Năm nay chưa thấy rươi đâu...

Jolie

Member
Theo dân gian thì cứ “tháng chín đôi mươi, tháng mười mồng năm” âm lịch là có rươi. Nhưng năm nay, mực nước của các dòng sông vùng đồng bằng Bắc Bộ lên cao khiến cho rươi ra muộn, tận rằm tháng mười âm lịch mới có, mà rất ít, khiến giá rươi cao ngất trời như nói ở trên.


cha-ruoi1.jpg


Tại chợ Ga, Hải Phòng những ngày này, giá rươi vẫn còn lên đến 200 nghìn/kg. Ông Đỗ Đức Hà, một lái rươi bảo: “Rươi bây giờ hiếm nên đắt. Anh không tin thì xuống đồng rươi ở xã Hòa Bình, huyện Vĩnh Bảo nhà tôi mà xem”.

Ở xã Hòa Bình, ông Hoàng Văn Mấm, thường trực Đảng ủy cho biết, xã có một dải đầm hồ ven sông Hàn, đã giao cho 17 hộ canh tác, đây cũng là một trong những vùng rươi có sản lượng cao và nổi tiếng nhất Hải Phòng. Mỗi vụ, chủ đầm thu được đôi ba tạ rươi. Thu nhập bốn năm chục triệu trở lên là no cơm ấm cật cả năm đối với một hộ nông dân, nhất là khi mùa rươi chỉ diễn ra trong một vài tuần.

Sông Hàn là một nhánh của sông Thái Bình. Khi xưa Trạng Trình từ quan về Vĩnh Bảo dựng am Bạch Vân, xây quán Trung Tân còn đặt tên sông là Tuyết Giang. Gặp tôi bên đường, một người đàn ông tên là Viễn nhiệt tình mời vào nhà xem làm rươi. Đó là một tổng đại lý rươi người sở tại nhưng có mạng lưới phân phối tận Móng Cái để bán rươi cho thương lái Trung Quốc.

Xưởng nằm trong chái nhà của một bà lão 80 tuổi tên Nhiễu, nghe nói từ bé đã sống bằng nghề đánh cá, vớt rươi trên sông. Hơn chục chị, tay làm rươi, miệng "tám" phe phé. Toàn những chuyện tranh mua, tranh bán vì rươi bây giờ quá hiếm. Người buôn rươi thuộc từng con nước để biết khi nào có rươi thì chực ở cửa đầm hoặc bám từng đại lý như ông Viễn. Hễ thấy điện thoại của chủ đầm hay đầu nậu báo có hàng thì nửa đêm cũng phải thức dậy mà cất rươi không thì người khác nẫng mất.

Những người ăn rươi đã rán thành chả, thậm chí thấy hẳn rươi đang bơi ngoe nguẩy trong chậu ở chợ sẽ vẫn bất ngờ nếu thấy cảnh làm rươi vì công đoạn này tinh tế, nhiêu khê lạ lùng. Đổ vào một tấm lưới cho ráo nước, rồi trút vào khay xốp, sau đó bằng khăn bông, người ta thấm cho rươi thật khô và trở thành một đống giun xanh đỏ cuộn vào nhau lổm ngổm trông khá... kinh hãi. Sau khi cân với sự so kè đến từng gam vì giá rươi tại đây đã 170 nghìn/kg, thế là hạ được 100 nghìn/kg rươi bán cất so với đầu mùa, khi Hà Nội, Hải Phòng lên cơn sốt rươi.

Công đoạn cuối cùng là người ta dùng nước đá lạnh 5-7 độ tưới lên, rươi bỗng im phắc trong các khay xốp. “Gặp lạnh, rươi ngủ mới đem đi xa được, nếu để nó bò thì ra nhớt, tắc mang, ngạt thở sẽ chết hết”, ông Viễn giải thích.

