Cạm bẫy và những góc khuất của nghề PG

Jolie

Member
Những tình huống "hút chết"
Nghề nào thì cũng có những mặt trái của nó và người ta phải chấp nhận những rủi ro. Trong quá trình làm việc, chuyện nữ nhân viên bị trêu ghẹo, sàm sỡ là hết sức bình thường. Tuy nhiên đối với những nữ sinh mới vào nghề, chưa có kinh nghiệm xử lí, thì đó là cả vấn đề nan giải.
Bạn Nguyễn Thị L. (sinh viên năm cuối trường đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội) cho biết: "Tôi vào nghề đã được hơn 1 năm, dù chỉ PG mặt hàng sữa tắm trong một siêu thị nhưng chuyện bị trêu ghẹo, thậm chí gạ tình là hết sức bình thường. Nếu không khéo léo xử lí thì người chịu thiệt bao giờ cũng là mình". Theo L. hiện có nhiều sinh viên mới vào làm chưa quen việc, phản ứng thái quá với khách khiến cho cả khu vực bán hàng ầm ĩ, "sôi động" hẳn lên. Cả khách và người bán đều mất uy tín với những người xung quanh. Sau cùng, vừa bị áp lực của quản lí, vừa bị áp lực công việc, nhiều người phải bỏ dở giữa chừng.
5bf6a2af634181a5ed8a4e4f970cf168-1.jpg

Những "công ty ma" thường bắt nhân viên bán hàng trực tiếp cho khách. (ảnh chỉ mang tính minh họa)
Trong nghề PG thì PG rượu được coi là nghề "hot" vì thu nhập cao nhưng cũng chứa nhiều rủi ro nhất. Nguyễn Thanh H. (sinh viên trường Cao đẳng Tài chính Hà Nội) kể: "Hiện tại, tôi đang làm PG rượu cho một công ty. Nếu đạt được doanh số bán hàng "cứng" mà công ty đặt ra thì tôi được hưởng lương cứng là 5 triệu đồng. Ngoài ra, bán vượt doanh số bao nhiêu thì ăn "hoa hồng" bấy nhiêu. Trung bình mỗi chai bán vượt doanh số, tôi nhận được 20.000 đồng. Có nhiều sinh viên không uống được rượu, trong khi yêu cầu của nghề là phải biết uống rượu nên đôi khi cũng gặp những cảnh dở khóc, dở cười. Có người đồng nghiệp của tôi uống đến mức không biết trời đất là đâu nữa, quậy phá lung tung, chúng tôi phải nhờ taxi đưa về. Vừa mất công, vừa mất việc".
Ngoài những trận rượu tai hại như vậy, chuyện khách lợi dụng lúc say để có những hành động sàm sỡ với nữ nhân viên là "như cơm bữa". Có những người còn bạo dạn hơn, họ trực tiếp đề nghị nếu chịu "thân mật" với họ, thậm chí là "bồ" của họ thì những nữ nhân viên "tiền ăn tiêu khỏi phải lo", PG tên H. nói. Cũng theo H., thời gian đi làm PG rượu có một anh chàng theo đuổi nhưng H. không ưng. Một hôm anh ta đặt tôi 10 chai rượu mang đến phòng riêng. Khi mang đến, anh ta đóng cửa lại và đòi "thân mật". Anh ta hứa sẽ cho tôi nhiều tiền để trang trải cuộc sống. Nhưng may lúc ấy chưa chốt cửa nên tôi chạy thoát.
Ngoài những nguy hiểm rình rập trong quá trình làm nghề PG, những nữ nhân viên còn phải đối mặt với những nguy cơ tiềm ẩn từ những vị sếp "có máu dê". Bạn Vũ Thị Khánh Th. (sinh viên trường đại học Nội Vụ) cho biết: "Trong một dịp đi liên hoan đội, vị quản lí cứ vờ say để ngồi cạnh và đụng chạm, sàm sỡ tôi. Tôi biết ý chạy qua chỗ khác thì anh ta cứ sấn vào và có những hành vi rất là thô bỉ. Quá tức giận trước những hành vi đó, tôi vùng chạy ra ngoài và bỏ về. Trong lúc ấy, cả đội PG chẳng ai có phản ứng gì. Có lẽ họ quá quen với hình ảnh này rồi".
Điều quan trọng là từ hôm đó Th. bị quản lí ghét, thù và cố ý làm khó trong công việc. Nhưng do chưa tìm được công việc phù hợp nên Th. vẫn phải cắn răng đi làm tiếp. Nhưng dù có làm tốt đến mấy, Th. vẫn bị phát hiện lỗi, rồi bị trừ lương. "Sang tháng mới, hắn rao riêng cho tôi chỉ tiêu là phải bán được hơn 250 chai rượu thì mới được hưởng lương cứng. Không những mang doanh số ra làm khó mà hắn còn nghĩ ra đủ lí do để làm bẽ mặt tôi trước đồng nghiệp, bạn bè. Quá ức chế tôi đã quyết định bỏ việc", Th. ấm ức bộc bạch.
Đã vậy, chuyện những nhân viên PG bị chủ quỵt tiền hoặc nợ lương không phải là hiếm. Khánh Th. cho biết: "Họ sẽ trả tiền theo hình thức gối hoặc gối một phần lương. Nếu người nào bỏ việc thì chắc chắn sẽ mất khoản tiền gối đó. Họ đánh vào tâm lí của sinh viên nghèo để lợi dụng. Thậm chí, có nhiều nơi sinh viên làm theo thời vụ, hết công việc chủ cũng cắt luôn liên lạc. Sinh viên đa phần lại liên hệ qua trung gian nên khi bị quỵt tiền cũng không dám đòi và có trường hợp thì chẳng biết đòi ai".
2a5c697b512c185dfb348f0fc6b81539-2.jpg

