Mẹ già 102 tuổi nuôi con gái hơn 60 tuổi điên dại

Jolie

Member
[h=2]Xahoi - Hai người đàn bà ấy cứ lầm lũi ra vào dưới một mái nhà như những cái bóng cô độc.[/h]
me-102-tuoi-nuoi-con-60-tuoi.jpg

Hai mẹ con cụ Trạch, cô Trả
Người mẹ già hơn một trăm tuổi, người con gái không bình thường đã ngoài 60 cứ bấu víu lẫn nhau. Trông gia cảnh của cụ Nguyễn Thị Trạch và con gái Nguyễn Thị Trả (Xóm Mới, xã Tự Nhiên, huyện Thường Tín, Hà Nội) khiến nhiều người phải động lòng thương cảm.
Mẹ già chăm con điên dại
Giữa xóm nghèo, ngôi nhà hai mẹ con cụ Trạch nằm lọt thỏm, hun hút. Ngoài hiên quần áo rách vứt ngổn ngang. Thấy có khách lạ, người phụ nữ trạc ngoài 60 quần áo xộc xệch, tóc tai rối bù, nhòm qua khe cửa rồi bước thấp cao chạy về phía chúng tôi. Bà ú ớ, chân tay khua khoắng ra hiệu. Đó là cô con gái cụ Trạch, hàng xóm thường gọi bằng cái tên: cô Trả câm.
Bước vào trong nhà, nồng nặc mùi khai lẫn mùi ẩm thấp. Đồ đạc trong nhà lèo tèo vài thứ không có giá trị. Thứ có giá trị duy nhất, có lẽ là chiếc ti vi đặt ngay giữa nhà, cũ mèm, nhằng nhịt vì nhiễu sóng. Thi thoảng chúng tôi thấy cô Trả vỗ bồm bộp vào hai bên sườn của chiếc ti vi ấy rồi cười khoái trá vì đã nghe được tiếng.
Cô Trả sinh ra đã bị câm bẩm sinh không nói được chỉ ú ớ và ra hiệu bằng tay. Đầu óc cũng không minh mẫn, nửa ngu ngơ, nửa điên dại. Trước kia, khi còn khỏe, cụ vẫn thường chỉ cô từng việc để làm. Mẹ bảo làm gì, con làm hệt thế, nhưng phải cái tội nói trước quên sau, không nhớ được.
Hơn 60 năm qua, hai mẹ con cụ cứ ú ớ với nhau theo ngôn ngữ của người câm. Có những khi cụ không hiểu nổi cô Trả nói gì. Nhiều lúc cụ bật khóc than vãn, đời người đàn bà khổ muôn phần, hết khóc vì chồng lại khóc vì con. Ông trời nghiệt ngã, cướp đi chồng cụ khi còn trẻ khỏe rồi lại tước luôn cả quyền làm người bình thường của con gái cụ.
Trước kia, khi cụ ông còn sống, hai vợ chồng đi làm thuê đất ruộng cho các nhà trong làng. Mang thai con đến tháng thứ 8, cụ vẫn quần quật, lăn lộn ngoài đồng phun thuốc trừ sâu và ném tro thuê cho những gia đình có ruộng ở xã. Thế rồi khi sinh con, do bị ảnh hưởng hóa chất nên con gái không bình thường.
Cụ kể, hồi 2 tuổi cô Trả chậm chạp, chậm ăn, chậm lớn, chậm đi nên cũng nghĩ không có gì nghiêm trọng. Nhưng chờ mãi đến 4 tuổi mà con không bập bẹ gọi mẹ, gọi chị như những đứa trẻ bình thường. Lúc biết con bị câm, không có khả năng nói cụ buồn lắm, xót xa lắm. Mấy năm sau, cụ ông mất đột ngột do cảm nặng. Chức phận làm cha, làm trụ cột trong gia đình cụ lại một mình gánh hết. Không đi bước nữa, người mẹ ấy tảo tần chạy chợ bán rau, nuôi lớn hai con.
Ba mẹ con đùm bọc lẫn nhau ăn bo bo, sắn luộc thay cơm. Cụ nhịn đói chỉ dám uống nước với ăn chuối xanh chấm muối để dành cho con nhỏ. Nước mắt chảy xuôi, ngày trước khi biết con không bình thường, nhiều người mách nước, khuyên cụ bỏ con để đỡ khổ. Nhưng, cụ không cam tâm làm điều bất nhân ấy.
Mang nặng đẻ đau, con không may mắn âu cũng là số phận. Người con cả của cụ lấy chồng ở mãi xa, kinh tế cũng khó khăn năm mới về một lần. Hàng xóm láng giềng thương cho hoàn cảnh hai mẹ con cụ nên chạy đi chạy lại giúp đỡ khi thì mớ rau, khi thì quả cà, lọ mắm.
batrajpg1368416525.jpg