Bà Nhiễu chủ nhà nói bây giờ hiếm hoi nên người ta mới vẽ vời như thế, chứ ngày trước rươi nhiều, một ngày nhà bà có thể vớt được cả vài tấn rươi, bằng sản lượng của cả xã bây giờ. Khi đó cứ “tháng chín đôi mươi, tháng mười mồng năm” rươi ra đặc nước, không có gì đựng phải đổ vào thuyền. Bán bằng thúng chứ không cân, cứ ba đồng một thúng chừng 30 cân. Vừa bán vừa cho, xin nhau cũng có thể đến dăm bảy ký chứ không đếm từng con như bây giờ. Chỉ cô con dâu tên là Bích, bà bảo chị này cũng có đầm nhưng năm nay thất bại về rươi, từ đầu vụ mới được vài triệu bạc.


cha-ruoi2.jpg


Qua cầu phao Hàn, tôi sang xã Kiến Thiết, thuộc huyện Tiên Lãng. Nằm bên tả ngạn sông Tuyết Giang, đây cũng là một xã nổi tiếng về rươi. Một người địa phương bảo tôi nên vào nhà ông Nguyễn Đình Sang, một hộ nông dân nổi tiếng làm ăn giỏi. Nhà ông Sang ngay đầu cầu phao, nghe tôi hỏi chuyện rươi, ông cười lớn: “Tôi đang thèm rươi đây, 5 hécta đầm bãi nhận của xã, đóng sản lượng gần 30 triệu, trông cả vào rươi mà không có con nào. Năm nay chắc lỗ to”.

Năm ngoái, vợ chồng cùng ốm, ông cho người làng thuê bãi cấy lúa. Chẳng biết người ta phun thuốc sâu loại gì mà đến mùa rươi không có con nào, năm nay đã qua con nước cũng chưa thấy rươi đâu. Chịu khó đào đất bãi thì may ra mới thấy một vài sợi rươi bé tí. “Đồng bãi bây giờ chật chội, rồi thuốc sâu, hóa chất làm sao còn rươi, chứ trước đây mỗi năm nhà tôi thu một tấn rươi là thường”, ông Sang nói.

Dẫn tôi ra vườn xem chuồng... hươu sao nuôi lấy nhung, ông Sang tiện tay xách cuốc và đi ra vạt đất bãi sát bờ sông. Bổ vài chục nhát, một sợi gì màu đỏ hồng như dây nịt gói hàng hiện ra. “Rươi đấy, nếu không mất mùa, mỗi nhát cuốc là vài sợi”. Con rươi không khác gì con giun màu đỏ hồng có nhiều chân nằm trong đất và dài vài chục phân. Đến nước rươi, tức là khi nước ngoài sông tràn vào đồng, lúc nước rút ra cũng là khi rươi theo nước mà lên. Từ một đoạn dài, rươi phân khúc, đứt đến đâu thành một con rươi mới đến đấy, đủ cả mắt miệng rất lạ kỳ.

Có thể nuôi được không, tôi tò mò hỏi. “Làm sao được, biết nó sinh sản thế nào, ăn cái gì mà nuôi. Chỉ biết là muốn có rươi thì đầm bãi phải cho nước ra nước vào. Nếu cấy được lúa thì càng tốt vì rươi thích ở gốc rạ. Khó như thế nên rươi bán ở chợ đảm bảo là tự nhiên, không nuôi nấng, thuốc men, tăng trọng gì cả đâu. Nếu nuôi được thì tôi đã giàu to chứ đâu có khóc dở mếu dở vì mất mùa rươi thế này”, ông Sang nói.

Rươi, tên khoa học: Nereidae, là một họ giun nhiều tơ, có thân mềm, dài từ 7-10 cm, màu xanh, nâu hoặc đỏ. Rươi có nhiều ở các vùng đất bãi ven những cửa sông nước lợ khu vực Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định và xuất hiện vào dịp cuối thu, đầu đông. Rươi có giá trị dinh dưỡng cao, dùng để chế biến nhiều món ăn đặc biệt như chả rươi, mắm rươi, rươi xào củ niễng...


Theo Tuổi trẻ
 
Back
Top