Tại sao ‘Steve Jobs’ là phim gây tranh cãi nhất 2015?

KuteJac

Newcaster


 Tác phẩm tiểu sử về người đồng sáng lập hãng Apple là ứng cử viên nặng ký tại Oscar 2016. Song, phim gây ra nhiều tranh cãi về tính xác thực.



Hãy đổi tên phim thành iLied



Steve Jobs, tên thật Steven Jobs, là người gắn liền hãng Apple kể từ khi tập đoàn công nghệ máy tính lừng danh ra đời. Ông truyền cảm hứng cho nhiều thế hệ thông qua các sản phẩm đột phá. Ông để lại nỗi tiếc thương vô hạn khi ra đi vì căn bệnh ung thư ở tuổi 56 hồi mùa thu năm 2011.



Chỉ trong vòng chưa đầy bốn năm, người ta được theo dõi ba bộ phim tài liệu, cũng như hai phim điện ảnh xoay quanh cuộc đời ông. Nếu như phim Jobs(2013) của đạo diễn Joshua Michael Stern và tài tử Ashton Kutcher là tác phẩm độc lập, bị cả giới phê bình lẫn công chúng thờ ơ, thì Steve Jobs (2015) lại đang được đánh giá có cơ hội lớn tại Oscar 2016, đặc biệt là tại các hạng mục diễn xuất. Song, không phải ai cũng thấy hài lòng về bộ phim.



tai-sao-steve-jobs-la-phim-gay-tranh-cai-nhat-2015-79da45.jpg



Steve Jobs là bộ phim điện ảnh thứ hai trong vòng ba năm xoay quanh người đồng sáng lập nên hãng Apple.



Bộ phim năm 2015 mở đầu bằng cảnh Steve Jobs (Michael Fassbender) tranh cãi nảy lửa với trưởng nhóm marketing của Apple là Joanna Hoffman (Kate Winslet) và kỹ sư phần mềm Andy Hertzfeld (Michael Stuhlbarg) khi chiếc Macintosh không thể nói “Xin chào” ngay trước thềm buổi trình làng sản phẩm hồi 1984.



Steve Jobs lấy bối cảnh thời gian là các năm 1984, 1988 và 1998, khi nhân vật chuẩn bị trình bày tới công chúng các dòng máy tính Macintosh, NeXT và iMac. Cứ mỗi lần trước khi bước lên sân khấu, ông lại gặp gỡ những con người gắn bó mật thiết với cuộc đời mình và… nảy sinh tranh cãi.



Tờ New York Post cho rằng bộ phim mới của đạo diễn Danny Boyle và biên kịch Aaron Sorkin nên được đặt tên là iLied (Tôi đã nói dối) như muốn mỉa mai rằng toàn bộ những gì diễn ra trên màn ảnh đều không xảy ra ở ngoài đời thực.



Đó có thể là những cuộc tranh cãi giữa Steve Jobs và Steve Wozniak (Seth Rogen) về chuyện thừa nhận công lao của đội Apple II, cách mà Jobs hòa giải với người con gái Lisa mà ông đã chối bỏ từ lúc cô bé mới chào đời, kế sách ông nghĩ ra để có thể trở lại Apple sau khi bị John Sculley (Jeff Daniels) và ban giám đốc qua mặt rồi sa thải… Tất cả đều không có thật!



tai-sao-steve-jobs-la-phim-gay-tranh-cai-nhat-2015-c4049f.jpg



Có người gọi cả bộ phim của đạo diễn Danny Boyle và biên kịch Aaron Sorkin là "một trò lừa đảo".



Cây bút nổi tiếng của tờ New York Times, Joe Nocera, người từng nhiều lần phỏng vấn Steve Jobs khi ông còn sống, chỉ trích bộ phim gay gắt rằng: “Aaron Sorkin và những người đồng nghiệp đã lợi dụng tình cảm người ta dành cho Steve Jobs để bán vé. Hình ảnh ông ấy trên phim hoàn toàn đến từ trí tưởng tượng của nhà biên kịch. Có những khoảnh khắc trong phim, như lúc Steve Jobs làm hòa với con gái Lisa vào năm 1998, hoàn toàn đi ngược lại sự thật. Cả bộ phim là trò lừa đảo”. Trên thực tế, Steve Jobs luôn đối xử Lisa như con gái và cô bé đã tới ở cùng ông từ khi còn học trung học.



Biên tập viên ban công nghệ của tờ Los Angeles Times, Russ Mitchell, như đổ thêm dầu vào lửa khi viết: “Tôi từng phỏng vấn Jobs vài lần và theo đuổi mục công nghệ thông tin suốt nhiều thập kỷ. Với cá nhân, bộ phim thất bại trong việc khắc họa những gì tinh túy nhất của con người ông ấy. Đây thậm chí còn chẳng phải là bộ phim hay”.



Cuối cùng, CEO hiện tại của hãng Apple, ngài Tim Cook, lên sóng truyền hình và mỉa mai dự án Steve Jobs là “tác phẩm mang đậm chất cơ hội” dù ông chưa xem phim. Ban đầu, Aaron Sorkin không ngần ngại công kích lại Tim Cook khi lôi chuyện Apple thuê nhân công rẻ mạt tại Trung Quốc ra để châm biếm. Nhưng cuối cùng, nhà biên kịch quyết định đăng đàn lời xin lỗi và muốn mời CEO của Apple theo dõi bộ phim trong thời gian sớm nhất.



