Rơi nước mắt với bữa ăn nhái và ễnh ương của thầy cô

Jolie

Member
(VTC News) - Lưng lửng chậu toàn nhái đồng nhái suối, bé bằng đầu ngón tay, ngón chân đang chen chúc cố ngoi lên mặt nước xâm xấp.
Kỳ 1: Bữa ăn đáng nhớ

Chúng tôi háo hức ngược lên miền Tây xứ Thanh trong những ngày đẹp trời. Đường sá, cảnh quan, núi đồi, cuộc sống cũng có rất nhiều thay đổi tích cực, nhưng chúng tôi muốn đến những nơi xâu xa nhất, còn nhiều gian khổ nhất.

Từ cửa khẩu Na Mèo, chúng tôi ngược theo con đường không thể đặc trưng hơn để vào bản Mông xã Sơn Thủy (huyện Quan Sơn, Thanh Hóa). Thỉnh thoảng lại gặp một dốc đá cheo leo, ngoằn ngoèo cần vài chục phút cài xe số 1 gằn máy vượt qua.

Non nửa ngày toát mồ hôi hột qua hết những cánh rừng cháy, đồi đá lở thì thấp thoáng những mái nhà lợp gỗ đen xỉn ẩn hiện dưới những tán mận xanh xanh. Bản Mùa Xuân dần hiện ra bên dòng suối xiết Xơ Lước (tên bản gốc vốn đặt cùng tên dòng suối).

t-goc-Mua-Xuan.jpg
Một góc bản Mùa Xuân
Đám trẻ con đang lúi húi bên suối thấy khách lạ thì dừng tay trố mắt nhìn. Hầu như chẳng đứa nào giao tiếp được bằng tiếng phổ thông, nên việc hỏi thăm vào nhà trưởng bản là không thể. Chúng lại tiếp tục chia nhau những con cá đuôi cờ bé bằng ngón tay, cho vào vỏ chai nhựa.

Thật may, đúng lúc đó thì ngôi nhà gạch màu vàng hiện ra, dấu hiệu của trường học vùng cao đang được đầu tư kiên cố hóa. Đó hình như là ngôi nhà duy nhất trên bản này dùng tấm lợp phibro xi măng. Bốn bề trong thung, trên sườn đồi chỉ lúp xúp toàn những mái nhà gỗ và tranh tre nứa lá.

Có 3 thầy cô giáo vừa xong buổi dạy đang vội vã chuẩn bị bữa cơm trưa trong căn nhà gỗ chật chội nhìn lên thấy ánh nắng. Thầy giáo Hà Văn Xiện nhanh tay rót nước, rồi đề nghị chúng tôi nghỉ lại, ăn trưa.

2Nh-ng-con-nhai--nh-uong-b.jpg

Nh-ng-con-nhai--nh-uong-be.jpg
Những chú nhái, ễnh ương béo mầm chuẩn bị được lên đĩa thết khách
Bởi ban ngày chưa chắc trưởng bản đã ở nhà, còn bận lên nương hay ra suối bắt cá đến tối mịt. Mà quanh vùng này, có tìm thêm hai năm nữa cũng không có một quán cơm, phòng trọ.

Hai cô giáo mầm non nhìn nhau, rồi hỏi đi hỏi lại chúng tôi có ăn cơm không để họ còn lấy thêm gạo. Dĩ nhiên chúng tôi chẳng khách sáo gì, xăng xái cùng vào căn bếp trống hoác tham gia việc củi lửa. Không khí trò chuyện trở nên thân tình ấm áp hơn rất nhiều.

Cô Ngân Thị Vui nhanh nhẹn xách chậu đựng thức ăn tươi ra, chuẩn bị đãi khách. Lưng lửng chậu toàn nhái đồng nhái suối, bé bằng đầu ngón tay, ngón chân đang chen chúc cố ngoi lên mặt nước xâm xấp. Cô cười hồn hậu: “Chắc các anh ít ăn món này, nhưng ngon đáo để đấy”.

Rồi cả Vui và Hà Thị Hồng mỗi người một thanh cật nứa thoăn thoắt làm thịt nhái. Rạch một đường giữa bụng, vớt mạnh tay chiếc cật nứa là lục phủ ngũ tạng của con nhái tuột xuống chậu. Thân con nhái, còn nguyên đầu, da, móng chân được ném vào chiếc xô đựng nước suối sạch hơn.
1-Cac-co-giao-m-m-non-dang-.jpg
Các cô giáo mầm non đang làm thịt nhái, ễnh ương...
Nh-ng-con-nhai--nh-uong-be_1.jpg
... chỉ bằng một chiếc cật nứa
Rất thành thục, nên mỗi con nhái các cô chỉ mất chừng nửa phút đã “xử lý” xong. Anh bạn đồng nghiệp chọn một con nhái to nhất giơ lên để chụp ảnh, lớ ngớ thế nào nó nhảy phắt đi. Lục bắt lại mãi không được, cô giáo Vui buồn rầu quay lại với đám nhái nhỏ còn lại trong xô.

