạ cánh xuống Đài Loan kể từ giữa những năm 80, đồng thời cho rằng động thái này có thể là để đáp lại một cuộc tập trận gần đây của không quân Trung Quốc trên vùng biển Thái Bình Dương.
Nhiều phi cơ Trung Quốc đã bay qua Kênh Bashi, vốn nằm giữa Đài Loan và Philippines, để tiến vào vùng biển này lần đầu tiên hôm 30/3, Tân Hoa Xã cho biết.
Ông Mark Zimmer, phát ngôn viên của Viện Hoa Kỳ tại Đài Loan nói hai phi cơ chiến đấu đang làm nhiệm vụ thông thường vào thời điểm một trong hai chiếc bắt gặp sự cố kỹ thuật và phải yêu cầu được hạ cánh khẩn cấp.
Vụ việc "một lần nữa cho thấy quan hệ mật thiết giữa Đài Loan và Hoa Kỳ," ông Lâm Úc Phương, một nghị sỹ Quốc dân Đảng, được AFP dẫn lời nói.
Hai chiếc phi cơ này đã hộ tống một chiếc máy bay tác chiến điện tử EA-6B Prowler đến Philippines, ông Lâm dẫn thông tin từ chính phủ Đài Loan cho biết.
"Hoa Kỳ đã xem Đài Loan là một nơi đáng tin cậy để hạ cánh khẩn cấp," ông nói thêm.
[h=2]'Xảy ra thường xuyên hơn'[/h]
Vụ việc "một lần nữa cho thấy quan hệ thân thiết giữa Đài Loan và Hoa Kỳ,"Ông Lâm Úc Phương, nghị sỹ Quốc dân Đảng
Hoa Kỳ không có quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Loan, nhưng lại có quan hệ kinh tế chặt chẽ và cũng là nhà cung cấp vũ khí cho nước này.
Bắc Kinh thường xuyên nhấn mạnh tầm quan trọng của chính sách 'Một Trung Quốc' và xem Đài Loan là một phần lãnh thổ của mình.
Ông Kevin Cheng, biên tập Tạp chí Quốc phòng châu Á-Thái Bình Dương, gọi cuộc hạ cánh là một "sự kiện bất ngờ", nhưng cũng cho rằng những sự kiện như vậy sẽ diễn ra thường xuyên hơn.
"Những việc như thế này sẽ xảy ra thường xuyên hơn trong tương lai, trong lúc Hoa Kỳ tăng cường sự hiện diện ở châu Á và quân đội Trung Quốc ngày mở rộng hoạt động," ông nói.
"Một trong các điểm nóng là Biển Đông, nơi Trung Quốc đang nới rộng các đảo mà nước này kiểm soát. Hoa Kỳ đã bày tỏ quan ngại trước động thái trên và đang tăng cường hợp tác quân sự với Philippines."
Nhà Trắng đang thực hiện chính sách 'chuyển trục' sang châu Á - vốn bị Bắc Kinh xem là nỗ lực nhằm kiềm chế tầm ảnh hưởng của nước này trong khu vực.
Trung Quốc đã đẩy mạnh ngân sách quốc phòng trong những năm gần đây, gây lo ngại cho nhiều quốc gia trong khu vực, bất chấp việc Bắc Kinh tuyên bố điều này chỉ nhằm phục vụ cho mục đích tự vệ.
"Dù vụ hạ cánh có phải là cố ý hay không, điều này vẫn là lời nhắc nhở với Trung Quốc rằng Hoa Kỳ vẫn đang duy trì một mối quan hệ hợp tác quân sự 'không chính thức' với Đài Loan," ông Rick Fisher, một chuyên gia về các vấn đề quân sự của Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược, đặt tại Hoa Kỳ, nói.
"Ngày hôm nay mối quan hệ đó không bao gồm các hoạt động hợp tác quân sự công khai, nhưng điều đó có thể thay đổi rất nhanh nếu Trung Quốc tấn công Đài Loan", ông nói thêm.
Theo BBC Vietnamese