Đó là chưa kể tới tin đồn cho rằng vợ của Steve Jobs, bà Laurene Powell, đã viết thư van xin Leonardo DiCaprio và Christian Bale đừng sắm vai chồng mình trên màn ảnh. Chuyện xảy ra từ khi dự án phim còn nằm trong quyền kiểm soát của hãng Sony Pictures và đạo diễn David Fincher. Tuy nhiên, Steve Jobs rốt cuộc rơi vào tay hãng Universal và họ mau chóng thuê Danny Boyle làm đạo diễn để bộ phim kịp bấm máy hồi tháng 1.



Báo chí phải khách quan, người nghệ thuật có quyền chủ quan



Steve Wozniak, người cộng sự gắn bó với Steve Jobs từ khi hai người còn nuôi mộng “thay đổi tương lai” tại một gara xe hơi khi mới ngoài 20, được đoàn làm phim trả tới 200.000 USD để làm cố vấn. Nhưng cuối cùng, sau khi xem phim, ông cho rằng những gì Seth Rogen thể hiện trên màn ảnh chẳng hề giống con người ông. “Ai quen tôi cũng đều biết rằng tôi không thể nói những điều tiêu cực về người khác, nhất là trước mặt họ”, Wozniak tiết lộ.



tai-sao-steve-jobs-la-phim-gay-tranh-cai-nhat-2015-c3ca1f.png



Steve Wozniak được trả 200.000 USD để làm cố vấn cho bộ phim. Ông cho biết mình tôn trọng góc nhìn của những nhà làm phim.



Nhưng, vị kỹ sư máy tính đáng kính cho biết thêm rằng ông chưa bao giờ đọc kịch bản của Aaron Sorkin bởi đó là “góc nhìn nghệ thuật của cậu ấy. Tôi không muốn bảo cậu ấy phải thay đổi chỗ này, sửa đi chỗ khác”. Những gì Steve Wozniak đem tới cho đoàn làm phim Steve Jobs chỉ là những cuộc trò chuyện xoay quanh người bạn thân quá cố.



Đây cũng là cách mà Danny Boyle và Aaron Sorkin tiếp cận những người khác, như Joanna Hoffman hay Andy Hertzfeld. Nhà biên kịch không giấu diếm chuyện bộ phim tràn ngập những chi tiết hư cấu. Ông bộc bạch: “Steve Jobskhông phải là bộ phim tiểu sử thông thường. Nó kể lại những gì đã xảy ra, nhưng không phải theo lối tả thực, mà là qua góc nhìn nghệ thuật, giúp tăng phần kịch tính”.



Nói cách khác, bộ phim giống như bức họa, chứ không phải bức ảnh chụp lại một phần cuộc đời của ông trùm hãng Apple. Đó có lẽ chính là sự khởi nguồn cho những tranh cãi xảy ra lúc này. Khi được hỏi rằng, phải chăng Steve Jobschỉ là những suy nghĩ cá nhân về nhân vật, Aaron Sorkin tiếp tục gây tranh cãi khi trả lời: “Đó là sự khác biệt giữa báo chí và nghệ thuật. Báo chí phải khách quan. Còn tôi có quyền chủ quan”.



tai-sao-steve-jobs-la-phim-gay-tranh-cai-nhat-2015-207365.jpg



Bộ phim được so sánh như một bức họa về Steve Jobs, chứ không phải bức ảnh chụp lại một phần cuộc đời ông.



Từng cho ra đời hàng loạt những sản phẩm công nghệ mang tính đột phá, Steve Jobs sở hữu lượng fan đông đảo trên toàn thế giới. Những ý kiến không hay về bộ phim khiến nhiều người, dù chưa xem phim, lên trang IMDb để chấm tác phẩm điểm thấp. Bởi thế, Steve Jobs lúc này mới chỉ đạt điểm 7,0 trên website phim ảnh hàng đầu thế giới.



Nhưng giới phê bình điện ảnh thì ngược lại. Có người ca ngợi kịch bản của Aaron Sorkin, có người ngả mũ thán phục trước màn trình diễn xuất sắc của Michael Fassbender (và cả Kate Winslet), có người tự tin cho rằng phim sẽ dễ dàng nhận đề cử Phim truyện xuất sắc tại Oscar 2016… Những điều đó được thể hiện qua điểm số 83% trên chuyên trang tổng hợp Rotten Tomatoes sau khi phim được trình làng tại một số liên hoan phim uy tín như Venice, Telluride hay Toronto.




  Trailer bộ phim 'Steve Jobs'



Cuộc tranh cãi xung quanh Steve Jobs chắc chắn còn tiếp tục sau khi bộ phim được khởi chiếu rộng rãi tại Bắc Mỹ từ ngày 22/10. Chủ quan hay khách quan, sự thật hay chỉ là hư cấu, những luồng dư luận ấy khiến đây trở thành bộ phim hiện gây ra nhiều tranh cãi nhất trong năm 2015, dù nó chẳng có bất cứ cảnh nóng hay mang yếu tố bạo lực. Chỉ tiếc rằng Steve Jobs không còn nữa, và chúng ta sẽ không bao giờ biết được suy nghĩ của ông về bộ phim.



Aaron Sorkin là nhà biên kịch nổi tiếng tại Hollywood khi từng thắng giải Kịch bản chuyển thể xuất sắc tại Oscar 2011. Trùng hợp thay, tác phẩm đem tới cho ông danh vọng cũng là phim tiểu sử liên quan tới một nhân vật cộm cán trong làng công nghệ:The Social Network - bộ phim điện ảnh kể lại sự ra đời của mạng xã hội Facebook và một phần cuộc đời người sáng lập Mark Zuckerberg.



Giống như Steve Jobs lúc này, bộ phim gây ra rất nhiều tranh cãi xoay quanh tính xác thực của những gì được kể trên màn ảnh cách đây 4 năm.



Theo Zing









 
Back
Top