Thỉnh thoảng tôi cũng có vài lần la cà theo đám bợm nhậu nhấm nháp món nhái “thể hình”, nhái chiên bột ở vỉa hè Hà Nội, nên xăng xái muốn phụ các cô giáo chế biến, nhưng các cô gạt đi: “Các anh không quen nấu nướng món này đâu, cứ để bọn em làm cho”.
Nhai-du-c-dem-u-p-gia-v-.jpg
Thịt nhái được ướp gia vị...
Những con nhái được rửa sạch, cho vào nồi nhôm đáy đen muội bếp. Mẻ, muối, một chút rau thơm và rất nhiều ớt được trộn lẫn. Thêm một chút nước. Rồi đặt lên ba ông đầu rau, chất củi khô đốt.

Tôi phụ giúp việc trông nồi nhái đang sôi ùng ục. Mỗi lần mở nồi, lẫn trong mùi thơm gia vị, thoáng thấy những chân nhái quăn queo lại, teo tóp dần đi, da nhái chuyển dần từ màu xanh rớt sang màu vàng nhạt.
Cho-them-it-rau-thom.jpg
... cho thêm ít rau thơm
Chừng dăm bảy phút lửa to thì nồi nhái chín, có vẻ nhanh hơn so với kho cá. Cô Vui hỏi: “Chia làm hai hay chỉ để một đĩa to?”. Hồng tỏ vẻ quán xuyến, bảo: “Nhà đông người, có mỗi món này thì cứ chia hai ra cho dễ gắp”.

Thầy giáo Phạm Thế Tư, trưởng khu lẻ Mùa Xuân của Trường Tiểu học Sơn Thủy về nhà vừa lúc bữa cơm đã dọn ra trên chiếc bàn gỗ độc nhất đặt giữa nhà. Chiếc bàn cũ kỹ có lẽ được các thầy cô trưng dụng cho đủ các mục đích sử dụng: Soạn giáo án, chấm bài, tiếp khách, ăn cơm…
dua-len-b-p-dun-k-.jpg
đưa lên bếp đun kỹ
Thầy Tư là người Thái, có thâm niên trong ngành giáo dục, bảo: “Các thầy cô giáo ở xã cứ hai năm luân chuyển một lần, để cùng chia sẻ với những điểm trường xa, khó khăn. Nhưng có lẽ chẳng đâu khó khăn như các bản người Mông này.

Ở đây, ngoài giờ giảng dạy, các thầy cô đều phải chật vật cho bữa ăn như những người dân địa phương. Không trồng được rau, chúng tôi lên rừng tìm bẻ măng, ra nương rỡ rau má. Đến bữa nào thì lo bữa đó.

Đám học sinh sau buổi học cũng vội lên rừng, ra suối. Các thầy cô ai cũng đều có thể ra suối bắt cá, bắt nòng nọc, bắt nhái về làm chất dinh dưỡng. Cá thì đi bắt ở con suối xa cách đây chừng 6km đường rừng. Bữa nhái này tôi vừa bắt ở suối tối qua thôi, còn tươi lắm”.
Hai-dia-nhai-thom-ngon.jpg
Hai đĩa nhái thơm ngon
Tôi thử ăn một miếng nhái, thấy không ngon và quen miệng như mình tưởng. Nó không giòn, hơi cay, có chút tanh tanh do đã nguội thì phải. Cô giáo Vui cũng chỉ ăn được bụng và đôi chân, còn đầu và “tay” nhái thì cô ngắt bỏ vào bát các đồng nghiệp.

Chỉ có một chút xíu bắp cải nấu đặt trong chiếc tô nhỏ xíu, hai đĩa nhái và niêu cơm cho 8 người.

Có lẽ chén rượu nồng và sự chân tình khiến các thầy cô không nhận ra, chúng tôi hầu như không đụng đũa, dù biết rằng, đó là những món ăn ngon miệng giúp các thầy cô đủ sức đứng trên bục giảng suốt thời gian qua.

Có cái gì đó cứ nghèn nghẹn nơi cổ họng.

Còn tiếp...



 
Back
Top