T
T$
Guest
AFP
Image caption
Dòng người tỵ nạn Syria tràn vào châu Âu là vấn đề khiến các nhà lãnh đạo EU đau đầu
Tổng thống Nga Vladimir Putin kêu gọi thành lập một cơ cấu để phối hợp nỗ lực chống lại Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Syria.
Ông Putin tiếp tục khẳng định sự ủng hộ dành cho Tổng thống Syria Bashar al-Assad, người mà các nước phương Tây và phe đối lập Syria đòi phải từ chức.
Cuộc xung đột Syria dự kiến là nằm cao trong chương trình nghị sự của phiên họp Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc tại New York.
Ông Putin sẽ có cuộc hội đàm hiếm hoi với Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama để thảo luận về vấn đề này hôm thứ Hai 28/9.
Quan hệ giữa Nga và phương Tây đã trở nên căng thẳng sau khi Moscow sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine năm ngoái và trợ giúp phiến quân ly khai.
Trong một diễn biến khác, Thủ tướng Anh David Cameron dự kiến sẽ giảm bớt gay gắt khi nói về Tổng thống Assad trong một bài phát biểu tuần này.
Dự kiến ông Cameron sẽ nói tại phiên họp thường niên của Liên Hiệp Quốc rằng ông Assad có thể tạm thời nắm quyền lãnh đạo một chính phủ chuyển tiếp.
Image copyright
EPA
Image caption
Pháp không kích Nhà nước Hồi giáo ở Syria
Ông Cameron, cùng với ông Obama và Tổng thống Pháp Francois Hollande, trước đây đã yêu cầu ông Assad từ chức như là điều kiện tiên quyết của bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào nhưng ông Putin luôn luôn bác bỏ điều này.
Khi đến New York hôm Chủ nhật 27/9, ông Cameron từng phát biểu: "Assad không thể có chỗ trong tương lai của Syria. Ông ta đã thảm sát người dân. Ông ta đã góp phần gây nên xung đột và cuộc khủng hoảng di dân hiện thời. Ông ta còn đóng vai trò lớn trong tuyển mộ người cho Isil (IS)".
Trong khi đó, Tổng thống Iran Hassan Rouhani, một đồng minh quan trọng của ông Assad, nói nếu muốn đánh bại dân quân IS thì "không thể làm suy yếu" chính quyền Damascus.
Ông Rouhani đã phát biểu bên lề phiên họp Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc ở New York.
Các nhà lãnh đạo EU đang kêu gọi thúc đẩy giải pháp ngoại giao tại Syria trong bối cảnh làn sóng khổng lồ người tỵ nạn tràn vào châu Âu.
Việc tìm kiếm một giải pháp ngoại giao cho cuộc xung đột Syria càng thêm cấp bách trong lúc Nga tăng cường trợ giúp quân sự cho chế độ của ông Assad.
Hôm Chủ nhật 27/9, Iraq loan báo ký một thỏa thuận hợp tác an ninh và tình báo với Nga, Iran và Syria để chống IS.
Image copyright
AFP
Image caption
Việc Moscow viện trợ quân sự cho chính quyền của ông Assad khiến phương Tây quan ngại
[h=2]Hoa Kỳ 'quan ngại'[/h]Trong cuộc phỏng vấn với đài truyền hình CBS, Tổng thống Putin tuyên bố quân đội của Tổng thống Syria là ‘lực lượng chính thống và hợp pháp’ duy nhất ở nước này.
Ông nói thêm rằng quân đội Syria chiến đấu chống các tổ chức khủng bố và Nga "muốn có đồng thuận để cùng đấu tranh chống khủng bố".
Tuy nhiên, Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry nói chưa có phối hợp gì giữa các bên và Hoa Kỳ "quan ngại về phương hướng sắp tới".
Biên tập viên về Trung Đông của BBC Jeremy Bowen phân tích:
Có hai yếu tố khiến Syria trở thành vấn đề nóng trong phiên họp Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc: Một là mối đe dọa của các chiến binh IS. Hai là cuộc khủng hoảng di dân, nghĩa là cuộc nội chiến Syria đã tác động đến Tây Âu.
Bây giờ, mục tiêu hàng đầu của quân đội phương Tây là đánh IS.
Anh hy vọng quan điểm mới về Tổng thống Assad có thể giúp phá vỡ bế tắc về Syria tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.
Image copyright
RIA Novosti
Image caption
Máy bay Nga hạ cánh tại Latakia, Syria
Nếu sự chia rẽ trong Hội đồng Bảo an về Syria không được khắc phục, lời kêu gọi của ông Cameron về một sáng kiến ngoại giao mới nhằm chấm dứt cuộc chiến tại Syria sẽ không thay đổi bất cứ điều gì.
Hôm Chủ nhật 27/9, Pháp đã tiến hành các cuộc không kích đầu tiên nhắm vào IS tại Syria, phá hủy một cơ sở huấn luyện.
Một liên minh do Mỹ dẫn đầu đã thực hiện các cuộc không kích nhắm vào IS ở Syria và Iraq hơn một năm nay. Pháp, giống như Anh, trước đây chỉ giới hạn các cuộc không kích nhắm vào IS trong không phận Iraq.
Hồi đầu tháng này, Anh công bố đã thực hiện tấn công bằng máy bay không người lái tại Syria nhưng chưa điều chiến đấu cơ tới đây.
Hơn 200.000 người dân Syria đã thiệt mạng từ khi nước này nổ ra cuộc nội chiến năm 2011 và IS nắm quyền kiểm soát nhiầu khu vực lớn từ năm 2014.
Ông Assad đã bị buộc tội thảm sát hàng chục ngàn người dân khi cho ném bom bừa bãi vào các khu vực do quân nổi dậy chiếm đóng.
Khoảng bốn triệu người Syria đã chạy ra nước ngoài cho đến nay, phần lớn đang nương náu ở các nước láng giềng Thổ Nhĩ Kỳ, Lebanon và Jordan.
Theo BBC Vietnamese