Thông qua PG, nhiều nữ sinh viên vô tình trở thành kẻ tiếp tay cho hành vi bán hàng giả. (ảnh chỉ mang tính minh họa)
Nguy cơ dính "bẫy" như chơi!
Thị trường hiện nay đang bùng nổ dịch vụ PG và nhiều "công ty ma" đã lợi dụng điều đó để kiếm lợi phi pháp. Dựa vào ảo tưởng về một công việc nhẹ nhàng, mức lương hấp dẫn của sinh viên mà nhiều "công ty ma" đã lừa gạt để biến sinh viên thành những kẻ buôn hàng giả. Nếu không cẩn thận, nhiều sinh viên sẽ "dính" vòng lao lí.
Thanh T. (admin của trang vieclam.com) cho biết: "Thông tin mà chúng tôi đăng tải đa phần là tuyển dụng cho các công ty. Thông thường các công ty quảng cáo sẽ để phần chiết khấu hoa hồng khá cao, kèm theo những điều kiện làm việc chuyên nghiệp như: Đồng phục đi làm, logo chuyên biệt, địa điểm phù hợp... nên nhiều bạn sinh viên tin ngay mà không mảy may nghi ngờ gì cả".
Hiện nay hàng giả, hàng kém chất lượng rất khó tiêu thụ bởi người dân ngày càng đề cao cảnh giác. Chuyện đưa loại hàng này vào các đại lí lớn hoặc các siêu thị để tiêu thụ càng khó khăn hơn. Bởi vậy những kẻ kinh doanh hàng giả thường lập các "công ty ma", sau đó thuê người (mà đa phần là sinh viên) đem bán cho người dân. Đặc điểm của những công ty này là các nhân viên không bao giờ được tiếp thị ở những khu trung tâm mua sắm lớn mà chủ yếu bán ở các công viên, chợ hay những khu vực đông người qua lại. Thời gian bán hàng ngắn, "chớp nhoáng" trong khoảng nửa ngày hoặc một ngày và phải liên tục thay đổi chỗ bán để "né" những lực lượng kiểm tra của cơ quan Quản lý thị trường.
Bạn Nguyễn Hoàng V. (sinh viên trường đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội) cho biết: "Khi được nhận vào làm việc, công ty sẽ cử một người quản lí xuống và cho những sinh viên mới vào đi học một lớp kĩ năng gọi là khóa huấn luyện kĩ năng tiếp thị sản phẩm. Mỗi khóa huấn luyện như vậy kéo dài từ 5 - 7 ngày". Theo V., thực chất những lớp như vậy là để dạy cho nhân viên cách nói dối và thuyết phục khách mua hàng. Ngoài ra, mỗi người còn được trang bị những bài học nhằm đối phó với cơ quan chức năng khi họ đột xuất kiểm tra. Nhưng với tài ăn nói của mình, các quản lí đã lừa sinh viên PG tin những mặt hàng đó là hàng chuẩn mà không hề nghi ngờ gì. Vậy là cả người tiếp thị lẫn người mua đều bị những tay bán hàng giả cho "vào tròng" một cách "ngọt ngào".
Lương cứng trung bình mỗi tháng là 3 triệu đồng chưa tính phần trăm bán sản phẩm. Công việc lại có tính cạnh tranh nên không khó hiểu vì sao những công ty dạng này bao giờ cũng thu hút được nhiều sinh viên vào làm. "Nhờ vào những chiêu thức tinh vi như vậy mà những kẻ buôn hàng giả đã biến những sinh viên thành kẻ tiếp tay cho hành động phạm pháp của mình. Đến khi bị phát hiện, họ lại phủi tay làm ngơ", V. nói.



 
Back
Top