Cử nhân chăn vịt, thạc sĩ gia sư

Jolie

Member
TT - Không tìm được việc làm, cử nhân Lê Trung Hiếu đã “tự mình cứu mình” với công việc trông coi vườn và... chăn nuôi vịt. Còn thạc sĩ Đ.T.T. thì bi đát hơn, sau nhiều năm vật vã tìm việc không thành, chị đành bám trụ nghề gia sư để tồn tại qua ngày.
ImageView.aspx
Thạc sĩ Đ.T.T. (phải) từng nộp hồ sơ xin việc khắp nơi nhưng vẫn chưa có nơi nào nhận. Chị T. phải đi làm gia sư để có thu nhập nuôi sống bản thân - Ảnh: Đ.Cường

“Tôi tốt nghiệp ngành công nghệ thực phẩm (một trường ĐH công lập lớn tại TP.HCM, xin không nêu tên - PV) năm 2008. Sau khi “rải” vài chục bộ hồ sơ xin việc, tôi vào làm giám định chất lượng sản phẩm cho một công ty tại Bình Chánh (TP.HCM) với mức lương 2,5 triệu đồng/tháng. Làm được hai năm, công ty gặp khủng hoảng, giảm biên chế và tôi bị sa thải” - cử nhân Hiếu bắt đầu câu chuyện về hành trình xin việc nan giải của mình.
Vớ được cái phao nào thì vớ
Thất nghiệp, Hiếu tiếp tục cầm đơn xin việc đi nộp nhiều hơn nhưng chẳng nơi nào gật đầu. “Lúc ấy bố mẹ ở quê vẫn... trợ cấp cho tôi - Hiếu kể - Sau đó, một người quen có vườn ở Long An thuê tôi xuống trông coi. Vườn này rộng chừng 1ha, tôi ở một mình. Để kiếm thêm tiền, tôi chăn nuôi 100 con vịt để bán. Thời gian ấy cứ 6g tôi thức dậy, xúc lúa cho vịt ăn rồi làm những công việc khác. Làm việc nhà nông nên tôi quần quật từ sáng đến tối. Khi thì cắt cỏ, dọn dẹp. Vườn của người nhờ tôi trông coi còn có cả ao cá, bò, gà nên tôi phải làm luôn tay luôn chân”.
Quần quật như thế, nhưng khi hỏi về thu nhập Hiếu nói vui “vịt ăn hết”. Bạn kể thêm: “Có lứa dư, có lứa hòa vốn nhưng có lứa lỗ do vịt bệnh, chết. Vịt này do người chủ bỏ vốn trên 10 triệu đồng đầu tư, tôi nuôi lấy công làm lời. Khi bán trả lại vốn cho chủ. Nuôi một năm được vài lứa, khi về lại TP.HCM tôi dư được 2 triệu đồng”.
Đến bây giờ Hiếu không nhớ rõ đã nộp bao nhiêu hồ sơ xin việc nhưng chắc chắn là không dưới 50 bộ. “Có nơi tôi nộp trực tiếp, có nơi nộp qua mạng nhưng không thấy hồi âm. Hỏi thăm thì người ta cứ bảo về đợi, đợi mãi. Có lần, tôi đến tòa soạn một tờ báo đăng “người tìm việc” trong mấy kỳ nhưng không nơi nào gọi. Tôi chưa nghĩ đến về quê xin việc nhưng bạn của tôi về quê phải “chạy” hết 70-80 triệu đồng. Về quê xin việc, thứ nhất phải có mối quan hệ, thứ hai phải có tiền. Đôi khi có tiền mà không quen biết cũng đừng mong có việc. Hai cái này tôi không có”.
Hiện Hiếu đang học văn bằng hai ngành ngoại thương của Trường ĐH Kinh tế TP.HCM để tăng cơ hội việc làm cho mình. “Không biết khi học xong có khả quan hơn không. Hiện tôi cũng đang nộp hồ sơ trực tuyến vào một số công ty nhưng chưa thấy hồi âm...” - Hiếu lo lắng.
Long đong thạc sĩ
Học lên thạc sĩ được nhiều cử nhân chọn như là một “lối thoát” trong hành trình đi xin việc. Thế nhưng dù bảo vệ luận văn xuất sắc nhưng có thạc sĩ phải ngậm ngùi đi làm gia sư, thậm chí phụ bán cà phê, làm công nhân... để trang trải cuộc sống. “Tôi đã quá vất vả với hành trình đi xin việc của mình rồi. Suốt ba năm trầy trật từ Nam chí Bắc nhưng vẫn chưa có nơi nào nhận” - thạc sĩ Đ.T.T. chua chát nói.
