"Quyên" vừa đủ độ nóng để giữ chân khán giả, vừa đủ độ đẹp để khiến họ phải trầm trồ thán phục, nhưng lại thiếu một chút thuyết phục đối với khán giả.
Quyên - bộ phim gây chú ý bởi kinh phí đầu tư 22 tỷ đồng cùng nhiều cảnh quay nóng bỏng đang là đề tài bàn tán của dư luận nhiều ngày qua. Kể từ lúc phim ra rạp, đã có nhiều ý kiến trái chiều xoay quanh tác phẩm chuyển thể từ tiểu thuyết này. Có khen, có chê, có ưu điểm, có khuyết điểm, nhưng tựu trung lại, đây vẫn là một bộ phim đáng xem để ủng hộ nền điện ảnh nước nhà.
Trailer phim "Quyên"
Quyên kể về cô gái gốc Hà Nội tên Quyên (Vũ Ngọc Anh đóng), theo người chồng tiến sĩ sang Đức tìm kiếm cơ hội đổi đời. Nhưng đổi đời chưa thấy, Quyên đã bị tên giang hồ tên Hùng (Trần Bảo Sơn) bắt cóc, giam giữ và hãm hiếp. Kể từ đó, cuộc đời Quyên thay đổi. Hùng từ một kẻ chỉ biết giày vò cô lại đem lòng yêu cô, còn Dũng (David Trần) – chồng cô từ yêu cô chuyển sang khinh rẻ, nhục mạ cô. Trong đời Quyên còn xuất hiện người đàn ông thứ 3 là Hans – một người Đức tốt bụng đã giúp đỡ cô trong những năm tháng khó khăn và tuyệt vọng nhất…
Trước tiên cần phải nói rằng Quyên không phải một bộ phim nghệ thuật chỉ toàn tính biểu tượng, khó xem khó hiểu, đây là bộ phim kể về cuộc đời, số phận của một người phụ nữ. Đó không phải một số phận "thông thường" mà là một cuộc đời chìm nổi với rất nhiều biến cố, cho nên khán giả không phải lo chuyện phim thiếu đi kịch tính hay những điểm nhấn then chốt.
Ngay từ những ngày đầu công bố dự án, có thể nói Quyên đã thành công trong việc thu hút sự chú ý của khán giả vào… cảnh nóng của dàn diễn viên. Đến khi xem phim rồi thì có lẽ khán giả sẽ chung nhận xét "nóng không thua quảng cáo thật!". Tuy nhiên, điểm đáng khen là cái "nóng" của Quyên không đơn giản chỉ để câu khách, nó còn góp phần lớn để thể hiện nội dung phim, cùng những đau đớn, tủi nhục mà nhân vật nữ chính đã phải trải qua. Cái "nóng" của Quyên là ngôn ngữ của phim, dù chưa hay đến thành xuất sắc, nhưng đủ để biểu đạt và đủ khiến khán giả không phải che mắt quay đi vì phản cảm.
Điểm đáng chú ý tiếp theo của Quyên chính là đẹp. Cái đẹp toát lên từ thần thái của diễn viên cho đến bối cảnh, màu sắc. Từ những ngọn núi phủ đầy tuyết trắng, đến cảnh bầu trời biến ảo từ đêm sang ngày, hay mùa thu ngập sắc lá vàng của nước Đức… tất cả đều khiến người xem vừa trầm trồ vừa tự hào vì điện ảnh Việt đã quay được những bộ phim đẹp đến vậy.
Về dàn diễn viên, có thể nói không xuất sắc nhưng vừa đủ để tạm ổn. Nổi bật nhất là vai diễn của Trần Bảo Sơn. Là một diễn viên có nghề, Trần Bảo Sơn không khó để thể hiện vai Hùng đầy gai góc, nhưng cũng có những tâm sự giấu kín. Từ một tên xã hội đen gần như chẳng còn gì để mất, Hùng lại tìm thấy tình yêu và khát khao về một mái ấm gia đình sau quãng thời gian ở cùng Quyên trong căn nhà gỗ.
Ham muốn thể xác biến thành tình yêu, và cũng chính bởi tình yêu, Hùng đã để cho Quyên ra đi và làm những điều cô mong muốn. Tình yêu của một tên xã hội đen không giống tình yêu của một người đàn ông bình thường. Hắn yêu nhưng không dám thể hiện tình yêu ấy. Hắn tìm cách che giấu nó bằng cách xù ra lớp lông sắc nhọn, nhưng cho đến tận cùng, người xem vẫn thấy được nó, trong ánh mắt của hắn, trong cả thái độ chần chừ khi hắn nhìn người yêu từ xa mà không dám đến tìm…
Với Vũ Ngọc Anh, lần đầu bén duyên điện ảnh, cũng là lần đầu đóng vai chính, khó tránh khỏi những va vấp. Lợi thế lớn nhất của Top 5 Hoa hậu Việt Nam khi vào vai Quyên chính là… gương mặt. Quyên của Vũ Ngọc Anh đẹp mọi nơi mọi lúc, đẹp từ lúc xộc xệch đầu bù tóc rối cho đến lúc bước sang giai đoạn đằm thắm dịu dàng của người phụ nữ từng nếm gió trải sương. Đó không phải vẻ đẹp của một bình hoa di động mà là nét đẹp rất điện ảnh, rất phù hợp với vai diễn.
Tuy nhiên, với nhiều khán giả, có lẽ Vũ Ngọc Anh sẽ đẹp hơn nếu như cô… không nói! Lý do bởi phần đài từ chậm rãi, đều đều như thể… kể chuyện cổ tích lúc nửa đêm của cô khiến những người xem đã trót hâm mộ nhan sắc của Quyên hoàn toàn "mất hứng".
Điểm trừ trong đài từ của Vũ Ngọc Anh cũng không nằm ngoài điểm trừ lớn mà Quyên mắc phải, đó là phần thoại quá kịch. Diễn viên đọc thoại như trả bài khiến nhiều cảnh phim mất đi cảm xúc cần có.
Một yếu tố khác cũng không thể không nhắc tới đó là tính thuyết phục của tác phẩm. Minh chứng rõ nhất của điều này chính là nút thắt cuối cùng, khi nhân vật Dũng – chồng Quyên bỗng dưng xuất hiện và hàng loạt tình tiết quan trọng diễn ra chỉ trong… chốc lát. Bản thân logic của các tình tiết ngay từ ban đầu đã thiếu thuyết phục, đến cuối cùng lại càng thêm khiên cưỡng biến câu chuyện thành một "mớ bòng bong" và khán giả phải ra về với muôn ngàn câu hỏi.
Tuy nhiên, cũng phải nói thêm rằng, dù đoạn kết để lại cảm giác thiếu thuyết phục nhưng bên cạnh đó, nó cũng gieo vào lòng người xem cảm xúc, khi chứng kiến nhân vật Quyên, sau những năm tháng rã rời mệt mỏi lang bạt nơi đất khách, đã lên chuyến máy bay trở về Việt Nam. "Quê hương xa xôi em về trong đơn côi, bao nhiêu yêu thương cũng đã qua rồi. Cả đời mình em lỡ bước, lòng ngổn ngang những trái ngang, về đất mẹ hiền yêu dấu…" – những ca từ ngọt ngào từ ca khúc nhạc phim do Hà Trần trình bày vang lên để lại những dư vị khó quên trong lòng khán giả. Đó là một đoạn kết đẹp, có thể khiến những người xem bộ phim khi xa quê hương phải bật khóc.
Quyên đã được khởi chiếu ở Việt Nam từ ngày 19/6.
Theo Thanh Nguyên / Trí Thức Trẻ