Kịch bản yếu, đề tài cũ hay quảng cáo lộ liễu, diễn viên trang điểm đậm, đi giày cao gót trong nhà… là những chi tiết khán giả truyền hình dễ bắt gặp khi xem phim.
Phim truyền hình đang nở rộ, diễn viên chạy show tất bật. Mỗi năm, một diễn viên đắt show có thể tham gia tới 8-10 phim, thế nhưng họ lại khó tìm được một vai diễn để đời. Một bộ phim hay, diễn viên không phải là yếu tố quyết định mà là sự kết hợp của các khâu, đặc biệt là kịch bản và đạo diễn. Diễn viên có tài năng, diễn xuất giỏi tới đâu, nếu không có kịch bản hay, có nhiều đất để thể hiện không khác gì có võ mà không được trưng dụng.
Lương Thế Thành đắt show phim nhất hiện nay nhờ vóc dáng đẹp và diễn xuất tốt.
Kịch bản yếu, đề tài cũ kỹ
Xưa nay, yếu tố tiên quyết để có bộ phim hay vẫn là kịch bản. Tuy nhiên, điểm yếu của phim truyền hình Việt lại chính ở khâu này. Thời gian qua, có lẽ do thiếu kịch bản, hầu hết phim Việt được chuyển thể từ tiểu thuyết. Những phim được đánh giá có độ sâu, kịch tính, hấp dẫn đều được chuyển thể từ tiểu thuyết như Giọt lệ bên sông, Một thời lãng quên, Không có gì và không có một ai, Biệt thự Pensse…
Còn lại, đa số kịch bản phim Việt đều rơi vào tình trạng nhàn nhạt, đề tài cũ kỹ và cách xử lý tình huống dễ đoán biết. Quanh quẩn với câu chuyện ngoại tình, sự phân biệt giàu nghèo, mẹ chồng nàng dâu… Hoặc, nếu có tiếp cận đề tài mới, gai góc hơn như Bước chân du mục, Kẻ giấu mặt thì lại gặp những vấn đề về xử lý tình huống khiến bộ phim không thoát được sự nhàm chán. Nhà biên kịch Châu Thổ cho rằng: “Người viết hiện nay nhiều nhưng người có trải nghiệm, có vốn sống thì ít. Vì thiếu trải nghiệm nên xây dựng nên những tình tiết xa rời thực tế, vô lý”.
Một cảnh quay võ thuật trong phim Kẻ giấu mặt.
Quảng cáo lộ liễu
Vẫn biết, trong thời buổi này, các nhà sản xuất không thể làm phim nếu không có quảng cáo. Tuy nhiên, cách nhà làm phim xử lý những tên thương hiệu, hình ảnh sản phẩm thế nào trong từng cảnh quay, góc máy mới là điều đáng nói. Xem phim Mặt nạ thiên thần, khán giả phải đặt câu hỏi: Nấu ăn cần tới 2 gói bột nêm lớn đặt ngay bên cạnh bếp sao? Trong phim Nỗi buồn có mắt, người hâm mộ dễ nhận ra sự xuất hiện nhiều lần của một thương hiệu vàng bạc.
Phương Thanh và Long Nhật trong phim Ô sin nổi loạn.
Trang điểm đậm, đi giày trong nh�
Đây có thể nói là lỗi dễ gặp nhất khi xem phim truyền hình Việt. Việc quay nhanh, kinh phí sản xuất eo hẹp khiến cả diễn viên lẫn đạo diễn ít chú ý đến những chi tiết nhỏ như trang điểm và trang phục của nhân vật. Song những tiểu tiết ấy nếu không hợp lý sẽ không thuyết phục khán giả dù diễn viên diễn xuất có tốt đến mấy. Trong một cảnh quay trong phim Khi em đã lớn, các bà ngồi đánh bài ở nhà không khác gì đang đi dự tiệc với đầu tóc chải cầu kỳ, trang điểm đậm và mặc đầm sang trọng.
Mở bất kỳ một phim Việt nào, khán giả cũng dễ dàng nhìn thấy cảnh các diễn viên ăn mặc sành điệu, đi giày cao gót, bước cồm cộp trong phòng khách sang trọng hoặc vô tư đi trong phòng ngủ sáng bóng. Lỗi này các diễn viên tay ngang hay nổi tiếng đều mắc phải.
Với con mắt nhà nghề, các nhà làm phim, đạo diễn hay diễn viên có thể đều nhìn thấy hết những hạt sạn trong phim nhưng ai cũng lực bất tòng tâm.
Theo Zing