Chảy máu cam

thanhlinh

Junior Member
Chảy máu cam xảy tới khi một vùng mạch máu nhỏ mặt trong hốc mũi bị bể (vỡ). Hiện tượng này có thể do hỉ mũi hay hắt hơi mạnh trong lúc con bạn đang bị cảm thường hay xổ mũi mùa, do bị đập trúng mũi, do bị đâm phải mũi, hoặc do có vật lạ nhét vào mũi; trong trường hợp sau cùng này, máu chảy ra kèm theo một dịch có mùi hôi. Mất máu do chảy máu cam trông có vẻ khiếp lắm nhưng thường là rất ít.
Bệnh có nghiêm trọng không?
Chảy máu cam chắc chắn là không bao giờ nghiêm trọng. Tuy nhiên, nếu con bạn hay bị chảy máu cam mà lại khó cầm máu, hoặc nếu cháu bị chảy máu mũi sau khi bị đập vào đầu, lúc đó thì phải đi khám bác sĩ.
Việc gì có thể làm trước tiên?
Bạn đừng cố làm cầm máu bằng cách đẩy bất cứ cái gì vào trong lỗ mũi. Bạn cho cháu ngồi xuống, cúi đầu ra phía trước, trên cái thau hay bồn rửa chén. Bạn ấn mạnh vào hai bên lỗ mũi, bóp lấy mũi cháu giữa ngón cái và ngón trỏ, ngay ở chỗ cuối xương sống mũi. Bạn hãy bóp như vậy trong 10 phút hoặc tới khi nào hết chảy máu. Đừng để cho con bạn ngửa đầu ra đằng sau trong lúc đang chảy máu cam. Làm như vậy sẽ khiến cho máu chảy xuống phía sau hốc mũi vào bao tử và có thể làm cho khó chịu và gây ói mửa.
Có cần đi khám bác sĩ không?
Hãy đi khám bác sĩ ngay nếu chảy máu cam không cầm nổi sau 30 phút và con bạn bị xây xẩm và tái nhợt đi. Hãy đi khám bác sĩ càng sớm càng tốt nếu bạn cho có thể có một vật lạ trong mũi con bạn, hoặc nếu hiện tượng chảy máu cam xảy ra thường xuyên.
Bác sĩ sẽ có thể làm gì?

  • Nếu con bạn đã bị đập vào đầu, chắc hẳn bác sĩ sẽ sắp xếp cho đi chụp hình X-quang để loại bỏ khả năng bị nứt sọ.
  • Nếu chảy máu cam không cầm được, bác sĩ sẽ nhét đầy gạc vào mũi con bạn để ngăn chặn dòng máu. Việc này sẽ được thực hiện sau khi cho thuốc tê tại chỗ. Dải gạc có thể rút ra sau khoảng hai tiếng.
  • Nếu con bạn có một vật lạ bị nhét vào mũi, bác sĩ sẽ gắp vật đó ra, nếu cần thì sau khi gây tê tại chỗ.
  • Nếu thường hay bị chảy máu cam, bác sĩ có thể giới thiệu con bạn tới bác sĩ chuyên khoa tai, mũi, họng để chẩn đoán. Nếu các vụ chảy máu cam lặp đi lặp lại là do một mạch máu dễ bị bể (vỡ), bác sĩ chuyên khoa có thể đốt mạch máu đó đi. Động tác này có nghĩa là đốt đầu tận cùng của mạch máu đó và được thực hiện sau khi đánh thuốc mê.
Việc gì có thể làm để giúp?
Chớ cho con bạn hỉ mũi trong vòng ít nhất là ba giờ sau một vụ chảy máu cam. Như vậy sẽ khơi lại nguồn chảy máu.

Cẩm nang Chăm sóc và Điều trị bệnh Trẻ em
 

Attachments

  • 863..jpg
    863..jpg
    33.1 KB · Views: 0
Back
Top