Cảm động chuyện cụ già cả đời làm từ thiện

Jolie

Member
Đến thị trấn Chũ, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang, không khó để người ta tìm được "ông Thành từ thiện". Ai cũng biết đến ông cụ như một người làm từ thiện... bẩm sinh.
Năm nay đã 80 tuổi, nhưng ông Thái Văn Thành chưa bao giờ có ý định từ bỏ công việc từ thiện của mình. Ngày nào cũng như ngày nào, mang trên mình chiếc áo có chữ thập đỏ, ông đi bộ khắp thôn cùng ngõ hẻm, đến từng nhà vận động quyên góp giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn.
“Từ cái nghèo, bất hạnh mà thương người nghèo”
Bước vào ngôi nhà đơn sơ, hình ảnh đập vào mắt chúng tôi là chiếc hòm có gắn hình chữ thập đỏ ông cụ treo ngay gian giữa. Nhà tuy không được khá giả nhưng đồ đạc được chủ nhân xắp xếp khá gọn gàng.

t384691.jpg


Ông nâng niu những phần thưởng mà Hội Chữ thập đỏ TW tặng như những gì quý giá nhất trong cuộc đời - Ảnh: Quang Anh.
Những ngày nắng nóng kkiến ông cụ đổ bệnh. Biết chúng tôi tìm hiểu về công việc từ thiện, ông cụ lại tưng bừng tiếp chuyện.
Sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo tại tỉnh Quảng Nam- Đà Nẵng (cũ), năm 1954 ông tập kết ra Bắc. Vào quân đội và chiến đấu tại chiến trường Đông Nam Bộ, sau ông lại trở về Bắc lập gia đình.
Khách đến thăm ngạc nhiên về động lực khiến ông cụ bỏ hết tâm huyết của mình vào công việc từ thiện, im lìm giây lát, ông cụ nói: “Tôi sinh ra và lớn lên trong một gia đình quá nghèo. Rồi trải qua những cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ nó cực như thế nên mình hiểu những người cơ cực và bất hạnh”.
Mùa vải năm 1973, bất hạnh đã đổ xuống gia đình ông. Trong cái nắng tháng năm như thiêu như đốt, ông cụ đi dự một cuộc họp quan trọng, hai người con ở nhà nghịch giữa trời nắng và bị màng não mất một người, còn một người cũng bị ảnh hưởng đến ngày nay.
Ông cụ kể lại mà không cầm được nước mắt, nấc nghẹn từng câu: “Chẳng thà tôi chịu kỷ luật chứ không để con chết, ở nhà với chúng nó thì đã chẳng ra nông nỗi này…”.
Nói đến đây, ông cụ mang cho chúng tôi xem ảnh cưới của người con thoát chết trong cái tháng 5 đổ lửa đó. Và tự hào nói: “Dù nó bị viêm não nhưng cũng có vợ rồi đấy. Hiện nay ở tận trong Bình Dương. Tôi phải đổi họ cho nó để cho dễ nuôi chứ họ tên thật của nó là Thái Quảng Ninh”.
Vừa nói chuyện, ông cụ vừa lật những trang truyện Kiều, lật đến trang rách bỗng trong 2 từ đôi mắt già nua lăn xuống những giọt nước mắt. Ông lí nhí từng câu: “Bà xã bị thần kinh (cũng bị viêm não), học trước quên sau, chữ nghĩa ko có. Chẳng biết trân trọng cuốn truyện quý thế này… trang rách này là do bà ấy”.
Làm từ thiện là bẩm sinh
Xuất thân từ một gia đình nghèo khổ, và trải qua quá nhiều những đắng cay của cuộc đời nên ông cụ rất hiểu và cảm thông cho những người có hoàn cảnh đặc biệt. Năm 1973, ông Thành về hưu, có lẽ đây là thời gian bắt đầu cho “chiến dịch” làm từ thiện.
Ngày đó, ông trồng cây thuốc Nam chữa bệnh cho người nghèo. Ông Thành tâm sự: “Tôi thương những người bị bệnh mà không có tiền đi viện, mình cũng nhiều lần rơi vào hoàn cảnh đó mình hiểu cháu ạ”.
Chúng tôi tò mò hỏi ông bắt đầu làm từ thiện từ khi nào, ông cụ cười sảng khoái: “Chắc là bẩm sinh! Chẳng biết từ khi nào nữa. Thấy người nghèo là tôi thương thôi, ngay cả trong quân đội tôi thấy ai có hoàn cảnh khó khăn tôi tìm cách giúp đỡ bằng được”.
Bên cạnh việc trồng cây thuốc Nam cứu người, ông cụ còn trồng cây làm kinh tế và thường xuyên cung cấp cây giống, tư vấn cách chăm sóc cho những người nghèo trong huyện.

