Anh Ng.V.H, 35 tuổi, ngụ tại quận 9 – TPHCM, nhập Viện Tim TPHCM vì đột quỵ. Bệnh án cho thấy anh Ng.V.H bị nhói ngực và vã mồ hôi trong một thời gian dài. Trước lúc nhập viện mấy ngày, anh đau ngực dữ dội không dứt. Nội soi cho thấy trụy mạch máu, tắc một nhánh chính. Đó là kết quả biến chứng của tình trạng xơ vữa và tăng huyết áp. Hiện tỉ lệ người trẻ (dưới 40 tuổi) mắc bệnh này khá cao, chiếm từ 17%-22% tổng số bệnh nhân tại Viện Tim. Và đây là một trong những nguyên nhân góp phần gây nên tình trạng tử vong của người bệnh.
Nhiều biến chứng nặng
Tăng huyết áp và xơ vữa động mạch được cho là bệnh của người cao tuổi, đây là căn bệnh phổ biến nhất trong các bệnh lý về tim mạch. Nhưng hiện nay không chỉ có người lớn mà trẻ nhỏ và người trẻ đang đối diện với nguy cơ mắc phải căn bệnh này. Theo kết quả điều tra mới nhất của Viện Tim TPHCM và Tổ chức Y tế Thế giới tại 2 tỉnh Đồng Tháp và Gia Lai cho thấy tỉ lệ tăng huyết áp và xơ vữa động mạch ở người từ 25 - 45 tuổi chiếm 37,27%. Nó không gây ra những triệu chứng ồn ào, nhưng biến chứng vô cùng nguy hiểm vì tác động lên hệ thống tim mạch, não, gây nên tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, suy tim...
Trong đa số các trường hợp, tăng huyết áp và xơ vữa động mạch xảy ra lúc nào người bệnh thường không hay biết và chỉ biết khi đã có biểu hiện rõ rệt trên lâm sàng như nhức đầu, mờ mắt, chóng mặt, đánh trống ngực hoặc nặng hơn nữa là tai biến mạch máu não, đau thắt ngực... 90% huyết áp tăng không rõ nguyên nhân và người bị xơ vữa động mạch không có những biểu hiện bệnh. Bệnh nhân lâu ngày sẽ bị các biến chứng nguy hiểm ở các cơ quan như tim, thận, não và mắt như chảy máu não, nhũn não; rối loạn nhịp tim, suy tim, nhồi máu cơ tim, tổn thương võng mạc dẫn đến mù mắt... Theo bác sĩ Đỗ Quang Huân, Trưởng khối nội và tim mạch can thiệp của Viện Tim, đa số bệnh nhân trẻ nhập viện đều đã bị biến chứng, các mao mạch bị thương tổn nặng dẫn đến đột quỵ. Trong vài năm trở lại đây, nhiều bệnh nhân bị đột quỵ khi tuổi đời chỉ trên dưới 30. Có rất ít người quan tâm đến các nguyên nhân gây ra tổn thương thành động mạch như cholesterol trong máu cao, hút thuốc và tiếp xúc với khói thuốc lá, béo phì, tiểu đường, ít vận động...
Nên kiểm tra sức khỏe định kỳ
Có rất nhiều nguyên nhân khiến căn bệnh này ngày càng trẻ hóa. Cao huyết áp thường gặp ở trẻ vị thành niên liên quan nhiều đến tình trạng béo phì, trong gia đình có người bị cao huyết áp, hội chứng Cushing do u hoặc dùng thuốc corticoid, u tủy thượng thận, lupus... Đối với người trẻ, cao huyết áp và xơ vữa động mạch còn do hậu quả của stress, thuốc tránh thai, chế độ ăn nhiều mỡ và đặc biệt bị rối loạn giấc ngủ...
Xơ vữa động mạch và huyết áp cao có liên quan trực tiếp đến lượng cholesterol và mỡ trong máu. Trong khi đó cholesterol và mỡ lại phụ thuộc rất nhiều vào chế độ ăn. Chính vì vậy, theo lời khuyên của bác sĩ Đỗ Quang Huân, cần theo dõi sức khỏe định kỳ để chủ động kiểm soát các hàm lượng chất trong máu. Người có mức huyết áp 130-139/85-89 mmHg cần kiểm tra thường xuyên hơn. Nếu có những triệu chứng nhức đầu, toát mồ hôi, khó thở, tăng cân thì cần phải kiểm tra ngay để phòng ngừa bệnh diễn tiến nặng.
Bên cạnh đó, trước áp lực của nhịp sống công nghiệp, để phòng huyết áp cao và xơ vữa động mạch tấn công, người trẻ không nên hút thuốc lá, bớt uống rượu, có chế độ dinh dưỡng hợp lý, tránh các thức ăn nhanh nhiều mỡ, nên ăn nhiều hoa quả và chất xơ. Đặc biệt cần chú trọng xây dựng một lối sống lành mạnh bằng chế độ ăn uống, nghỉ ngơi và tập thể dục đều đặn mỗi ngày ít nhất 30 phút.
Theo Bích Hà