Năm 2008, chị T. tốt nghiệp sư phạm sinh học Trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng với tấm bằng loại giỏi. Sau đó, T. tiếp tục học cao học và hoàn thành với điểm bảo vệ thạc sĩ loại xuất sắc. “Ngỡ như với tấm bằng đó tôi sẽ có cơ hội được làm giáo viên, nhưng có cầm hồ sơ đi gõ cửa từng nơi mới thấm thía” - T. kể lại với giọng buồn buồn.
Nhận bằng thạc sĩ vào năm 2010, chị T. đến nộp hồ sơ tại Sở GD-ĐT TP Đà Nẵng và chờ kết quả. Suốt thời gian này để có tiền xoay xở cuộc sống, thạc sĩ T. vẫn cọc cạch trên chiếc xe đạp chạy sô làm gia sư với 5-6 suất/ngày để nhận thù lao hơn 2 triệu đồng/tháng. Chờ đợi không có hồi âm, nghe thông tin một trường CĐ ở Khánh Hòa rao tuyển vậy là T. dồn hết tiền gia sư đón xe vào nộp hồ sơ. “Trong đó yêu cầu nộp hồ sơ và duyệt trực tiếp nên phải chạy ra chạy vô 2-3 lần. Cuối cùng cũng thành công cốc” - T. nén tiếng thở dài.
Sau lần đó, chị lại tiếp tục “hành trình” gia sư và nuôi mộng kiếm một chân giáo viên. Khi nghe thông tin một trường ĐH ở tỉnh Nghệ An tuyển dụng giảng viên, T. lại hăm hở mang theo bộ hồ sơ lên đường. Kết quả cũng như những lần trước. Chị cầm hồ sơ đi Huế, Đồng Nai... nhưng tất cả đều vô vọng.
“Tôi quay lại Đà Nẵng làm gia sư để có tiền nuôi sống bản thân” - T. ngậm ngùi nói. Có tết không về nhà, T. xin đi bưng bê cà phê cho một quán trên đường Nguyễn Tri Phương (Đà Nẵng). Không ngờ khách đến uống cà phê vào ngày mồng 1 tết chính là những đứa học trò T. đang dạy kèm. “Học trò hỏi sao cô không về quê ăn tết với gia đình. Nghe thế, tôi ứa nước mắt” - thạc sĩ T. nghẹn giọng.
Thạc sĩ Phan Thị Trang Nhung (trú Q.Sơn Trà, Đà Nẵng) cũng rơi vào tình cảnh không sáng sủa hơn. Tốt nghiệp sư phạm ngữ văn (ĐH Sư phạm Đà Nẵng) năm 2010 với tấm bằng loại giỏi, Nhung tiếp tục học và nhận bằng thạc sĩ. Vậy nhưng con đường xin việc của Nhung cũng lắm chông gai. Hàng chục bộ hồ sơ gửi đến phòng giáo dục, rồi ĐH Đông Á, ĐH Duy Tân, trường THPT tư thục... nhưng tất cả đều không có hồi âm.
Bà Lê Thị Giỏi (mẹ Nhung) kể: “Đi nộp hồ sơ xin việc đến phát ốm mà chẳng có tăm hơi gì. Nghĩ mà thương con”. Hết đường, Nhung phải đi làm gia sư, rồi làm công nhân thời vụ để có thêm đồng lương ít ỏi giúp đỡ cha mẹ. Bà Giỏi cho biết thêm: “Hôm vừa rồi trong buổi tiếp xúc cử tri của ông Nguyễn Bá Thanh - trưởng Ban Nội chính T.Ư, tôi đứng lên phát biểu ý kiến là nhiều thạc sĩ hiện nay vẫn thất nghiệp. Qua tìm hiểu hoàn cảnh gia đình, ông Thanh đã bút phê vào hồ sơ xin việc của con tôi”.
Trường hợp của thạc sĩ V.T.T. cũng long đong không kém. Năm 2010, T. nhận bằng thạc sĩ lý luận văn học (Trường ĐH Sư phạm Huế) và mang hồ sơ đi gõ cửa khắp nơi nhưng đều không được. Để rồi tấm bằng thạc sĩ giờ phải cất trong tủ, còn T. thất nghiệp suốt ba năm nay và sống nhờ đồng lương công chức của chồng.
ĐOÀN CƯỜNG



Xin qúy bạn ủng hộ các nhà tài trợ của chúng tôi . Thành thật cám ơn







 
Back
Top