t384693.jpg


Ông thường đọc báo để tìm kiếm những số phận đáng thương rồi mang tiền quyên góp được đến giúp đỡ
Hiện nay, lương hưu được khoảng 2,5 triệu, hàng tháng ông cụ trích 500 nghìn để gửi cho người nghèo. Làm từ thiện một mình mãi, ông cụ nhận thấy chỉ dựa vào hoàn cảnh của gia đình và đồng lương hưu thì không thể giúp đỡ được nhiều người. Vì vậy, năm 2002, ông cụ đã quyết định lập sổ “tấm lòng vàng” rồi đi đến Hội chữ thập đỏ huyện xin dấu chứng nhận…
Nghĩ lại chuyện hồi đó, ông cụ nghiêm nét mặt nói: “Mình phải làm bài bản như vậy mới có hiệu quả, có tổ chức đàng hoàng, đi xin quyên góp người ta mới tin”.
“Chú xem, cái này có thể nói là cái sáng tạo nhất trong cuộc đời làm từ thiện của tôi…” - ông cụ lễ mễ bưng chiếc hòm gỗ có dán chữ thập đỏ với dáng vẻ đầy tự hào.
Đặt nhẹ nhàng trước mặt chúng tôi, ông cụ đon đả: “Tự tay tôi làm đó, tất cả tôi làm gần chục cái hòm như thế này, mỗi chỗ tôi đặt một cái, như: Kho bạc huyện Lục Ngạn, tín dụng của thị trấn Chũ, điện lực huyện, ủy ban huyện và cả khu Lê Hồng Phong (là khu dân cư ông đang sống), tất cả cái hòm này tôi giao chìa khóa cho cơ quan đó trực tiếp quản lý”.
Và ngay tại nhà mình, ông cụ cũng đặt một chiếc hòm từ thiện, nếu có khách vào chơi là lại đút tiền vào đó. Rồi ông cụ khoe: “Anh trưởng khu đến đây phát lương hưu cho tôi lần nào cũng đút tiền vào cái hòm này đấy, rồi thư thoảng có người vào chơi cũng bỏ dăm ba nghìn”.
Nhưng ông nhớ nhất lần "kiếm tiền" để làm từ thiện: "Có người cho tôi vé máy bay vào Nam thăm con nhưng tôi đã bán vé và mua vé tầu, lấy lại được tí tiền dùng để cho người nghèo”.
Việc chồng say mê làm từ thiện nhiều khi khiến vợ ông phàn nàn, nhưng ông đã thuyết phục và nói với vợ: "Tuy tôi gày gò, da bọc xương thế này nhưng tâm hôm tôi thanh thản, đó là do tôi làm việc thiện. Trời phật cũng thương tình cho tôi sức khỏe. Làm từ thiện là cho đến khi chết tiếng thơm vẫn còn mãi".
Trong cuốn sổ “Tấm lòng vàng” của ông cụ, dày đặc những tên người ủng hộ. Cảm động trước nghĩa cử cao đẹp của ông Thành, nhiều người đã để lại những dòng lưu bút xúc động, chúc ông giữ gìn sức khỏe để tiếp tục thực hiện công việc của mình.
Với những hành động và nghĩa cử cao đẹp của mình, ông đã được nhận nhiều giấy khen, bằng khen của hội Chữ thập đỏ từ cơ sở đến Trung ương. Với ông Thành, đó là những phần thưởng quý giá, nhưng cái tên “ông Thành từ thiện” mà mọi người trìu mến gọi mới là điều vô giá nhất mà không bao giờ mất.
Theo Vietnamnet​
 
Back
Top