Thi thoảng cô Trạch lại phá lên cười điên dại
Lầm lũi hai phận người
Căn nhà về chiều càng tối tăm, chúng tôi cảm nhận rõ hơn nỗi buồn hiu hắt. Một miền quê nghèo với số phận lắt lay như hai mẹ con cụ Trạch nghĩ mà chạnh lòng. Trong bóng tối, giữa cái nóng đầu hè hầm hập mà cụ Trạch vẫn nằm co ro thu mình trong chiếc chăn mỏng. Đàn muỗi vo ve bâu kín chỗ cụ nằm. Cô Trả quanh quẩn khắp nhà, thi thoảng lại phá lên cười sao mà chua xót. Xung quanh giường là ngổn ngang quần áo, tất mũ không có người dọn.
Một người mẹ già hơn 100 tuổi sớm tối với người con cũng gần chạm ngưỡng tuổi “xưa nay hiếm” như hai cái bóng lầm lũi với nhau. Nhìn vào ánh mắt của hai người đàn bà khốn khổ, tôi thấy sự cùng cực.
Trời tối, mất điện từng đàn muỗi vo ve bủa vây khắp nhà. Góc cụ Trạch nằm là tập trung nhiều nhất vì mọi sinh hoạt cá nhân của cụ đều ở sát giường. Cô Trả cũng biết “ngượng”, biết cả phép lịch sự nữa. Ngồi tỉ tê nói chuyện cạnh cụ, cô ra hiệu bảo chúng tôi đứng lên, chuyển sang ngồi cái chiếu khác. Cô đưa tay lên quệt một vệt dài ngang mũi, hai chân vỗ đồm độp, ý chừng muốn nói: Ra chỗ khác ngồi vì ở giường chưa dọn có mùi hôi. Cụ Trạch cũng hiểu, móm mém cười: “Cứ để cho cô ý ngồi với tao một lúc thì sao?”.
Cô kéo xềnh xệch chúng tôi đi thăm gian buồng cô nằm. Cái giường đơn, từ thời xa xưa lắm, các giát giường mục nát, được kê chéo góc không giống ai. Cô úp mặt xuống chiếu, cười hềnh hệch rồi chỉ ra ngoài góc cụ Trạch, ra hiệu: Ngoài giường cụ có mùi, không ngủ chung được, ở đây sạch sẽ hơn. Bất ngờ cô ú ớ một tràng dài, chăm chú nhìn nhưng chúng tôi không hiểu người đàn bà ấy đang muốn tâm sự những gì. Dường như đã lâu lắm rồi cô bị lãng quên, bị bỏ rơi giờ mới có cơ hội giãi bày.
Gian bếp nhỏ chỉ đủ cho môt người lách vào, hai bên chất đầy cành củi, lá chuối khô. Đấy là thành quả cả ngày cô Trả lang thang khắp các vườn chuối ở xóm giữa sông Hồng. Mấy cái xoong lạnh tanh, vứt chơ chỏng. Bữa cơm đạm bạc chỉ có ít rau lang người hàng xóm cho lúc chiều với hai bìa đậu. Trời tối như bưng, cô dò dẫm từng bước để tìm cây đèn dầu góc nhà. Nhìn đôi bàn tay trơ xương, nứt toác run rẩy thắp đèn rồi hình ảnh tràng cười sằng sặc của cô Trả thật não nề.
Người đàn bà bất hạnh ấy hơn 60 năm nay chỉ lọ mọ quẩn quanh xó bếp, hay góc làng. Nửa già đời người, không biết thế nào là hạnh phúc, là tình yêu, là cuộc sống dung dị như bao con người. Cô sống trong vô thức.
Bữa tối diễn ra, quanh cái mâm méo xẹo, bát rau khoai lang đục ngầu, nát vẩn. Bìa đậu xắt xiên xẹo, hai mẹ con thu lu ở góc nhà dùng bữa. Ú ớ, lạch cạch đôi đũa cũng thành chuyện. Hai mẹ con cụ mỗi ngày chỉ có 2 bữa. Cô giơ 2 ngón tay trước mặt chúng tôi rồi cố giải thích bằng ngôn ngữ “lạ”. Hỏi cụ Trạch, cụ bảo: “Một ngày mẹ con tôi chỉ ăn hai bữa thôi cô ạ, sáng và trưa hoặc sáng và tối. Nếu hôm nào ăn trưa, sáng thì nhịn ăn tối. Từ trưa đến tối chỉ ở nhà có làm gì đâu nên không thấy đói. Tối không ăn là nhịn được một bữa, tiết kiệm được một bữa”.
Chiều tối, xóm nghèo ấy vẫn mất điện. Thấp thoáng mấy ánh nến le lói phía cửa sổ nhà bên. Trong góc tối, cụ Trạch ngồi lặng lẽ mặc kệ cho đàn muỗi vo ve, vây kín. Cô Trả ngồi bệ rạc trước thềm ú ớ gọi với mấy đứa trẻ nhà bên. Bọn trẻ con trêu lại: “Bà Trả câm kìa chúng mày ơi”. Cô lại giậm chân thình thỉnh toan đuổi.
Tết năm nào, con gái cả của cụ cũng về với mẹ được 1, 2 ngày rồi lại phải đi để lo cái tết bên nội. Buồn nhất là mỗi khi tết đến, cặp bánh chưng cũng là cái thứ xa xỉ mà cô con gái mang về biếu mẹ, thêm khoanh giò lụa nữa thế là xong một cái tết. Bao nhiêu năm nay, cảnh ấy cứ lặp đi, lặp lại như thế.
Bóng tối bỗng choàng xuống xóm nghèo như mực tàu đổ tràn xuống giấy trắng. Trong bóng tối những tràng cười sằng sặc của cô Trả khiến người chưa quen giật nảy mình thất kinh. Họ, cụ Trạch và cô con gái đã qua tuổi 60, năm này qua năm khác cứ lầm lũi bấu víu vào nhau mà tồn tại. 102 tuổi, tuổi đại viên mãn để nhẹ nhàng bước sang thế giới bên kia thế mà cụ Trả vẫn còn đau đáu: “Tôi chưa yên lòng nếu ngày mai có thể ra đi. Cái Trả biết sống thế nào”.




 
Back
Top