Coi chừng thiếu máu ở trẻ

thanhlinh

Junior Member
p_tr.gif

Ở trẻ, nhất là nhũ nhi, do cơ quan tạo máu chưa hoàn chỉnh, rất dễ bị thiếu máu. Có khá nhiều bệnh gây thiếu máu ở trẻ. Có thể thiếu máu do rối loạn tiểu cầu, do rối loạn quá trình đông máu đưa đến xuất huyết. Có thể thiếu máu do nhiều nguyên nhân đưa đến hồng cầu bị phá vỡ (được gọi là thiếu máu huyết tán). Có thể thiếu máu do rối loạn tủy xương.
Những bệnh đưa đến thiếu máu vừa kể không thuộc loại phổ biến. Thiếu máu thường hay gặp do thiếu các chất dinh dưỡng như: sắt, vitamin C, acid folic, vitamin B12, chất đạm. Đặc biệt, thiếu máu rất thường hay gặp ở trẻ em dưới 2-3 tuổi là thiếu máu thiếu sắt. Người ta thường xem thiếu máu dinh dưỡng ở nhũ nhi chính là thiếu máu thiếu sắt.

Ta nên biết, trong máu có hồng cầu và chất làm nên màu đỏ của hồng cầu là huyết cầu tố (hemoglobin). Dưỡng chất quan trọng nhất để hình thành huyết cầu tố tức tạo nên màu đỏ của máu là sắt. Thiếu máu dinh dưỡng chính là nồng độ huyết cầu tố bị giảm do thiếu sắt. Nguyên nhân thiếu máu thiếu sắt thường gặp ở trẻ là do trẻ không được cung cấp đủ lượng sắt cần thiết.

Ngay khi mới sinh, trẻ thường có lượng sắt dự trữ (do mẹ truyền sang vào ba tháng cuối của bào thai) đủ cho ba tháng đầu sau sinh. Tuy nhiên, nên lưu ý, nếu trước khi sinh, mẹ bị bệnh thiếu máu, xuất huyết trước hay trong khi sinh, con sinh ra sẽ bị thiếu sắt.

Từ tháng thứ 3 trở đi, dự trữ sắt giảm dần và trẻ cần được bổ sung qua thức ăn. Thức ăn chủ yếu trong giai đoạn này là sữa. Đặc biệt chú ý, trẻ bú sữa mẹ ít có nguy cơ bị thiếu sắt do lượng sắt có trong sữa mẹ cao hơn so với sữa bò; hơn nữa trong sữa mẹ có chất tên là lactoferin giúp trẻ hấp thu tốt sắt. Nếu trẻ bất đắc dĩ phải dùng sữa bò nên lưu ý chọn sữa trong công thức có bổ sung sắt và các chất khoáng cần thiết khác.

Trên 6 tháng, nếu trẻ chỉ bú sữa không thôi và không được cho ăn dặm đều có thể bị thiếu sắt. Hoặc chế độ ăn dặm không đúng, trẻ chỉ được cho ăn bột, cháo, khuấy với muối, đường không thôi, thiếu thịt, cá, gan, trứng, rau xanh..., cũng sẽ bị thiếu sắt. Ngoài chế độ dinh dưỡng không thích hợp, trẻ còn bị thiếu máu thiếu sắt do nhiễm trùng kéo dài, do kém hấp thu vì tiêu chảy lâu ngày v.v...

Ở đây cũng cần kể ra một trường hợp rất đặc biệt là trẻ bị thiếu máu thiếu sắt do mất máu qua đường tiêu hóa mà các bậc cha mẹ không chú ý phát hiện được. Đó là trường hợp trẻ dùng sữa bò bị dị ứng với betalacto globulin là chất có trong sữa bò đưa đến bị viêm dạ dày - ruột, gây chảy máu rỉ rả ở niêm mạc ruột. Số lượng máu bị mất hằng ngày có thể rất ít, mắt thường nhìn phân trẻ đi tiêu không thấy, nhưng nếu kéo dài ngày này sang tháng kia sẽ đưa đến thiếu máu thiếu sắt.
Về triệu chứng, trẻ thiếu máu thiếu sắt có nước da xanh, niêm mạc nhợt nhạt, biếng ăn, kém hoạt bát, đờ đẫn hoặc hay vật vã, quấy khóc. Nếu nặng, dễ đưa đến chậm phát triển thể chất và vận động (chậm biết ngồi, đứng, đi), tóc thưa dễ gãy, dễ rụng, biến dạng móng tay móng chân, gan lách to... Đối với trẻ nhũ nhi, bệnh cảnh thường nhẹ, cha mẹ ít chú ý, dễ bị bỏ sót.

Bệnh thiếu máu thiếu sắt cần được phát hiện sớm để điều trị. Nếu không điều trị, trẻ bị bệnh có thể tử vong do thiếu máu nặng và suy tim. Thường phải điều trị song song bằng thuốc và chế độ ăn giàu đạm với các loại thực phẩm có chứa sắt. Về thuốc, có dạng thuốc uống chứa sắt nguyên tố hoặc dạng thuốc tiêm bắp chứa sắt kết hợp với dextran. Nếu uống, nên uống thêm vitamin C để tăng sự hấp thu sắt qua niêm mạc ruột. Đối với trường hợp thiếu máu nặng hoặc đối với trẻ sinh non dưới 3 tháng tuổi, nhiều khi phải truyền máu.

Điều đặc biệt quan trọng là phòng bệnh thiếu máu thiếu sắt cho trẻ. Nên lưu ý:


  • Tích cực điều trị các nguyên nhân gây thiếu máu ở phụ nữ có thai. Nếu cần, nên bổ sung thuốc chứa sắt và cả acid folic cho thai phụ trong 3 tháng cuối thai kỳ.
  • Đối với trẻ sinh thiếu tháng hoặc sinh đôi nên cho uống thuốc chứa sắt từ tháng thứ ba và cho ăn thêm nước thịt ép, súp rau sớm (từ tháng thứ ba).
  • Đối với trẻ trên 1 tuổi, cần có khẩu phần ăn giàu chất sắt như: thịt, gan, trứng, cá, đậu, mè... Nên tích cực phát hiện và điều trị các bệnh tiêu chảy, nhiễm trùng, nhiễm ký sinh trùng để hạn chế mất chất sắt.
Để làm tốt các điều trên, nếu có gì nghi ngờ, nên đưa trẻ đi khám bệnh và hỏi ý kiến thầy thuốc.

Sức khỏe & Đời sống
 

Attachments

  • 854..jpg
    854..jpg
    18.3 KB · Views: 0
Back
Top