Bà Suu Kyi cam kết dẫn dắt chính phủ

T

T$

Guest



150818151503_aung_san_kuu_kyi_624x351_ap_nocredit.jpg
Image copyright
AP



Image caption

Theo Hiến pháp Myanmar, bà Suu Kyi không thể trở thành tổng thống

Lãnh tụ đối lập Myanmar Aung San Suu Kyi tuyên bố sẽ lãnh đạo đất nước nếu Liên đoàn Dân tộc vì Dân chủ (NLD) của bà lên nắm quyền trong cuộc bầu cử sắp tới.
Điều này bất chấp thực tế rằng theo Hiến pháp, bà không đủ điều kiện làm tổng thống do lấy và có con với người nước ngoài.
Cuộc bầu cử lịch sử ngày 8/11 tới là lần đầu tiên có tranh cử tự do ở nước này trong 25 năm qua. NLD được trông đợi sẽ giành hầu hết các ghế.
"Tôi nói rõ rằng nếu NLD giành chiến thắng trong cuộc bầu cử và thành lập chính phủ, tôi sẽ là người lãnh đạo của chính phủ dù có là tổng thống hay không", bà Suu Kyi cho biết trong cuộc phỏng vấn với India Today TV.
Myanmar không có thủ tướng và tổng thống, người được Quốc hội bầu ra, đứng đầu cả nhà nước và chính phủ.
[h=2]'Tại sao không?'[/h]Phóng viên BBC tại Myanmar cho biết hiện vẫn chưa rõ làm thế nào bà Suu Kyi có thể điều hành chính phủ trong khi bị cấm làm tổng thống.
Tuy nhiên bà chưa bao giờ che giấu tham vọng làm tổng thống và ở cương vị lãnh đạo không có đối thủ của NLD, chắc chắn bà sẽ là người lập chính sách cho một chính phủ mà đảng này chiếm đa số.
Việc bà Suu Kyi không chọn một người phó cho mình dấy lên câu hỏi “Ai sẽ lãnh đạo chính phủ?” nếu NLD giành chiến thắng áp đảo và chiếm đa số ghế trong Quốc hội, nơi mà 25% ghế được phân bổ cho quân đội.
Trong một số phát biểu về vấn đề này, bà Suu Kyi từng nói rằng người đứng đầu chính phủ phải là bà chứ không phải ai khác, vì bà lãnh đạo đảng.
"Tại sao không? Quý vị có nhất thiết phải trở thành tổng thống mới lãnh đạo một đất nước hay không?" bà đặt câu hỏi.
Người được giải Nobel Hòa bình bác bỏ ý kiến cho rằng bà theo hình mẫu của bà Sonia Gandhi, lãnh đạo đảng Quốc đại Ấn Độ và là người có quyền lực đáng kể trong hậu trường chính phủ trước của Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh.








Image caption

Bà Suu Kyi bị chỉ trích vì không lên tiếng bênh vực cộng đồng thiểu số Hồi giáo Rohingya

Jonah Fisher, phóng viên BBC tại Yangon phân tích:
Chỉ còn hơn một tháng nữa, Myanmar sẽ tổ chức cuộc bầu cử tương đối tự do đầu tiên trong 25 năm. Đó sẽ là một thời khắc quan trọng trong sự chuyển dịch thoát khỏi cô lập và chế độ độc tài quân sự, nhưng không quan trọng bằng các cuộc đàm phán tiếp theo sau đó. Và việc định vị sau tranh cử đã bắt đầu.
Bà Suu Kyi phát biểu rất mạnh bạo, tuy vậy thực trạng chính trị của Myanmar là bất cứ điều gì không được phe quân đội chấp nhận thì thường là thất bại.
Nhiều người nghĩ rằng kết quả khả dĩ nhất của cuộc bầu cử là Tổng thống Thein Sein vẫn tại vị thông qua thỏa thuận với các đảng phái khác, hay có thể là trực tiếp với bà Suu Kyi.
Bà Suu Kyi từng giành một ghế trong nghị viện vào năm 2012 trong bối cảnh cải cách của chính phủ dân sự được quân sự hậu thuẫn lên nắm quyền năm 2011, kết thúc nửa thế kỷ cai trị của quân đội.
Bà Suu Kyi tuyên bố NLD sẽ đề cử một thành viên dân sự của đảng làm ứng viên tổng thống nếu chiến thắng vào tháng tới, chứ không phải là một ứng viên quân sự.
Bà nói cuộc tổng tuyển cử lần này là "cuộc bầu cử quan trọng nhất trong lịch sử của nước Miến Điện độc lập".
[h=2]‘Bất khoan dung gây quan ngại’[/h]Trong lần tham gia tổng tuyển cử gần nhất vào năm 1990, đảng của bà Suu Kyi đã giành chiến thắng áp đảo. Nhưng giới quân nhân cầm quyền lúc đó đã không công nhận kết quả và quản thúc bà Suu Kyi tại gia trong 15 năm.
Đảng cầm quyền USDP được sự hậu thuẫn của quân đội, đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2010.
Trong cuộc phỏng vấn với India Today TV, bà Suu Kyi cũng phản bác chỉ trích rằng bà đã không lên tiếng về việc truy bức cộng đồng thiểu số Hồi giáo Rohingya tại bang phía tây Rakhine.
Bà thừa nhận có "những dấu hiệu đáng lo ngại của tình trạng bất khoan dung tôn giáo" ở Myanmar nhưng nói ‘lên án gay gắt’ không phải là cách thức để đạt được hòa giải.
NLD cũng bị chỉ trích vì không có ứng cử viên Hồi giáo trong cuộc tổng tuyển cử lần này.


Theo BBC Vietnamese
 
Back
Top